Người Việt khắp nơi

Câu chuyện 30/4: Người đàn ông Việt Nam tìm được cha đẻ là cựu binh Mỹ sau 41 năm

Cập nhật lúc 30-04-2016 10:57:34 (GMT+1)
Ông Vo Huu Nhan (trái) và Bob Thedford (phải) (Ảnh: Washington Post)

 

41 năm sau khi chiến tranh kết thúc, những người con của binh lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam vẫn đang nỗ lực tìm lại cha mình. Dưới đây là phóng sự của báo Washington Post về một trường hợp như thế, được Depplus lược dịch lại với sự đồng ý của tòa soạn và tác giả bài báo Annie Gowen.


Vo Huu Nhan đang ngồi trên chiếc thuyền chở rau của ông ở khu chợ nổi trên sông Mekong khi điện thoại reo. Người gọi từ Mỹ báo một tin chấn động: kết quả xét nghiệm DNA cho thấy ông là con của một cựu binh Mỹ tại Việt Nam.

Nhan, 46 tuổi, đã biết cha ông là một lính Mỹ tên Bob, nhưng chỉ có thế. “Tôi đã bật khóc”, Nhan nhớ lại. “Tôi đã lạc cha 40 năm, và giờ tôi cuối cùng cũng có thể gặp ông ấy”. Nhưng đó là một hành trình không dễ dàng.

Tin tức về kết quả xét nghiệm DNA của ông chỉ là kết quả của hàng loạt sự kiện đã diễn ra liên quan tới hai gia đình cách xa nhau 14.000 km. Mọi chuyện thêm phức tạp bởi cha Nhan, cựu chiến binh Robert Thedford Junior, một phó cảnh sát trưởng về hưu ở Texas, đang ốm nặng.

Khi những người lính Mỹ cuối cùng rời Sài Gòn ngày 29 và 30/4/1975, họ để lại sau lưng một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, không chắc chắn về tương lai, và hàng nghìn đứa trẻ “bị bỏ lại”. Những trẻ em này, một số lai da đen, một số lai da trắng, ra đời sau những mối tình chớp nhoáng với các gái bán bar địa phương, người giúp việc nhà, công nhân giặt ủi và những người làm các nghề lặt vặt khác ở những căn cứ quân sự Mỹ.

Giờ thì họ đã đều vào tuổi trung niên. Lớn lên với màu da và khuôn mặt của kẻ thù, họ trải qua một cuộc đời khó khăn gian khổ. Họ bị người thân bỏ rơi. Gia đình thường phải giấu giếm họ, một số người phải đi lao động cải tạo hoặc trở thành người vô gia cư sống ngoài đường phố, họ trở thành “bụi đời”.

Bốn mươi năm sau, hàng trăm người vẫn còn ở lại Việt Nam, quá nghèo và không có bằng chứng gì để tham gia chương trình theo Đạo luật đưa người Mỹ gốc Á trở về nhà năm 1987 nhằm nhận lại con cho những binh sĩ Mỹ.

Hiện giờ, một nhóm người Mỹ gốc Á như thế đang tiến hành nỗ lực cuối cùng để giúp đoàn tụ các gia đình như thế dựa qua các dữ liệu DNA. Những ai bị bỏ lại chỉ có thông tin mơ hồ về những người cha của họ, giấy tờ và hình ảnh đều đã bị hủy hoại bởi thời gian và cuộc chiến, ký ức đã phai mờ. DNA giờ là hy vọng cuối cùng.

Hy vọng mới

Thành phố Hồ Chí Minh đang vào mùa xuân. Cây mai vàng, biểu tượng của Tết, đang nở rộ. Dòng xe gắn máy không ngừng. Những cửa hàng cao cấp như Gucci lộng lẫy bên cạnh những chuỗi nhà hàng như KFC. Không còn dấu hiệu gì của sự hiện diện quân sự của Mỹ, trừ vài chiếc máy bay trực thăng gỉ sét trong nhà bảo tàng.

Xe cộ lưu thông trên một đường phố ở TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Washington Post)

Nhưng các bí mật gia đình được chôn cất giống như ở các bãi mìn. Trista Goldberg, 44 tuổi, giáo viên dạy thể dục ở New Jersey, tự hào nhận mình là một người Mỹ gốc Á, và là người sáng lập nhóm Operation Reunite (Chiến dịch đoàn tụ). Cô được một gia đình Mỹ nhận nuôi năm 1974 và tìm thấy mẹ ruột mình năm 2001. Hai năm trước, cô tới một căn nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh nơi 80 người Mỹ gốc Á đã tập hợp lại để cung cấp mẫu DNA. Cô hy vọng sử dụng các kết quả để hỗ trợ cho khoảng 400 trường hợp nộp thị thực đi Mỹ đang chờ được xác minh thông tin.

“Với sự tình cờ của số phận, tôi đã có thể là một trong những người bị bỏ lại”, cô nói. Hơn 3.000 trẻ mồ côi ở Việt Nam đã được đưa ra khỏi đất nước trong những ngày rối loạn cuối cùng của cuộc chiến. Cuộc đời nhiều người ở lại thay đổi với Đạo luật đưa người Mỹ gốc Á trở về nhà 1987, cho phép 21.000 người Mỹ gốc Á và hơn 55.000 thành viên các gia đình ở Mỹ đoàn tụ.

Cùng với quá trình đó, nhiều người Việt Nam tìm những kẻ hở để nhập cư vào Mỹ, khiến chính quyền Mỹ siết chặt hơn quá trình xác nhận và xét duyệt. Số thị thực nhập cư đã giảm mạnh: chỉ 13 trường hợp được chấp nhận năm ngoái.

Nhan đã đi từ nhà ông ở An Giang tới nơi xét nghiệm DNA của Goldberg. Ông là một người trầm lặng, đã có năm con và chỉ học hết lớp ba, nhưng hòa nhã và vui tính. Mẹ ông nói với ông về người cha Mỹ năm ông khoảng 10 tuổi. “Tại sao những đứa trẻ khác trêu chọc tôi? Tôi rất buồn, đôi khi tôi muốn đánh chúng”, Nhan nhớ lại. “Mẹ tôi nghĩ một chút rồi nói tôi là con lai. Nhìn bà rất buồn, nhưng ông bà ngoại nói vẫn thương tôi như mọi đứa cháu. Không sao hết”.

Sau khi Nhan và những người khác cho mẫu DNA, họ chờ đợi.

Liên lạc

Vào mùa thu, vợ của Bob Thedford, Louise, một người rất ham thích phả hệ học, đăng nhập vào tài khoản DNA cây gia đình của bà và phát hiện ra một kết quả kỳ lạ. Có người có liên hệ cha-con với chồng bà. Người con đó là ông Nhan.

Louise từ lâu đã nghĩ chồng bà có thể có con rơi khi còn làm quân cảnh ở Việt Nam vào cuối những năm 1960. Bà đã tìm thấy bức ảnh một người phụ nữ Việt Nam trong ví chồng không lâu sau khi họ kết hôn. Tin tức này còn sốc hơn với con gái họ, Amanda Hazel, 35 tuổi, một trợ lý luật sư ở Fort Worth.

“Thành thật mà nói, điều đầu tiên tôi nghĩ tới là: Mẹ chắc đây không phải là một vụ lừa đảo chứ?” Hazel nhớ lại. Nhưng ảnh ông Nhan được gửi cho gia đình không lâu sau đó. Ông giống như đúc ông nội mình, Robert Thedford Senior, một cựu chiến binh hải quân từng tham gia thế chiến thứ hai. “Con giống hệt ông nội PawPaw Bob”, Bob nói với con trai mình.

Thedford, một phó cảnh sát trưởng về hưu ở hạt Tarrant, biệt danh “Tóc đỏ” vì mái tóc của ông, đã gặp mẹ ông Nhan ở căn cứ không quân Quy Nhơn. Những ký ức của ông đều đượm buồn và ông ít kể với gia đình mình về cuộc chiến. “Dượng ít khi nào kể chuyện cũ”, con riêng của vợ ông, John Gaines, nhớ lại. “Khi tôi hỏi: Dượng có bao giờ bắn ai chưa? Ông ấy nói: Có, nhưng con phải hiểu là có lý do, đó là một phần cuộc chiến. Ta sẽ không ngồi đây và giải thích cho con đâu”.

Khi Thedford dạy Hazel bơi và đi xe đạp ở ngoại ô Texas, Nhan lớn lên ở trại nuôi heo của ông bà ngoại, bơi ngoài sông và bị bắt vì đi ăn cắp xoài. “Dượng cứ nói là ông ấy không biết”, Gaines nói. “Tôi thì rất ngạc nhiên, và tôi ghét vì phải 45 năm sau mới biết chuyện”.

Sau đó là những liên lạc dè dặt, dù ông Nhan không nói được chút tiếng Anh nào và không có một địa chỉ thư điện tử, nên phải trao đổi qua người trung gian. Ông Nhan gửi cho gia đình Thedford dép và nón ông tự đan ở Việt Nam, nhà Thedford gửi cho ông một tờ 50 USD và một chiếc áo đấu của đội bóng bầu dục Texas Rangers. “Con có cần gì không?” ông Robert Thedford cứ hỏi như thế.

Rồi sau đó là cuộc nói chuyện trên Skype đầy cảm xúc đầu tiên, khi cả hai người đàn ông bật khóc lúc nhìn thấy nhau lần đầu. “Tôi giống ông ấy”, Nhan nói sau đó. “Tôi cảm thấy tôi có liên hệ với ông ấy rõ ràng”. Nhưng tháng 8 vừa rồi, Thedford, 67 tuổi, đã có tiền sử ung thư da, lại phải nhập viện. Căn bệnh lan nhanh và ông phải tiến hành một loạt ca phẫu thuật, mới nhất là ngày 3/4. Khi gia đình ở Texas phải lo lắng cho ông, Việt Nam trở thành thứ yếu.

“Con trai tôi ở Việt Nam”

Mới đây, ông Nhan gặp Hazel qua Skype trên một cái máy tính cũ kỹ ở đằng sau xưởng may tại nhà một người bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hazel thì dùng máy tính mới trong phòng khách, những con chó chạy quanh cô. Nhan hỏi thăm sức khỏe cha.

Ông Vo Huu Nhan và phiên dịch trò chuyện trực tuyến với bà Amanda Hazel (Ảnh: Washington Post)

“Cha khỏe. Ông ấy có thể ngồi thẳng trên ghế rồi. Họ đang chăm sóc ông ấy”, Hazel nói. “Em thấy thật tệ vì không liên lạc sớm hơn, nhưng mẹ và cha có nghĩ tới anh và lúc nào cũng nói chuyện về anh”. Thedford đã khoe ảnh ông Nhan với các y tá trong bệnh viện và nói “đây là con trai tôi ở Việt Nam”.

Ông Nhan nộp kết quả DNA khớp cho lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12/2013, xin xem xét lại thị thực di dân. Nhưng cho tới giờ ông chưa được hồi đáp.

Một người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ nói với The Washington Postrằng họ không thể bình luận về các trường hợp này do luật về quyền riêng tư. Cô Hazel nói cả gia đình đang cố gắng giúp ông Nhan sang Mỹ, dù cô biết việc hòa nhập sẽ cực kỳ khó khăn. “Sẽ là ném anh ấy vào một nơi hoàn toàn xa lạ”, cô nói.

Câu chuyện của họ là một trong hàng nghìn câu chuyện về một vết thương chiến tranh sẽ không bao giờ lành hẳn.

Chiêu Văn (Theo Washington Post)
Mọi sự sao chép cần nhận được sự đồng ý bằng văn bản của Washington Post hoặc Depplus
Nguồn: vntinnhanh.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo