Sân khấu

'Hội chợ lô tô,’ nghề dễ bị khinh rẻ, đàm tiếu ở Việt Nam

Cập nhật lúc 25-12-2014 12:06:02 (GMT+1)
Cảnh trong phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng.”

 

Gần 30 năm sau bộ phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy, công luận tại Việt Nam mới có dịp xôn xao bởi một bộ phim tài liệu mang tên “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đề cập đến thân phận người đồng tính ở Việt Nam.


Theo dư luận, bộ phim đã làm được điều kỳ diệu là chạm được vào một hiện thực nhân văn và mở ra những góc khuất của những phận người có hoàn cảnh riêng biệt. Đồng thời, đạo diễn mới 30 tuổi này còn làm được kỳ tích là phim tài liệu theo cách nói của giới trẻ đương đại là “bao khóc” nhưng cháy vé trong bối cảnh các rạp chiếu tại Việt Nam ngập tràn phim hài nhảm.

Một bộ phim tài liệu có thể “đứng rạp” trong thời buổi này quả là chuyện khó tin. Và Nguyễn Thị Thắm đã làm được điều đó với câu chuyện về chị Phụng và đoàn lô tô hội chợ.

Nguyễn Thị Thắm đến đúng giờ hẹn phỏng vấn với tôi. Nhìn cô gái xinh xắn, nhỏ nhắn trước mặt, tôi tự hỏi cô lấy đâu ra sức lực để kiên trì đeo đuổi một bộ phim trong 5 năm trời. Điểm đặc biệt là cô nói với giọng khá nhanh, những câu chữ cứ tuôn ra liên hồi cho thấy việc biểu đạt ngôn từ chưa bao giờ là điểm yếu của cô.

Người Việt NV: Thời buổi này, nói đến điện ảnh, người ta chỉ nghĩ ngay đến phim truyện hoặc tình cảm hoặc hài nhảm để ra rạp dễ bán vé và hợp với nhu cầu của số đông khán giả, lại có cơ may nổi tiếng nhiều hơn. Vì sao cô lại chọn con đường khó nhằn là phim tài liệu với chủ đề về cuộc sống của những người theo hội chợ lô-tô, nhất là cho phim đầu tay?

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm vừa tròn 30 tuổi.

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm: Tôi vốn tốt nghiệp khoa đạo diễn phim truyện, nhưng rồi qua một quá trình học và làm nghề, tôi nhận ra mình không thích hợp với bối cảnh một đoàn làm phim truyện có ê-kíp đông đúc, phải phân tích tâm lý cho diễn viên, cũng như phải phối hợp ăn ý với nhiều cộng sự làm âm thanh, ánh sáng và rất nhiều công việc linh tinh khác. Vả lại, tôi cũng là một thành viên của Varan Việt Nam (nhóm chuyên làm phim tài liệu thực tế, nhận được sự hướng dẫn của các chuyên gia Pháp) nên muốn thử sức mình với “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng.” Cũng xin nói luôn là tôi không đặt mục tiêu làm nghề để nổi tiếng. Điều quan trọng với tôi là làm được bộ phim có đề tài mà mình thật sự tâm huyết, muốn dốc sức, dốc lòng để làm cho bằng được.

NV: Do đâu cô lại có ý tưởng làm một bộ phim về những người theo hội chợ lô-tô chứ không phải là những nhân vật làm nghề nào khác?

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm: Mấy năm trước, tôi tình cờ xem được bộ phim “Highway” kể về một gia đình sống du mục trên một chiếc xe. Cuốn phim này có những cảnh quay dài 5-10 phút, khiến người xem thấy mình như đang bị cuốn theo hành trình của nhân vật vậy. Tôi chợt nảy ra một ý định: Sao mình không làm phim về những người theo đoàn hội chợ lô-tô, vì rất nhiều người trong chúng ta cất giữ ký ức về những đoàn hội chợ diễn ở vùng ven thành phố hay các tỉnh. Chắc hẳn chúng ta cũng tò mò muốn biết vì đâu những con người đó lại chọn làm cái nghề dễ bị thiên hạ khinh rẻ, đàm tiếu này.

NV: Được biết hành trình thực hiện bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” có nhiều chông gai: thời gian quay hơn một năm, ròng rã từ năm 2009 đến đầu năm 2014 dựng được bản phim cuối dài 86 phút đã cắt gọt lại từ 60 giờ quay. Phải chăng những trắc trở đó cũng chỉ vì chữ “tiền” và có khi nào cô nản lòng muốn bỏ cuộc?

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm: Quả thực tiền bạc luôn là vấn đề với một đạo diễn còn non trẻ như tôi. Thoạt đầu, tôi tích cóp được một số tiền để thực hiện dự án này nhưng biết chắc là không đủ. Trong quá trình đi theo đoàn hội chợ rong ruổi qua các tỉnh thành Phan Rang, Nha Trang, Đắc Lắc, Bình Phước, may mắn là tôi được họ bao ăn ở. Điều đáng quý ở đây là tuy tiền bạc eo hẹp, tôi luôn nhận được sự trợ giúp nhiệt tình của những người quen trong giai đoạn hậu kỳ, kể cả sự tài trợ lương dựng phim trong ba tháng từ quỹ của Viện Goethe. Đặc biệt, năm ngoái, có một cô giảng viên điện ảnh người Pháp còn giúp tôi dựng phim trong sáu tuần, tiếp đó là một quỹ bên Pháp tài trợ chi phí để tôi qua Pháp hai tháng để cho ra bản phim hoàn chỉnh. Tấm lòng của mọi người khiến tôi không cho phép mình nản chí hay bỏ cuộc cho tới khi phim đến được với khán giả.

NV: Nhưng tôi để ý thấy hình như cô vẫn có điều gì nuối tiếc và cảm giác không được trọn vẹn?

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm: Tôi chỉ ao ước giá mà bộ phim này có điều kiện ra mắt sớm hơn thì biết đâu nhân vật của tôi đã được mãn nguyện phần nào. Bảy tháng sau khi phim đóng máy, nhân vật chính là chị Phụng và một thành viên khác trong đoàn đã mất vì bệnh AIDS.

Cảnh trong phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng.”

NV: Lâu nay, nhiều khán giả đã nói không với phim tài liệu vì sự sắp đặt khiên cưỡng, thậm chí có phần lộ liễu của đạo diễn trong mọi khuôn hình. Cô làm thế nào để tạo sự khác biệt và thay đổi định kiến của người xem về những bộ phim tài liệu theo lối mòn?

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm: Ai cũng biết giá trị của một bộ phim tài liệu nằm ở tính chân thực. Trong những ngày theo đoàn lô tô, hội chợ, tôi đã ngủ gần nhân vật, trò chuyện thật nhiều với họ. Với trực giác và sự mẫn cảm của một người phụ nữ, tôi biết mình nên quay gì, gợi chuyện với họ thế nào để có được nội dung chân thực và sống động nhất có thể.

NV: Trở thành đạo diễn có phải là mong ước của cô từ hồi nhỏ không?

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm: Không, ngày trước, tôi tính theo học cảnh sát để không tốn tiền bố mẹ, nhưng vì thiếu 2cm mà tôi phải từ bỏ ý định. Nếu không có lẽ bây giờ tôi đang đứng đường đâu đó bắt xe và giàu rồi! (cười).

NV: Từ cái nhìn của người trong cuộc, cô lý giải vì sao một cuốn phim buồn như “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” lại có thể thu hút khán giả và khiến họ chấp nhận bỏ tiền mua vé vào xem thay vì chờ đợi dịp xem miễn phí trên truyền hình?

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm: Có thể là khán giả thấy mình được khóc, được cười với nhân vật. Cũng có thể là tiết tấu của phim giữ chân được người xem, đưa họ theo những cung bậc cảm xúc khó cưỡng lại được. Mặt khác, cộng đồng những người đồng tính (LGBT) cũng quan tâm đến bộ phim phản ánh cuộc đời của người trong cuộc. Tôi nghĩ bộ phim này cũng như phép thử thị trường của công ty Blue Productions do diễn viên Hồng Ánh làm chủ. Nếu được công chúng đón nhận và sẵn sàng mua vé, phim này sẽ góp phần mở ra tín hiệu tốt cho những tác phẩm thuộc dòng phim độc lập trong tương lai.

NV: Tôi hơi ngạc nhiên khi biết cô không ở Sài Gòn mà ở trọ tại Đà Lạt, trong khi hầu hết những người làm nghệ thuật đều chọn Sài Gòn để có nhiều cơ hội làm nghề hơn...

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm: Nói thật là tôi ở trọ tại Đà Lạt cho rẻ và thuận tiện cho việc ở chung với anh trai tôi. Mặt khác, tôi thấy Sài Gòn đông đúc quá, không hợp với tạng người như tôi. Tuy vậy, khi có việc, tôi lại về Sài Gòn.

NV: Hỏi thật, 5 năm làm chỉ một bộ phim, nhất là phim tài liệu, vậy cô sống ra sao?

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm: Tôi quan niệm rất giản đơn, mình tiết kiệm, tiêu ít thì đâu sẽ vào đấy. Tất nhiên, tôi không khước từ những cơ hội kiếm tiền với chuyên môn của mình để có thu nhận ổn định hơn, hầu mong có thể giúp bố mẹ xây nhà ở quê. Về phần mình, tôi chỉ mong tiếp tục tích cóp một khoản tiền để tiếp tục làm được một bộ phim khác như mình muốn.

NV: Sau khi hoàn tất bộ phim này, cô tự thấy mình đã thay đổi như thế nào và có hoạch  định gì cho tương lai?

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm: Tôi thấy mình trưởng thành hơn, suy nghĩ chín chắn và sâu sắc hơn. Mặt khác, tôi nghĩ về gia đình nhiều hơn, cố gắng làm những điều gì đó giúp cho bố mẹ vui. Vì có thể tôi chưa đáp ứng kỳ vọng của bố mẹ về chuyện có nhà ở, có chồng con, nhưng ít nhất là bố mẹ thấy tôi sống vui và thoải mái với chọn lựa của mình. Như thế họ có thể tạm yên lòng phần nào. Còn về kế hoạch, tôi không có thói quen nói trước những điều chưa diễn ra.

Nguồn: Luke Bùi/ Người Việt

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo