Người Việt khắp nơi

Nữ công nhân Việt bán dâm, xuất khẩu lao động và câu chuyện quốc thể

Cập nhật lúc 23-05-2017 13:15:27 (GMT+1)
Lao động Việt Nam trước giờ xuất cảnh.

 

Vừa qua, trang mạng người Việt tại Đài Loan đăng tin về một nữ công nhân xuất khẩu lao động sang làm việc tại một công ty may mặc. Sau khi trừ phí môi giới, lương của chị mỗi tháng chỉ còn lại 9000 Đài tệ (khoảng 6.3 triệu VNĐ). Để có tiền gửi về cho gia đình, chị đã bỏ việc trốn ra ngoài, nhờ môi giới đăng quảng cáo bán dâm trên mạng và hành nghề. Chị này sau đó đã bị cảnh sát Đài Loan bắt giữ, thẩm vấn và đưa đến cục xuất nhập cảnh để trục xuất.


Đọc tin này, những người trăn trở, suy tư về đất nước không khỏi chạnh lòng.

Bản thân người viết đã từng có thời gian 3 năm sinh sống và học tập tại Đài Loan, có điều kiện tiếp xúc thực tế với những công nhân người Việt đang làm việc trên khắp đảo quốc. Nhìn chung, họ rất vất vả và lam lũ, thường xuyên phải làm thêm giờ nhưng tiền tiết kiệm được để gửi về gia đình cũng chẳng còn bao nhiêu sau khi đã trừ đi đủ thứ chi phí từ môi giới tới bảo hiểm, tiền sinh hoạt hàng tháng…vv. Trước đó, để được sang Đài Loan lao động, những công nhân Việt Nam thường phải chịu một khoản chi phí từ 5000 – 8000 USD cho môi giới. Sau khi hết hợp đồng với chủ thuê, khá nhiều lao động lựa chọn cách bỏ trốn để ở lại kiếm việc làm thêm trái phép, sống chui lủi không có giấy tờ (do hộ chiếu bị chủ thuê giữ), những hoạt động của họ gây ra rất nhiều xáo trộn và vấn nạn đối với xã hội Đài Loan. Đáng buồn hơn, văn phòng ngoại giao Việt Nam tại xứ bạn cũng không giúp đỡ được nhiều cho hàng vạn đồng hương như vậy, và đường dây nóng tại Đài Bắc hầu như không bao giờ nhận được phản hồi. So với lao động Việt Nam, người Philippines và Indonesia thường được các cơ quan đại diện ngoại giao của họ bảo vệ tốt hơn rất nhiều.

Câu chuyện xuất khẩu lao động

Trong thời đại toàn cầu hoá, lao động dịch chuyển từ nước này sang nước khác là một hiện tượng khá phổ biến. Cũng như vốn, công nghệ và tri thức, lao động là một yếu tố sản xuất có xu hướng di chuyển tới những nơi có mức thu nhập cao hơn.

Những nước cần nhập khẩu lao động bao gồm: những nước giàu tài nguyên và ít dân như Trung Đông, các quốc gia đã phát triển (Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản) và các nước nước công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, vv … những nơi vẫn cần nhiều lao động giản đơn trong các công đoạn của nền kinh tế nhưng do tiền lương đắt đỏ nên có xu hướng thuê mướn lao động nước ngoài để cắt giảm chi phí. Mặt khác, do lao động bản xứ thường không mong muốn nhận những loại hình công việc nặng nhọc, lương thấp và kém an toàn như tại các công trình xây dựng nên chủ thuê buộc phải chuyển hướng sang nguồn cung từ bên ngoài.

Các nước xuất khẩu lao động thường là những nước kém phát triển, hoặc phát triển với tốc độ chậm và không có chính sách ưu tiên đẩy mạnh những ngành thâm dụng nhiều lao động như sản xuất chế tạo. Những nước xuất khẩu nhiều lao động lớn trên thế giới gồm có Philippines, Pakistan, Indonesia, Lebanon, El Salvador, Columbia, và cả Việt Nam, vv.

Lao động xuất khẩu thường làm việc trong những điều kiện khó khăn thiếu thốn, quyền lợi của họ dễ bị xâm phạm do thiếu tổ chức chu đáo, không có sự cam kết chắc chắn của chủ thuê và sự giám sát của nhà chức trách. Bên cạnh đó, vì là lao động giản đơn, nên họ có trình độ học vấn, văn hóa thấp, khó thích nghi với điều kiện văn hóa, xã hội của nước ngoài, gây nhiều ảnh hưởng và xáo trộn đối với xã hội của nước sở tại.

Cho đến nay, hầu như chưa có nước chuyên xuất khẩu lao động nào đưa ra được chính sách, trong đó lao động ra nước ngoài làm việc sẽ bảo đảm rèn luyện được tay nghề khi trở về, nguồn kiều hối thu được sẽ được sử dụng một cách hiệu quả cho phát triển kinh tế, du nhập công nghệ, tư bản, v.v… và có kế hoạch chấm dứt hẳn việc xuất khẩu lao động trong tương lai.

Nữ công nhân Việt đăng hình tự quảng cáo trên mạng Đài Loan bằng tiếng Hoa để lôi kéo khách

Vấn đề của Việt Nam

Việt Nam bắt đầu gửi lao động ra nước ngoài từ khá sớm, từ giai đoạn phát triển XHCN ở miền Bắc do có mối liên hệ kinh tế mật thiết với khối Đông Âu. Sau Đổi Mới, xuất khẩu lao động của VN tăng nhanh từ cuối thập niên 1990 và chủ yếu sang các nước Đông Á, nhất là Malaysia, Đài Loan và Hàn Quốc. Gần đây, thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam mở rộng sang Trung Đông, Tây Âu và cả Mỹ. Hiện nay, bình quân mỗi năm có hơn 70.000 lao động được đưa ra nước ngoài, có gần 500.000 lao động VN đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó riêng tại Đài Loan có hơn 100.000 công nhân Việt Nam.

Báo chí trong và ngoài nước đã và đang nói nhiều về tình trạng khó khăn, những trường hợp rất bi thảm của người lao động đang làm việc ở nước ngoài. Cùng với hiện tượng ngày càng nhiều phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài chỉ vì lý do kinh tế, việc xuất khẩu lao động đã và đang trở thành vấn đề bức xúc của xã hội, làm tổn thương sâu sắc tới lòng tự trọng của người Việt Nam. Đặc biệt xuất khẩu lao động làm cho hình ảnh của Việt Nam trên vũ đài thế giới không mấy sáng sủa. Vài tỷ đô la kiều hối mỗi năm do xuất khẩu lao động mang lại chắc chắn không thể bù đắp được tổn thất này.

Cần phải làm gì?

Việt Nam cần có chiến lược phát triển kinh tế nhanh và bền vững một cách tổng thể (xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút FDI, hỗ trợ phát triển công nghiệp, kỹ nghệ, cải cách hệ thống giáo dục đào tạo, vv.), trong đó điểm mấu chốt là phải tìm cách giải quyết công ăn việc làm cho người trong độ tuổi lao động, ước tính lên tới vài chục triệu. Mọi chủ trương chính sách cần được công bố rộng rãi để người dân tin tưởng vào tương lai đất nước, để họ cảm thấy rằng mình không bị gạt ra ngoài lề của sự phát triển và không còn chịu áp lực phải tìm cách xuất ngoại nữa.

Chúng ta cần có sự chuẩn bị chu đáo và đào tạo kỹ lưỡng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài để đảm bảo họ có thể học tập, du nhập và nâng cao kỹ năng khi trở về. Đặc biệt, những cơ quan chức năng và công ty xuất khẩu lao động cần có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho họ.

Chắc chắn, trong giai đoạn trước mắt, Việt Nam chưa thể chấm dứt ngay chính sách xuất khẩu lao động, nhưng những cơ quan chức năng cần tổ chức và quản lý tốt để hoạt động này có hiệu quả hơn, tránh tình trạng lao động bị bóc lột như trong thời gian qua.

Những nước xuất khẩu lao động (giản đơn) lớn hầu hết đều là những nước nghèo, thành tựu kinh tế và khoa học nghệ thuật không có gì, do đó hình ảnh của những nước này không mấy làm sáng sủa trên thế giới. Trách nhiệm của những người lãnh đạo vì dân vì nước là cần có kế hoạch chấm dứt tình trạng nầy trong một thời gian ngắn, càng sớm càng tốt.

Chừng nào mà người Việt Nam còn phải xếp hàng dài chờ xuất khẩu lao động và phụ nữ thi tuyển lấy chồng ngoại quốc thì khi đó chúng ta chưa thể ngẩng cao tự hào “sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”

Nguồn: CTV Hải Đăng/Blog Nguyễn Tấn Dũng

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo