Người Việt khắp nơi

Phía sau bài báo về một người Việt vượt biên sang Anh

Cập nhật lúc 22-02-2021 15:32:33 (GMT+1)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 

Đầu tháng 11/2019, khi còn chưa hết sững sờ, đau đớn vì thông tin 39 nạn nhân chết trong container ở Anh đều là người Việt, chúng tôi nhận được điện thoại của Tuấn (đã đổi tên).


Anh muốn kể câu chuyện vượt biên của chính mình, nhưng giấu danh tính, với hy vọng không ai rơi vào hoàn cảnh tương tự.

"Tôi cảm thấy đau lòng vì mình từng giống họ, cũng chui vào container ở cảng Calais, Pháp rồi vào đến Anh. Chuyện xảy ra gần chục năm nhưng chưa lúc nào tôi quên được hành trình đó. Chẳng ai muốn đánh đổi tính mạng cả, họ đã đi quá xa để có thể quay đầu", Tuấn nói trong cuộc điện thoại đầu tiên.

Tuấn đón chúng tôi khi anh vừa tan ca ở công xưởng, vẫn mặc bộ đồ công nhân xám nhạt, quần một ống xắn lên quá mắt cá chân, bên kia buông thõng. Người đàn ông 34 tuổi với dáng người nhỏ thó, da đen nhẻm, đôi mắt rất sáng và nụ cười hiền.

Nhà của Tuấn nằm trong con ngõ nhỏ, đường vào lắt léo, ở một xã nông thôn tại huyện Tiền Hải, Thái Bình. Cùng chung khoảng sân là căn nhà lợp ngói xỉn màu của gia đình anh, kế đến là gian nhà ngang nhỏ. Vừa thấy người, mẹ của Tuấn, trạc ngoài 60, chạy ra giục con đi ăn kẻo đói. Thấy chúng tôi bà hồ hởi hỏi han, nhắc con dọn cơm cho khách, rồi lật đật sang nhà mang ấm nước chè.

Nhưng khi đồng nghiệp trẻ của tôi lắp đặt chân máy, lỉnh kỉnh máy ảnh, bà đã run rẩy rồi bật khóc. "Em nó sang đó trồng cỏ có mấy tháng thôi. Em nó cũng thú nhận với nhà nước hết rồi các cháu ạ. Bây giờ cũng còn cái gì đâu mà phải đưa nó lên tivi như thế nữa. Khổ thân con trai tôi", bà nức nở ngồi sụp xuống sân. Chỉ đến khi được con trai động viên, an ủi, rằng "việc này không ảnh hưởng gì cả, mình phải làm vì mọi người", bà mới tạm yên lòng.

Tuấn trầy trật mới vượt biên được vào Anh trót lọt hồi năm 2009. Sau một thời gian xoay vần đủ nghề anh buộc phải về nước. Dốc toàn bộ vốn liếng trả nợ xong số tiền vay mượn làm lệ phí đi, Tuấn chỉ còn tiền xây được căn nhà ống nhỏ, rộng chừng 20m2 này. Ngoài những tấm ảnh thời trai trẻ chụp ở Anh treo trên tường, Tuấn bảo căn nhà có lẽ là thứ hiện hữu duy nhất để nhớ về quãng thời gian nơi đất khách.

Anh kể về hành trình liều lĩnh chui container vào Anh cách đây 10 năm, từ việc nộp 10.000 USD thông qua môi giới để tập kết tại điểm trung chuyển Pháp cho đến ngày ngủ đêm băng rừng, chui container qua phà sang Anh. Tuấn không giấu giếm cả chuyện làm hộ chiếu giả, việc được "training" một khóa kỹ năng trong thời gian đợi ở lán tị nạn Calais để nắm được tiến trình chuyến đi vạch sẵn, hay những lần thất thểu quay lại vì bị phát hiện lúc lên phà.

Trong suốt cuộc trò chuyện, Tuấn thi thoảng xin dừng để "hút điếu thuốc lào" - anh bảo cố nhớ hết những gì có thể; từ chuyện về ba chiếc túi nilon được phát để tiểu tiện đến việc được dặn đừng tạo ra tiếng động, hướng dẫn cách đi vệ sinh không rơi ra xe nhằm tránh bị chó nghiệp vụ phát hiện - những chi tiết mà sau này "nhân chứng X" xuất hiện tại phiên tòa xét xử hình sự 4 nghi phạm tại Old Bailey, London cũng đưa ra.

Sống ở Anh một thời gian, Tuấn thừa nhận "chỉ học lỏm được ít vốn từ, vẫn không nói thạo" vì anh chủ yếu làm việc cho các cơ sở của người Việt. Anh làm đủ thứ, từ vẽ nail, bán hàng cho đến trồng cỏ - việc mà anh cho là "nhanh hòa vốn nhất". Tưởng đã chạm "miền đất hứa" nhưng cuộc sống với Tuấn không dễ dàng.

Suốt cuộc trò chuyện Tuấn kiểm soát được cảm xúc, nhưng khi nhắc đến bố mẹ, anh trai, giọng anh lạc đi, nước mắt chỉ chực trào ra. Tuấn có chút buồn khi nhớ về cuộc sống mang thân phận "người rơm" đúng nghĩa, nơi anh không có quyền lợi gì, bị ốm cũng không dám đến viện. "Tôi biết có những người sang đấy xin làm phụ việc, ở đến mười mấy năm mà chui nhủi, không được ra khỏi nhà, cực khổ lắm", anh từng chia sẻ. ("Người rơm" là từ người bản địa dùng chỉ những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh và các nước châu Âu).

Ngay sau khi bài viết được đăng, Tuấn đọc hết những phản hồi của độc giả. Anh liên lạc với tôi nói, "cảm thấy nhẹ lòng". Anh bảo, trước hay kể cả sau khi thảm kịch kinh hoàng xảy ra, việc vượt biên chắc không vì thế mà dừng lại, bởi theo anh, nhiều người vẫn sẽ xem vụ việc vừa qua chỉ là do không may mắn. Dẫu vậy Tuấn chọn cách lên tiếng - anh hy vọng chuyện của mình có thể giúp mọi người hiểu, cảm thông và đừng đi theo con đường bất hợp pháp này.

Anh cũng không quên kể, có người bạn năm ấy cùng ở Anh, đã nhận ra Tuấn qua câu chuyện và gọi điện động viên anh. Họ lên kế hoạch gặp lại nhau - nhưng anh chưa biết cụ thể lúc nào vì công việc ở nhà máy cũng bận rộn và anh còn lo cho đứa con trai nhỏ. Tuấn ly hôn khi cậu con trai 16 tháng tuổi, nay cậu nhóc đã đi học. Tuấn giờ gà trống nuôi con ở cùng mẹ già, nhưng vẫn nhận "thế là cuộc đời đã may mắn lắm rồi".

Tôi cũng cảm thấy may mắn vì nghề báo cho tôi cơ hội được gặp, được tiếp xúc với nhiều câu chuyện, nhiều cuộc đời; trong đó có cuộc đời của Tuấn.

Nguồn: Như Quỳnh/ Vnexpress

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo