Vụ án

Y án tử hình Nguyễn Đức Nghĩa, hung thủ vụ “xác không đầu”

Cập nhật lúc 11-11-2010 05:26:22 (GMT+1)
Nghĩa khóc tức tưởi khi hay tin bố qua đời vì tai nạn giao thông

 

Trưa 11/11, HĐXX đã giữ nguyên hình phạt, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Không chấp nhận toàn bộ đơn kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên Nguyễn Đức Nghĩa tử hình.


12h05: HĐXX trở lại phòng xử án để tuyên án...

HĐXX đã giữ nguyên hình phạt, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Không chấp nhận tòan bộ đơn kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên Nguyễn Đức Nghĩa tử hình. Trong thời hạn 7 ngày, kể tử ngày bản án có hiệu lực, bị cáo có quyền gửi đơn lên Chủ tịch nước để xin giảm án phạt.

Ngay sau khi nghe tuyên án, Nguyễn Đức Nghĩa đã đứng yên, khuôn mặt không hề biến sắc.

Còn bà Phạm Thị Chuân đã khóc to.

Nguyễn Đức Nghĩa bị đưa ra khỏi phòng xét xử rất nhanh sau đó.

Trao đổi với báo chí, LS Nguyễn Anh Thơm, bào chữa cho Nguyễn Đức Nghĩa, nói: Bản án phúc thẩm đã xem xét rất nhiều đến các tình tiết giảm nhẹ mới như bồi thường, bố chết... Nhưng tính chất, mức độ, hành vi của bị cáo đã gây nên là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội và gia đình nạn nhân, HĐXX đã tuyên 1 bản án, theo quan điểm của tôi là cũng có nhiều đau xót, nhưng nói chung cũng đã xác định với gia đình.

Việc Nghĩa phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc nhất, luật sư và gia đình đã lường trước được, nên phần tuyên bản án là phải tôn trọng HĐXX. Họ đã đánh giá tất cả các mặt pháp lý, nhân đạo... Nhưng do tính chất, hành vi của Nghĩa gây ra, rất khó thay đổi được.

Sau khi kết thúc phiên tòa, ông Nguyễn Văn Ba, bố nạn nhân nói: "Tôi nhất trí với tính công minh của HĐXX, không chỉ cho gia đình mà cho cả xã hội".

11h30, kết thúc phần tranh luận.

Trước khi tòa nghỉ đề chờ nghị án, bị cáo Nghĩa được nói lời sau cùng:

"Tôi xin lỗi gia đình chú Ba, tôi đã gây nên nỗi đau quá lớn! Xin lỗi đến gia đình đã gây hậu quả rất nghiêm trọng. Tôi mong ở 1 góc độ nào đó tôi được khoan hồng".

Nói đến đây, bị cáo lại khóc.

Rồi nói tiếp: "Khi biết được tin người cha của tôi không còn trên đời này nữa, tôi lại khát khao được sống, được quay lại với gia đình, xã hội...".

"Đứng trên góc độ bị cáo, tôi là 1 con người, với tư cách là 1 đứa cono, người cháu, đứa em trong gia đình. Tôi vô cùng ân hận, mong muốn được 1 ngày nào đó hòa nhập lại cộng đồng".

Bà Phạm Thị Chuân đột nhiên đứng lên nức nở: Xin quý tòa tha cho con tôi! Tôi là người phụ nữ bất hạnh thế này...

Nói xong, bà Chuân khóc nức nở gọi con. Nguyễn Đức Nghĩa gọi to: Mẹ ơi!

Bà Chuân nói tiếp: Chồng chết, con chết thì tôi sống làm sao được đây thưa quý tòa?

Nguyễn Đức Nghĩa quay lại nhìn mẹ mếu máo rồi khóc nức nở.

Nguyễn Đức Nghĩa quay lại đắng đót nhìn mẹ, như cố muốn lưu giữ những hình ảnh của người mẹ đau khổ, trên đầu bà vẫn còn băng vết thương do vụ tai nạn.

Bà Chuân ngồi lên hàng ghế trên cùng để được gần con hơn, nhưng do quy định nên bà muốn cầm tay Nghĩa cũng không được.

Lời sau cùng của Nghĩa: Tôi tạ tội với gia đình chú Ba, với gia đình và bạn bè tôi, khi biết tin cha tôi không còn nữa, tôi càng khát khao được sống, được trở về thắp cho bố nén nhang.

Tôi vô cùng ân hận, mong gia đình chú Ba cho tôi một con đường sống...

Bà Chuân nghe con nói vậy, khóc ầm ĩ và quay sang xin ông Ba: "Ông Ba ơi, cho tôi xin một con đường sống!".

Nguyễn Đức Nghĩa đã hỏi thăm mẹ: "Đầu mẹ bị làm sao?. Ngày mai không phải lên thăm con ngay đâu..."

Bà Chuân chỉ nhắm mắt, người run và ngồi gần như không vững, tay bám víu vào ghế.

Khoảng cách giữa 2 mẹ con không xa, nhưng bà Chuân không thể chạm vào con trai, dù muốn được nắm tay Nghĩa.

Nguyễn Đức Nghĩa hỏi mẹ: "Bố mất hôm nào?". Bà Chuân nói rằng ông Hùng mất được hơn 1 tuần. Nghe vậy, Nguyễn Đức Nghĩa nói: "1 tuần nay con toàn mơ thấy bố...".

Tranh thủ lúc tòa nghỉ chờ nghị án, mọi người chen chúc trong căn phòng xử nhỏ. Nhiều người trèo cả lên ghế để nhìn 2 mẹ con.

Có nhiều người đã chen chúc, nhòm qua cửa sổ. Nhiều người đến xem đứng ngoài phòng xử đã rớt nước mắt thương cho bà Chuân.

10h30-11h30: Phiên tòa nóng lên ở phần tranh luận...

Dù biết tin bố mất, Nguyễn Đức Nghĩa vẫn bình tĩnh trả lời các câu hỏi của HĐXX và các luật sư sau khi đã lấy lại tinh thần đôi chút...

10h15 bắt đầu phần trình bày của LS phía bị hại:

LS Đoàn Trung Kiên: Tôi nhất trí quan điểm của VKS và bản án sơ thẩm tuyên tử hình đối với bị cáo. Bản án sơ thẩm xử Nguyễn Đức Nghĩa tử hình đã thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, tuy nhiên không nhất trí quan điểm của LS của bị cáo cho rằng bị cáo không giết người man rợ.

2 nhát dao oan nghiệt của Nghĩa đã thể hiện 1 cách man rợ, đâm từ phía sau một cách bất ngờ, nhạn nhân chỉ kịp quay lại trong bàng hoàng...

Nghĩa còn chặt đầu, chặt ngón tay, diễn tiến một loạt những hành vi khác nhằm che giấu tội phạm.

Luật sư của bị cáo đã có sự nhầm lẫn giữa hành vi và hành động. Hành vi giết người là tổng hợp nhiều hành động: đâm sau lưng, cắt dời ngón tay, cắt đầu… trong cùng một không gian, thời gian, công cụ phạm tội với cùng một nạn nhân, do đó không thể bóc tách.

Đã có văn bản pháp luật quy định giải thích rõ về hành vi dã man: kẻ phạm tôi không còn tính người, dùng những thủ đọa như móc mắt, xẻo thịt. Như vậy, phi tang cắt đầu nạn nhân là hành vi rùng rợn nhất, mất hết tính người, đi đến tận cùng của tội ác. Thậm chí Nghĩa còn kể tường tận về hành vi phạm tội của mình

Bị cáo đã làm nhục tử thi khi không để cho nạn nhân được toàn thây. Vị cáo làm một cách có ý thức, có chủ đích, bị cáo không hoảng loạn, rất bình tĩnh, phi tang ở nhiều nơi.

Mọi việc làm là hoàn toàn có ý thức. Vụ án đã gây ra sự khủng khiếp, có sức hút với công luận là hành vi đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi phạm tội giết người của bị cáo Nghĩa là đặc biệt nghiêm trọng, cần loạt bị cáo ra khỏi đời sống xã hội.
Trên cơ sở điểm 248, điều A, khoản 2, đề nghị bác đơn kháng cáo của bị cáo.

Chỉ đến khi em trai Linh trình bày trước tòa là có nghe chị trả lời điện thoại: “Vâng, em sẽ mang theo máy tính” thì lúc đó tại phiên tòa sơ thẩm, Nghĩa mới chịu nhận có bảo Linh mang theo máy tính đi. Bị cáo đã thay đổi lời khai so với tại cơ quan điều tra.

Đó chỉ là lời khai của bị cáo để cho thấy bị cáo không giết người nhằm chiếm đoạt tài sản. Tại bản kết luật giám định pháp y, vùng lưng của Linh có 4 vết thương, 2 vết thương dạng cắt, 2 vết thương dạng đâm, cả 2 nhát đều do bị cáo gây ra.

Sau khi bị cáo đâm nạn nhân còn cắt hết váy áo nạn nhân làm nạn nhân lõa thể, như thế không thể nói là bị cáo không biết đến nhát đâm thứ 2.

Về nhân thân, không đồng ý là bị cáo có nhân thân tốt. Bị cáo đã 2 lần đem xe của Yến đi cầm cố, vat mượn; học chưa xong, cá độ, lô đề, ngủ tại quán nét... Một con người như vậy không thể nói là có nhân thân tốt.

Bị cáo cũng chưa thật sư ăn năn, hối cải và khai báo thành khẩn có mức độ. Chúng tôi không đồng tình với cáo trạng đã nghe theo lời khai một phía của bị cáo cho rằng trước khi chết, Linh đã có quan hệ sinh lý với Nghĩa. Chị Linh đã chết nên không có căn cứ.

Nghe luật sư trích những lời khai rùng rợ của con trai, bà Chuân mắt nhắm nghiền.

Trước đó mấy phút, khi LS Ngô Ngọc Thủy nói về các tình tiết giảm nhẹ, trong đó có thông tin bố Nguyễn Đức Nghĩa đã mất vì TNGT, bị cáo khóc nấc lên, cúi đầu tại tòa.

Mẹ Nghĩa cũng bật khóc dữ dội, vai run bần bật. Chị gái bị cáo Nghĩa cố kìm tiếng nấc, dìu bà Chuân dựa vào mình.

Việc LS Thủy công bố thông tin bố Nghĩa mất đã làm phiên tòa nóng lên. Sau ít phút nức nở, Nghĩa có vẻ đã lấy lại bình tĩnh

9h55: HĐXX yêu cầu ông Nguyễn Văn Ba, bố của nạn nhân đứng lên để hỏi.

HĐXX: Ông Ba có ý kiến gì về mức án tử hình không?

Ông Ba: Đề nghị loại bỏ bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một cách vĩnh viễn!

HĐXX: Gia đình bị cáo có bồi thường chưa?

Ông Ba: Đến giờ phút này, gia đình tôi chưa nhận đến 1.000 đồng của gia đình bị cáo. Khi gia đình bị cáo đến nhà mong được đền bù, tôi có nói rằng: Thôi ông bà già rôid, mang về mà dưỡng già đi.

HĐXX hỏi bà Chuân- mẹ Nguyễn Đức Nghĩa: Bà Chuân đã nộp 50 triệu tiền đền bù đúng không?

Bà Chuân: Vâng!

Phiên xử kết thúc phần thẩm vấn, xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận

9h50: Luật sư Bách bào chữa cho phía bị hại hỏi: Anh khẳng định 2 vết đâm đều do anh trực tiếp đâm đúng không?

NĐN: Đều do tôi gây nên!

LS Bách: Tại sao không kháng cáo tôi cướp tài sản dù rằng không có ý cướp tài sản?

NĐN: Vì hành vi của tôi đã đủ cấu thành tội cướp tài sản!

LS Bách: Khi rủ Linh đến nhà Yến, anh có nói với Linh phải mang theo cái gì đi không?

NĐN: Tôi không!

Khi LS của gia đình bị hại đặt nhiều câu hỏi, Nghĩa có nói là tôi đã trả lời các câu hỏi này ở phiên sơ thẩm, không muốn trả lời nữa.

9h30 là phần luật sư hỏi:

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Bị cáo Nghĩa cho biết về cơ bản tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo đã khai rõ ràng, vậy mục đích kháng cáo của bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt không?

Nguyễn Đức Nghĩa: Có ạ!

Luật sư Thơm: Bị cáo cho HĐXX biết bị cáo lấy tài sản của nạn nhân, bản chất thực sự là nhằm mục đích phi tang phải không?

Nguyễn Đức Nghĩa: Đúng ạ!

Luật sư Thơm: Bị cáo trả lời cho HĐXX biết, bị cáo do tự ái cá nhân hay do ghen tuông, bị cáo bị tổn thương danh dự người đàn ông hay do ghen tuông?

Nguyễn Đức Nghĩa: Do tự ái cá nhân chứ không phải do ghen!

Luật sư Thơm: Gia đình Yến có nhiều tài sản không? Nếu như bị cáo có mục đích chiếm đoạt tài sản, ở điều kiện như nhà Yến thì bị cáo có đủ điều kiện đúng không?

Nguyễn Đức Nghĩa: Vâng ạ!

Luật sư Thơm: Trước đó, Yến có bao giờ nhờ bị cáo cầm tiền không?

Nguyễn Đức Nghĩa: Có ạ! Lần đi gửi 400 triệu đồng

Luật sư Thơm: Bị cáo đã thừa nhận hành vi cướp tài sản và mong muốn được hưởng sự khoan hồng của pháp luật đúng không?

Nguyễn Đức Nghĩa: Dạ!

Luật sư Ngô Ngọc Thủy: Anh làm đơn kháng cáo mong được xem xét tòan diện vụ án để giảm án cho anh hay chỉ xem xét tình tiết man rợ?

Nguyễn Đức Nghĩa: Dạ, xem xét tòan bộ vụ án để mong được khoan hồng ạ!

LS Thủy: Anh mong được xem xét giảm mức án tử hình đúng không?

Nguyễn Đức Nghĩa: Dạ đúng ạ!

LS Thủy: Số lượng nợ của anh, anh nêu lên so với bình thường không phải là lớn, có ai thúc ép, dọa dẫm, buộc anh bức bối đến mức phải đi cướp không?

Nguyễn Đức Nghĩa: Dạ không ạ!

LS Thủy: Tức là các món nợ đó là nhiều, nhưng là nhỏ nhất so với từng người một đúng không?

NĐN: Dạ đúng ạ!

LS Thủy: Anh đặt xe vào đó nhưng mà anh đã không lấy tiền bạc gì đúng không?

NĐN: Dạ

LS Thủy: Anh có biết gia đình anh đã đến gia đình nạn nhân yêu cầu được khắc phục hậu quả, nhưng gia đình nạn nhân nói cứ làm theo pháp luật?

LS Thủy: Tôi tán thành quan điểm của VKS là nhận thêm một tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Còn những vấn đề khác tôi còn ý kiến tranh luận với tư cách là luật sư của bị cáo, tôi xin trình bày một số ý kiến sau, kính mong hội đồng xem xét cẩn trọng trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng, nhất là đối với cấp phúc thẩm. Uy tín của công lý Việt Nam, tòa án Việt Nam là ở chỗ đưa ra một bản án có lý, có tình, không ràng buộc bởi dư luận...

Thưa HĐXX, dư luận xã hội chờ đợi sự phán quyết công minh của tòa, với một vụ án được xã hội đặc biệt quan tâm, tôi xin trình bày ý kiến với tinh thần bảo vệ pháp luật như sau:

Vấn đề thứ nhất: việc kháng cáo của bị cáo Nghĩa, bị cáo đã có ý kiến trình bày lý do kháng cáo, mong được xem xét để hưởng mức án khoan hồng. Tại tòa Nghĩa đã thành khẩn khai tội, trong khai báo có những điều chưa chuẩn vì do chưa được học luật nên trình bày chưa rõ, nhưng rõ ràng anh ta đã trình bày thành khẩn.

Việc anh ta kháng cáo là đúng quyền và thẩm định của pháp luật. Gia đình bị cáo Nghĩa đã có hành động hết sức cầu thị với mong muốn gia đình nạn nhân thong cảm cho gia đình mình, đã có bồi thường 50 triệu.

Tại phiên tòa hôm nay, tôi có thể nói đến một tình tiết mong quý tòa xem xét đến vấn đề nhân đạo làm cho gia đình xôn xao, đó là khi bố bị cáo Nghĩa trên đường đến nhà người thân vay tiền đi khắc phục hậu quả cho con, rất tiếc đã bị tai nạn ô tô qua đời.

Luật sư Thủy nói tiếp: Nhà nước, xã hội đánh giá cái này sao đây khi một con người tận tâm lúc tìm cách khắc phục hậu quả cho con mà đã ra đi? Chắc ở nơi chin suối, ông Hùng đang khắc khoải chờ đợi kết quả mang tính nhân đạo đối với bị cáo Nghĩa.

Từ 9h10 là phần xét hỏi của đại diện Viện kiểm sát:

VKS hỏi: Bị cáo bị bắt bao giờ?

Nguyễn Đức Nghĩa: Tối 18/4

VKS: Bị cáo được lấy lời khai khi nào?

Nguyễn Đức Nghĩa: Bị cáo cho rằng do ông điều tra viên ghi theo ý của ông ấy!

VKS: Nhưng bị cáo giải thích xem vì sao bên dưới biên bản lại có dòng: Tôi đã đọc lại và công nhận là đúng và ký tên?

VKS: Ngày 25/5/2010, khi đó có luật sư của bị cáo, lời khai đó trùng với bản khai trước. Sao lúc đó bị cáo không yêu cầu điều tra viên ghi lại lời khai?

VKS: Nhát thứ 2, bị cáo khai là ôm ghì?

Nguyễn Đức Nghĩa: Bị cáo ôm nạn nhân rồi đâm

VKS: Bị cáo có ý định chiếm đoạt tài sản từ khi nào?

Nguyễn Đức Nghĩa: Nếu có chỉ là lấy sau khi gây án

VKS (hỏi lại): Bị cáo có ý định chiếm đoạn tài sản khi nào?

Nguyễn Đức Nghĩa: Ý định sau khi tôi đã ra tay

VKS: Đó là ý định che giấu tội phạm hay là chiếm đoạt tài sản?

Nguyễn Đức Nghĩa: Giả sử tôi có giấu đi tài sản, không đem bán thì đó cũng là hành vi chiếm đoạt tài sản đúng không ạ?

VKS: Sau khi quan hệ với chị Linh thì có xảy ra xô xát gì không?

Nguyễn Đức Nghĩa: Không ạ!

VKS: Sao bị cáo khai là có?

Nguyễn Đức Nghĩa: Đấy là sau khi Linh có điện thoại gọi đến mà không nghe máy

VKS: Thời điểm bị cáo phạm tội thì bị cáo có vay tiền nhiều không?

Nguyễn Đức Nghĩa: Tôi có!

VKS: Nguồn tiền cung cấp cho việc đi học của bị cáo là bao nhiêu?

Nguyễn Đức Nghĩa: Là hơn 1 triệu và bị cáo còn nợ hơn 10 triệu

Đại diện VKS kết luận vụ án:

Ngày 23/7, Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo. Kháng cáo của Nghĩa có 3 nội dung chính: bị cáo chỉ nhớ có đâm Linh 1 nhát, nhát thứ 2 là do ôm ghì; giết Linh do bức xúc chứ không phải vì động cơ cướp tài sản, và tình tiết man rợ.

Theo kết luận đủ để khẳng định bị cáo đã đâm 2 nhát, nhát thứ 2 do ôm ghì là không có căn cứ. Do bị cáo đâm chứ không phải do ôm ghì mà gây ra nhát thứ 2. Trong quá trình điều tra, trong thời gian đến với Nghĩa, chị Linh có nhắn tin và điện thoại cho 1 số người, không có nội dung trao đổi chuyện tình cảm yêu đương. Theo bị cáo, chuyện tình cảm 2 người đã chấm dứt từ lâu, mặt khác, do bị cáo khai đã mắc nợ và thực tế sau khi bị cáo giết nạn nhân đã lục soát tài sản, vậy kết luận Nguyễn Đức Nghĩa giết người nhằm mục đích cướp tài sản là có cơ sở.

Tại phiên sơ thẩm, LS cho rằng bị cáo chỉ đâm 1 nhát là bị hại đã chết ngay chứ không phải gây nên đau đớn cho bị hại. Hành vi giết người sau đó chặt đầu, chặt ngón tay biểu hiện dã man, gây ghê sợ cho người khác, như vậy có căn cứ nói hành vi đó là man rợ, thể hiện sự tàn ác dã man, thú tính, gây khiếp sợ cho người khác. Như vậy tình tiết man rợ là chính xác.

Tính chất hành vi không còn tính người, khai báo không thành khẩn. Đến phiên phúc thẩm, gia đình bị cáo có nộp 50 triệu đồng, ông Hùng có thời gian tham gia bảo vệ tổ quốc, là thương binh, đó là tình tiết giảm nhẹ.

Như vậy, diễn biến của vụ án đến thời điểm hiện tại chỉ có thể thêm tình tiết giảm nhẹ mới là đã bồi thường. Tuy nhiên, cần y án sơ thẩm,

Nghe đến đây, bà Chuân bặm chặt môi. Còn Nguyễn Đức Nghĩa lo lắng quay sang nhìn từng phản ứng của mẹ.

Từ 8h35 là phần xét hỏi: Chủ tọa phiên tòa hỏi: Động cơ nào anh giết nạn nhân. Nguyễn Đức Nghĩa nói đã khai nội dung này tại phiên tòa sơ thẩm và xin trình bày lại: Hôm đó Linh có một số cuộc điện thoại nhưng không trả lời, Nghĩa hỏi thì Linh không nói. Nghĩa thắc mắc thì Linh nói là người yêu gọi, dù trước đó Linh nói không có người yêu. "Vì ghen tức nên tôi đã cướp đi sinh mạng của Linh" - Nghĩa khai.

Chủ tọa: Sau khi Linh chết, đối với tài sản của Linh, anh có sử dụng?

Nguyễn Đức Nghĩa: Sau khi gây án, tôi muốn che dấu hiện trường nên buộc lòng phải mang tài sản của Linh đi cất giấu. Tôi sợ gia đình Linh phát hiện, thất Linh mất tích lâu ngày thì sẽ đăng tin tìm.

Ông Nguyễn Văn Ba, bố nạn nhân

Chủ tọa: Nạn nhân Linh có biết phòng đó là nhà của người yêu mới của bị cáo? Linh có hỏi đấy là nhà nào không?

Nguyễn Đức Nghĩa: Linh không hỏi

Chủ tọa: Anh có nói là nhà của ai?

Nguyễn Đức Nghĩa: Chỉ nói đấy là nhà người quen

Chủ tọa: Linh có tin không?

Nguyễn Đức Nghĩa: Có tin!

Bà Phạm Thị Chuân (thứ 2 từ phải sang)

Chủ tọa: Anh cố tình nói dối thế đúng không? (Chủ tọa trích bút lục lời khai của bị cáo: Tôi nói với Linh đấy là nhà người quen và Linh đã tin...). Thế là đã nói dối, nhẽ ra nói đấy là nhà của Yến, người yêu mới, thì anh lại nói khác.

Nguyễn Đức Nghĩa: Tôi nói đấy là nhà người quen của tôi thì như thế không phải nói dối.

Chủ tọa lại trích bút lục..."Tôi nói dối đấy là nhà người quen và Linh đã tin..."

Chủ tọa: Anh đâm Linh mấy nhát? Lúc đó chỉ có anh và Linh ở phòng đó, ngoài anh ra có ai không?

Nguyễn Đức Nghĩa: Khi tôi ôm vào người Linh, rất có thể khi đó đâm nhát thứ 2

Chủ tọa: Từ lúc giết Linh cho đến khi anh chặt đầu Linh là khoảng thời gian bao lâu?

Nguyễn Đức Nghĩa: Gần 4 tiếng đồng hồ ạ!

Chủ tọa lại trích bút lục: (Sau gần 1 giờ đồng hồ tôi ngồi bên Linh nghĩ cách che giấu cơ quan điều tra... Ngay sau đó, tôi tính toán cần chặt đầu Linh để không nhận ra gương mặt và chặt dấu vân tay)

Chủ tọa: Trước tòa, anh khai thế sao bây giờ anh khai là 4 tiếng?

8h30: Bà Phạm Thị Chuân, mẹ Nguyễn Đức Nghĩa đến tòa với tình trạng mệt mỏi, mắt nhắm nghiền. Bà không đủ sức ngồi 1 mình, phải dựa vào con gái khi nghe tòa đọc lại nội dung vụ án. Nghe đọc lại bản án, tử tù Nghĩa liên tục thở dài, đôi vai chùng đầy mệt mỏi...

8h22: Phiên tòa bắt đầu lúc 8h22 phút. Thẩm phán Trần Đình Dần là chủ tọa phiên tòa. Kiểm sát viên Lê Tư Huỳnh. Luật sư bào chữa cho bị cáo là Ngô Ngọc Thủy và Nguyễn Anh Thơm.

Ông Nguyễn Văn Ba, bố của nạn nhân đến tòa với gương mặt mệt mỏi. Mái tóc đã bạc hơn trước rất nhiều lần.

Chủ tọa phiên tòa tuyên bố phiên xử bắt đầu mà không ai nhắc đến cái chết của bố Nghĩa.

8h15: Nguyễn Đức Nghĩa được đưa vào phòng xét xử với gương mặt hốc hác, thất thần và có chút ngấn nước mắt.

Đầu hơi cúi nghiêng, Nguyễn Đức Nghĩa bước đi theo sự áp giải của các chiến sỹ công an. Hôm nay, phiên phúc thẩm Nguyễn Đức Nghĩa được diễn ra tại Phòng xét xử số 3 – phòng xét xử rất bé nên số người được vào tham dự rất hạn chế.

8h10: Từ trên xe bước xuống, khuôn mặt Nguyễn Đức Nghĩa vô hồn, trầm ngâm. Thời điểm này, Nguyễn Đức Nghĩa đã gầy gò, xanh xao hơn so với thời gian trước. Không còn thấy nụ cười trước hàng trăm ống kính, máy quay của các phóng viên báo chí, truyền hình như đợt trước. Chiếc xe dẫn phạm nhân đưa Nguyễn Đức Nghĩa vào trong sân trụ sở. Hàng chục công an dẫn giải đưa tử tù vào phòng xét xử đã chờ sẵn.

Người dân quan tâm nhiều tới phiên tòa

Từ sáng sớm, hàng trăm người dân đã có mặt trước cổng trụ sở VKSNDTC. Tuy nhiên, số lượng người được vào tham dự phiên tòa rất hạn chế nên chỉ những người có giấy giới thiệu và giấy mời, giấy triệu tập của tòa mới được vào.

Phiên toà phúc thẩm được mở để xét kháng cáo của Nguyễn Đức Nghĩa khi bị cáo cho rằng mình không giết người với tình tiết man rợ.

Trước đó, vào ngày 13/10, TAND tối cao đã quyết định hoãn phiên toà phúc thẩm do luật sư Ngô Ngọc Thuỷ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cho bị cáo bận đi dự hội nghị quốc tế.

Tại phiên sơ thẩm, ngày 14/7, bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa đã bị TAND TP Hà Nội tuyên án tử hình về tội giết người, cướp tài sản.

Tại cơ quan điều tra và trước tòa, Nguyễn Đức Nghĩa nhiều lần nói "tội của mình gây ra chết nhiều lần cũng không hết tội".

Tuy nhiên, sau đó bị cáo Nghĩa đã bất ngờ kháng cáo lại toàn bộ bản án sơ thẩm. Nghĩa cho rằng mình "không phạm tội giết người man rợ". Ở phiên phúc thẩm này, có nhiều diễn biến được cho là khó lường.

Dư luận cũng đang rất quan tâm vì trong thời gian qua gia đình Nguyễn Đức Nghĩa xảy ra nhiều chuyện buồn. Ngày 30/10, ông Nguyễn Đức Hùng, bố Nguyễn Đức Nghĩa đã tử vong do bị TNGT. Sau đó bà Phạm Thị Chuân, mẹ Nghĩa đã viết đơn xin các cơ quan chức năng giảm tội chết cho con mình.

Trong khi đó, trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Văn Ba, bố nạn nhân Nguyễn Phương Linh cho biết giữ nguyên quan điểm ở phiên sơ thẩm: mong muốn pháp luật xét xử công minh với mức án tử hình cho bị cáo Nghĩa.

Nhóm PV VietNamNet đang có mặt tại phiên phúc thẩm, sẽ tường thuật những diễn biến chính, các phần tranh luận, các thông tin bên lề... để độc giả theo dõi.

 

Diễn biến vụ Nguyễn Đức Nghĩa

Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1984, ở Kiến An, Hải Phòng) và nạn nhân Nguyễn Phương Linh (SN 1984, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cả hai đều là sinh viên K42 khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngoại thương, Hà Nội và yêu nhau từ năm 2005, đến cuối năm 2006 thì chia tay.

Sau khi chia tay một vài ngày Nghĩa có người yêu mới là Hoàng Thị Yến (SN 1986), ở Quảng Ninh, là SV trường ĐH Genetic Hà Nội; sống tại phòng 1101, tầng 11, nhà G4, khu đô thị Trung Hòa, Trung Yên, Cầu Giấy (Hà Nội). Dịp 30/4/2010: Yến đã gửi nhà nhờ Nghĩa trông giúp để cô về quê.

Ngày 3/5: Nghĩa điện thoại cho Linh đến nhà của Yến để “tâm sự” (trước đó dù chia tay nhưng Nghĩa vẫn thỉnh thoảng gọi điện cho Linh). Linh đi đến điểm hẹn bằng xe máy có mang theo điện thoại và máy tính xách tay.

Khoảng 19h ngày 3/5: điện thoại của Linh liên tiếp đổ chuông nhưng Linh không nghe máy. Khi Nghĩa gặng hỏi ai gọi thì Linh trả lời là người yêu Linh ở miền Nam.

Khoảng 23h ngày 3/5: trong lúc Linh đang đứng trước gương thì đột nhiên Nghĩa tiến đến rút dao nhọn đâm thẳng vào lưng Linh khiến Linh chết ngay tại chỗ.

Để phi tang thi thể Linh, Nghĩa dùng dao cắt bỏ đầu và 10 đầu ngón tay cho vào túi nilon vứt tại một khúc sông Cấm ở Quảng Ninh, phần thân được Nghĩa mang lên tầng thượng giấu vào phòng xử lý rác của khu chung cư. Tài sản của Linh bao gồm 1 chiếc xe máy SCR, 1 laptop, 1 ĐTDĐ được Nghĩa mang đi cắm tại hiệu cầm đồ số 524 đường Láng (Đống Đa, Hà Nội).

Khoảng 10h ngày 17/5: một số người dân và nhân viên bảo vệ tại khu chung cư G4 phát hiện ra xác Linh đang trong giai đoạn phân hủy. CA TP. Hà Nội và CA quận Cầu Giấy gấp rút vào cuộc và phát hiện ra nhiều vết máu tại khu vực cầu thang từ tầng 12 đến 13.

Đêm 18/5: Nguyễn Đức Nghĩa bị Công an Hà Nội bắt giữ khi đang lẩn trốn tại Thái Nguyên.

Ngày 7/6: tìm thấy phần thi thể bị vứt xuống sông Cấm của Nguyễn Phương Linh.

Ngày 14/7: TAND TP Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm, Nguyễn Đức Nghĩa thừa nhận toàn bộ hành vi giết người của mình. Y đã một mực khẳng định sẽ không kháng cáo dù cho bản án thế nào đi nữa và đã bật khóc thừa nhận "Với tội ác của tôi, chết cũng không hết tội".

Kết thúc phiên xét xử, tòa tuyên án Nguyễn Đức Nghĩa 6 năm tù giam về tội chiếm đoạt tài sản, tử hình về tội giết người, tổng hình phạt là tử hình đồng thời phải bồi thường cho gia đình nạn nhân Nguyễn Phương Linh số tiền 113 triệu đồng.

Người yêu Nghĩa là Hoàng Thị Yến bị tuyên phạt 15 tháng tù vì hành vi không tố giác tội phạm (nhưng được hưởng án treo).

Ngày 30/7, Nguyễn Đức Nghĩa bất ngờ gửi đơn kháng cáo và nhấn mạnh bị cáo không phạm tội giết người với tình tiết man rợ như phán quyết của tòa.

Ngày 13/10, TAND tối cao quyết định mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Đức Nghĩa để xem xét lại nội dung có "giết người man rợ" hay không. Tuy nhiên phiên tòa đã tạm thời bị hoãn lại do luật sư bào chữa cho Nguyễn Đức Nghĩa bận đi dự hội nghị quốc tế.

Ngày 11/11, TAND tối cao mở lại phiên phúc thẩm.

 

Nguồn VNN

 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo