Phổ biến làn điệu dân ca cổ truyền Việt Nam ở hải ngoại
![]() |
Các tiết mục trình diễn của bản nhạc cổ truyền Lạc Hồng |
Hoa Kỳ, California - Cuối tháng 8-2012, Viện Việt Học (Hoa Kỳ) và Ban nhạc cổ truyền Lạc Hồng vừa có buổi giới thiệu chuyên đề về các làn điệu dân ca cổ truyền miền Bắc tại trụ sở Viện Việt Học nằm trên đường Brookhurst (TP Westminster, bang California). Ðây là một chương trình văn nghệ vẫn được tổ chức định kỳ nhằm giới thiệu các làn điệu dân ca miền Bắc, Trung và Nam dành cho những người đồng hương cũng như các bạn bè quốc tế.
Nội dung chương trình bao gồm 15 tiết mục chọn lọc qua các làn điệu ngâm thơ, dân ca Quan họ, Trống quân, ca Trù, hát Xẩm, hát Chèo, hát chầu Văn được biên soạn và dàn dựng bởi Giáo sư Nguyễn Châu vốn là một trong những người sáng lập Ðoàn Văn nghệ Dân tộc Lạc Hồng trực thuộc Hội Phát triển Văn hóa Truyền thống Việt Nam tại Hoa Kỳ. Trình diễn trong chương trình đặc sắc này gồm những nghệ sĩ tên tuổi như cặp đôi Nga Mi - Trần Lãng Minh, Thúy Anh, Ngọc Quỳnh, Lâm Dung, Thanh Vân, Bá Toàn, Lê Ðào… Đặc biệt còn có các em nhỏ trong bản nhạc cổ truyền thiếu nhi Lạc Hồng với sự dìu dắt của hai Giáo sư Nguyễn Châu và Nguyễn Thị Mai.
Em Châu Giang (năm nay 15 tuổi), thành viên trong Ban nhạc cổ truyền thiếu nhi Lạc Hồng, cho biết: "Cháu theo học đàn tranh từ hơn 10 năm qua. Nhờ sự chỉ bảo của thầy Nguyễn Châu nay cháu có thể hòa điệu được hầu hết các làn điệu dân ca Bắc Trung Nam. Lúc đầu cháu cũng học nhiều thứ như sáo, đàn nguyệt nhưng sau đó cháu thấy thích đàn tranh hơn cả nên chỉ chăm chú vào loại đàn này thôi”.
Các tiết mục trình diễn của bản nhạc cổ truyền Lạc Hồng
Trong 15 tiết mục Ban Lạc Hồng trình diễn, người xem dễ nhận thấy tiếng đàn hòa trộn vui nhiều hơn buồn. Theo đó, mở đầu chương trình là màn đồng ca Trống quân và hát Cò Lả với hai cặp Thái Mỹ - Hiền Trần và Thanh Vân - Bá Toàn. Ðến màn thứ hai, 4 nhạc sĩ nhỏ của Ban Lạc Hồng đã khiến hàng trăm khán thính giả trầm trồ với những tràng pháo tay thích thú. Nhạc sĩ "tí hon” Cody Trần với chiếc đàn bầu một dây và phụ đệm của ba nhạc sĩ trẻ khác là David Phạm với tiếng Trống Ðế, Tường Vi xen kẽ Phách và Emily điểm thêm Phách Tiền làm không khí rộn rã hẳn lên với hai khúc "Ðào liễu” và "Bèo dạt mây trôi”. Tương tự, hát Huê Tình, một lối hát tỏ tình của trai gái được Ngọc Quỳnh làm nổi bật lên cùng Giáo sư Nguyễn Châu phụ họa đàn đáy và tiếng phách của Lam Dung. Ðến tiết mục hát Xẩm thì khán thính giả phải phục lăn lối diễn tả ý nhị và cảm động của đôi nghệ sĩ Thúy Anh và Lily Nguyễn trong bài "Lỡ bước sang ngang”. Riêng màn nhạc cổ truyền nhiều người mong đợi, đó là ca trù được nữ nghệ sĩ Nga Mi thể hiện với sự phụ đệm đàn đáy của Giáo sư Nguyễn Châu và tiếng Trống Ðế của Lãng Minh đã làm nhiều người ngạc nhiên và thích thú bởi ca Trù là lối hát của các nàng"Ả đào” trong thú chơi văn chương tao nhã của các nhà nho, giới trí thức ngày xưa…
Suốt gần 3 tiếng đồng hồ với 15 tiết mục các làn điệu dân ca cổ truyền miền Bắc đã khiến hầu hết khán thính giả như không muốn rời khỏi khán phòng. Giáo sư Nguyễn Thị Mai vui vẻ kể thêm: "Ðoàn Văn nghệ Dân tộc Lạc Hồng chúng tôi thành lập tính đến nay hơn 23 năm, đã giúp cho hàng ngàn em biết đến văn hóa cổ truyền của dân tộc mình. Chúng tôi không dám tự nhận mục tiêu đào tạo các "nghệ nhân”, mà chỉ có thể nói rằng nơi đây đã đào tạo một lớp trẻ yêu thích việc học hỏi và trình diễn để duy trì hoạt động, phổ biến ca vũ nhạc cổ truyền Việt Nam. Chúng tôi luôn chú ý lớp trẻ vì chỉ có các em mới có đủ thời gian và sức lực để gìn giữ, bảo tồn nền nghệ thuật cổ truyền. Thực tế cho thấy suốt thời gian qua, Lạc Hồng đào tạo được một số em cho cả ba bộ môn ca - vũ - nhạc có kỹ thuật trình diễn rất vững vàng. Công việc hiện nay khá suôn sẻ, các "thầy cô giáo trẻ” đã trở thành nhịp cầu nối liền âm nhạc với các em nhỏ hơn. Đó là điều chúng tôi cảm thấy hài lòng nhất. Mục đích chính của Hội Phát triển Văn hóa Truyền thống Dân tộc là bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam. Ðến nay thì hội đã có đến hơn 100 thành viên thuộc nhiều lứa tuổi hoạt động khá tích cực. Ðoàn đã đi trình diễn ở nhiều nơi và đến đâu cũng được đón nhận nồng nhiệt. Nay thì các em, có thể thay thế chúng tôi gìn giữ được nét văn hóa cổ truyền Việt Nam ở hải ngoại…”.
Nguồn: Sinh Nguyễn/ Daidoanket