Người Việt khắp nơi

Sâu nặng nghĩa tình ở xứ sở bạch dương

Cập nhật lúc 26-10-2020 09:57:24 (GMT+1)
Cô Tanya (hàng sau cùng, thứ ba, từ trái sang) chụp ảnh cùng với chị em công nhân tại phân xưởng sợi con ở Nhà máy dệt Donets

 

5 năm là quãng thời gian không quá dài, nhưng với Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Tú Anh, nhân viên chính sách, Ban CHQS quận Hoàn Kiếm (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) thì thời gian ấy cũng đủ để nói lên những tình cảm chân tình về những người bạn, người đồng chí, nghĩa thầy trò sâu đậm khi chị được sống, học tập và làm việc ở xứ sở bạch dương.


Tôi may mắn được công tác với chị hơn 3 năm và lần nào cũng vậy, khi được hỏi về những ngày tháng sống và làm việc tại Liên Xô (nay là Liên bang Nga), đôi mắt của chị lại ánh lên niềm xúc động. Hình ảnh về nước Nga vĩ đại với các công trình kiến trúc, đền đài cổ kính, với bao câu chuyện cổ tích; những ánh mắt, nụ cười thân thiện của bạn bè, thầy cô, rồi cả tiếng đàn Balalaika du dương huyễn hoặc tâm hồn và cái lạnh giá mùa đông phủ đầy tuyết trắng... trong phút chốc lại ùa về qua lời kể của chị. “Khi ấy mình còn là một cô gái trẻ, mới 18 tuổi, bước chân sang đất khách quê người với nhiều điều mới lạ, bỡ ngỡ, từ ngôn ngữ, phong tục tập quán đến thời tiết, rồi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương và người thân da diết. Nhưng chính trên mảnh đất ấy, những người bạn Nga tưởng chừng như xa lạ đó lại cho mình lẽ sống, niềm tin, ý chí kiên trì, bền bỉ phấn đấu vươn lên của một thời tuổi trẻ và nó theo mình đến tận bây giờ”, chị Tú Anh chia sẻ.

Năm 1984, học xong trung học phổ thông, Nguyễn Thị Tú Anh được sang lao động tại Liên Xô. Sau thời gian 3 tháng học tiếng và 6 tháng học nghề, chị được phân công về nhà máy dệt sợi, làm việc ở phân xưởng sợi con tại thành phố mỏ Donetsk (thuộc Ukraine ngày nay). Tú Anh và 3 cô bạn đồng hương được bố trí ăn nghỉ trong một căn phòng rộng rãi, đầy đủ tiện nghi của ngôi nhà 4 tầng nằm trên đường Lysenko thuộc Ốp 8-ký túc xá dành cho lao động người Việt làm việc tại nhà máy dệt sợi. Chị Tú Anh nhớ mãi lần đầu tiên đến nhận việc tại nhà máy, nhìn thấy chị em lao động người Việt, ai cũng nhỏ nhắn, gầy guộc nên các bạn Liên Xô từ giám đốc nhà máy đến giám đốc phân xưởng, tổ trưởng và cả công nhân đã phải thốt lên: “Sao còn bé thế này mà đã bắt đi làm việc rồi? Đã đủ tuổi lao động chưa mà đi làm?”. Mặc dù giải thích là chị em đều đã 18 tuổi, đủ tuổi lao động nhưng các bạn Liên Xô vẫn chưa tin, chỉ khi xem hồ sơ, giấy khai sinh, các bạn mới tin và phân công về các phân xưởng sản xuất.

Câu chuyện ngày đầu nhận việc ấy khiến mọi người cảm thấy tủi thân. Nhưng ngược lại với cảm giác của mọi người, các bạn Liên Xô luôn dành tình cảm và sự ưu tiên đặc biệt đối với những cô gái trẻ Việt Nam. Đến mãi sau này, mọi người mới biết lý do tại sao chị em không phải làm ca đêm, được làm những việc nhẹ nhàng nhất trong nhà máy, được các thầy cô là kỹ sư, tổ trưởng phân xưởng trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ rất nhiệt tình mà không một lời kêu ca, trách mắng. Bởi các bạn Liên Xô "rất thương người Việt Nam”, xem các chị em người Việt như là con cháu của họ mới bước sang tuổi trưởng thành, cần được chăm sóc, giúp đỡ nhiều thứ.

Chị Tú Anh còn nhớ có một lần ngủ quên, đi làm muộn hơn 30 phút, trong đầu nghĩ thế nào cũng bị phạt bởi việc chấp hành thời gian lao động ở nước bạn rất nghiêm. Nhưng khi đến nhà máy, bác tổ trưởng đã không mắng, chỉ cười bảo: “Bằng tuổi cháu, con bác vẫn còn đi học chưa biết làm gì, thế mà cháu đã có ý chí tự lập, hăng hái lao động sản xuất, góp sức xây dựng quê hương. Lần sau chủ động thời gian nhé con gái”.

Công việc hằng ngày của những công nhân làm việc ở nhà máy là tiếp nhận những kiện bông thô được ép chặt thành bánh vuông vắn, đựng trong các hộp gỗ sồi, rồi vận chuyển đưa vào máy xử lý. Các bánh bông thô sẽ được đánh tung ra, loại bỏ hết tạp chất, bụi bẩn, tạo thành những tấm thảm bông phẳng. Sau đó, bông mới được kéo thành sợi thô để tăng kích thước cuốn vào các ống. Trong quá trình cuốn sợi, bông sẽ được hồ bằng một loại tinh bột đặc biệt tạo màng quanh sợi bông để tăng độ bền, chắc và độ trơn bóng thì mới dệt được vải. “Đất nước Liên Xô ngày đó rất phát triển, họ dệt vải đều bằng máy móc chứ không dệt thủ công nhiều như ở nước mình”, chị Tú Anh cho biết. Công việc của chị là giám sát, loại bỏ những tấm vải chưa đủ độ bóng để tiếp tục xử lý. Dù công việc không nặng nhọc nhưng cần độ chính xác cao nên cũng rất căng thẳng, mệt mỏi.

Phân xưởng sản xuất sợi con của Tú Anh do cô Tanya phụ trách. Cô đã hơn 30 tuổi nhưng chưa lập gia đình. Cô ở khu tập thể của nhà máy là Ốp 9, rất gần với khu ở của Tú Anh, đều cách nhà máy hơn 3km. Thương chị em công nhân Việt Nam còn bỡ ngỡ, lạ lẫm nên hằng ngày, cô Tanya đều dành thời gian để đưa đón, hướng dẫn cách đón tàu điện, đến chợ mua sắm đồ... Đồ ăn của Nga chủ yếu là bánh mì, thịt muối, bơ, sữa và các đồ nguội, lúc đầu chị em người Việt không ăn được do không hợp khẩu vị. Cô Tanya đã chủ động đưa cả 4 chị em bắt tàu điện ngầm lên khu chợ của người Việt cách nơi ở khoảng 15km mua thịt, rau bắp cải, súp lơ, khoai tây, cà rốt về sơ chế rồi cho vào tủ lạnh dự trữ ăn cả tuần. Sau này quen đường sá, chị em lần lượt phân công nhau tự đi chợ mua sắm, không làm phiền cô phải vất vả đưa đi nữa.

Đối với Tú Anh, cô Tanya không chỉ là cô giáo mà còn là người bạn tri kỷ, người chị, người mẹ hết lòng thương yêu, đùm bọc, chở che trong những ngày tháng xa gia đình, sống nơi đất khách quê người. Ngày đó, điện thoại di động không có, muốn liên lạc với gia đình, những công nhân Việt Nam ở Nhà máy dệt Donetsk chỉ có thể viết thư, rồi mấy tháng mới nhận được thư nhà. Đường sá đi lại bỡ ngỡ, do vậy trong những giờ nghỉ, ngày nghỉ, chị em chỉ ở nhà nên cũng buồn. Hiểu được tâm trạng của người con gái mới lớn như Tú Anh lần đầu xa quê hương sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn trước mắt, nên cứ đến ngày nghỉ cuối tuần, cô Tanya lại đưa Tú Anh đi chơi công viên, xem múa ba lê, thăm Quảng trường Đỏ và thăm thủ đô Moscow. Ngày nghỉ nào không đi chơi, cô lại đưa Tú Anh đi chợ của người Việt, mua sắm đồ ăn. Cô trò về nấu ăn các món truyền thống của Việt Nam như gói nem, làm dưa muối... Chính nhờ sự gần gũi, chăm sóc của cô Tanya, Tú Anh dần dần vơi đi nỗi nhớ nhà, sự bỡ ngỡ để hòa nhập với môi trường mới.

Có một kỷ niệm về cô giáo cũ mà bao năm qua chị Tú Anh luôn nhớ. Hôm ấy đang làm việc trong nhà máy thì Tú Anh lên cơn sốt, người nóng hầm hập nhưng chân tay lại run lập cập vì lạnh, đầu óc choáng váng, miệng đắng nghét, chỉ muốn gục xuống ngủ. Tú Anh xin tổ trưởng cho nghỉ làm nhưng nhà máy có quy định sốt từ 38 độ C trở lên công nhân mới được nghỉ. Khi các bác sĩ nhà máy đo nhiệt độ cho Tú Anh, chẳng hiểu cái nhiệt kế trục trặc thế nào mà chỉ có hơn 36 độ C, cơ thể vẫn bình thường. Dù giải thích rất nhiều, bác sĩ cũng không cho Tú Anh nghỉ và yêu cầu tiếp tục làm việc. Rất may, đúng lúc ấy cô Tanya đi kiểm tra phân xưởng, biết được câu chuyện, cô không hỏi gì mà chỉ đưa bàn tay ấm áp của mình đặt nhẹ lên trán Tú Anh một lát rồi quả quyết: “Đây là con nuôi tôi, con bé sốt cao lắm. Tôi xin bảo lãnh cho cháu”. Cô bỏ dở cả công việc của mình, tức tốc đưa Tú Anh đến bệnh viện. Những cơn sốt cao đã làm cho Tú Anh miên man lúc tỉnh, lúc mê, nhưng mỗi khi tỉnh dậy, Tú Anh đều thấy cô Tanya bên cạnh nắm chặt bàn tay mình với gương mặt lo lắng. Cứ như thế, cô luôn bên cạnh chăm sóc Tú Anh cho tới khi khỏi bệnh.

Cầm tấm ảnh cô giáo cũ trên tay, chị Tú Anh bùi ngùi xúc động: “Mình về nước nhưng vẫn thường xuyên liên lạc với cô. Sau đó Liên Xô tan rã, thành phố Donetsk bị chiến tranh tàn phá nên không thể liên lạc được với cô nữa. Có cơ hội, mình sẽ quay trở lại để được ôn lại những kỷ niệm với bạn bè và tìm gặp cô Tanya yêu quý”.

Năm 1989, chị Tú Anh về nước một thời gian rồi lập gia đình, sau đó được tuyển dụng vào quân đội. Đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động mà cô giáo và các bạn ở xứ sở bạch dương truyền dạy không chỉ là hành trang quý giúp chị hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao mà ngay cả giáo dục con cái, chị cũng luôn lấy đó là phương châm để dạy các con mình sống tình cảm, yêu lao động, làm việc nghiêm túc để đạt hiệu quả tốt nhất. Đó như lời tri ân sâu sắc của chị với đất nước bạch dương tươi đẹp.

Nguồn: NGUYỄN VĂN TUÂN/ qdnd.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo