Sân khấu

Giới văn nghệ sĩ tiếp tục 'mổ xẻ' về 'Nhà hát 1500 tỷ'?

Cập nhật lúc 14-10-2018 06:09:46 (GMT+1)

 

Những ngày qua, nhiều đại biểu Quốc hội, nhân sĩ trí thức, nhà khoa học, chuyên gia có ý kiến đến lượt giới văn nghệ sĩ tiếp tục mổ xẻ sâu hơn với tư cách người trong cuộc.


Sự cần thiết cho đời sống tinh thần của nhân dân

Sau khi kỳ họp khóa IX, HĐND TPHCM đã thông qua tờ trình của UBND thành phố về dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch, một loạt nghệ sĩ như: Nhạc trưởng Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM; NSƯT Tạ Minh Tâm, Phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM; Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng; Đại tá, NSƯT Hà Thủy; Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung; Ca sĩ Đào Mác...cùng xuất hiện ý kiến ủng hộ công khai dự án trên trong một bài viết trên Vietnamnet với tựa đề "Giới nghệ sĩ lên tiếng về dự án xây nhà hát 1.500 tỷ gây tranh cãi". Và tiếp sau đó là ý kiến trên báo chí của Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam cũng bày tỏ sự cần thiết phải có một nhà hát có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn hiện nay. Bên cạnh đó trên mạng xã hội Ca sỹ Mỹ Linh cũng đã có bài viết bày tỏ quan điểm ủng hộ Nhà hát 1500 tỷ tại Thủ Thiêm.

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM cho rằng có một số người lập luận về sự phung phí, lãng phí…khi nhà hát đi vào hoạt động nhưng đây là sự nhầm lẫn, bởi đây là những giá trị văn hóa, không phải giá trị kinh doanh. Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM cho biết ngay từ bây giờ chứ không cần tới lúc nhà hát mới được xây, khán giá của loại hình này đang phát triển rất tốt, trong đó có giới trẻ.

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM

“Trong thiết kế đô thị thì phải có hạng mục nhà hát, cũng giống như cuộc sống có cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần. Tại sao lại phung phí khi mình đặt vấn đề xây dựng một đời sống văn hóa phục vụ nhân dân. Để thực hiện mục tiêu lớn đó, Thành phố phải có những thiết chế văn hóa, đó là những nhà hát” – ông Thạch cho biết.

Theo NSƯT Tạ Minh Tâm, Phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM, việc xây dựng dự án nhà hát là món nợ mà các cấp lãnh đạo đã nợ nền âm nhạc thành phố từ nhiều năm nay bởi dự án đã được lên kế hoạch xây dựng từ trước đó rất lâu. Anh tin rằng không riêng gì mình mà chắc chắn sẽ có rất nhiều người đồng ý với quyết định này của HĐND TP. 

“Phải hiểu rằng nhà hát là công trình phúc lợi cả về mặt vật chất lẫn tinh thần chứ không phải xây nên để cho có hay lãng phí tiền của của nhân dân...Trong nhiều năm chúng ta bỏ tiền để xây vài chục bệnh viện, vài trăm trường học thì việc bỏ ra 1.500 tỷ để có một bộ mặt văn hóa mang ý nghĩa để đời liệu có là nhiều? Cũng như vấn đề bắn pháo hoa, mọi người tranh cãi về việc có lãng phí hay không, nhưng thực tế mỗi dịp lễ Tết từ xưa tới nay bất cứ ai cũng đều vui vẻ khi thưởng thức nó”, NSƯT Tạ Minh Tâm chia sẻ.

Đại tá, NSƯT Hà Thủy lý giải, những cơ sở như Nhà hát Lớn, nhà hát Hoà Bình, nhà hát Trần Hữu Trang, nhà hát Bến Thành,... Trừ nhà hát Lớn ở Quận 1 thỉnh thoảng còn có những hoạt động nghệ thuật phục vụ công chúng, còn số nhà hát còn lại cũng không liên tục sáng đèn và nếu có lại chủ yếu là cho thuê làm sự kiện, tiệc cưới,...Vì lý do theo bà là diện tích và khuôn viên quá nhỏ, chưa xứng tầm để làm các sự kiện văn hoá trọng đại trong nước và quốc tế. Vì vậy, giới văn nghệ sĩ cũng mơ ước TP HCM có một nhà hát đủ tầm để tự hào với cả nước.

Đồng quan điểm trên của bà Thủy, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam Đỗ Hồng Quân cho biết thực trạng tại Hà Nội và TPHCM hiện có hai nhà hát lớn, những công trình này được xây từ thời Pháp thuộc và kết cấu, kiến trúc, tuổi đời đã hơn 100 năm. Đây là hai nơi thường dùng biểu diễn nghệ thuật hàn lâm nhưng cơ sở vật chất đều thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu biểu diễn, thưởng thức giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch. Một phần vì vậy mà nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ  Việt Nam sáng tác như: bản giao hưởng Quê hương của Hoàng Việt; kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh; vở opera Cô Sao của Đỗ Nhuận… đã không có nhiều cơ hội để đến với khán giả, người xem cũng ít có cơ hội để tiếp cận với các loại hình âm nhạc có hàm lượng nghệ thuật cao như vậy...

Ảnh chụp từ trang cá nhân của Ca sỹ Mỹ Linh trước khi bị xóa

Mặc dù Ca sỹ Mỹ Linh đã giải thích cho những ý kiến của mình trước đó trên mạng xã hội có thể gây hiểu lầm cho công chúng nên chị đã xóa đi những khó có ai ngoài chính ca sỹ này hiểu hết ý nghĩa đoạn chị đã trình bày: "Rất có thể nước mình bây giờ nhiều sự vô cảm, thô lỗ, vì ngày xưa những nhà cách mạng vô sản đã nghĩ đúng như vậy: Dân chỉ cần cày cuốc không cần ba thứ tư sản như ca hát múa may!".

Lãng phí, vô cảm, chưa phù hợp với đời sống vật chất hiện tại của nhân dân 

Ngay khi luồng ý kiến ủng hộ xây nhà hát 1500 tỷ tại Thủ Thiêm của một số ít người nhưng đã được một số báo giật tít như là ý kiến của cả "Giới văn nghệ sĩ" nên dường như đã chạm đến "lòng tự trọng" của một số người muốn bày tỏ quan điểm chân thành của mình là phản đối dự án này qua những kênh truyền tải thông tin phù hợp.

Trong khi họ chưa có ý kiến chính thức trên báo, dường như sự tập trung đó được đông đảo cộng đồng mạng dồn lên Ca sỹ Mỹ Linh qua mạng xã hội. Cũng đã có những sự thái quá nhất định trong cách thể hiện mà ai cũng dễ nhận ra trên mạng xã hội "ảo ảnh biến hình". Trước áp lực của dư luận, Ca sỹ Mỹ Linh đã hạ bài viết trên dòng thời gian trang cá nhân của mình và thay vào đó là bài viết giải thích rõ hơn về suy nghĩ của mình. Đồng thời nữ Ca sỹ này cũng đưa ra thông tin sẽ xem xét kiện những người bịa đặt xuyên tạc, thành ý của cô.

Cùng với đó nhiều nghệ sỹ tại TP. HCM cũng chỉ ra sự "lãng phí" của nhiều nhà hát đang có trên địa bàn TP. HCM. Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đầu tư hơn 130 tỷ những khi đưa vào hoạt động chưa phát huy được hiệu quả.

NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang cho biết, do lỗi về thiết kế chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động biểu diễn nghệ thuật, nên nhà hát không thể sáng đèn hằng đêm dẫn đến doanh thu không có.

Sự tốn kém không chỉ kinh phí bỏ ra để xây dựng mới mà còn cả nguồn kinh phí không hề nhỏ để duy trì hoạt động của nhà hát và bộ máy nhân sự hàng năm cũng được các nghệ sỹ chỉ ra. “Thành phố có dự tính là sẽ xây một nhà hát mới để thay thế cho nhà hát Trần Hữu Trang hiện tại, lúc đó chúng tôi sẽ bàn giao lại công trình nhà hát này cho thành phố quản lý” - NSND Trần Ngọc Giàu cho biết.

Bức xúc khi một nhà hát được đầu tư cả trăm tỷ đồng nhưng không phục vụ được gì cho nghệ thuật như nhà hát Trần Hữu Trang còn chưa kịp khắc phục xong thì cơ quan hữu trách lại tiếp tục xây nhà hát mới nghìn tỷ, NSƯT Kim Tử Long đặt ra câu hỏi: “Tôi không nghĩ đấy là một nhà hát, không hiểu họ thiết kế, thi công và xây dựng nên một công trình này với mục đích là gì?”.

Đáng chú ý nhất là ý kiến của diễn viên, đạo diễn Nguyễn Công Vượng (Vượng Râu) đã khiến nhiều người bất ngờ khi bày tỏ quan điểm trước vấn đề đang gây tranh cãi. Nhìn nhận trong các vai trò như đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên và một công dân, ý kiến của Vượng Râu nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng mạng. Vượng Râu đưa ra những góc nhìn khác nhau để  khẳng định rằng việc xây dựng nhà hát giao hưởng 1500 tỉ là lãng phí và chưa cần thiết

Dưới góc độ một đạo diễn, Vượng Râu khẳng định: “Dù có một nhà hát 1500 tỉ đồng hay tỉ USD thì ở Việt Nam cũng chưa có một đạo diễn nào đủ tầm để dàn dựng một chương trình mang tính chất quốc tế. Thực tế, chưa có một chương trình nghệ thuật nào (dù được cho là hay nhất) ở Việt Nam giai đoạn này bán vé được 5 đêm trong một năm. Vậy, ai có thể đảm bảo được sẽ thu hồi vốn được cho nhà hát 1500 tỉ?”

Dưới góc độ của một nhà sản xuất, Vượng Râu khẳng định, nếu xây dựng một nhà hát 1500 tỉ thì đầu tư thuê và dàn dựng sân khấu phải chi hơn một tỉ đồng nếu đầu tư tử tế. Chi phí quá lớn ấy sẽ làm cho rất ít nhà sản xuất dám bỏ tiền thuê nhà hát nhạc vũ kịch 1500 tỉ. Chính vì thế, Vượng Râu khẳng định, nhà hát này (nếu được xây dựng) sẽ chỉ sáng đèn không quá 10 lần/năm. 

Trong một bài phỏng vấn, Giám đốc nhà hát nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh – Trần Vương Thạch khẳng định đây là giá trị văn hóa không phải kinh doanh. Tuy nhiên, theo Vượng Râu, việc bỏ ra 1500 tỉ chỉ để xây dựng một nhà hát để lấy “giá trị văn hóa” thì quá lãng phí.

Dưới góc độ của một nghệ sĩ biểu diễn, Vượng Râu nói: “Với một nghệ sĩ thì ở chợ cũng diễn được, sân vận động cũng diễn được và vào nhà hát lớn cũng phải diễn được. Nghệ sĩ thì phải đi biểu diễn khắp nơi, từ nhà quê lên thành phố, từ nhà hát đến sân vận động. Một nghệ sĩ lớn không quan trọng là biểu diễn ở đâu mà là tài năng của họ có được khán giả ghi nhận hay không” ...

Xem ra ngay trong giới văn nghệ sỹ những người trực tiếp gắn với công trình Nhà hát ngàn tỷ tại TP. HCM thông qua những hoạt động nghề nghiệp của mình vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này?

Nguồn: Minh Châu/Khoe365

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo