World Cup 2014

Brazil: Phẫn nộ xã hội làm rung chuyển Cúp Bóng đá 2014

Cập nhật lúc 10-06-2014 19:23:21 (GMT+1)
Nhân viên xe điện đình công tại Sao Paulo.

 

Hai ngày trước khi Giải vô địch Bóng đá thế giới lần thứ 14 khai mạc tại Brazil, không khí xã hội tại quốc gia này hết sức căng thẳng, với bãi công diễn ra liên tục và biểu tình tại nhiều thành phố lớn. Kể từ nhiều tháng nay, các phẫn nộ xã hội đang trào dâng tại quốc gia chủ nhà World Cup, khiến Giải vô địch Bóng đá thế giới có thể bị cản trở.


Tháng 5/2013, việc tổ chức Giải vô địch Bóng đá thế giới đã gây ra một làn sóng phản kháng mạnh tại Brazil, và kể từ đó, phong trào tiếp tục không ngừng nghỉ. Vào thời điểm đó, hơn nửa triệu người đã xuống đường trong nhiều tháng, để thét lên những tiếng kêu phẫn nộ của họ trước thực trạng bất bình đẳng nghiêm trọng, mà việc chính quyền tăng giá giao thông là một yếu tố kích phát đầu tiên. Những người biểu tình chống lại việc giá cả đắt đỏ, chống lại nạn tham nhũng và lên án chính sách bảo vệ lợi ích các thân hữu của chính phủ hiện hành.

Đây là cuộc nổi dậy xã hội chưa từng có tại Brazil, quốc gia thoát khỏi chế độ độc tài từ năm 1985. Cách đây ba năm, nguyên Tổng thống Lula còn nhận được sự ủng hộ của đến 80% dân cư. Tuy nhiên, kể từ đó, môi trường xã hội Brazil trở nên tồi tệ đi, và hiện tại chính sách của chính quyền do Tổng thống Dilma Rousseff – người kế tục ông Lula - lãnh đạo, gây nhiều giận dữ trong công chúng. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1998, Brazil đã nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nhưng nếu như trong vòng 10 năm, quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này đã thành công vực dậy nền kinh tế, thì các bất bình đẳng còn rất nghiêm trọng. Là nền kinh tế thứ bảy thế giới và thứ hai của Châu Mỹ - sau Hoa Kỳ -, Brazil còn nhiều nỗ lực phải làm để một bộ phận dân cư quốc gia này thoát khỏi tình trạng nghèo đói trầm trọng.

Những người biểu tình mong đợi ở chính phủ các hành động cụ thể về chính sách giáo dục, y tế, đô thị, chứ không phải việc xây dựng các sân vận động đắt giá, cùng các cơ sở hạ tầng liên quan. Rất nhiều người dân Brazil xuống đường để phản đối các khoản chi khổng lồ, từ công quỹ, để tổ chức Cúp thế giới. Hiện tại, khoảng 170.000 cảnh sát và quân nhân đã được triển khai tại 12 thành phố, để bảo vệ các cuộc thi đấu tại World Cup. Ngân sách dành cho việc bảo vệ Cúp thế giới của Brazil là 840 triệu đô la, cao gấp 5 lần, so với Cúp bóng đá năm 2010, tổ chức tại Nam Phi.

Để phục vụ ngày hội thể thao lớn này, Brazil chuẩn bị đón ba triệu khách du lịch, tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài hội hè đó là một hiện thực kinh tế xã hội, với câu hỏi lớn ám ảnh mọi người dân : « Cúp thế giới này là vì ai ? ». Chắc chắn là Brazil chờ đợi thu được 4,5 tỷ đô la, nhưng chính phủ đã đầu tư 11 tỷ để tổ chức, và tất cả các khoản đầu tư không phải đều được rót đúng hạn. Một khi Cúp bóng đá kết thúc, đâu sẽ những lợi ích thực sự mà đất nước được hưởng ?

Căn cứ trên tỷ lệ tăng trưởng thấp của quốc gia này kể từ năm 2011, cơ quan thẩm định tài chính Moody’s nhận định rằng tác động của World Cup đối với kinh tế địa phương sẽ là không đáng kể. Để trấn an, nữ Tổng thống Brazil tuyên bố phần lớn các đầu tư công cho Giải vô địch Bóng đá nhằm mang lại lợi ích « cho Brazil », chứ không phải cho Cúp thế giới.

Các phong trào phản kháng hiện nay tại Brazil có thể đe dọa diễn biến của chính Cúp bóng đá. Nếu như, theo dòng thời gian, các cuộc biểu tình phản đối đã suy yếu, thì gần đây một lần nữa chúng lại bắt đầu lôi cuốn nhiều người tham gia. Việc tổ chức Giải thế giới này chính là dịp để người Brazil đưa trở lại ra công luận các yêu sách, đặc biệt về lương bổng, với hy vọng đạt được các nhượng bộ từ phía chính quyền. Hơn 10.000 nhân viên ngành xe điện ngầm của thành phố Sao Paulo biểu tình từ 5 ngày, tính đến hôm qua, để đòi tăng 15% lương. Trước đó, hồi tháng 5/2014, các cảnh sát Brazil cũng đã biểu tình để phản đối các điều kiện làm việc và đòi tăng lương.

Phong trào biểu tình tại Sao Paulo, thành phố 20 triệu dân, có thể làm tê liệt buổi khai mạc Giải vô địch hôm thứ Năm tới. Ngày thứ Năm, Brazil sẽ gặp Croatia trong trận đấu khai mạc Cúp thế giới, mà dự kiến được ít nhất 1 tỷ khán giả sẽ theo dõi qua truyền hình.

Mặc dù, tư pháp Brazil cho rằng các cuộc biểu tình nói trên nhìn chung là bất hợp pháp và đưa ra những đòi hỏi thái quá, nhưng chính phủ Brazil khẳng định tôn trọng quyền biểu tình, với điều kiện không có bạo động. Tình hình hiện nay rất tế nhị với Tổng thống Brazil, vì chỉ còn ít tháng nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống tháng 10/2014.

Theo tin giờ chót, tối qua, lãnh đạo bãi công Sao Paolo tuyên bố ngưng cuộc bãi công, nhưng đe dọa sẽ tiến hành trở lại, nếu 60 nhân viên xe điện ngầm bị sa thải không được nhận lại.

Nguồn: Trọng Thành/RFI

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo