Vụ án

Vụ kiện Chính phủ Việt Nam: Căng thẳng Việt Nam – Hà Lan và Tòa trọng tài (kỳ 4)

Cập nhật lúc 19-08-2017 04:05:56 (GMT+1)
Ảnh: Internet

 

 Chỉ trong 6 năm, qua hàng loạt lãnh vực kinh doanh và đầu tư sắc bén, giá trị số vốn ban đầu ông Trịnh Vĩnh Bình đưa về Việt Nam được nhân lên hơn 8 lần. Sự thành công của ông tạo ra “sức cuốn hút không bình thường,” đưa đến con đường lao lý, dẫn “Vụ án Trịnh Vĩnh Bình” lên đến Bộ Chính Trị. Cựu Đại Sứ Việt Nam tại Hà Lan thời điểm ấy nhận định: “Việt Nam có câu ‘đục nước béo cò’ có lẽ khá đúng trong trường hợp này. Mà ‘cò’ ở đây lại là những con cò lớn và nhiều khi không xuất đầu lộ diện.” Vụ án này đã ảnh hưởng quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hà Lan ra sao? Việt Nam và ông Bình “đáo tụng đình” như thế nào? Mời độc giả theo dõi dưới đây.


>Vụ kiện Chính phủ Việt Nam: Vụ án ‘lên đến Bộ Chính trị’ (kỳ 3)

***

Chính phủ Hà Lan, thông qua Đại sứ quán của hai nước, đã có những can thiệp ngay từ những ngày đầu khi ông Trịnh Vĩnh Bình bị bắt và suốt những năm sau này.

“Chính phủ Hà Lan rất tốt. Họ rất bênh vực công dân của mình. Họ đã cực lực phản đối và làm đủ mọi việc hết. Bộ Ngoại giao Hà Lan đã gọi cả Đại sứ Hà Lan [tại Việt Nam] về nước để phản ánh vụ này”. Ông Trịnh Vĩnh Bình nói với VOA.

Sức ép

Một số nhà ngoại giao Việt Nam cũng thừa nhận mối lưu tâm đặc biệt chính phủ Hà Lan dành cho vụ án Trịnh Vĩnh Bình. Theo họ, Hà Lan xem đây là một vụ vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Đầu tư Song phương (BIT) giữa hai nước.

“Vụ này là một obstacle [trở ngại] trong quan hệ Việt Nam-Hà Lan, và tôi đã phải đứng mũi chịu sào trực tiếp giải quyết. Tôi đã phải liên lạc giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hà Lan, giữa Quốc hội hai nước và giữa rất nhiều cơ quan khác”. Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nói với VOA.

Cảm nhận được độ “nóng” của vụ Trịnh Vĩnh Bình đối với quan hệ song phương, Đại sứ Đinh Hoàng Thắng đã sang Paris báo cáo trực tiếp cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm nhân dịp ông Cầm có công vụ tại Pháp.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 7/8/2017, vị đại sứ cho biết ông đã phải chịu rất nhiều sức ép từ Bộ Ngoại giao Hà Lan, đặc biệt là từ Quốc hội và một số nghị sĩ từ các đảng đối lập trong Quốc hội Hà Lan.

“Sức ép mạnh nhất và nặng nhất là vào thời điểm chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Hà Lan, khi tôi ra sân bay đón thủ tướng, thì ngay trước đó 1 giờ đồng hồ, Bộ trưởng quốc phòng Hà Lan còn cho thư ký đến và thu xếp cuộc gặp để ông ấy đến trực tiếp trao toàn bộ hồ sơ của vụ án và quan điểm của phía Hà Lan, yêu cầu Chính phủ Việt Nam xem xét lại vụ án”.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, Joris Voorhoeve, sau đó còn yêu cầu Thủ tướng Wim Kok và Ngoại trưởng Hà Lan gửi thư trực tiếp cho Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương để yêu cầu giải quyết vụ ông Trịnh Vĩnh Bình.

Phía Quốc hội Hà Lan cũng liên tục gây sức ép lên Chính phủ Việt Nam qua những động thái như không ủng hộ việc thông qua các hiệp ước, đề nghị cắt giảm viện trợ hay gửi các thông điệp gay gắt, chất vấn các quan chức Việt Nam khi họ đến thăm nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Joris Voorhoeve (Ảnh tư liệu năm 1997/Reuters)

Các dân biểu còn đưa vụ Trịnh Vĩnh Bình lên Quốc hội châu Âu vào những dịp phái đoàn Việt Nam đến thăm. Một văn kiện ghi lại bài phát biểu của Dân biểu Jules Maaten, thuộc Ủy ban Đối ngoại Quốc hội châu Âu, ngày 14/10/2001, có đoạn: “Tôi mạnh mẽ ủng hộ một cuộc điều tra độc lập tình trạng của ông Trịnh Vĩnh Bình và các nhà đầu tư khác ở Việt Nam.”

Dân biểu này cho rằng việc Việt Nam tuyên án tù và tịch thu tài sản của ông Bình đã “gây cản trở và có tác động rất tiêu cực đến quyết định của các nhà đầu tư khác,” và đề nghị Việt Nam “phải có sự bảo vệ thích hợp cho các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư ở Việt Nam, phải chấm dứt nạn tham nhũng. Đây là điều kiện tiên quyết cần thiết cho sự phát triển kinh tế và chính trị trong tương lai ở Việt Nam cũng như những nối kết của Việt Nam với nền kinh tế thế giới.”

Nỗ lực không thành

Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Ảnh tư liệu năm 1998/Reuters)

Về phía Chính phủ Việt Nam, một số giới chức cũng nỗ lực giải quyết ổn thỏa vụ này. Trong đó phải kể đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và một số giới chức khác.

Nguyên Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, trong cuộc trả lời phỏng vấn với VOA ngày 8/8/2017, cho biết: “Ý kiến chỉ đạo quan trọng là từ thủ tướng lúc bấy giờ là Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bản thân tôi là một Bộ trưởng, một thành viên Chính phủ cũng đã kết nối và chỉ đạo Bộ Ngoại giao, chỉ đạo Đại sứ ở Hà Lan, và các ngành liên quan thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng. Tinh thần chung hồi bấy giờ là Thủ tướng muốn dàn xếp sao cho vụ việc không ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước Việt Nam — Hà Lan, cũng như giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu.”

Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm trong một buổi trả lời phỏng vấn truyền thông quốc tế. (Ảnh tư liệu)

Trong nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng lên tiếng công khai về vụ này trong một phiên chất vấn tại Quốc hội Việt Nam vào năm 1998.

Trong cuốn Hồi ký “Gia Đình, Bạn Bè và Đất Nước,” bà Nguyễn Thị Bình tiết lộ sau khi tìm hiểu thấy Luật pháp Việt Nam vẫn “đang trong quá trình hoàn thiện” và “thấy cách làm của Bà Rịa – Vũng Tàu không đúng, không phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là đối với Việt kiều, là đối tượng ta đang kêu gọi họ về xây dựng đất nước,” đã đề nghị “nếu họ [Việt kiều] không có gì sai phạm lớn, nguy hiểm, thì nên cảnh báo, hướng dẫn họ là tốt nhất.”

Tuy nhiên, kiến nghị của bà đã không được chấp nhận, nên cuối cùng bà đã phải sử dụng quyền Đại biểu Quốc hội của mình để công khai lên tiếng về vụ này.

Ông Trịnh Vĩnh Bình, lúc đó đang ở Sài Gòn, vẫn còn nhớ như in buổi chất vấn được truyền hình trực tiếp.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (Ảnh tư liệu năm 2007/AP)

“Bà Bình, tôi nhớ trong một phiên họp ngày 20/5/1999, bà ấy đưa vụ này ra Quốc hội và chất vấn ông Trịnh Hồng Dương, Chánh án Tối cao. Bà ấy cho rằng ông Bình về làm ăn là có lợi cho kinh tế, không có tội. Tại sao phải làm như vậy? Phải xem xét lại. Lúc đó, ông Nông Đức Mạnh là Chủ tịch Quốc hội. Đó là buổi chất vấn trực tuyến, ở Sài Gòn mở tivi ra là xem được. Tôi đích thân theo dõi buổi đó và đã khóc. Tôi thấy bà Bình đưa ra điều đúng với tâm trạng, nỗi uất ức của tôi. Tôi khóc.”

Chủ tịch Quốc hội lúc đó, ông Nông Đức Mạnh, đã ghi nhận ý kiến của bà Nguyễn Thị Bình. “Nhưng sau đó Ủy ban Pháp luật được giao nhiệm vụ giám sát đã không làm việc nghiêm túc, không giúp làm rõ được vấn đề nên để sự việc kéo dài, và về sau đã gây ra nhiều rắc rối,” bà Bình cho biết trong cuốn Hồi ký.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (Ảnh tư liệu năm 2006/Reuters)

Các cấp chuyên viên cũng đã có những can thiệp.

Đại tá, Luật gia Lê Mai Anh, nguyên cán bộ Viện Kiểm sát Tối cao, cho biết sau khi xem hồ sơ vụ án, ông cũng đã trình bày quan điểm của mình cho các cơ quan tòa án và Ban Bí thư Bộ Chính trị. Ông khẳng định với VOA rằng vụ án Trịnh Vĩnh Bình không có chứng cứ rõ ràng.

“Không thể làm ăn vô lý như thế được. Anh phải có chứng cứ cụ thể, chính xác, khoa học. Anh đặt [mình] vào địa vị người ta về nước như thế, đóng góp cho anh tiền và mua bán chính đáng như vậy, mua những đồ không làm được của các anh, người ta cải tạo lại, bổ sung để làm ăn, thuế má người ta đóng đầy đủ, thậm chí người ta làm từ thiện rất tích cực, thì tại sao các anh lại làm ăn quá đáng như thế? Tôi nói đầy đủ cho họ như vậy.”

Nhưng sau khi trình bày ý kiến, ông Lê Mai Anh cho biết cấp trên khuyên ông rằng “họ có quyền” và “trên đã có ý kiến như thế rồi thì thôi,” nhưng ông Mai Anh nói “Tôi có thể ‘thôi’ theo quan điểm của tổ chức, nhưng cá nhân tôi vẫn giữ quan điểm của mình.”

Theo cựu giới chức của Viện Kiểm sát Tối cao, phía “bên kia” giữ chức vụ cao nên cũng “khó nói lại.” Ông cho rằng vấn đề nằm ở chỗ “quan điểm” của một số người nào đó “có quan hệ lợi ích trong đó nên bảo vệ lẫn nhau, chứ không phải là ý kiến chung của Đảng và Nhà nước.”

Thủ tướng Phan Văn Khải (Ảnh tư liệu năm 1998/Reuters)

Nguyên Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm cũng khẳng định “vụ việc không chỉ liên quan đến các cơ quan chức năng ở Vũng Tàu, mà còn liên quan đến một số cơ quan trung ương khác. Đặc biệt hồi đó, theo anh em báo cáo lại, liên quan đến cả một số bộ phận bên an ninh.”

Chính “nội vụ phức tạp” của vụ án, mà theo lời Đại sứ Đinh Hoàng Thắng, tất cả những nỗ lực giải quyết êm thắm vụ việc đều như “đánh vào bị bông.”

Ra tòa quốc tế

Sau khi nhận thấy tất cả những nỗ lực can thiệp từ cả phía Chính phủ Hà Lan và một số giới chức cấp cao Việt Nam đều không mang lại kết quả, ông Trịnh Vĩnh Bình quyết định đưa vụ án ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế.

Tháng 10/2003, ông Trịnh Vĩnh Bình chính thức nhờ tổ hợp luật sư nổi tiếng của Mỹ, Covington & Burlington, đứng ra kiện Chính phủ Việt Nam trước Tòa trọng tài Quốc tế. Chính phủ Việt Nam cũng thuê một tổ hợp luật sư nổi tiếng của Pháp, Glyde Loyrette Rouel, đại diện mình.

Phía ông Bình đòi Chính phủ Việt Nam bồi thường 100 triệu đôla vì vi phạm Hiệp định Thương mại Song phương.

Trong thư gửi cho Chánh án TAND Tối cao Phạm Hiện, Luật sư của Covington & Burlington cho biết họ “xác định được rất nhiều quyền lợi của ông Trịnh, quyền của nhà đầu tư vào Việt Nam bị vi phạm nghiêm trọng.” Chẳng hạn như “ông Trịnh đã bị tước đoạt quyền được ‘đối xử bình đẳng và công bằng’ cho nhà đầu tư Hà Lan tại Việt Nam theo điều khoản 3(1) của Hiệp ước quy định.”

Trước khi diễn ra phiên xử đầu tiên, được ấn định vào ngày 4/12/2006, Việt Nam đã gửi nhiều đoàn đàm phán đến làm việc với ông Trịnh Vĩnh Bình, theo lời ông Bình nói với VOA.

“Một hai năm đó là thời Thủ tướng Phan Văn Khải (chú Sáu Khải). Phải nói chú Sáu Khải là một thủ tướng muốn làm một bộ Luật hoàn chỉnh. Một bộ Luật tốt. Ông rất chú trọng tới những vấn đề sai lầm này. Ngoài việc viết thư cho ông Lê Minh Hương, ông cũng đã thấy vụ này là sai nên đã cho một người làm con thoi cố gắng thương lượng vụ này.”

Sau gần cả chục lần đàm phán, kể cả trực tiếp và gián tiếp qua điện thoại, email, ông Bình cho biết hai bên đã đạt được một “thỏa thuận ngoài tòa.”

“Cuối cùng vào tháng 11/2006, trước khi xử khoảng 10 ngày, [hai bên] đã ký được Bản Thỏa Thuận. Họ ghi rõ phía ‘Chính phủ Việt Nam cam kết’ trên văn bản đàng hoàng nên tôi đinh ninh rằng họ sẽ làm hết, sẽ giải quyết cho tôi. Tôi nghĩ thôi thì cố gắng về gầy dựng lại”.

Thỏa thuận, theo lời ông Bình, được ký kết tại Singapore vào tháng 11/2016, bao gồm 3 điều khoản.

Điều 1: Ông Trịnh Vĩnh Bình cam kết chấm dứt hoàn toàn vụ kiện tại Tòa trọng tài ở Stockholm và sẽ không có phiên tòa đã được ấn định trước đó.

Điều 2: Phía Chính phủ Việt Nam hỗ trợ cho ông Bình 15 triệu đôla; miễn thi hành án tù và tạo điều kiện cho ông Trịnh Vĩnh Bình về nước thực hiện các dự án đầu tư; khi ông Bình có đơn kiến nghị, Chính phủ Việt Nam xem xét trả lại những tài sản “hợp lý” của ông Bình.

Điều 3: Chính phủ Việt Nam bảo đảm quyền cư trú, đi lại và làm ăn cho ông Trịnh Vĩnh Bình.

Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình (Ảnh tư liệu)

Ngày 31/7/2017, VOA gửi thư chính thức cho Vụ Báo chí của Bộ Ngoại giao Việt Nam để xác nhận nội dung “Thỏa thuận Singapore.”

Ngày 8/8/2017, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà trả lời VOA như sau:

“Chúng tôi sẽ chuyển những câu hỏi này của phóng viên đến các cơ quan chức năng.

Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tại Việt Nam. Mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Những hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng các quy định pháp luật”.

Trong khi đó, doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình, người tự nhận là mình “ngu,” nói với VOA về Thỏa thuận này: “Tôi bị lừa. Cú đó là tôi bị lừa…”

Kỳ cuối: Vì sao ông Trịnh Vĩnh Bình cho rằng mình “bị lừa”? Nguyên nhân nào khiến vụ kiện 100 triệu USD năm 2006 biến thành “ít nhất 1,25 tỷ USD” hiện nay? Cơ hội thắng thua giữa hai bên? Những ảnh hưởng của vụ kiện đối với Việt Nam? Kỳ cuối: 1,25 tỷ USD? Đau!

Nguồn: VOA

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo