Người Việt khắp nơi

CEO gốc Việt tâm huyết với dự án tuyển dụng lao động khuyết tật VN

Cập nhật lúc 17-10-2016 15:31:11 (GMT+1)
Ông Mai Quang Thụy (phải) cùng một người bạn là luật sư Nguyễn Thành Sơn tại Mỹ. ẢNH: NVCC

 

'Ai cũng không biết ngày mai họ có thể gặp tai nạn thành người khuyết tật, sao chúng ta không giúp đỡ họ', ông Mai Quang Thụy, CEO Công ty phần mềm đa quốc gia DiCentral mở đầu câu chuyện về dự án tuyển dụng lao động khuyết tật tại Việt Nam mà ông rất tâm huyết.


Theo thông tin đăng tải trên Bloomberg, ông Mai Quang Thụy từng làm việc tại Công ty AT&T từ năm 1983-1989, sau đó làm tại NASA từ năm 1989-2000 trước khi xin nghỉ để thành lập Công ty phần mềm DiCentral đến hiện tại.

DiCentral hoạt động trong lĩnh vực phần mềm dịch vụ (Saas - Software as a service) với doanh thu mỗi năm khoảng 30 triệu USD. Ngoài trụ sở chính tại Houston, Texas (Mỹ), DiCentral còn có văn phòng tại Canada, Hồng Kông, Trung Quốc và Việt Nam.

Điều đáng ngạc nhiên là CEO Mai Quang Thụy lại dành sự ưu tiên cho lao động khuyến tật tại các địa phương sử dụng nhân sự, trái với nhiều công ty có khuynh hướng xét nhân viên phải có ngoại hình.

Từ một nhân viên người Mỹ bị khuyết tật do tai nạn đang làm việc tại Houston, Mai Quang Thụy quyết định mở rộng chính sách tuyển dụng lao động khuyết tật tại các chi nhánh của mình, trong đó điển hình là tại Đà Nẵng và TP.HCM.

Hoài Trang, nhân viên của DiCentral tại Đà Nẵng, bày tỏ mong mỏi có nhiều nơi như công ty phần mềm này có tâm huyết dành cho người khiếm khuyết như chị. Trang được đánh giá là nhân viên giỏi, chuyên cần trong công ty. ẢNH:N.T.S

Tiêu chí của DiCentral là tạo cơ hội cho tất cả mọi người đều như nhau, nhưng vị trí nào người khuyết tật phù hợp thì sẽ ưu tiên lựa chọn. Với chính sách từ ban giám đốc, bộ phận nhân sự sẽ liên kết các tổ chức dành cho người khuyết tật, đưa ra yêu cầu giúp những người có kỹ năng phù hợp có chỗ làm việc. Song song đó, CEO gốc Việt cũng dành ngân sách tu sửa nơi làm việc như chỗ đỗ xe, nhà vệ sinh... để những lao động khuyết tật có thể dễ dàng sinh hoạt tại đây.

Ông Mai Quang Thụy cho biết: “Ở Mỹ, người khuyết tật dễ dàng có chỗ làm hơn. Chính phủ Mỹ không cho họ tài sản cá nhân nhưng xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ để họ tiện sinh hoạt, học tập và làm việc. Tôi thấy bất cứ con người nào đều có bề mạnh và bề yếu. Họ khiếm khuyết về cơ thể nhất định sẽ có chỗ mạnh, quan trọng mình có tìm ra hay không. Trong quá trình làm việc với nhân viên khuyết tật, tôi nhận thấy ưu điểm của họ là khả năng tập trung, người thường không thể nào bằng người khuyết tật được”.

Ông Thụy thừa nhận lao động khuyết tật bên cạnh khả năng tập trung làm việc tốt còn có yếu tố khách quan là ít vui chơi, ít loại hình giải trí như những người bình thường. “Nghe hơi tàn nhẫn nhưng người khuyết tật làm việc tập trung, chuyên cần hơn người thường. Họ ít giải trí, đi về nhà cũng kiếm việc làm, ít đi vui chơi. Về khoản nào đó có lợi cho doanh nghiệp. Làm sao chúng ta tìm được thế mạnh và tạo cơ hội cho họ, phát triển theo hướng hai bên cùng có lợi thì sự phát triển đó mới bền vững và nhân văn”, ông nói.

Theo vị CEO DiCentral, mô hình tuyển dụng người khuyết tật và giúp họ tìm được sự đối đãi công bằng từ lương bổng đến các lợi ích khác trong các doanh nghiệp phần mềm là rất phù hợp, đặc biệt phổ biến bên Mỹ.

Không chỉ là bài toán đãi ngộ nhân sự cho công ty, ông Mai Quang Thụy còn quan tâm đến việc cấp học bổng cho người khuyết tật. “Người khuyết tật có nhiều dạng, do bẩm sinh và bị tai nạn. Trường hợp gặp tai nạn thì thường họ đã biết nghề rồi, thuê lao động khuyết tật cũng như người thường. Riêng về lao động khuyết tật bẩm sinh chúng tôi có trích lợi nhuận để ủng hộ họ đến trường, trao quỹ cho các trường đại học, sau này họ có thể lo được cho cuộc sống của mình”, ông nói.

Sau Mỹ và Việt Nam, Mai Quang Thụy dự tính khi mở văn phòng tại Hàn Quốc sẽ tiếp tục dành ưu tiên cho lao động khuyết tật tại các địa phương.

Nguồn: Long Trần/ Thanhnien.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo