Người Việt khắp nơi

Thiếu nữ Việt vụ 39 người chết ở Anh: Sang Tây ‘mới biết toàn là màu đen’

Cập nhật lúc 14-11-2019 22:44:59 (GMT+1)
Người thân thắp hương trên bàn thờ Bùi Thị Nhung ở Nghệ An. Ảnh: AFP

 

Một trong những người trẻ nhất vụ 39 nạn nhân thiệt mạng trong thùng xe tải ở Anh từng viết một tháng trước khi thi thể của cô được phát hiện rằng cô thấy châu Âu không toàn “màu hồng” như từng nghĩ lúc còn ở Việt Nam.


“Ở nhà cứ tưởng sang Tây màu hồng”, cô Bùi Thị Nhung viết trên Facebook cá nhân hôm 20/9, năm ngày sau khi tới Đức. “Sang rồi mới biết toàn là màu đen”.

Gia đình cô Nhung cho biết rằng cô từ Việt Nam sang Trung Quốc hồi tháng Tám trong hành trình dài ngày tới châu Âu. Tuy nhiên, thiếu nữ này không đăng tải trên mạng xã hội bất kỳ hình ảnh hay thông tin nào khi ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Khi thay hình ảnh đại diện ngày 29/8, cô Nhung bày tỏ với mẹ trong dòng trạng thái về sự “cô đơn”. “Mọi thứ ngoài xã hội thật đáng sợ. Mỗi ngày một lo lắng. Ngày hôm nay thì luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn. Để bước tiếp ngày mai. Ngày mai cũng vậy... Con nhớ nhà con muốn thời gian trôi thật nhanh để về với mẹ...,” thiếu nữ 19 tuổi viết và trả lời rằng cô đang ở Sài Gòn khi được bạn bè hỏi thăm.

Chưa rõ là cô Nhung đi bằng cách nào sang Trung Quốc từ trung tâm tài chính của Việt Nam. Cả Việt Nam và Anh vẫn đang điều tra vụ việc, vốn thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế nhiều ngày qua.

Cô Nhung viết lần cuối cùng trên trang Facebook của mình vào ngày 21/10, hai ngày trước khi cảnh sát Anh phát hiện thi thể của cô cùng với 38 người Việt Nam khác, trẻ nhất 15 tuổi, trong thùng xe tải đông lạnh.

“Trưởng thành là khi mình biết cách giấu muộn phiền vào bóng tối. Bước ra đời chỉ biết nở nụ cười tươi thôi”, cô Nhung viết, trả lời thêm rằng cô “không ổn” khi một người bạn hỏi về “tình hình” của cô trong phần bình luận bên dưới.

Trước đó ba ngày, cô Nhung đăng tải một loạt các hình ảnh mà cô nói là chụp “ở Pháp”, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, những tấm ảnh được chụp ở Bỉ, nơi, tin cho hay, cô gái xứ Nghệ lên chiếc xe tải chở container để tới Anh.

Hiện chưa rõ lý do vì sao cô Nhung thay đổi họ cũng như tuổi thật của mình trên trang Facebook và không rõ cô có được yêu cầu phải che giấu thông tin về hành trình của mình hay không.

Những dòng trạng thái cô Nhung viết hoặc chia sẻ trong khoảng thời gian từ tháng Tám tới tháng Mười thể hiện sự nhớ thương người thân ở quê, nhất là người cha đã qua đời vì bệnh tật. Chuyện tiền bạc cũng hay được thiếu nữ này nhắc tới.

“Xứ xa con ăn đầy đủ lắm mẹ đừng nghĩ nhiều, chỉ là không được ngon như mẹ nấu ở quê nhà thôi, ai cũng quan tâm con những khi có được nhiều tiền, không như mẹ chẳng cần gì vẫn đùm bọc con. Chúc mẹ luôn bình an…”, cô Nhung viết hôm 19/10 nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10).

Trả lời kênh truyền hình ITV của Anh tháng trước, anh trai của cô Nhung nói rằng em mình tìm đường đi Anh để kiếm tiền “trả nợ” cho gia đình. “Nhà đói, nghèo. Bố mới mất. Khổ. Em đi sang kiếm tiền về trả nợ cho mẹ. Mẹ già”, người anh trai nói.

Trong một bài viết được nhiều tờ báo đăng tải hồi tháng Chín, Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward, nói rằng “những người Việt Nam di cư trái phép sang Anh là họ lựa chọn ra đi với mong ước về một mức thu nhập có thể trả nợ và nuôi sống gia đình”. “Nhưng họ không lường được rằng, ở mảnh đất bên kia địa cầu, nếu họ chỉ là lao động trái phép, họ chính là những ‘nô lệ thời hiện đại’”, ông Ward viết.

Tâm sự với người cha quá cố hôm 4/10, cô Nhung viết: “Mẹ ở nhà đang phải lo trăm việc, bao nhiêu thứ mẹ phải suy nghĩ, vì thế nên con chẳng muốn mẹ phải phiền lòng vì con... Con cứ mông lung trong cái đống hỗn độn do con tự tạo, con bất lực nhìn ngày qua ngày, và con vẫn chưa có gì trong tay... Con sắp ngạt thở trong cái bầu không khí này rồi bố ạ!!! Bố có thể giúp con không, một mình như này, con hoang mang lắm”.

Bà Trần Thị Hiện, mẹ của Nhung, nói với VOA tiếng Việt rằng nguyện vọng của bà là thi thể của con được đưa về Việt Nam, thay vì nhận tro cốt, để bà có thể nhìn mặt con lần cuối.

Hàng xóm của gia đình Nhung, anh Nguyễn Đình Tứ, 26 tuổi, cũng thiệt mạng trong thùng xe tải ở Anh. Cô Hoàng Thị Thương, vợ anh Tứ, cho biết rằng cô cũng có nguyện vọng như bà Hiện, đó là muốn “đưa xác” chồng về Việt Nam.

“Nhưng mà hiện tại vẫn chưa có ngày về chính thức và họ cũng chưa nói gì cả”, cô Thương cho VOA tiếng Việt biết.

Trong thông cáo ra ngày 8/11, công bố cụ thể tên tuổi 39 người chết, cảnh sát Hạt Essex của Anh cho biết rằng “việc tham vấn về chuyện hồi hương những người đã chết đang diễn ra”, và rằng chính phủ Việt Nam và Anh “đang phối hợp để đạt được điều này”.

Nguồn: VOA

 

 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo