Jonathan London - giáo sư Mỹ yêu thích vỉa hè Hà Nội
![]() |
Giáo sư Jonathan London tại City University Hồng Công (ảnh: FB Jonathan London) |
Praha - Jonathan London là giáo sư người Mỹ, giảng dạy tại City University, Hồng Công. Ông là nhà xã hội học, nhà kinh tế chính trị học, đã nghiên cứu về Việt Nam hơn hai mươi năm qua. Ông rất yêu mến Việt Nam vì có nhiều quan hệ bạn bè. Nhân dịp qua Praha làm việc với Đại học Charles, ông đã chủ động gặp gỡ người Việt Nam tại đây. Bài sau đây của Hoàng Hùng, cộng tác viên của Vietinfo ghi lại những về buổi gặp gỡ nói chuyện với Jonathan London tại Praha.
Buổi chiều 16-09-2013 Jonathan London đến Praha để dự một cuộc hội thảo về các vấn đề về Việt Nam hôm 18-9 và 19-9-2013 do trường đại học Charles và trường đại học Stockholm tổ chức.
Trước khi bay đến Séc vài ngày thì ông mới liên lạc được với nhóm Văn Lang và mong có một buổi nó chuyện bàn tròn về các vấn đề của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề hòa giải. Vì thời gian quá gấp cho nên nhóm Văn Lang không thể tổ chức được một buổi bàn tròn, mà chỉ làm một buổi "bàn vuông", cho nên số lượng cũng chỉ có khoảng gần 20 người, chủ yếu trong nhóm Văn Lang và vài đại diện của các tờ báo cộng đồng người Việt tại Séc như Vietinfo, Xa Xứ, Tuần Tin Mới.
Trong TTTM Sapa Praha, ngày 17/9/2013. Nguồn: Hoàng Hùng
Làm những gì mình thích
Ngay khi gặp mặt Jonathan London đã tạo ra một quan hệ thân thiện của những người bạn bè. Với một vốn tiếng Việt khá phong phú, mang âm hưởng người Hà Nội và đôi chỗ ngọng nghịu nhưng chúng tôi trao đổi với nhau hoàn toàn thỏa mái như ông là một người Việt bình thường. Phần giới thiệu về bản thân Jonanthan London cho biết, ông là một người gốc Do Thái, tuy gia đình không theo đạo. Ông sinh ra và lớn lên trong một cộng đồng bình dân ở Boston - Mỹ. Năm 1990 lần đầu tiên ông đến Việt Nam và ông nói "bị đất nước này hút hồn", từ đó ông bắt đầu học tiếng Việt và nghiên cứu về Việt Nam. Ông kể lại rằng, đã học tiếng Việt ở một trường đại học của Mỹ và rất tự tin với vốn tiếng Việt đó. Kết quả khi đến Việt Nam thì nói không ai họ chịu hiểu cả, vào quán ăn xong bảo chủ quán tính tiền, thì họ ra bật cho mình cái quạt. Thế là từ năm 1997 đến 2001 ông ở hẳn lại Việt Nam và học tiếng Việt, nhờ thế mà ông nói và viết được như bây giờ. Năm 2004 ông hoàn thành luận án tiến sỹ và tham gia giảng dạy ở rất nhiều trường đại học ở khu vực Đông Á.
Khi ông hỏi một thành viên của nhóm Văn Lang là tôn chỉ của nhóm là gì, thì đại diện của nhóm trả lời: Làm tất cả những gì mình thích mà không vi phạm pháp luật. Jonanthan London rất thích quan điểm đó và nói rằng trước đây tôi là giáo sư của một trường đại học ở Singapore, ở đó mặc dù lương cao nhưng lại không được nói, được làm tất cả những gì mình thích, cho nên tôi chuyển sang Hồng Kông.
Jonathan London đang thưởng thức bún cá tại Praha cùng nhà văn Trần Ngọc Tuấn (phải) và anh Minh trong Hội Văn Lang giao lưu ngày 16/9/2013.
Ở Việt Nam tôi yêu thích nhất xã hội vỉa hè
Ông kể lại rằng năm 1990 đến Việt Nam có rất nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm hãi hùng nhất là khi ngủ ở khách sạn Thống Nhất (bây giờ đổi tên là Sofitel Metropole nằm trên đường Ngô Quyền - Hà Nội) là một khách sạn hiện đại nhất Việt nam khi bấy giờ. Khi vào phòng đi ngủ thì có mỗi một mình, nửa đêm tỉnh giấc thấy mấy em chuột to bằng nắm tay trên giường.
Kỷ niệm thất vọng nhất là khi xin với chính quyền Việt Nam được đi xuống các vùng nông thôn để thực tế thì không được phép. Kỷ niệm mà thấy mình dốt nhất là được đi gặp và bắt tay Đại Tướng Võ Nguyên Giáp nhưng khi về vẫn không biết đó là ai cả.
Ông là một nhà nghiên cứu về các nước Đông Á, đặc biệt là về Việt Nam. Ông đã nhìn ra các bất cập của y tế Việt nam và có bài nghiên cứu để có hướng giải quyết nó. Ông cũng có bài nghiên cứu về các chế độ phúc lợi ở Trung Quốc và Việt Nam.
Ngay phần đầu thì mọi người cũng giới thiệu mặc dù những người hôm nay là quen biết nhau cả nhưng lại có rất nhiều các tư tưởng khác nhau. Jonanthan đã hóm hỉnh nhận xét rằng, nếu khác nhau về tư tưởng thì là bình thường, nếu tất cả giống nhau về tư tưởng và luôn luôn đồng thuận với nhau thì mới là nguy hiểm và không bình thường.
Trao đổi với nhau về rất nhiều vần đề trong đó nổi bật là: Hòa giải, thay đổi ở Việt Nam, đất nước Việt Nam, Biển Đông,... Khi nói về Việt Nam thì Jonathan thích nhất một thứ ở Việt Nam đó là văn hóa vỉa hè. Ông cho rằng đó là một thứ văn hóa mà hiếm đâu có trên thế giới này, tại đó mọi tầng lớp có thể trao đổi nói chuyện thỏa mái với nhau. Mỗi khi đến Việt Nam mà ở Hà Nội thì bất cứ chiều nào ông cũng ngồi ở quán bia Hàm Long và đó là "trụ sở chính" của ông, từ đó ông có thể tìm hiểu được rất nhiều chuyện ở Việt Nam.
Việt Nam sẽ thay đổi trước Trung Quốc
Khi nói về thay đổi ở Việt Nam, ông có cái nhìn khá sáng sủa. Khi có vài ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ thay đổi trước, Việt Nam sau đó mới thay đổi. Jonathan nhận định ngược lại, Jonathan cho rằng Việt Nam sẽ thay đổi trước. Ông dựa vào 2 yếu tố chính đó là:
- Lực lượng an ninh của Trung Quốc mạnh hơn Việt Nam rất nhiều lần.
- Sự quan tâm của dân chúng với chính trị ở Việt nam cao hơn dân Trung Quốc.
Khi nói về các tranh chấp của Biển Đông thì ông cho rằng việc đầu tiên phải cải cách chính trị ở Việt Nam thì mới có thể giữ được chủ quyền và khi đó mới được quốc tế ủng hộ nhiệt tình.
Với hơn hai mươi năm nghiên cứu về Việt Nam, Jonathan London cho rằng chưa bao giờ môi truờng chính trị xã hội của Việt Nam thay đổi nhiều như thế. Trước đây phê phán chính quyền còn là điều cấm kỵ, nhưng ngày nay cả những người như ông Lê Hiếu Đằng cũng không chỉ dừng lại ở phê phán, mà còn chủ trương thành lập đảng chính trị. Không tiên đoán cho tương lai, nhưng Jonathan tin rằng đây là một cơ hội thay đổi cho Việt Nam và Việt Nam có thể sẽ thay đổi, cải cách trước cả Trung Quốc.
Praha, 16/9/2013
Hòa giải và cải cách
Hiện nay Jonathan London đang có một bài nghiên cứu về vấn đề hòa giải ở Việt Nam. Một số người tham dự buổi nói chuyện thì cho rằng, không thể hòa giải được, khi cả hai bên không có thiện chí nhìn nhận các lỗi lầm. Phần này tranh luận khá gay gắt giữa mọi người và ông lắng nghe, cũng như cho các ý kiến nhận xét. Jonathan London đã nêu ra năm câu hỏi trên blog của mình (http://xinloiong.jonathanlondon.net/) và mong muốn nhận được nhiều câu trả lời:
- Hòa giải có nghĩa là gì?
- Hòa giải dân tộc ở Việt Nam phải có những yếu tố nào?
- Quá trình hòa giải nên diễn ra như thế nào nếu bắt đầu từ năm này?
- Cụ thể, làm sao để có thể thu hút sự tham gia từ mọi phía?
- Nên có những bước đi như thế nào trong một tương lai gần?
Ông mong muốn, ai quan tâm đến vấn đề này cũng cho biết ý kiến và gửi câu trả lời vào email của ông là jlondontraloi@gmail.com.
Mặc dù Jonathan London là một người nước ngoài, nhưng bất cứ ai gặp mặt cũng nhận thấy tình cảm của ông dành cho đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam rất đằm thắm. Ngoài những tình cảm dành cho đất nước Việt Nam, ông còn đóng góp rất nhiều công sức để Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn. Ông cho rằng người dân Việt nam nếu so với các nước Đông Á khác thì không thua kém gì cả. Thế nhưng, ngay trong khối Đông Nam Á thôi, Việt Nam hiện nay đã thua kém rất nhiều nước. Theo ông, Việt nam cũng là một nước ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC đầu tiên của khối Đông Nam Á nhưng cho đến tận bây giờ người dân Việt Nam vẫn còn chưa được nhận cái mà nhẽ ra phải có từ rất lâu rồi.
Praha 16.09.2013
Hoàng Hùng (vietinfo.eu)