Người Việt khắp nơi

Trung Thu xứ người

Cập nhật lúc 20-09-2020 04:03:57 (GMT+1)
Cộng đồng người Việt ở Australia vui đón tết trung thu.

 

Năm nào cũng thế, cứ đến tháng 8 âm lịch, những người Việt xa xứ ở nhiều nơi trên thế giới lại quây quần bên nhau tổ chức đêm Trung thu, vừa là để nhớ về nguồn cội, vừa cho trẻ tham gia các trò chơi truyền thống.


Trung thu ở xứ sở Kangaroo

Anh Hoàng Văn Tùy ở Australia cho biết, dịp Trung thu năm nào bên này cũng vào mùa lạnh, nhưng bà con người Việt ở đây vẫn rộn ràng tổ chức Trung thu cho các cháu. Địa điểm tổ chức thường ở công viên, bởi vì chỉ có nơi đó mới đủ rộng cho các hoạt động vui chơi, như múa lân, rước đèn....

Anh Tùy nhớ lại, những năm trước thời tiết còn lạnh hơn bây giờ nhiều, nhưng dù lạnh đến cỡ nào cũng không ngăn được dòng người tìm đến với công viên C.J. Greenfield (Brisbane, Australia) để vui tết Trung thu. Anh kể, công viên này rất rộng, nhưng có những mùa Trung thu không còn chỗ chứa xe, thậm chí tìm được chỗ ngồi cũng không dễ bởi vì cứ mỗi người lớn dắt theo vài đứa trẻ, thậm chí có gia đình đi cả mấy thế hệ. Tất cả ai nấy đều háo hức vì họ biết mình sẽ được đắm mình trong niềm vui khi được thưởng thức văn hóa nguồn cội.

Chị Minh Thùy ở Sydney kể, năm nào chị cũng cho các con ra công viên, vừa là dịp để gặp gỡ người Việt vừa là để các con tham gia những trò chơi truyền thống như ở quê nhà. Các cháu rất thích những chiếc lồng đèn, mặt nạ giấy mà ban tổ chức tặng. Tại các quầy hàng, những chiếc bánh Trung thu được bày bán và được ủng hộ rất nhiệt tình. Những chiếc bánh này do chính người Việt trên đất Australia làm. Các món ăn thuần Việt cũng được bà con ủng hộ và mua rất nhiều bởi vì nó ngon và đậm hương vị quê nhà.

Chị Minh Thùy nói, có đến đây mới thấy được tấm lòng của bà con luôn hướng về cội nguồn đất mẹ. Có đến đây mới thấy tự hào về quê hương.

Vui nhất có lẽ vẫn là những bạn thiếu nhi. Bé Thảo Nhi, 10 tuổi háo hức nói, năm nay con lại chuẩn bị được đến công viên dự Tết Trung Thu. Con không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu được ba mẹ dẫn đi chơi tết trung thu cùng các cô chú. Năm nào cũng được ăn bánh nướng bánh dẻo, ăn chè. Thậm chí có năm con còn được “mời” tham gia làm bánh cùng các nghệ nhân. Nhi bảo, để đến các lễ hội do người Việt tổ chức con phải chăm chỉ học tiếng Việt hơn. Bởi nếu không nói được tiếng Việt con sẽ không tham gia được các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian.

Nhưng đêm Trung thu ở Australia không chỉ cho các cháu mà cho cả người lớn. Họ đến đây - bỏ lại sau lưng những nhọc nhằn của cuộc mưu sinh - gặp lại những đồng hương thân yêu. Những cái bắt tay, những câu chào hỏi bằng ngôn ngữ mẹ đẻ dường như làm ấm lại tình người..

Chị Vân Trương, định cư lâu năm tại Australia, có con tham gia trong nhóm múa, cho biết: “Tôi cho các cháu góp mặt trong tất cả các sinh hoạt của người Việt tại đây. Những lần như vậy sẽ giúp cháu trưởng thành hơn, hiểu biết và tự hào mình là người Việt Nam. Trung thu này, tôi hi vọng sẽ giúp cháu tìm hiểu nhiều hơn về phong tục tập quán của người Việt”.

Thiếu trăng mà vẫn vui

Đối với những du học sinh xa nhà, ngoài những trải nghiệm mới về học tập, môi trường sống, khó khăn lớn nhất họ phải đối mặt là nỗi nhớ nhà, đặc biệt trong những ngày lễ tết lớn tại quê hương.

Dù không có đầy đủ mâm ngũ quả bánh nướng, bánh dẻo hay tiếng tùng cheng của những hội múa lân nhưng họ vẫn cảm nhận được không khí như ở quê hương mình. Trong lòng họ đều có một cảm xúc chung: “Trung thu của những người xa xứ tuy không rộn ràng, không nồng nhiệt nhưng ấm cúng và tràn đầy niềm vui khi nghĩ về gia đình”.

Nghĩa Hiệp hiện đang học tại trường ĐH Tổng hợp quốc gia SAINT PETERSBURG cho biết, suốt những năm du học tại xứ sở bạch dương, Trung thu nói riêng và tất cả những dịp lễ, Tết trong năm đều khiến mình nhớ thành phố hoa phượng đỏ da diết. Lên mạng, thấy những hình ảnh người thân, bạn bè ở nhà đi chơi, đi xem múa lân, ngắm trăng… đôi khi cũng khá tủi thân.

Tuy nhiên, vì cùng hoàn cảnh xa nhà như nhau, nên mình và các anh em du học khác đã tự tổ chức Trung thu, dù đơn sơ nhưng ý nghĩa lắm. Bữa tiệc trông trăng chỉ là những miếng bánh nướng, bánh dẻo được gửi từ Việt Nam sang và chút đồ ăn. Có khi còn chả nhìn thấy trăng, nhưng mấy anh em vẫn kéo nhau ra bờ sông, đốt vài ngọn đèn hoa đăng tự chế, ngồi tâm sự, hát hò…cho vơi bớt nỗi nhớ quê nhà.

Hoàng Thị Ánh Tuyết ở Thụy Điển chia sẻ: “Mình nhớ nhất là dịp Tết Trung thu khi còn bé. Mọi người cùng nhau đi chơi, ngắm đường phố, đèn lồng. Trái ngược với cuộc sống ở bên này, mọi người dường như không để ý đến nhiều, đa phần nhà nào biết nhà đấy”. Ánh Tuyết chia sẻ cứ mỗi dịp Tết Trung thu, cô lại thèm hương vị bánh cổ truyền của Việt Nam. Cũng may là bây giờ mọi thứ đều thuận lợi, bánh Việt Nam đã đi khắp năm châu nhưng cũng không thể ngon bằng ăn chính quê nhà. Chính vì vậy, mấy năm gần đây cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển đã hô hào nhau tổ chức những buổi vui tết Trung thu cho thiếu nhi và cho cả những người xa quê. Theo đó, không chỉ có những màn làm bánh, bày mâm ngũ quả mà thậm chí cộng đồng người Việt ở đây còn tập các tiết mục múa lân, múa rồng để thi thố, qua đó hút được rất nhiều người tham gia.

Bạn Đỗ Thu Trang, sinh viên HTMi ở Luzern Thụy Sỹ chia sẻ: “Ở đây không khí Trung thu không nhộn nhịp, mọi người đều hối hả với công việc của mình. Thế nhưng cộng đồng học sinh người Việt trong trường cũng vẫn tổ chức gặp mặt và liên hoan trong dịp Trung thu. Chúng tôi uống trà, ăn bánh và nhấm nháp hạt dưa. Đặc biệt, ở Thụy Sỹ cũng có nhiều loại bánh Trung thu như ở Việt Nam”, nhờ vậy những du học sinh như em mới vơi bớt đi nỗi nhớ quê.

Với những người Việt xa quê, dù trong ngày Tết Trung thu mỗi người đều bận dộn với công cuộc mưu sinh nhưng họ đều cố gắng tìm đến với nhau để có khoảng lặng, tĩnh tâm hướng về nhau trong sự tất bật ngược xuôi mà ngày thường không thể có được.

Nguồn: Lục Bình/ daidoanket.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo