Người Việt khắp nơi

Thủ tục rườm rà 'làm khó' doanh nhân Việt kiều về nước đầu tư?

Cập nhật lúc 25-03-2016 15:31:21 (GMT+1)
Phóng viên VOV trong buổi phỏng vấn các doanh nhân Việt kiều tại Australia

 

Theo các doanh nhân Kiều bào, họ rất mong được về nước đầu tư nhưng thực sự họ cảm thấy khó khăn khi vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà…


Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi để bà con kiều bào đầu tư về trong nước.

Nếu như năm 1991 mới chỉ có 35 triệu USD kiều hối về Việt Nam thì  tới năm 2015 con số này đã đạt mức kỷ lục 12,5 tỉ USD. Năm 2015, Việt Nam là một trong số 11 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới.

Chưa phát huy được hết thế mạnh của DN Việt kiều

Tuy vậy, việc phát huy thế mạnh của các doanh nghiệp Việt kiều chưa được như mong muốn, chưa tương xứng với tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Theo nhiều doanh nghiệp Việt kiều ở nước ngoài, một trong những khó khăn chính trong việc khuyến khích bà con đầu tư về trong nước là các chính sách dù được cải thiện nhưng vẫn còn rườm rà, đôi khi ở nhiều nơi việc thực thi chính sách chưa hiệu quả.

Ông Nguyễn Tài Phương, Việt kiều Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Bắc Mỹ cho biết, bà con kiều bào rất phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhất là từ khi ban hành Nghị quyết 36 về người Việt Nam ở nước ngoài. Sau Nghị quyết 36, Đảng và Nhà nước đã ban hành thêm nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kiều bào. Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới bà con kiều bào, đồng thời cũng là nền tảng, hỗ trợ, thúc đẩy để bà con gắn bó với quê hương đất nước; đồng thời tạo điều kiện cho bà con góp sức xây dựng đất nước. 

 

Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nhân kiều bào toàn Australia

Theo ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nhân kiều bào toàn Australia, người Việt Nam ở Australia thành đạt nhiều, trên mọi lĩnh vực. Khi đời sống phát triển, nhiều bà con mong muốn được đầu tư về trong nước để góp phần xây dựng quê hương. Tuy mới được thành lập từ năm 2010, nhưng Hội doanh nhân kiều bào toàn Australia đã bắc nhịp cầu nối giữa các doanh nhân Việt kiều, doanh nghiệp tại Australia với các đối tác ở Việt Nam. Qua Hội Doanh nhân, nhiều hoạt động đã được triển khai, các doanh nhân được kết nối với các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Australia. Từ đó, nhiều cuộc triển lãm thương mại, giới thiệu sản phẩm, hội thảo doanh nhân, kêu gọi đầu tư vào Việt Nam đã được tổ chức. 

Tại Australia có khoảng trên 300.000 người Việt Nam sống ở hai tiểu bang lớn. Thành phố Melbourne của tiểu bang Victoria có khoảng hơn 100.000 người Việt Nam, thành phố Sydney của tiểu bang New South Wales có khoảng trên 115.000 người, còn lại sống rải rác ở các tiểu bang khác.

Ông Trần Bá Phúc cho biết, Việt kiều ở Australia rất muốn đầu tư về trong nước vì họ là người Việt Nam, am hiểu được văn hóa, đất nước và con người Việt Nam. Đây cũng là một lợi thế để bà con về nước đầu tư. Tuy vậy, nhiều doanh nhân khi trở về nước đầu tư họ còn cảm thấy bỡ ngỡ với những thủ tục rườm rà ở Việt Nam.

“Tiềm năng của doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài rất lớn, chỉ riêng tiền kiều hối gửi về trong nước một năm đã hơn 10 tỷ USD. Theo tôi, nếu trong nước thực sự muốn phát huy tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như khuyến khích kiều bào về nước nhiều hơn thì các thủ tục cần thông thoáng hơn nữa. Đặc biệt, nếu có những chính sách, quy định để bảo đảm nguồn vốn đem về đầu tư, thì chắc chắn lượng Việt kiều hướng về quê hương đầu tư sẽ tăng nhanh hơn”- ông Trần Bá Phúc phân tích.

Cần có sự hướng dẫn, bảo vệ cho kiều bào tốt hơn nữa

Theo ông Nguyễn Tài Phương, nhiều chính sách rất tốt, nhưng về mặt triển khai chưa hiệu quả, quá trình thực thi còn nhiều vấn đề. Đây chính là rào cản cho bà con trở về đầu tư, về thăm quê hương. “Rào cản đó vẫn chủ yếu là con người. Chính sách tốt nhưng con người không thực thi tốt thì làm chính sách xa rời thực tế. Để tháo gỡ vấn đề này, chúng tôi nghĩ rằng, Nhà nước nên có các chương trình tập huấn cho các cán bộ lãnh đạo và những người trực tiếp tiếo xúc với bà con kiều bào”. 

 

Ông Lâm Hồng Huy

Là chủ chuỗi nhà hàng tại thành phố Melbourne (Australia), ông Lâm Hồng Huy cho rằng, so với các nước châu Á, Việt Nam đang làm một thị trường tiềm năng, đa số những doanh nghiệp Kiều bào ở Australia đều muốn được về nước để đầu tư. Vì thể, để thu hút bà con Kiều bào về nước đầu tư, Việt Nam cần có sự hướng dẫn, bảo vệ cho kiều bào tốt hơn nữa.

 “Hiện nhiều người rất thành công và họ sẽ về Việt Nam để đầu tư. Khi luật pháp và chính sách rõ ràng, hoàn thiện thì tôi nghĩ nguồn lực của kiều bào ở nước ngoài rất mạnh. Nếu tận dụng tốt được thế mạnh của kiều bào, chắc chắn Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh vì doanh nghiệp Việt kiều họ có vốn, tiếp thu được công nghệ tiên tiến trên thế giới và điều quan trọng nữa là họ tâm huyết với quê hương, muốn đóng góp xây dựng đất nước”- ông Lâm Hồng Huy nói.

 

Ông Nguyễn Toản

Ông Nguyễn Toản, công ty Kiểm toán hỗ trợ các doanh nghiệp Việt kiều tại Australia cho rằng, việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo nhiều cơ hội thuận lợi hơn cho Việt Nam trong phát triển kinh tế, trong đó có thu hút đầu tư vào trong nước và mở rộng đầu tư ra nước ngoài. “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài dù ở đâu cũng luôn hướng về Tổ quốc, luôn mong muốn được đóng góp xây dựng đất nước. Các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nên xích lại gần nhau để tương đồng và hỗ trợ, hướng tới đưa hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Kiều đưa vốn, công nghệ và tri thức về để phát triển đất nước”- ông Nguyễn Toản đề xuất.

Trong thời gian tới, khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, việc phát huy hiệu quả thế mạnh của doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có doanh nghiệp Việt kiều là rất cần thiết. Vì thế, rất cần có có sự vào cuộc mạnh hơn nữa của các cơ quan, ban ngành liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn đang cản trở sự đầu tư về nước của các doanh nghiệp Việt kiều./.

Nguồn: VOV

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo