Người Việt khắp nơi

GS gốc Việt ở Úc: “Tôi trầm cảm khi nghe Việt Nam đang thiếu Tiến sĩ”

Cập nhật lúc 19-11-2017 11:59:46 (GMT+1)

 

Để trở thành nhà khoa học độc lập, nhiều NCS sau khi tốt nghiệp tiến sĩ còn trải qua một giai đoạn nghiên cứu hậu tiến sĩ từ 3 đến 10 năm.


Đó là những chia sẻ của GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan, Úc về dự thảo Đề án chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9000 tiến sĩ của Bộ GD-ĐT.

 

Đem con bỏ chợ

PV:- Mới đây Bộ GD-ĐT có đưa ra dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”, gửi tới các Bộ, ngành và các trường để xin ý kiến.

Theo dự thảo, mục tiêu chung của đề án là đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ 35% (khoảng 9000 tiến sĩ) tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục đại học. Thời gian thực hiện đề án từ năm 2018 đến năm 2025, tầm nhìn 2030, với mức đầu tư 12000 tỷ đồng.

Trước đó, Bộ GD-ĐT từng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phải đạt 20.000 tiến sĩ, việc đưa ra các mục tiêu về con số đào tạo tiến sĩ để hoàn thiện trong một thời gian cụ thể như vậy, theo ông, có cần thiết hay không? Có thêm nhiều Tiến sĩ có đồng nghĩa với việc chất lượng giảng viên, cũng như chất lượng đào tạo tại các trường Đại học được nâng cao hay không, thưa ông?

GS Nguyễn Văn Tuấn: – Mục tiêu của việc đào tạo tiến sĩ là xây dựng một cộng đồng nhà khoa học chuyên nghiệp, cung ứng giảng viên cho các đại học và kĩ nghệ. Thế nhưng, Việt Nam hiện nay có vấn đề về sử dụng nguồn nhân lực này.

Việt Nam hiện có hơn 24.300 tiến sĩ, nhưng theo Bộ GD-ĐT thì chỉ có 16.514 người làm việc trong các Đại học; như vậy còn gần 8.000 tiến sĩ không làm trong khoa học? Đó có thể là một sự bất hợp lí.

Chưa hết, Việt Nam có hơn 9000 giáo sư và phó giáo sư, nhưng chỉ có gần 4700 người làm việc trong các đại học. Đó là một điều bất hợp lí nghiêm trọng và đặt câu hỏi về chức danh giáo sư.

Một con số khác cũng quan trọng không kém là tỉ lệ giảng viên đại học có bằng tiến sĩ. Bộ GD-ĐT báo cáo rằng hiện nay có 23% giảng viên đại học có bằng đại tiến sĩ, nhưng số liệu năm 2013 cho thấy trong số gần 60.000 giảng viên đại học, chỉ có 8519 (tức 14%) có bằng tiến sĩ.

Rất khó hiểu chỉ trong vòng 3-4 năm mà nhảy vọt lên 24%. Ngay cả ở Mã Lai, Bộ GD-ĐT báo cáo rằng có đến 70% giảng viên có bằng tiến sĩ, nhưng số liệu của UNESCO cho thấy năm 2012 chỉ có 20% giảng viên đại học Mã Lai có bằng tiến sĩ (con số 70% là số giảng viên có bằng tiến sĩ vàcao học).

Vấn đề đào tạo tiến sĩ cho giảng dạy và nghiên cứu là vấn đề của các đại học. Do đó, tôi nghiêng về chủ trương để cho các đại học tự quản lí; và Bộ chỉ đề ra cái khung và chuẩn mực về phẩm chất đào tạo chứ không nên đề ra những con số mà chúng ta đã biết chưa bao giờ hợp lí cho tất cả các nơi và các trường.

Ví dụ như con số 12.000 tỉ đồng (tức khoảng 600 triệu USD), hay tính trung bình đào tạo mỗi tiến sĩ tốn khoảng 67.000 USD. Nhưng chúng ta biết rằng 67.000 USD là chi phí quá cao ở trong nước, nhưng lại quá thấp ở nước ngoài.

Ở Úc, học phí cho một chương trình 3 năm đào tạo tiến sĩ dao động tư 90.000 đến 150.000 USD.

PV:- Cũng đã có nhiều chuyên gia chỉ rõ, dù Việt Nam có nhiều tiến sĩ, thậm chí tiến sĩ đào tạo nước ngoài kết quả nghiên cứu tốt, nhưng số lượng công trình khoa học được công bố quốc tế lại thấp nhất trong khu vực. Cụ thể, số công trình của Việt Nam được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/5 của Singapore.

Điều này thể hiện về chất lượng đào tạo tiến sĩ của Việt Nam ở các trong nước và nước ngoài ra sao, thưa ông? Có ý kiến cho rằng, có phải các chương trình đào tạo ở nước ngoài có yếu tố ngoại giao nên kết quả ai cũng tốt, nhưng chất lượng thực sự thì không phải như vậy? Ông đồng tình ở mức độ nào về ý kiến này? Và kinh nghiệm thực tế của ông ra sao?

GS Nguyễn Văn Tuấn: – Chủ trương đào tạo tiến sĩ và công bố nghiên cứu khoa học là hai vấn đề khác nhau. Như nói trên, Việt Nam tuy có nhiều tiến sĩ nhưng có ít công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tập san khoa học có bình duyệt (tôi gọi tắt là “công bố khoa học”).

Tôi chỉ có thể suy diễn rằng lí do là do đa số 24.300 tiến sĩ hiện có là được đào tạo ở trong nước, và yêu cầu cũng như tiêu chuẩn học thuật tiến sĩ ở trong nước nói chung, chứ không nói riêng cho ngành nào, không cao như ở các nước tiên tiến.

Một trong những yêu cầu về đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài là ứng viên phải có công bố khoa học thì mới được bảo vệ luận án, còn ở trong nước thì cũng có yêu cầu đó nhưng lại là công bố trên các tập san ở trong nước.

Điều này dẫn đến số lượng công trình khoa học từ Việt Nam trên các tập san quốc tế thấp hơn nhiều so với các nước trong vùng (dù các nước này có lẽ không có nhiều tiến sĩ như ở Việt Nam).

Còn ý kiến cho rằng các nước tiên tiến “đào tạo ngoại giao” cho Việt Nam (hiểu theo nghĩa cho nghiên cứu tốt nghiệp dù họ chưa đạt tiêu chuẩn về công bố khoa học) thì cũng có, nhưng không nhiều.

Nguồn: Giáo dục báo Đất Việt

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo