Người Việt khắp nơi

Thực tập sinh Việt Nam bỏ trốn, làm việc 'chui' ở Nhật

Cập nhật lúc 22-02-2020 15:03:04 (GMT+1)
Nhiều lao động bỏ trốn vì bị đối xử bất công, trả lương thấp. Ảnh: Nikkei.

 

Điều kiện lao động khó khăn, đồng lương ít ỏi cùng với áp lực trả nợ khiến nhiều thực tập sinh chọn cách trốn ra ngoài, làm việc bất hợp pháp.


Ngày 19/2, cảnh sát tỉnh Osaka bắt giữ 3 người đàn ông tình nghi vi phạm Luật kiểm soát nhập cư, tuyển dụng lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại Nhật Bản.

Theo cơ quan điều tra, thông qua việc đăng tin tuyển dụng trên mạng xã hội, 3 người này đã đưa 5 người Việt tới làm "chui" ở nhà máy dược phẩm tại Osaka và Shiga trong khoảng thời gian từ tháng 9/2018 đến tháng 11/2019.

Một bài đăng tuyển dụng trong nhóm thực tập sinh Việt tại Nhật. Ảnh chụp màn hình.

Cảnh sát cũng bắt giữ 5 người Việt Nam trên. Tất cả đều sang Nhật theo diện thực tập sinh, sau đó bỏ trốn khỏi chỗ làm. 4 trong số này đã bị truy tố vì hết hạn visa, lao động bất hợp pháp.

Những người này cho biết được công ty dược phẩm trả 1.100 yên/giờ làm việc (10 USD), thấp hơn mức lương chung 1.750 yên/giờ (16 USD).

Theo Bộ Tư pháp, năm 2018, Nhật Bản có 328.000 thực tập sinh nước ngoài, gần một nửa trong số đó là người Việt.

Cùng năm, 9.052 thực tập sinh nước ngoài trốn khỏi nơi làm việc, 64% trong số này là lao động Việt Nam. Con số này cao hơn khoảng 6 lần so với 1.534 người bỏ trốn vào năm 2011.

Bà Nguyen Thi Thanh Xuan, người đứng đầu HTC - công ty hỗ trợ lao động Việt Nam tìm việc làm có trụ sở ở Kashiwara, Osaka - cho biết những lời tuyển dụng với đủ kiểu hứa hẹn trên mạng xã hội đã khiến nhiều người bỏ trốn khỏi chỗ làm.

"Dễ dàng tìm thấy thông tin về công việc được trả lương cao hơn trên các trang mạng xã hội so với những gì các chương trình thực tập của của công ty mang lại", bà Nguyen Thi Thanh Xuan nói với Asahi Shimbun.

Cuộc khảo sát vào năm ngoái của Bộ Tư pháp cho thấy trong số 5.000 thực tập sinh bỏ trốn khỏi chỗ làm từ tháng 1/2017 đến tháng 9/2018, gần 100 người nói rằng họ bị chủ lao động đối xử bất công.

Hơn 120 người không được trả lương theo hợp đồng và gần 200 người không được trả tiền làm thêm giờ.

Điều kiện lao động khó khăn, đồng lương ít ỏi cùng với áp lực trả nợ các khoản vay môi giới sang Nhật trước đó khiến không ít lao động chọn cách trốn ra ngoài, làm việc "chui".

Tuy nhiên, cuộc sống lẩn trốn, ngoài vòng pháp luật ở xứ người không hề dễ dàng. Một số người đã không thể chịu nổi.

"Tuần sau, tôi sẽ đi đầu thú. Có ai muốn đi cùng không?", một thực tập sinh bỏ trốn đã viết trên Facebook.

Nguồn: Lê Vy/ Zing.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo