Người Việt khắp nơi

Virus corona: Người Việt kể về tình trạng căng thẳng ở tâm dịch Hàn Quốc

Cập nhật lúc 22-02-2020 10:16:55 (GMT+1)
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng trước nhà thờ giáo phái Shincheonji ở Daegu ngày 21/2. Hơn 80 thành viên của giáo phái nà

 

Daegu - thành phố lớn thứ tư của Hàn Quốc với 2,5 triệu dân đang lâm vào cuộc khủng hoảng chưa từng có do dịch virus corona. Một người Việt ở đây nói với BBC News Tiếng Việt về tình hình và nỗi lo lắng trước nguy cơ lây nhiễm.


"Giờ thì tôi run lắm rồi. Hôm nay, tôi vẫn còn lạc quan, nhưng khi nghe bản tin thời sự sáng nay trên truyền hình, số người lây nhiễm virus corona ở Hàn Quốc đã lên đến 346 người, tức chỉ trong có một đêm tăng đến hơn 100 người thì cảm thấy sợ quá"- chị Hoài Thanh, một người Việt ở Daegu nhắn tin cho BBC News Tiếng Việt sáng 22/2.

Không chỉ ở tâm dịch Daegu của Hàn Quốc - một trong hai "khu vực chăm sóc đặc biệt" tại Hàn Quốc về bệnh truyền nhiễm - khu nhà chị Thanh đang ở lại đúng ngay quận có nhà thờ của giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa) với hàng chục ca lây nhiễm, bắt nguồn từ một tín đồ đi lễ ở đây, mà truyền thông vẫn gọi là 'bệnh nhân số 31'.

"Ngay bên cạnh quận này là quận có bệnh viện đông y, nơi 'bệnh nhân số 31' từng điều trị, nhà bà cũng ở đó. Vậy nên khu vực em ở những ngày này rất vắng, mấy quận khác của Daego ở xa sẽ đỡ khủng hoảng hơn', chị Thanh nói.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt chỉ một ngày trước đó, chị Thanh tuy rất lo lắng trước tình hình lây nhiễm, nhưng vẫn cho biết chị vẫn quyết định ở lại thành phố, thay vì những phương án sơ tán về Việt Nam hay đi đến ở nhà nhà bà con ở các thành phố khác tại Hàn Quốc.

"Tôi đã tính về Hà Nội 'lánh dịch'"

Nói về tâm trạng trong những ngày sống ở vùng cần được quan tâm đặc biệt về virus, chị Hoài Thanh nói rằng, khi những trường hợp đầu tiên xuất hiện, mọi người thấy lo, nhưng sau vài ngày, khi thấy số ca không tăng nhiều, cuộc sống dần trở lại bình thường.

Vậy nhưng, những ngày gần đây, số trường hợp nhiễm bệnh gia tăng đột biến, nỗi sợ hãi lại dâng cao.

"Gia đình chồng tôi là người Hàn Quốc, mấy ngày nay ai cũng lo lắng. Chồng tôi làm việc ở Changwon, cách đây khoảng hơn một tiếng rưỡi đồng hồ lái xe, cuối tuần vẫn về nhà nhưng cuối tuần này, công ty khuyến cáo ở lại tập thể. Tôi đã tính đến hai phương án, một là về Việt Nam, hai là đến Changwon.

"Tuy nhiên, khi nghĩ đến việc lên máy bay về Việt Nam với nguy cơ lây nhiễm không thấp, trong khi con tôi chưa có quốc tịch Việt Nam nên cũng chỉ có thể về trong một thời gian ngắn, rồi khi về liệu có bị xa lánh hay không, nên tôi bỏ phương án thứ nhất. Còn phương án thứ hai, tôi và gia đình đã xếp đồ vào va li, tính tìm đến nhà bà con ở thành phố khác tá túc. Tôi vừa xếp mà tay chân run cả lên. Nhưng khi nghe thông tin virus lây nhiễm đến nhiều thành phố khác, xem ra việc sơ tán xem ra cũng như không, vậy là lại chần chừ. Thôi ở lại chống dịch, không chống được dịch thì cũng đỡ lây dịch cho cộng đồng", chị Thanh nói.

Đường phố Daegu ngày 21/2 đã rất vắng

Hiện nay, chị Thanh và con chỉ ở trong nhà, mẹ chồng chị cũng được công ty cho làm việc online, chỉ bố chồng chị còn đi làm, nhưng thay vì đi bằng phương tiện giao thông công cộng, ông đã chọn cách di chuyển bằng xe hơi cá nhân.

Chị Thanh kể: "Mọi người đang rất lo lắng, không khí trở nên rất nặng nề, nhiều người bắt đầu tích trữ thực phẩm cho khoảng hai tuần trở lên vì ai cũng lo là với tính hình như hiện tại, sẽ đến thời điểm nào đó thành phố có thể sẽ bị phong tỏa".

Chủ động cung cấp thông tin

Nói về việc Chính phủ Hàn Quốc cung cấp thông tin cho dân chúng về tình hình dịch bệnh, chị Thanh cho biết là Hàn Quốc chủ động cung cấp thông tin cho người dân, không chỉ bằng các phương tiện truyền thông đại chúng mà còn qua các tin nhắn cá nhân, mỗi ngày hai lần.

Cũng theo chị Thanh, một, hai ngày sau khi chuyện về 'bệnh nhân số 31' làm bùng dịch, một số siêu thị lớn ở Daegu hết đồ ăn, việc mua hàng online cũng sập kênh, phải ngừng hoạt động trong vài giờ, do thiếu hàng, hết hàng, và giao hàng chậm. Tuy nhiên, đến cuối ngày 21/2 thì không còn hiện tượng đó nữa.

Thông tin về dịch bệnh cập nhật trên truyền hình Hàn Quốc sáng 22/2

"Thông tin trên truyền hình cho thấy, chính phủ chỉ đạo cung cấp lương thực như nước, gạo, mỳ tôm lấp đầy các siêu thị ở Daegu với số lượng tăng hơn 50% so với bình thường, nên ko sợ có chuyện thiếu đồ ăn nữa. Hệ thống online cũng hoạt động bình thường trở lại", chị Thanh cho hay.

Hệ thống trường học mẫu giáo cũng đã thông báo đóng cửa, con chị Thanh phải ở nhà; còn các trường phổ thông đang trong nghỉ đông và sẽ kép dài thời gian này. Một số công ty cũng chủ động tạm đóng cửa hay cho nhân viên làm việc onlie, các doanh trại thì yêu cầu binh sĩ nội bất xuất, ngoại bất nhập sau trường hợp một quân nhân bị xác nhận dương tính với covid-19.

Dịch lan nhanh ở Hàn Quốc

Đến sáng 22/2, Hàn Quốc thông báo có thêm 142 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên đến 346. Nước này cũng đã có 2 ca tử vong.

Tổng số ca nhiễm trên toàn cầu tính đến sáng 22/2 là 77.767, với 2.360 trường hợp tử vong.

Hàn Quốc tuyên bố hai thành phố miền nam Daegu và Cheongdo bị tuyên bố là "vùng chăm sóc đặc biệt".

Hôm thứ Sáu, Hàn Quốc có ca tử vong thứ hai do nhiễm virus corona.

Nạn nhân là phụ nữ gần 60 tuổi. Bà qua đời tại thành phố Busan ở miền tây nam Hàn Quốc, sau khi được đưa từ một bệnh viện ở vùng nông thôn gần đó tới, hãng thông tấn Yonhap đưa tin.

Các tường thuật nói bà trước đó đã là bệnh nhân tại cùng bệnh viện ở Cheongdo - nơi nạn nhân đầu tiên tử vong ở Hàn Quốc, một người đàn ông lớn tuổi.

Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã khuyến cáo công dân Việt Nam tại Hàn Quốc không nên đến các khu vực đang có dịch (Covid-19) và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng Hàn Quốc đã khuyến cáo; thường xuyên theo dõi và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại để phòng tránh dịch bệnh.

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo