Người Việt khắp nơi

Người gốc Việt đầu tiên thành viện sĩ Viện Hàn lâm Úc

Cập nhật lúc 21-01-2020 01:58:54 (GMT+1)
Viện sĩ Nguyễn Văn Tuấn (ngồi hàng đầu, chính giữa) đến giảng bài tại Hội nghị loãng xương châu Á - Thái Bình Dương tại Manil

 

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là người gốc Việt đầu tiên trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Úc từ tháng 10-2019 bởi những đóng góp lớn cho lĩnh vực loãng xương.


“Đó là quá trình 30 năm tính từ ngày tôi mới bước vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học chuyên về bệnh lý loãng xương. 30 năm trước, chuyên ngành này chưa có nhiều nghiên cứu như bây giờ nên tôi có may mắn đóng góp một số kết quả quan trọng” - chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM nhân dịp đầu năm mới 2020, Giáo sư (GS) Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Khởi xướng những hội nghị quan trọng

. Phóng viên: Xin ông chia sẻ thêm về kết quả ông đã nghiên cứu và được ghi nhận?

+ Viện sĩ Nguyễn Văn Tuấn: Thứ nhất là định nghĩa được mối liên quan giữa mật độ xương và gãy xương và phát hiện đó được Tổ chức Y tế thế giới sau này sử dụng, kết hợp với vài nghiên cứu khác để đề ra tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương cho toàn thế giới. Thứ hai là định nghĩa được quy luật mất xương ở người cao tuổi. Trước đây sách giáo khoa y khoa viết rằng ở người cao tuổi (trên 60) thì mức độ mất xương sẽ không tăng. Nhưng nghiên cứu của tôi cho thấy ngược lại, khi chúng ta già thì tình trạng mất xương càng tăng chứ không giảm. Một năm sau, nhóm nghiên cứu ở San Francisco (Mỹ) cũng xác định phát hiện của chúng tôi. Phát hiện này được xem là “viết lại sách giáo khoa”.

14 năm trước, GS là một trong những thành viên sáng lập Hội Loãng xương TP.HCM. Với thành tựu nghiên cứu đồ sộ như vậy, GS đã vận dụng những giá trị này trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy và ứng dụng vào đời sống?

+ Hội Loãng xương TP.HCM có lẽ là một trong những hội có nhiều hoạt động tích cực và thiết thực nhất. Từ 2005, năm nào chúng tôi cũng có hội nghị thường niên trong và ngoài nước để chia sẻ những nghiên cứu mới nhất.

Hơn 10 năm trước, tôi bàn với thầy Dương Quang Trung (lúc đó là chủ tịch Hội Y học TP.HCM) và PGS Lê Anh Thư (chủ tịch Hội Loãng xương) tổ chức một hội nghị quốc tế về loãng xương ở Việt Nam. Nhờ sự hỗ trợ của một số đồng nghiệp và công ty dược, đặc biệt là công ty người Việt Bridge Health Care, chúng tôi đã tổ chức thành công hội nghị loãng xương tại TP.HCM, thu hút nhiều khách từ Úc, Mỹ, châu Á, qua đó giới thiệu thành tựu nghiên cứu của Việt Nam.

Thực hiện các nghiên cứu đình đám

. Nếu dừng lại ở tổ chức hội nghị thì liệu có thành quả rõ ràng không, thưa GS?

+ Nếu chỉ tổ chức hội nghị thì chưa đủ nên chúng tôi thực hiện một công trình nghiên cứu lớn nhất nhì châu Á. Chúng tôi đặt tên cho dự án nghiên cứu là Vietnam Osteoporosis Study (VOS). Nhờ tài trợ cơ sở vật chất từ Đại học Tôn Đức Thắng, sự quản lý và điều hành của BS Hồ Phạm Thục Lan (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cùng các bác sĩ và sinh viên y khoa, dự án VOS đã có sự tham gia của hơn 4.000 người trong TP.HCM. Các đồng nghiệp nước ngoài kinh ngạc và hỏi làm sao chúng tôi có thể làm lớn như vậy. Chúng tôi đã có nhiều phát hiện quan trọng từ công trình VOS. Chúng tôi tự hào đã tạo được một dấu ấn Việt Nam trong chuyên ngành này trên thế giới.

. Xin ông chia sẻ thêm về đóng góp của VOS?

+ VOS cung cấp cho chúng ta nhiều dữ liệu quý. Chẳng hạn như chúng tôi phát hiện có gần 25% nữ và 10% nam trên 50 tuổi bị loãng xương, gen liên quan đến loãng xương ở người Việt. Dựa vào dữ liệu của VOS, chúng tôi xây dựng tiêu chuẩn chẩn đoán và mô hình tiên lượng loãng xương cho người Việt.

VOS không chỉ nghiên cứu về loãng xương mà còn nghiên cứu về béo phì, tiểu đường, tim mạch, thoái hóa khớp và ung thư. Chúng tôi phát hiện gần 50% cư dân TP.HCM bị tiểu đường (12%) hay tiền tiểu đường (35%) và đó là một con số báo động! Chúng tôi đề ra tiêu chuẩn để chẩn đoán béo phì cho người châu Á v.v. Tất cả đều xuất phát từ VOS.

Xin cám ơn ông!

Dù ở đâu cũng có thể giúp đỡ quê nhà

Tôi thiết nghĩ nếu có tinh thần cống hiến thì ở đâu và với chức vụ gì mình vẫn có thể giúp đỡ quê nhà. Trong thời đại ngày nay, ai cũng có thể đóng góp cho quê hương mà không cần phải về nước. Kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy điều đó là đúng.

Bao nhiêu năm nay tôi sống ở nước ngoài, nhưng tôi có thể viết sách và xuất bản sách ở Việt Nam, qua đó giúp được nhiều đồng nghiệp. Có khi tôi làm thử nghiệm giảng bài và đưa lên YouTube hay trang blog cá nhân và tôi ngạc nhiên là những bài giảng đó có hàng vạn người xem hay tải về để nghe. Mỗi tuần tôi nhận được nhiều thư từ các em nghiên cứu sinh ở trong nước và khắp thế giới nói lời cám ơn vì qua những cuốn sách và bài giảng trực tuyến mà họ đã có những thành tích học tập tốt. Tất cả những đóng góp mang màu sắc cống hiến đó mà tôi đâu cần phải có mặt ở trong nước.

Giáo sư - Viện sĩ NGUYỄN VĂN TUẤN 

PHONG ĐIỀN thực hiện
Nguồn: Plo.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo