Người Việt khắp nơi

Người mẹ gốc Việt đối diện trục xuất – Ký ức buồn, tương lai mịt mờ

Cập nhật lúc 12-05-2017 08:06:17 (GMT+1)
Ngọc trần chia tay đưá con mới 2 tháng tuổi. Photo Courtesy: Ana Venegas, Orange County Register/SCNG

 

Ở Sài Gòn, gia đình Ngọc sống trong một căn nhà nhỏ, tăm tối, tuềnh toàng. Bé Ngọc ngày đó mơ ước sau này trở thành y tá nhưng miếng ăn miếng mặc còn chưa đủ huống hồ gì việc học hành.


Do trước đây lúc còn chiến tranh ông Hiền – bố Ngọc – có giúp đỡ người Mỹ nên gia đình cô bị chính quyền hành hạ. Ông Hiền chẳng thể kiếm được việc làm ra hồn.

Ngọc còn nhớ, hồi nhỏ có lần bố nói về chuyện đi Mỹ – một đất nước xa xôi nhưng có tương lai, nhưng thủ tục phải mất 10 năm. Cô gái nhỏ kiên nhẫn chờ đợi, mơ về tương lai trong khi người bố lại không như vậy. Ông tìm cách vượt biên. Hai lần đều thất bại, hai lần đều bị chính quyền Việt cộng bỏ tù.

Hai bố con Ngọc cuối cùng cũng sang Mỹ định cư vào năm 2003 theo chương trình Đoàn tụ Gia đình. Ngọc vui sướng khôn cùng khi đặt chân xuống phi trường Los Angeles, mọi thứ lạ lẫm nhưng tươi đẹp. Ông Hiền đoàn tụ với mẹ già và hai anh/em trai đang sinh sống ở quận Cam, San Bernadino, và họ được cấp thẻ xanh, trở thành thường trú nhân hợp pháp.

Nhưng niềm vui đoàn tụ chẳng kéo dài được bao lâu. Số là hai bố mẹ Ngọc vừa mới li dị, và người đàn bà mà ông Hiền bí mật gian díu qua lại lâu nay có thai nên ông quyết định quay trở lại Việt Nam sống với người phụ nữ.

Ông Hiền bỏ lại đứa con gái 14 tuổi cho người anh/em trai trông nom. Ngọc sống với bác, cắt đứt mối quan hệ cha con từ ngày ấy. Ngọc cho biết, thói quen trong gia đình cô là 13 tuổi phải bắt đầu tự lập. Và ở quận Cam, theo Ngọc, là nơi đông người Việt nhất bên ngoài Việt Nam nhưng lại là nơi chẳng mấy tốt. “Có quá nhiều băng đảng,” Ngọc giải thích, “Quá nhiều hoạt động tội phạm.”

Rồi Ngọc dọn sang ở với người chú ở San Bernardino, nhưng chẳng bao lâu thì ông bị bắt đi tù (tội gì chẳng rõ) nên Ngọc sống với một người cô.

Ngọc theo học tại trường trung học Redlands. Không biết một chữ Anh ngữ nên Ngọc cô độc trong trường, cô thậm chí không dò ra được thời khoá biểu. “Tôi giống như người tiền sử. Ăn trưa một mình, không hề nói chuyện với ai. Tôi cảm thấy mình vô vọng,” Ngọc kể. Không ngạc nhiên, lớp nào Ngọc cũng rớt.

Nhưng đó cũng chưa phải tồi tệ so với những gì cô đã trải qua sau này, sau khi rời trường học. Một người bà con bảo cô về làm nail cho họ, làm quần quật nhưng chẳng nhận được đồng nào. Cô trở thành lao nô có khế ước. Đang tuổi dậy thì, Ngọc túng quẫn đến nỗi không có một cái áo len hay bộ đồ lót.

Sang 15 tuổi, cô bé Ngọc quyết định chấm dứt kiếp nô lệ thời hiện đại bằng 80 viên Tylenol. Khi tỉnh dậy, cô thấy mình nằm trong bệnh viện trường Đại học Loma Linda, thần chết có lẽ đã nương tay với thiếu nữ 15. Phải mất một tháng Ngọc mới hồi phục. Cô không kể (hay không hay biết) làm thế nào mình được cứu sống.

Sau lần tự vẫn bất thành, Ngọc dọn sang Silver Spring ở tiểu bang Maryland, chung sống với một người bà con khác một thời gian. Rồi cô quay trở lại quận Cam.

Ngọc xin vào làm tiếp viên tại một tiệm cafe bikini ở Garden Grove, kiếm tiền không ít. Mặc bikini, mang giày cao gót 6 inches, $18 đô một giờ cộng tiền tip. Tiền kiếm dễ đổi lại những thứ khác cũng dễ. Cuộc sống Ngọc cứ thế tuột dốc, vượt ngoài kiểm soát. “Tôi tiệc tùng, hộp đêm,” cô kể. “Thuốc lắc, cocaine và ma tuý. Tôi nghiện ma tuý nhưng lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy không cô đơn,” Ngọc trải lòng.

Vào năm 2008, Ngọc gặp một người đàn ông tại tiệm cafe. Anh ta thuyết phục cô bỏ thuốc. Họ yêu nhau, hai người kết hôn tại Toà Santa Ana. Ngọc có thai đứa con đầu lòng khi mới 20 tuổi. Những tưởng cuộc sống của cô tràn đầy hạnh phúc.

Chẳng ai ngờ, cuộc hôn nhân chỉ kéo dài 3 tháng. “Ban đầu anh ấy là người đàn ông tốt nhưng sau đó thay đổi,” Ngọc tâm sự. Chồng Ngọc bảo cô chở đến một quán karaoke để đánh gã nào đó. Ngọc nhận lời, bởi vì lúc đó anh ta đang say. Ẩu đả xảy ra, Ngọc bị cuốn theo vào đó, và cũng bị đánh. “Máu me. Ai đó có dao, chúng tôi bỏ chạy ra xe,” cô kể. Cả hai vợ chồng bị bắt và bị cáo buộc cố sát. Ngọc cuối cùng phải thoả thuận nhận tội để được giảm bản án thành “dùng vũ khí gây chết người hành hung.”

Thẻ xanh của cô lập tức bị thu hồi. Nhân viên Thực thi Di trú và Quan thuế đưa cô vào dạng có thể bị trục xuất. Nhưng sau khi thụ án xong, được phép trở về quận Cam, vẫn không có gì xảy ra. “Tôi không hiểu tại sao họ chưa trục xuất mình,” Ngọc vẫn chưa hết ngạc nhiên.

Cô quyết định quay trở về tiệm cafe bikini. Lần này cô trầm tĩnh hơn, giữ mình trong sạch và gặp được người đàn ông tốt bụng – Ben Võ.

Ben vượt biên sang Mỹ từ năm 1982, vào quốc tịch năm 2011. “Cô ấy có tuổi thơ dữ dội,” Ben chia sẻ. “Cô ấy phạm một số lỗi, nhưng ẩn bên trong là một con người hiền lành, tốt bụng, một người mẹ tốt.” Hai người chung sống, có với nhau 3 con chung là bé Savanna 3 tuổi , Aaliyah 18 tháng tuổi và Benson 2 tháng tuổi. “Nhưng một số lỗi lại lớn hơn những lỗi khác,” Ben cho hay. Từng có tiền sự hành hung bằng vũ khí gây chết người nhưng Ben đã hoàn lương.

Năm 2013, Ben và Ngọc dự tính mướn một căn chung cư, họ cần $1.300 đô tiền đặt cọc, một số tiền lớn đối với cả hai. Đúng lúc đó thì Ngọc gặp một người đàn ông ở tiệm cafe. Anh ta nhờ cô xách một gói ma tuý đá methamphetamine đi giao và lấy tiền từ một khách hàng gần đó, ba lần. Mỗi lần anh ta sẽ trả cô $400, $500 và $700. Tổng cộng $1600 đô, nhiều hơn số tiền Ngọc cần để đặt cọc nhà.

Ben cản dữ dội, thậm chí anh doạ sẽ bỏ Ngọc. “Tôi biết hậu quả,” Ben cho hay. “Nhưng cô ấy đâu có nghe tôi.” Kết cục, người khách hàng nhận ma tuý là một điệp viên chìm. Ngọc chết điếng người, “Tôi ngu quá!”

Cô lãnh bản án 25 tháng tù, bắt đầu từ ngày 1 tháng 5 khi ra đầu thú.

Ngọc hôn từ biệt con.

Nếu bị trục xuất vào năm 2019, cô không muốn đưa con về Việt Nam với mình. Chúng là dân Mỹ, cô muốn con được nuôi dưỡng, lớn lên trong môi trường ở đây với nhiều cơ hội. Luật cho phép chúng theo về Việt Nam nếu không thể sống thiếu mẹ. Ngọc hy vọng cuộc đời con mình sẽ không khó khăn. “Sẽ không có tương lai cho bọn nhỏ ở Việt Nam,” cô thổ lộ. “Ở bên đó không có nhân quyền.”

Ben chậm rãi đưa bạn gái vào toà nhà. “Anh sống tốt nhen,” Ngọc dặn dò. “Em giữ gìn sức khoẻ, bảo trọng,” Ben chùi nước mắt. “Anh thương em!” Ngọc bước vào thang máy cùng với cảnh sát quản chế, còn Ben quay lưng, bước vội ra xe.

Mẹ anh và chị/em gái sẽ dọn vào ở chung để phụ chăm sóc bọn trẻ con. Nhưng họ đều có công ăn việc làm. Ai sẽ thay tã, ai sẽ đưa chúng đi học, ai sẽ súc bình sữa, ai sẽ thức giấc dỗ chúng nín mỗi đêm? Những câu hỏi này luẩn quẩn trong đầu người đàn ông.

Ben làm ca đêm vậy nên anh cần ngủ ban ngày. “Tôi không biết mình sẽ xoay xở thế nào đây?” anh tâm sự, “Bọn trẻ cần mẹ!”

Nguồn: Hương Giang/ baocalitoday.com

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Thảo luận

Quảng cáo