Sân khấu

Người đẹp màn bạc Việt một thời (2): Bắt đầu hết cô đơn

Cập nhật lúc 13-03-2013 18:14:27 (GMT+1)
Kiều Chinh ni cô trong phim Hồi chuông Thiên Mụ - Ảnh: Tác giả cung cấp

 

Sau hôm gặp đó, tôi kể lại mọi chuyện cho giám đốc sản xuất phim Bùi Diễm biết và rủ ông ấy đến nhà Kiều Chinh. Chủ nhà tiếp chúng tôi là ông bà Nguyễn Đại Độ, cha mẹ chồng của Kiều Chinh, trong lúc chồng cô đang đi công tác xa nhà.


> Kỳ 1

Chúng tôi xin phép gia đình cho cô đóng vai chính trong phim sắp quay, nói về cuộc đời của một ni cô ở chùa Thiên Mụ. Ông bà Độ vốn theo Phật giáo nên khi nghe chúng tôi trình bày như thế, ông bà vui vẻ đồng ý và hứa sẽ sớm chuyển tin này đến con trai ông bà là chồng của Kiều Chinh. 

Gần cuối năm 1957, đoàn làm phim Hồi chuông Thiên Mụ quy tụ vài mươi chuyên viên và diễn viên chính với đầy đủ máy móc, dụng cụ điện ảnh chuyên nghiệp rầm rộ đến thành phố Huế để hoàn thành một bộ phim truyện nhựa có nội dung khá hấp dẫn. Đoàn phim vô tình khuấy động sự yên tĩnh cố hữu của miền sông Hương núi Ngự suốt thời gian hơn hai tháng. Lần đầu tiên có một đoàn điện ảnh chuyên nghiệp đến Huế quay phim nên rất nhiều người ở thành phố này tò mò muốn tìm đến ngắm nhìn diễn viên và xem mọi người làm việc ra sao. Ở những địa điểm quay phim mỗi ngày, hoặc ở nơi đoàn tập trung nghỉ ngơi, bao giờ cũng đông nghẹt người tìm đến.

Nơi trú ngụ của đoàn là khách sạn Morin nhìn ra sông Hương và cầu Tràng Tiền. Đây là khách sạn lớn nhất lúc bấy giờ, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, là nhân chứng lịch sử của cố đô Huế hàng trăm năm qua. Chủ nhân là ông bà Nguyễn Văn Yến, rất lịch thiệp và hiếu khách. Ông bà cho đoàn phim thuê với giá hữu nghị một phần khách sạn gồm có nhiều phòng ngủ, phòng hội họp và phòng tiếp khách. Riêng vợ chồng tôi lại được ông bà Yến xem là khách đặc biệt, được mời ở hai phòng liên thông rộng rãi, cửa sổ nhìn ra sông Hương, cửa chính mở ra vườn hoa của khách sạn. Nữ diễn viên chính Kiều Chinh được xếp ở phòng bên cạnh chúng tôi.

Kiều Chinh ngoài đời (1957)

Trong đoàn phim, tôi luôn tạo điều kiện cho Kiều Chinh để cô thấy mình không cô đơn vì mới có chồng mà phải sống xa gia đình một thời gian dài. Vợ tôi rất hiểu nên không có chút gì nghi kỵ, lại còn góp phần chăm sóc cô diễn viên chính của đoàn. Kiều Chinh lại là người tế nhị, kín đáo, cố gắng che giấu nỗi buồn thầm lặng của mình. Mỗi đêm cô thức khuya, ra vườn hoa hoặc bờ sông ngồi yên một mình rất lâu. Thỉnh thoảng tôi đến bên cạnh, tìm cách an ủi và tìm hiểu thêm Kiều Chinh để giúp cô hoàn thiện vai diễn của mình. Dần dần cô thấy gần gũi hơn, tâm sự với tôi nhiều điều. Lúc ấy cô mới 20 tuổi, còn trẻ mà đã phải chịu đựng cơn sóng gió lớn của cuộc đời.

Kiều Chinh tên thật là Nguyễn Thị Chinh, sinh ngày 3.9.1937 tại Hà Nội, là con gái út của gia đình ông Nguyễn Cửu, một quan chức tài chính giàu có, giao du rộng, có tâm hồn phóng khoáng. Năm 1945, mẹ cô mất sớm trong một trận oanh tạc bom của máy bay Đồng Minh dội xuống quân Nhật đang chiếm đóng Việt Nam.

Mồ côi mẹ, sống với cha từ lúc 8 tuổi, Kiều Chinh thấm nhuần ảnh hưởng của cha về học thức và nhân cách, luôn quan tâm lo lắng cho gia đình, có lòng quý mến bạn bè, yêu thích văn nghệ, nhất là say mê phim ảnh.

Năm 1954, chiến tranh Việt Nam chống Pháp chấm dứt, Hiệp định Genève chia cắt đất nước ra hai miền Nam - Bắc. Gia đình Kiều Chinh bắt đầu tan rã từ đây. Người chị gái của cô đã có chồng và theo chồng sang Pháp. Người anh cả rời khỏi nhà đi theo kháng chiến. Ngày cha cô và cô ra phi trường để đi theo đoàn người di cư vào Sài Gòn, người cha quyết định ở lại tìm người con trai cả rồi sẽ vào Nam sau. Ông gửi gắm con gái út cho người bạn thân cùng đi một chuyến bay. Từ hôm ấy cô gái bơ vơ mang tên Chinh về sống chung với gia đình ông bà Nguyễn Đại Độ để chờ ngày đoàn tụ với cha mình và người anh trai. Chờ mãi, Kiều Chinh không nhận được tin tức gì về hai người, nên đành ở lại luôn với gia đình ân nhân của mình. Rồi do định mệnh an bài, hai năm sau cô kết duyên với con trai thứ của ông bà Độ.

Hưởng được cuộc sống đầy đủ về vật chất, nhưng Kiều Chinh luôn có cảm giác mình là kẻ cô đơn. Cô thành thật mở lòng mình: “Đến với đoàn phim này, em ao ước được thoát khỏi sự cô đơn”. Tôi tìm cách an ủi, nói mấy lời khuyến khích: “Anh sẽ giúp em đạt được mong ước”.

Để giữ lời hứa, tôi quyết tâm rèn luyện Kiều Chinh thành một diễn viên nổi bật ngay trong bộ phim đầu tiên này. Ngoài thời gian làm việc ở những nơi quay phim, lúc nào rảnh rỗi là tôi tìm gặp Kiều Chinh để truyền đạt những hiểu biết và kinh nghiệm về nghệ thuật diễn xuất điện ảnh.  

Nhưng rồi một sự kiện không may đã xảy ra. Đầu năm 1958, quay xong phần hình ảnh Hồi chuông Thiên Mụ, chúng tôi từ Huế trở về Sài Gòn tiếp tục giai đoạn hậu kỳ để hoàn thành tác phẩm. Không ngờ, khi công việc đang tiến hành gần xong, tôi bị Tổ công tác đặc biệt của Ngô Đình Cẩn bắt gọn trong đợt 14 ký giả và trí thức hoạt động cách mạng ở nội thành, và bị đưa đến nhà giam Mỹ Tho (Định Tường). Bởi không biết tôi còn bị giữ bao lâu, giám đốc sản xuất phim Bùi Diễm cùng nhạc sĩ Phạm Duy nối tiếp phần cuối công việc của tôi, rồi cho ra mắt phim tại một số rạp lớn Sài Gòn. Trong nhà giam, tôi rất buồn vì đã vắng mặt, nhưng lại có được niềm an ủi khi nhận được tin báo cho biết bộ phim đã thành công, được khán giả và dư luận báo chí biểu lộ nhiều cảm tình.

Tôi và Kiều Chinh, đạo diễn và diễn viên, đã gặp nhau trong bộ phim đầu tiên của cả hai người. Phim đã có chỗ đứng của nó, nhiều năm sau người ta còn nhắc nhở Hồi chuông Thiên Mụ. Đặc biệt, bộ phim còn là bậc thềm khiêm tốn để cho chúng tôi bước qua, đi sâu vào thế giới điện ảnh diệu kỳ.

Nguồn: Lê Dân/ TNO

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo