Vụ án

Huyền Như lừa đảo, bị hại ‘đòi’ tiền Vietinbank

Cập nhật lúc 27-05-2018 11:33:34 (GMT+1)
Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại phiên sơ thẩm

 

Cho rằng Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường số tiền Huyền Như đã chiếm đoạt, 5 công ty được xác định là bị hại của Huyền Như đã làm đơn kháng cáo.


Theo dự kiến, ngày mai (28/5) TAND Cấp cao sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm đối với Huỳnh Thị Huyền Như (40 tuổi, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Vietinbank - Chi nhánh TP.HCM) và Võ Anh Tuấn (46 tuổi, nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank Chi nhánh TP.HCM) theo đơn kháng cáo của 5 công ty bị hại gồm Công ty cổ phần (CP) chứng khoán Saigonbank-Berjaya, Công ty CP đầu tư Hưng Yên, Công ty CP chứng khoán Phương Đông, Công ty CP bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty CP đầu tư thương mại An Lộc và bị cáo Võ Anh Tuấn.

Trước đó, tại phiên sơ thẩm, Huỳnh Thị Huyền Như bị TAND TP.HCM tuyên phạt mức án chung thân, Võ Anh Tuấn 7 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Về phần trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của 5 công ty, trong đó Võ Anh Tuấn phải liên đới cùng Huyền Như bồi thường 200 tỉ đồng lừa đảo của công ty Hưng Yên. 

Sau phiên sơ thẩm, Võ Anh Tuấn đã làm đơn kháng cáo đề nghị xem xét lại thủ tục tố tụng vụ án tránh một hành vi của bị cáo bị xét xử nhiều lần, đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt. 5 công ty được xác định là bị hại cũng có đơn kháng cáo, yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường số tiền Huyền Như đã chiếm đoạt.

Trước đó, tại bản án sơ thẩm nhận định, toàn bộ 5 công ty được xác định là bị hại trong vụ án này đều thực hiện các thoả thuận ngầm với Như về hưởng lãi suất cao, thoả thuận lãi chênh lệch ngoài hợp đồng từ 2-7%/ năm. Đây là các thoả thuận trái pháp luật, vi phạm các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Các công ty với tư cách chủ tài khoản nhưng đã bỏ mặc hoặc phó thác cho Như thao túng, chỉ quan tâm đến việc nhận tiền lãi cao nên phải chịu trách nhiệm về lỗi chủ tài khoản.

Ngoài ra, để che đậy việc nhận tiền lãi suất cao ngoài hợp đồng, các công ty cùng Như còn tạo lập các hợp đồng kinh tế giả để có căn cứ cho các công ty rút tiền ra từ các ngân hàng và đứng tên gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất cao ngoài hợp đồng.

Theo bản án sơ thẩm, do cần tiền kinh doanh bất động sản, năm 2007, Huyền Như đã vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và vay của nhiều cá nhân với lãi suất cao.

Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ, cộng với việc phải trả lãi suất cao, Huyền Như không còn khả năng thanh toán.

Để có tiền trả nợ, từ tháng 5/2011 đến 9/2011, Huyền Như lấy danh nghĩa kiểm soát viên, quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, chi nhánh TP.HCM của Vietinbank để huy động tiền gửi.

Huyền Như đã lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống, trực tiếp thao tác chuyển tiền từ các tài khoản của khách hàng đi trả nợ cá nhân cho mình.

Từ tháng 5/2011 đến 9/2011, Như đã chiếm đoạt được hơn 1.000 tỷ đồng của 5 công ty; trong đó chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của công ty Hưng Yên, hơn 170 tỷ đồng của công ty An Lộc, 380 tỷ đồng của công ty Phương Đông, hơn 124 tỷ đồng của công ty Bảo hiểm Toàn cầu, hơn 209 tỷ đồng của công ty SBBS.

Được xác định là đồng phạm của Như, Võ Anh Tuấn là người đi cùng Như ra Hà Nội gặp đại diện công ty Hưng Yên. Tại cuộc gặp gỡ này, Tuấn biết Như có hành vi gian dối như lấy tên giả, lấy danh nghĩa cán bộ của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè do Tuấn làm Phó giám đốc, đi huy động vốn của công ty Hưng Yên.

Dù vậy, Tuấn vẫn để Như làm giả các hợp đồng tiền gửi của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè với công ty Hưng Yên, làm công ty này lầm tưởng chi nhánh ngân hàng nơi Tuấn đang phụ trách huy động tiền gửi nên họ đã chuyển tiền theo yêu cầu của Như và Tuấn được Như “biếu” 10 tỷ đồng.

Nguồn: Đoàn Nga/ Vietnamnet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo