Người Việt khắp nơi

Kể chuyện đi làm ở Mỹ

Cập nhật lúc 29-08-2018 06:21:58 (GMT+1)
Tác giả Lâm Vân An (trái) cùng một vài đồng nghiệp. (Hình: FB Lâm Vân An)

 

Tui viết loạt bài này với mục đích chia sẻ những chuyện buồn vui, ngọt bùi cay đắng, sụp hầm sụp hố, thăng hoa bay bổng khi đi làm cho văn phòng Mỹ (corporate).


Phải mở ngoặc là trước khi qua Mỹ (diện gia đình bảo lãnh) tui đã làm cho hãng này 10 năm ở nhiều văn phòng khắp nơi trên thế giới Việt Nam, Đan Mạch, Hà Lan, Singapore, chưa kể là nhiều đợt đi làm ngắn hạn từ 2 tuần đến 3 tháng cho những dự án nho nhỏ của hãng ở nhiều nước như Ấn Độ, Anh, Pháp, Bỉ, Tiểu vương quốc Ả Rập, Colombo, Hongkong, Đài Loan, Nhựt Bổn, Hongkong… Cho nên khi tui vừa hạ cánh ở San Francisco ở nhà bà con, tui đã vội vàng log in vô hệ thống của hãng, coi văn phòng nào ở Mỹ cần người và ôi may mắn sao, mèo mù vớ cá rán, văn phòng Houston cần tuyển một nhân viên văn phòng xoàng xoàng, thế là tui bay từ San Francisco qua Houston vô xin phỏng vấn bụp bụp và chính thức được nhận, được chuyển hết mọi thâm niên công tác qua Mỹ và hãng đóng góp luôn vào 401K (quỹ hưu trí) ngay từ ngày đầu qua Mỹ.

Bài này đang nói đến stress nên tui nhấn mạnh vụ stress ha.

Phải nói là chưa bao giờ và chưa ở đâu tui thấy đi làm ‘xì trét’ như ở xứ Mỹ. Cùng là một công ty, chính sách, quy định gần như nhau trên toàn cầu nhưng khi vào Mỹ những chính sách quy định này được áp dụng triệt để hơn, quyết tâm hơn và do đó nhân viên cũng xì trét hơn.

Dân Mỹ thì bạn biết rồi, Hợp Chủng Quốc Huê Kỳ, tên cúng cơm là salad bowl, xà lách trộn, họ lai tạp từ đủ mọi dòng máu (bạn bè tui không ai thuần chủng, dù đã ở Mỹ mấy thế hệ, người thì Ái Nhĩ Lan pha Đức pha Mỹ da đỏ, người thì Pháp pha Tây Ban Nha pha Phần Lan, người thì Columbia pha Mễ Tây Cơ, người thì cha Nhựt Bổn mẹ Trung Quốc…) cho nên họ khôn trời gầm, thông minh cùng cực Chương trình gì mới ra (nhân viên thì không nói) nhưng nhóm manager và supervisor mà tui làm chung thì nắm bắt vô cùng nhanh lẹ. Áp dụng phải nói là nhoay nhoáy, thực hiện triệt để làm tui đu theo “quải chè đậu” luôn. Độ xì trét của tui tăng dần đều vì sau khi làm đúng một năm, được chuyển qua vị trí quản lý tui đã bắt đầu thấm cái gọi là sự bóc lột tận cùng của tư bản giẫy chết! Mỹ đúng là tư bản đỉnh cao nên sự bóc lột dã man tàn nhẫn lên trình độ thượng thừa. Bóc lột ra sao xin mời bạn đọc tiếp.

Hồi tui mới qua San Francisco, bà chị dâu chủ 2 tiệm nail to vật vã ở Vùng Bay có nói, “Cưng mà phòng vấn đậu, người ta nhận là cưng ngon lắm nha! Lương dân văn phòng ba mươi mấy đô một giờ, đã lắm, ăn trắng mặc trơn sung sướng ghê lắm.”

Tui lè lưỡi, ba mươi mấy đô một tiếng nhân cho 2080 giờ một năm, chừng 70-80 ngàn một năm? Nhiều ghê vậy? Rồi paid vacation, nghỉ phép 6 tuần 1 năm, rồi bảo hiểm cho cả gia đình. Rồi bonus… khẳm tiền luôn.

Đến khi vô hãng thì tui thấy lương ba mươi mấy đồng một giờ bên ngoài nghe có vẻ cao nhưng thiệt ra chả thấm gì so với các thể loại xì trét mà một người phải chịu. 60 đô cũng không thấm nói chi ba mươi mấy đô. Kể cả gói benefits quyền lợi đi kèm cũng chẳng là gì so với công sức bạn phải bỏ ra.

Kể sơ vụ xì trét là sao ha?

Như là “target,” chỉ tiêu ha. Đồng ý là làm ở đâu thì cũng có chỉ tiêu, nhưng target hãng tui thì rất khủng khiếp. Vì mục đích của các tập đoàn tư nhân như hãng tui là lợi nhuận và lời ăn lỗ chịu (không bù lỗ như nhà nước) nên mục tiêu tối thượng của hãng tui là làm sao kiếm ra càng nhiều tiền càng tốt. Nhóm tui phụ trách không thuộc cụm làm ra tiền nên phải “tiết kiệm” tiền. Thế là một năm họ ra chỉ tiêu làm sao để cả nhóm tui – chịu trách nhiệm operations vùng Vịnh, bờ Tây Mỹ phải tiết kiệm 15 triệu đô la. Nhóm khác chịu trách nhiệm vùng Đông Bắc Mỹ có target khác, nhóm nữa vùng Trung Tây thì target khác nữa. Cả nhóm từ nhân viên đến sếp đến sếp to nhứt hằng ngày ngoài làm việc như điên còn phải nặn óc ra làm sao tiết kiệm được 15 triệu đô cho một năm.

Nhân viên được cho nghỉ không làm gì trong một tiếng đồng hồ mỗi thứ tư, để nặn óc ghi ra những suy nghĩ của mình về cách tiết kiệm chi phí. Tuần sau đứng lên thảo luận trước nhóm về đề nghị của mình.

Sếp như managers, senior managers và supervisor thì còn khủng khiếp hơn. Đang làm thì thình lình bị kêu đứng dậy không hề báo trước, mời vô phòng họp. Trong 5 phút bạn phải kể ra hết những góp ý để “save money”, sếp tổng giám đốc vùng đứng nghe bạn trình bày xong viết hết các ý tưởng đó lên bảng, nhóm tui có 1 regional director, hai sếp senior managers, 3 managers (đứng đầu mỗi nhóm 10 người).

Sau đó sếp tổng kêu những người trong nhóm leaders này trình bày sơ ý tưởng và đề nghị mọi người trong nhóm dùng bút màu chấm vào ý tưởng nào họ cho là hay. Ba ý tưởng nào nhiều chấm nhất sẽ được chọn để cả nhóm thực thi.

(Hình minh họa: Getty Images) 

Nhiều khi tui vô họp mà đầu óc trống rỗng, không nghĩ ra được cái gì hay ho hết, mà mấy bạn managers/supervisors viết nhoay ngoáy, trong lúc đó đồng hồ trên tường thì tích tắc, tui nghe ‘nơ tron’ thần kinh trong não tui chạy rẹt rẹt luôn. Vì ai cũng có ý kiến mà mình chơi trò đứng im thin thít là toi, sẽ bị sếp lôi riêng ra hỏi đóng góp của mầy đâu. Mà ý kiến bậy bạ chúng nó không thèm chấm cho màu xanh đỏ nằm chơ vơ trên bảng thì cũng chết. Rồi ý kiến bèo nhèo thì làm sao tranh cãi để bảo vệ quan điểm? Cãi là bị bóp nát ngay lập tức vì quan điểm quá yếu. Nhiều khi về nhà rồi đầu óc tui vẫn ong ong chuyện sáng kiến tối kiến ở hãng.

Thế là tui phải tăng cường… đi tắm vì trong một lần đi tắm nọ, dưới vòi nước nóng ào ạt, tui đã nghĩ ra ý kiến tiết kiệm được cho hãng mấy triệu đô. Thế là từ đó về sau mỗi khi bí là tui bèn… đi tắm.

Nhưng mà phải công nhận màn target này rất kinh, cả nhóm tui làm hộc máu mồm tiết kiệm được 13 triệu/15 triệu target năm đó thì năm sau target mới tăng vèo lên 24 triệu. Bà con đầu năm nhận được hung tin chỉ còn biết khóc ròng vì target không bao giờ đạt nổi và biết là chẳng ai trong chúng ta sẽ có bonus. Nhưng làm sếp thì không được bi luỵ, cũng không được negative – tiêu cực kéo tinh thần nhóm xuống. Lúc nào cũng phải động viên mọi người tìm cái hay cái tích cực của vấn đề.

Lại stress.

Xì trét kế là buổi nói chuyện ‘one on one’ hàng tuần với sếp tổng. Ổng ngồi nghe, im lìm trong 15 phút, còn tui phải báo cáo miệng trong tuần qua đã làm được gì, chưa làm được gì so với những mục tiêu của hãng đã giao, hay đã hoàn thành mục nào trong các mục tiêu cá nhân và phát triển bản thân mà tui đã tự đặt ra hồi đầu năm. Nếu chưa làm được thì bước kế phải trình bày luôn cho ổng làm sao để đạt được?

Trời ơi xì tret vô cùng vì có tuần tui chả làm được gì, toàn phải họp họp họp nhưng vô đây thì không có ‘play victim’ đóng vai kẻ bị động được ha. Câu nói cửa miệng mà cả nhóm tôi ai cũng thuộc nằm lòng là, “tất cả chúng ta đều biết vấn đề là như vậy, nhưng mình/bạn đã làm gì để tình hình được cải thiện? Phần đóng góp của bạn cho hãng là gì? Có ngon nói ra đi!”

Lại Stress!

Xì trét kế nữa là phong trào phê và tự phê. Trò này quả tình là ghê hơn cộng sản luôn. Hãng tui có trò STop, Start and Continue. Mỗi 6 tháng toàn bộ nhân viên trong nhóm 30 người sẽ được giám đốc nhân sự mời vô họp, phát biểu ý kiến về một sếp nào đó. (session về người sếp nào thì sếp đó được yêu cầu vắng mặt để bà con tự nhiên nói mà không sợ bị trả thù cá nhân) Nhân viên có toàn quyền nói về những cái mình thấy sếp chưa làm được (mục stop – ngưng không làm nữa), start (những thứ sếp nên bắt đầu làm), continue (những cái hay mà nhân viên thấy bạn nên tiếp tục phát huy). Giám đốc nhân sự ghi hết ra giấy trên bảng, chia ba cột Start, Stop, Continue và sau đó tập hợp, đưa phản hồi này riêng cho người sếp vắng mặt.

Đã từng ngồi trong nhóm để nói về cấp trên, cũng đã từng ngồi ngoài khi bị “lên thớt” tui phải công nhận dân Mỹ rất văn minh. Có sao họ nói vậy dù thích hay không thích cá nhân sếp đó, họ công bằng, minh bạch và chính xác. 30 người nhóm tui phần lớn đều cư xử văn minh, đưa ra những đóng góp mang tính xây dựng làm tui rất nể. Bà con vỗ tay rào rào, người bị nhận xét không có ở đó. Nhận xét đến tai người được nhận xét qua giám đốc nhân sự nên sếp khó biết ai nói gì và muốn đì cũng không “đì” được vì giám đốc nhân sự làm mọi thứ.

Nếu bạn làm senior managers hay directors thì còn được “chăm sóc” kỹ hơn nữa. Sếp bạn còn gửi survey hỏi han các sếp các đơn vị phòng ban bên cạnh và khách hàng về cách làm việc, thái độ sống của bạn. Chỉ cần bạn cư xử không đúng mực một lần có ai đó “nhớ dai thù lâu” méc là danh tiếng cũng bị ảnh hưởng. Nói chung lại cũng stress nữa. Nhưng phải công nhận tui học được rất nhiều từ những bài học này. Về thái độ, cách cư xử khi nhận phản bác và phản hồi của người khác, dù là phản hồi có ưu ái mình hay không (dần hồi tui đã luyện vô được trường phái Không Động – ai nói gì cũng không cần động đậy, chỉ cần im lặng suy ngẫm coi họ nói đúng không). Thời gian này dạy tui nhiều, về cách vượt qua những khó khăn trong công việc và hơn cả là vượt qua những thử thách trong lòng mình cũng như biết rõ những giới hạn bản thân, để cố gắng biến mình thành tốt hơn “mình” của ngày hôm qua.

Kết luận của tui là, bạn nào mà đã được thử thách bởi mấy cái trò one-on-one và 360 (như kiểu bị bắn 360 độ này mà sau đó vẫn sống sót toàn vẹn) thì cái vụ appraisal mỗi năm ngồi 2 lần với sếp để báo cáo thành tích, xét năng lực và đòi tăng lương chỉ là chuyện ruồi muỗi, không đáng phải bận tâm. Vì những thứ ghê gớm nhứt bạn đã kinh qua hàng ngày, hàng tuần. Thép đã được tôi luyện rồi.

Đây là những cái xì trét nhứt mà tui nhớ, để bạn hiểu sơ sơ tư bản bóc lột tận cùng là như thế nào và vì sao đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa yêu quý của chúng ta vốn mang tiếng làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu mà mãi hoài chưa tiến tới đâu… trong khi bọn tư bản thối nát thì giãy hoài không chết.

Nguồn; Lâm Vân Anh/Người Việt

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo