Vụ án

Đinh Mạnh Thắng lợi dụng ảnh hưởng của ông Đinh La Thăng?

Cập nhật lúc 06-06-2018 09:00:48 (GMT+1)
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa

 

Luật sư cho rằng, để được chuyển 5 tỷ đồng, ông Đinh Mạnh Thắng đã lợi dụng ảnh hưởng của anh trai mình là ông Đinh La Thăng.


Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án tham ô tài sảnxảy ra tại công ty CP bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVPLand) sáng nay chuyển sang phần tranh luận.

Trước đó, đại diện VKS trình bày quan điểm cho rằng, lời khai của các bị cáo cơ bản phù hợp nhau, phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ... Do vậy, có đủ căn cứ xác định hành vi của các bị cáo như bản án sơ thẩm đã nhận định và quy kết. 

Quá trình điều tra xác định được các bị cáo có sự móc nối trong việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá trị 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực, tạo số tiền chênh lệch hơn 87 tỷ đồng.

Trong số tiền này, Trịnh Xuân Thanhchiếm đoạt 14 tỷ, Đinh Mạnh Thắng 5 tỷ, Đào Duy Phong 8 tỷ, Nguyễn Ngọc Sinh 2 tỷ, Đặng Sỹ Hùng 20 tỷ. Tổng cộng, các bị can đã chiếm đoạt 49 tỷ đồng.

Toàn bộ hơn 12 triệu cổ phần của PVPLand tại công ty Xuyên Thái Bình Dương thuộc PVC (Tập đoàn Dầu khí), do vậy số tài sản này thuộc tài sản nhà nước. Việc các bị cáo chiếm đoạt tiền chênh lệch là phạm tội tham ô tài sản. Cấp sơ thẩm xử các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.

Xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa (nguyên kế toán trưởng công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 và công ty cổ phần Minh Ngân), đại diện VKS khẳng định, Thoa không được hưởng lợi, nhưng vì động cơ cá nhân, bị cáo đã giúp Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Cấp sơ thẩm xử bị cáo Thoa đồng phạm tội Tham ô tài sản là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.

Đối với bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó TGĐ công ty cổ phần đầu tư Vietsan) và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (kinh doanh tự do), đại diện VKS cho rằng họ đều biết  rõ việc PVPLand ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần thấp hơn giá trị thực để giúp cho các đối tượng chiếm đoạt tiền chia nhau.

Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét thái độ khai báo và vận dụng các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, xử mức án thấp nhất. Do vậy, không có cơ sở xem xét giảm nhẹ cho bị cáo Hương và Duy.

Đề nghị giảm nhẹ tội cho Đinh Mạnh Thắng

Đối với bị cáo Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà), đại diện VKS cho rằng, bị cáo đã khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt là tình tiết giảm nhẹ.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Ngoài ra, gia đình bị cáo Thắng thuộc gia đình có công với cách mạng, quá trình bị cáo bị bắt tạm giam, bố của bị cáo đã qua đời... đại diện VKS thấy cần áp dụng chính sách nhân đạo, khoan hồng, đề nghị giảm một phần hình phạt, để bị cáo có thái độ cải tạo tích cực hơn.

Bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng, luật suy Nguyễn Huy Thiệp đưa ra quan điểm: Hành vi của bị cáo là sai, nhưng sai phạm ở đâu, mức độ nào thì cần áp dụng chế tài cho đúng.

Theo luật sư Thiệp, vì bị cáo Thắng là em trai của ông Đinh La Thăng, khi đó là Chủ tịch HĐTV của PVN, mà PVC do Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT lại là đơn vị thành viên của PVN, nên mọi người đều mặc định ông Thắng có uy của ông anh nên có tiếng nói, có thể tác động đến lãnh đạo của PVC.

Luật sư cho rằng, việc làm của bị cáo Thắng là lợi dụng ảnh hưởng của ông Đinh La Thăng để tác động đến người cần nhờ, là người có quyền quyết định việc chuyển nhượng cổ phần của PVPLand là Trịnh Xuân Thanh.

Trong việc này, bản thân ông Thắng được hưởng lợi 5 tỷ đồng. Việc làm của ông Thắng là có sai phạm, nhưng cần đặt vào bối cảnh năm 2010. Thời điểm đó bị cáo không thể biết số tiền được nhận có nguồn gốc từ việc tạo chênh giá.

Tài liệu có trong hồ sơ có nhiều dấu hiệu cho thấy, ông Thắng phạm vào tội Lợi dụng chức vụ của người có ảnh hưởng để trục lợi chứ không phạm vào tội Tham ô tài sản.

Nguồn: T. Nhung/ Vietnamnet.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo