Vụ án

Vụ xử Nguyễn Khắc Thủy và nền tư pháp VN

Cập nhật lúc 27-05-2018 14:46:18 (GMT+1)

 

Bản án phúc thẩm vụ ông Nguyễn Khắc Thủy bị cáo buộc tội dâm ô với trẻ em ở Bà Rịa-Vũng Tàu, với mức án 18 tháng tù treo tạo ra nhiều phản ứng trong xã hội những ngày qua.


"Đây là vụ án được gần như cả nước theo dõi trong mấy năm vừa qua," Tiến sỹ xã hội học Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) nói với BBC. "Bản án cuối cùng gần đây, với 3 năm tù giam nhưng lại được giảm thành 18 tháng tù treo đã gây nên sự phẫn nộ chưa từng thấy ở trên mạng xã hội và trong báo chí."

"Mọi người đều cho rằng bản án như vậy là không phù hợp, không thích đáng và những diễn biến gần đây cho thấy rằng sự phẫn nộ của dư luận là có căn cứ."

Đồng tình với ý kiến trên, Luật sư Trần Quốc Thuận từ Sài Gòn nói trong cuộc thảo luận trực tuyến với BBC hôm 24/5 rằng "áp lực xã hội trong vụ này là rất lớn", và kết quả "giảm án, cho hưởng án treo đã "gây bức xúc xã hội nặng nề".

Trong lúc đó, blogger Khải Đơn nói rằng việc giảm án trong vụ án mới đây ở Bà Rịa-Vũng Tàu giống như việc "bật đèn xanh" để các vụ lạm dụng tình dục trẻ em tiếp tục xảy ra.

Tuy nhiên, một luật sư từ London nói rằng xã hội đã có phần cảm tính khi nghiêng về hướng chấp nhận phản ứng dữ dội của một bà mẹ nạn nhân nhưng lại tỏ ra phớt lò thái độ phản kháng cũng cương quyết không kém của người bị cáo buộc.

"Phản ứng của ông Nguyễn Khắc Thủy cũng là điều cần cân nhắc," luật sư Hoàng Đức Thắng, cũng có mặt trong chương trình thảo luận của BBC, nói.

"Chúng ta không thể coi trọng ý kiến của một bên mà bỏ hoàn toàn ý kiến của một bên khác. Ông Thủy nói sẵn sàng đốt thẻ Đảng và tự sát trước tòa. Vậy người ta cảm thấy oan ức đến mức nào mà họ sẵn sàng làm như vậy?"

Việt Nam, xâm hại tình dục

Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy tại một phiên tòa

Vai trò thẩm phán

Luật sư Hoàng Đức Thắng cho rằng đây là một vụ cho thấy cơ quan tư pháp thiếu sự độc lập trong hoạt động.

"Viện kiểm sát [Bà Rịa-Vũng Tàu] mở lại hồ sơ là do chỉ đạo bên trên, từ Viện Kiểm sát Tối cao xuống chứ không phải do các cơ quan tư pháp cấp dưới điều tra lại. Việc này một phần làm thỏa mãn áp lực dư luận, mặt khác cho thấy sự can thiệp rất mạnh của cơ quan hành chính trong cơ quan tư pháp," luật sư Thắng nói.

Các chuyên gia khác cũng tỏ thái độ quan ngại về hoạt động xét xử ở Việt Nam hiện nay.

"Dường như năng lực của một số cán bộ tòa án là có vấn đề. Những vụ việc với tội danh có thể nói là khá rõ ràng như vậy nhưng việc luận tội, kết án dường như có rất nhiều vấn đề khiến xã hội bức xúc. Bản thân tôi thấy rất băn khoăn về chất lượng của hoạt động tư pháp ở một số lĩnh vực ở Việt Nam," Tiến sỹ Khuất Thu Hồng nói.

Nhìn lại các vụ án liên quan đến việc phạm tội với trẻ em, Phó giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển ở Hà Nội, cho rằng các biện pháp trừng phạt được đưa ra thường rất nhẹ, khiến người ta không thể không đặt nghi vấn.

"Nhiều vụ xét xử tội phạm với trẻ em còn rất là nhẹ. Những dấu hỏi đặt ra là tại sao lại như vậy?" Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao nói với BBC.

"Phải chăng kẻ phạm tội đã bỏ tiền của để chạy được chuyện này chăng, gọi là chạy án chăng? Hay là vì thẩm phán của chúng ta trình độ quá non yếu, hay vì thẩm phán vô cảm trong chuyện đối với các tội phạm, đối với tính mạng và sức khỏe của các cháu?"

Yếu tố 'Đảng viên Cộng sản'

Việc tòa phúc thẩm tuyên bố giảm mức án từ 3 năm tù ở cấp sơ thẩm xuống còn 18 tháng tù treo, với một trong các lý do được đưa ra là bởi bị cáo là đảng viên Cộng sản, cũng là điều cho thấy sự vô lý trong hoạt động xét xử, theo các khách mời.

"Nếu là Đảng viên Đảng Cộng sản, là cán bộ có đóng góp thì việc đầu tiên của bạn phải là gương mẫu đúng không? Nhưng ở đây bạn lại được giảm án vì điều này. Đây là yếu tố khiến tôi trong tư cách một người làm báo cảm thấy vô cùng phẫn nộ," blogger, nhà báo Khải Đơn nói.

Việt Nam, xâm hại tình dục

Các định kiến của xã hội và của chính cán bộ tư pháp khiến nạn nhân không muốn tố cáo.

Luật sư Hoàng Đức Thắng cũng cho rằng việc viện dẫn chi tiết "là đảng viên Đảng Cộng sản" để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là 'không đúng', và việc này đã "gây phản ứng trong xã hội, làm mồi dữ dội cho các tranh luận trong xã hội".

Trong lúc đó, Luật sư Trần Quốc Thuận từ Sài Gòn nói rằng việc ông Nguyễn Khắc Thủy là đảng viên và có những tuyên bố liên quan đến Đảng lẽ ra cần phải được tổ chức Đảng xử lý nghiêm khắc thay vì được tòa coi là tình tiết để giảm tội.

Luật sư Thuận nói:

"Ông ấy đưa vấn đề Đảng ra chỉ làm xấu Đảng. Lẽ ra tổ chức Đảng phải cho ông ấy ngừng sinh hoạt đảng, hoặc phải khai trừ thay vì để ông ấy dọa đốt thẻ Đảng. Việc tổ chức Đảng không xử lý gì là điều đáng tiếc."

Đưa ra ví dụ để so sánh tính nghiêm trọng của loại hình tội phạm này, luật sư Monique Nguyen Camperi tham gia thảo luận với BBC từ California nói rằng theo luật pháp tiểu bang này, phạm tội tình dục đối với trẻ em là một trong những tội bị coi là nặng nhất, phải chịu những hình phạt nghiêm khắc và thẩm phán xét xử không được áp dụng các biện pháp nhẹ tay:

"Điều luật 288A ở California trực tiếp nói về các hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi. Nếu bị kết tội [dâm ô với một em] thì nhẹ nhất là 3 năm, nặng nhất là 8 năm. Nhưng nếu là phạm tội với hai em trở lên, thì mức án ở Cali rất nặng, khởi điểm là 15 năm, cho đến tù chung thân."

Điều luật 288A ở California trực tiếp nói về các hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi... Chánh án sẽ không có quyền cho giảm án, cho tù treo hay quản chế. Những người bị kết án dâm ô trẻ em ở California theo luật sẽ phải bị đăng k‎í suốt đời như kẻ phạm tội tình dục.Luật sư Monique Nguyen Camperi

"Chánh án sẽ không có quyền cho giảm án, cho tù treo hay quản chế. Những người bị kết án dâm ô trẻ em ở California theo luật sẽ phải bị đăng k‎ý suốt đời như kẻ phạm tội tình dục."

Về việc thẩm phán bị đình chỉ

Tuy không hài lòng với việc thẩm phán ra phán quyết giảm án cho ông Nguyễn Khắc Thủy, nhưng các ý kiến nêu ra với BBC đều không đồng tình với cách thức giới chức tạm đình chỉ hoạt động của vị thẩm phán.

Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao cho rằng việc đình chỉ chức vụ thẩm phán "chỉ là một phản ứng để yên lòng dư luận", và là cách xử lý "không phù hợp với nguyên tắc của hệ thống tư pháp".

"Một trong hai chức năng cơ bản là của viện kiểm sát là kiểm sát tư pháp, trong đó có kiểm sát xét xử. Vậy thì cần một cuộc điều tra của Viện Kiểm sát Tối cao trong vụ này. Họ có thẩm quyền để làm việc đó, phải có một kết luận rõ ràng chứ không thể tùy tiện khi thấy dư luận nói như vậy xong rồi ra quyết định đình chỉ. Như vậy, theo tôi là không phù hợp với quy trình tố tụng làm việc của hệ thống tư pháp mà là mang tính hành chính."

"Không thể dựa vào công luận để ra quyết định đình chỉ ngay vị thẩm phán đó được. Theo tôi là phải làm theo đúng quy định của pháp luật và quy trình hoạt động của hệ thống tư pháp," ông Hoàng Ngọc Giao nhấn mạnh.

"Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát tối cao phải có trách nhiệm điều tra xem có vấn đề gì đằng sau hay không, lúc đó mới kết luận rõ ràng, xem xét mức độ oan sai đến đâu, mức độ làm sai trái của thẩm phán đến đâu, lúc đó mới có căn cứ ra quyết định chứ không thể chỉ thuần túy nghe dư luận rồi ý kiến thủ tướng, hay ý kiến đại biểu Quốc hội... Như vậy là thể hiện sự tùy tiện trong hoạt động tư pháp."

Luật sư Trần Quốc Thuận bổ sung thêm rằng việc ra quyết định đình chỉ "là cách làm không chặt chẽ, tạo cảm giác về sự độc lập xét xử của tòa án" và chưa "làm theo đúng luật tố tụng".

"Đó là là sự xuống cấp của xã hội Việt Nam bây giờ, rất nặng nề. Không chỉ một vụ này mà còn những vụ khác nữa. Đó là điều đau buồn. Một xã hội xuống cấp toàn diện," ông Thuận nói.Luật sư Trần Quốc Thuận

Luật sư Thuận cho rằng sự việc trên khiến chúng ta "nhìn ra một khía cạnh khác".

"Đó là là sự xuống cấp của xã hội Việt Nam bây giờ, rất nặng nề. Không chỉ một vụ này mà còn những vụ khác nữa. Đó là điều đau buồn. Một xã hội xuống cấp toàn diện," ông Thuận nói.

Nhìn từ khía cạnh pháp lý, luật sư Hoàng Đình Thắng từ London nói rằng với những thông tin mà ông thẩm phán chủ tọa phiên tòa nêu ra sau khi bị đình chỉ công việc, thì dường như trước khi đưa ra xét xử phúc thẩm, ủy ban thẩm phán Tòa án Bà Rịa-Vũng Tàu đã có "họp bàn'.

"Đã có sự thống nhất, đánh giá cả về hành chính và chuyên môn trong cơ quan tư pháp rồi, sau đó chỉ được thể hiện thông qua lời một thẩm phán mà thôi," luật sư Thắng nói, và cho rằng tuy việc đó đã xảy ra nhưng vị thẩm phán vẫn ra mức án tù treo dẫn đến việc bị đình chỉ công tác cho thấy ông là người "dũng cảm".

Đó là tín hiệu "đáng mừng cho nền tư pháp Việt Nam khi có những thẩm phán dám đương đầu chống lại áp lực xã hội và thậm chí cả áp lực ngầm từ phía cấp trên", luật sư Thắng bình luận.

Ý kiến chung của các chuyên gia pháp lý và các nhà báo, các nhà xã hội học sau vụ án này là hoạt động của cơ quan tư pháp cần phải được độc lập thực sự.

"Nên sớm công nhận hoạt động độc lập của cơ quan điều tra, nhất là tòa án," theo luật sư Thuận, trong lúc luật sư Monique Nguyen Camperi cho rằng áp dụng mô hình có bồi thẩm đoàn sẽ "là cách tốt nhất để đảm bảo tính công bằng của phiên xử".

Tuy nhiên, về mặt ngắn hạn, blogger, nhà báo Khải Đơn cho rằng việc các cơ quan tư pháp chịu lắng nghe dư luận như trong vụ này là tín hiệu đáng mừng.

"Các cơ quan tòa án nên có quyền độc lập khi phán xét. Nhưng vì rất nhiều lý do mà các phán quyết này luôn có một vùng xám, ở đó các bên gặp sự bất công không còn cách nào khác là dùng đến dư luận để làm phương thức vận động dư luận ủng hộ và tìm được sự công bằng. Về lâu dài, tôi không ủng hộ điều này, nhưng về ngắn hạn, tôi thấy đây là điều cần thiết để thúc đẩy nền tư pháp đến sự độc lập."

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo