Người Việt khắp nơi

Tha hương

Cập nhật lúc 24-05-2015 10:50:25 (GMT+1)
Tôi ở Moscow. Nguồn ảnh: vnexpress

 

Khi Thắng quyết định đi Hungary thì Mạnh cũng chọn nước Nga là nơi mưu sinh cho mình. Tôi thì trở thành một tiếp viên hàng không vào năm 1996 và trong suốt mười năm sau đó, tôi nhiều lần sang Nga thăm Mạnh theo những chuyến bay. (Đỗ Hoàng Dương, TP HCM)


Nhóm bộ tứ thân nhau từ thời phổ thông của chúng tôi gồm 4 chàng được cho là cao to đẹp giai thời bấy giờ. Chúng tôi cùng học trong một lớp gồm tuyển chọn những học sinh giỏi, cùng đi chơi, đi đá bóng, đi học võ, đi hẹn hò tán tỉnh, kể cả đi đánh lộn… tất tần tật đều đi cùng nhau như hình với bóng. Điều đó khiến tôi, Thắng, Mạnh và Dũng trở thành nhóm nổi tiếng thời trung học. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, mỗi đứa thi một trường, không gặp nhau hàng ngày được nữa nhưng chúng tôi vẫn gắn bó như anh em.

Thắng có nước da trắng hồng và đôi môi đỏ chót học đại học Mỏ địa chất. Năm thứ 3 thì Thắng bị nghiện thuốc phiện do trót tò mò hút với mấy cậu sinh viên người dân tộc ít người cùng ký túc xá. Lũ chúng tôi xúm vào giúp Thắng. Vật vã, đau khổ và cả tuyệt vọng, nhưng cuối cùng Thắng bằng nghị lực phi thường đã cai được hoàn toàn. Không thể tiếp tục ở Việt Nam vì dễ tái nghiện, Thắng đã sang Hungary dạng xuất khẩu lao động.

Bao khó khăn vất vả cuộc sống trời Tây, gần 20 năm sau Thắng cũng đã làm chủ một cửa hàng tạp hóa nơi đất khách quê người. Sự hy sinh là không thể đong đếm, hai cậu con trai đều được vợ Thắng về Việt Nam sinh hạ và gửi ông bà nội chăm lo hộ. Nuôi trẻ ở trời Âu là một việc quá sức khi họ chưa kịp tích lũy ổn định vốn liếng buôn bán. Thắng hôm trước hẹn tôi qua Facebook là năm nay về Việt Nam sẽ vào Sài Gòn thăm tôi, dù về vài lần nhưng Thắng vẫn chưa đi đâu ra khỏi ngoài Hà Nội.

Mạnh hay cười, có khiếu hài ước khiến bao cô gái mê mệt. Khi Thắng quyết định đi Hungary thì Mạnh cũng chọn nước Nga là nơi mưu sinh cho mình. Tôi thì trở thành một tiếp viên hàng không vào năm 1996 và trong suốt mười năm sau đó, tôi nhiều lần sang Nga thăm Mạnh theo những chuyến bay. Những kỷ niệm trở thành nỗi ám ảnh.

Những buổi sáng trắng trời tuyết rơi, lạnh như ai đấm vào mặt, tôi theo Mạnh buôn bán đồ lặt vặt ở khu chợ người Việt. Vào thời đó, khu chợ đầy những mánh khóe, lừa đảo và bạo lực. Những thanh niên mặc quần áo lính theo kiểu “quân khu”, đội mũ cối Tàu, mũ dạ Tá ngồi xổm bên những quán nước trà giống hệt hình ảnh ở ga Hà Nội những năm 80. Sân bay chen chúc người Việt với những cặp mắt lo toan, la hét nhau đóng hàng, gửi hàng vô cùng hỗn độn.

Chính tôi cũng phải mưu sinh bằng cách xách những vali đóng đầy rau muống và thực phẩm Việt Nam như thịt chó, mắm tôm…sang cho Mạnh ra chợ bán. Nếu hình ảnh của tôi ở một đất nước khác như Úc , Nhật hay Hàn Quốc là khá tươm tất với veston đeo caravat ra dáng phi hành đoàn, thì ở Nga tôi cũng bị cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền và bon chen trong  xã hội Việt Nam thu nhỏ tại nơi này.

Ra đường mắt trước mắt sau thấy bóng cảnh sát là tôi chạy, tất cả người Việt ở Nga hồi đó đều phải chạy dù chẳng phạm tội gì. Nếu họ tóm được thì cứ chi tiền rúp trị giá tương đương khoảng 5 USD là thả, không cần biết vì sao tóm và vì sao phải đút tiền. Một anh phi công trong phi hành đoàn chúng tôi kiên quyết không chạy, cũng chẳng cho tiền. Thế là họ đưa về đồn cảnh sát, đưa hộ chiếu ra họ chẳng thèm nhìn.

Suốt một đêm nằm đồn, sáng hôm sau phải nhờ Đại sứ quán tới can thiệp anh mới được thả. Giết người cướp của xảy ra như cơm bữa với người Việt ở Nga hồi đó, chẳng có luật lệ nào cả, ai nấy đều phải nhanh tay lẹ mắt và láu cá để tự lo cho thân mình. Mạnh hiện đã mang khá nhiều tiền từ Nga về Hà Nội và trở thành một đại gia, nhà to, xe đẹp và những dự án tiền tỷ.

Dũng có chiều cao và hình thể của người mẫu, hiện đang làm cho một công ty công nghệ ở Hà Nội. Có lẽ Dũng là người duy nhất trong nhóm không ảnh hưởng gì từ cuộc mưu sinh ở châu Âu hay một quốc gia khác ngoài Việt Nam cho đến ngày hôm qua. Chiều qua Chuyên vợ Dũng bỗng chat thoại với tôi qua Facebook. Chuyên kể vừa sang Angola làm ăn. Ở Angola hiện đã hình thành cộng đồng người Việt khá đông, mức sống của dân nơi đây rất thấp.

“Y tế, vệ sinh và giáo dục rất kém anh ạ. Nhưng bọn em cũng kiếm được hơn trong nước”, giọng Chuyên chợt lắng lại ngậm ngùi. “Anh Dũng hiện hết giờ đi làm về trường đón con, nấu nướng và cho chúng ăn uống thay cho em”. Giọng Chuyên hơi lạc đi. Tôi cũng nén thở dài.

Tôi biết, dù không mong đợi nhưng những mảnh đời tha hương mưu sinh sẽ mãi vẫn còn tiếp diễn. Trong mỗi mảnh đời ấy đều có một câu chuyện, một số phận. Dù không giống nhau nhưng sẽ không thể thiếu những giọt mồ hôi và nước mắt đắng cay.

Đỗ Hoàng Dương
Nguồn: Vnexpress

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo