Người Việt khắp nơi

Một phụ nữ Úc gốc Việt đoàn tụ lầm mẹ ruột, chi nhiều tiền trước khi biết sự thật

Cập nhật lúc 04-10-2019 15:42:28 (GMT+1)
Bà Lê Mỹ Hương (The Mirror)

 

Dưới đây là những dòng tâm sự của bà Lê Mỹ Hương, một phụ nữ lớn lên tại Úc, nay đã 49 tuổi, với nhật báo The Mirror đăng ngày 22 tháng 9, 2019, về việc bà bị nhận lầm mẹ trước khi biết ra sự thật và hội ngộ với mẹ ruột của mình. Câu chuyện của bà Hương cũng là một trong những dư âm đau thương còn xót lại từ cuộc chiến tương tàn Việt Nam.


Bà Hương ngày nay ở Việt Nam (The Mirror)

Tôi không bao giờ quên chuyến xe ra khỏi ngôi làng bị chiến tranh tàn phá ở Việt Nam.

Lúc đó tôi mới năm tuổi và mẹ tôi, bà Cẩn, nói với tôi và em trai tôi rằng chúng tôi đang được đi chơi, nhưng khi ôm tạm biệt chúng tôi, bà ấy bắt đầu khóc nức nở đến nỗi toàn thân run rẩy.

Tôi nắm chặt tay em trai nhỏ của mình khi nhìn ngôi làng nhỏ bé ngày càng nhỏ hơn ở phía sau cửa xe.

Giống như nhiều trẻ em Việt Nam khác, chúng tôi được một gia đình người Úc nhận nuôi.

Đó là một thời gian đáng sợ, cô đơn và khó hiểu, và tôi nhớ gia đình ruột của mình khủng khiếp.

“Khi nào con về nhà?” Tôi hỏi tới hỏi lui câu đó bằng tiếng Việt nhưng không ai trả lời vì họ không hiểu tôi nói gì.

Bà Hương cùng mẹ ruột Hồ Thị Ích và hai con trai sống tại Việt Nam. (The Mirror)

Tôi hỏi về mẹ ruột của mình thường xuyên đến nỗi cha mẹ mới của tôi nói với tôi rằng bà ấy đã chết. Tôi đã khóc thầm hằng đêm cho đến năm mình tám hoặc chín tuổi gì đó. Gia đình cha mẹ nuôi của tôi bị xáo trộn và cuộc sống gia đình rất khó khăn.

Năm tôi 15 tuổi, mẹ nuôi tôi qua đời. Sau đó, tôi tìm thấy trong tủ hồ sơ của cha nuôi một lá thư cũ, có dấu bưu điện Việt Nam.

Tôi cảm thấy phấn khởi khi nhận ra lá thư đó là từ mẹ tôi.

Ngay lập tức, tôi đã viết một lá thư thật dài gửi đến địa chỉ bà ấy cho trong thư, giải thích tôi là ai và hỏi liệu bà Cẩn có còn sống!?

Ngay sau đó, tôi nhận được một bản fax đơn giản, nói rằng, “Mẹ vẫn còn sống, rất vui khi nghe tin con.”

Trái tim tôi như vỡ òa khi đọc được những lời của bà ấy. Trong vài năm tiếp theo, tôi trao đổi thư từ với bà ấy và rất vui mừng khi cuối cùng cũng liên lạc được với bà. Nhưng thời gian trôi qua, thư từ trở nên quá nhiều và bà ấy bắt đầu đòi tôi gởi tiền.

Chỉ mới 15 tuổi, điều đó là quá sức với tôi và tôi đã ngừng trả lời, xé những lá thư và tìm cách tiếp tục cuộc sống của mình.
Cho đến nhiều năm sau, lúc tôi cảm thấy sẵn sàng để thử liên lạc lại.

Đó là vào năm 2004, khi tôi 34 tuổi, tôi đã không gặp những người trong gia đình ruột thịt của mình cũng đã gần 30 năm.
Tôi đã quyết định đặt một chuyến bay đến Việt Nam và quyết định gặp mẹ mình.

Tôi theo chân một người bạn của gia đình ở thành phố quê tôi, Cần Thơ.

Trong vòng 10 phút sau khi hay tin tôi đã về tới Cần Thơ, mẹ tôi đã đến, và tôi đã hồi hộp chờ đợi bà ấy. Tôi nhận ra khuôn mặt của bà ngay lập tức khi bà ấy tiến về phía tôi, khóc nức nở.

Bà ấy trông giống như khi tôi rời đi. Tôi đã ôm bà thật chặt. Còn bà thì lặp đi lặp lại rằng, “Con đã quay về.”

Bà đưa tôi đi gặp những người thân của tôi ở Phong Điền, cả làng đã đón tôi về nhà.

Nhìn thấy khuôn mặt của họ, những ký ức rời rạc về thời thơ ấu của tôi ở Việt Nam tràn về và tôi nhận ra mình không thể rời đi một lần nữa.

Tôi chuyển về sống ở Việt Nam, mua nhà và mời bà Cẩn đến sống cùng tôi.

Tôi đã biết các thân nhân trong gia đình mà tôi đã bỏ lại, và thậm chí còn hỗ trợ tài chính cho nhiều người trong số họ.

Tôi không bao giờ đặt câu hỏi rằng đây có phải là gia đình của tôi? Bởi lẽ tôi không có lý do để bao giờ nghi ngờ.

Tôi đã nhận nuôi hai cậu con trai xinh đẹp của tôi, Daniel và Sam vào năm 2007, và rồi sự rạn nứt bắt đầu lộ ra.

Bà Hương lúc mới qua Úc khoảng năm tuổi (The Mirror)

Mẹ Cẩn bắt đầu làm phiền tôi vì tiền, và bà ấy trở nên ghen tị với hai đứa con trai của tôi.

Vì vậy, sau bốn năm chung sống với tôi, bà bỏ đi và chúng tôi bắt đầu có một khoảng cách từ đó.

Mối quan hệ của chúng tôi càng tệ hơn cho đến khi chúng tôi không còn nói chuyện.

Mười bốn năm sau khi trở về Việt Nam, một ngày nọ, lúc tôi đang tập thể dục tại một phòng gym địa phương thì điện thoại của tôi bắt đầu reo chuông. Tôi đặt điện thoại ở chế độ yên lặng, cho đến khi nhận được một tin nhắn lạ: “Bà Hồ Thị Ích là mẹ thật của bạn.”

Ngay khi tôi về đến nhà, điện thoại của tôi bắt đầu reo lại. Tôi biết có điều gì đó không ổn, vì vậy tôi đã đưa nó cho em họ của tôi xem giùm.

Khi em họ tôi cúp máy, cô ấy đã bị sốc và chỉ nói, “Chị không phải là chị họ của em và bà Cẩn, không phải là mẹ của chị.”
Đầu óc tôi quay cuồng, không còn cảm giác.

Tôi gọi cho dì mình ngay lập tức và tra hỏi bà ấy nhiều câu, hỏi bà ấy đã từng thấy bà Cẩn mang thai tôi hay không.
Khi dì tôi nói không, em họ tôi gọi cho bà Cẩn và khuyên bà ấy thú tội, nói với bà ấy rằng tôi sẽ làm xét nghiệm DNA. Cuối cùng, bà thú nhận.

Bà kể 48 năm trước, bà đã đưa tôi rời khỏi cha mẹ ruột của tôi. Bà Hồ Thị Ích, một góa phụ có hai đứa con khác, lúc đó đang suýt chết và đề nghị giúp đỡ nên bà Cẩn đã nuôi tôi giùm.

Nhưng khi bà Ích khỏe lại và hỏi thăm con, không ai có thể nói cho bà biết con gái bà đã đi đâu. Bà Cẩn đã mang tôi trốn đi mất.

Bà Hương được một gia đình nhận làm con nuôi ở Úc. (The Mirror)

Tôi đã khóc suốt ba ngày, không phải vì bà Cẩn không phải mẹ của tôi, mà vì sự dối trá và lừa dối.

Toàn bộ thế giới của tôi đã sụp đổ. Tất cả mọi thứ tôi nghĩ rằng tôi biết chỉ là một lời nói dối.

Trong 14 năm qua, người phụ nữ này đã lừa dối tôi, và tôi rất muốn gặp người mẹ thực sự của mình.

Trong khi đó, bà Hồ Thị Ích đã mất nhiều năm tìm tôi thông qua các phương tiện khác nhau. Cuối cùng, bà mới có được số điện thoại của tôi.

Ngày hôm sau bà đã thực hiện một chuyến đi dài bảy tiếng để gặp tôi.

Ở tuổi 75, bà trông yếu đuối và nhỏ bé. Bà vuốt tóc tôi và hôn lên mặt tôi một cách nhẹ nhàng.

“Má rất vui khi được gặp lại con trước khi chết,” bà vừa nói vừa khóc.

Bà nói với tôi rằng bà đã tìm kiếm tôi trong nhiều năm, trước khi khám phá ra tôi đã được đưa đến Úc.

Bà đã dành gần 50 năm cuộc đời để chờ tôi trở về và bà không bao giờ từ bỏ hy vọng.

Sau cuộc đoàn tụ đầy cảm động của chúng tôi, tôi trở lại để đối diện với người mẹ giả của mình.

Tôi rất tức giận vì bà ấy đã cướp mất 14 năm của tôi với người mẹ thực sự của mình, nhưng bà Cẩn không đưa ra một lời hối lỗi nào.

Đã gần một năm kể từ khi tôi biết được sự thật và tôi không bao giờ muốn gặp bà Cẩn nữa.

Tôi không hiểu tại sao bà ấy đánh cắp tôi, chỉ để năm năm sau đó lại cho tôi đi.

Khó hiểu nổi sự lừa dối và phản bội.

Nhưng tôi rất sun sướng khi cuối cùng cũng gặp lại mẹ thật của mình.

Bà ấy yêu thương hai đứa cháu của mình và thương tôi hơn bất cứ điều gì.

Tôi rất biết ơn về điều đó.

Bà Hương và mẹ ruột thật sự của mình (The Mirror)

Nguồn: viendongdaily.com

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo