Sự kiện

Tổ quốc ở Hoàng Sa (1): Luôn mơ thấy ba về

Cập nhật lúc 20-01-2014 09:25:45 (GMT+1)

 

Hoàng Sa làn vấn đề nóng của đất nước. Mấy ngày trước các báo lề phải rộn ràng nói chuyện Hoàng Sa thì nay hầu hết đã tắt tiếng hoặc đã xuống giọng. Thật buồn. Trung Hiếu là phóng viên báo. Anh viết loạt bài về Hoàng Sa cho, đăng chưa được 1 giờ đã bị gỡ bỏ "để kỉ niệm 64 năm quan hệ Việt- Trung". 


Hạm phó Nhật Tảo HQ - 10, đại úy (sau này được truy thăng thiếu tá) Nguyễn Thành Trí hi sinh vào ngày 28 tháng Chạp, tức ngày 20.1.1974, trong trận hải chiến Hoàng Sa nhưng đến mùng 2 tết, vợ ông - bà Ngô Thị Kim Thanh với con gái – ở Nha Trang mới vào tới Sài Gòn để chịu tang và làm lễ truy điệu chồng mình.

 Chết lặng khi nghe chồng hi sinh

Bà Thanh kể, trước khi chồng nhận lệnh tham chiến ở Hoàng Sa, ông Trí dặn vợ về nhà ngoại ở Nha Trang, chờ ông đi xong chuyến này rồi ghé vào thăm.

“Anh Trí hi sinh khi mẹ con tôi đang ở Nha Trang. Không ai cho mẹ con tôi biết cả nhưng đêm đó không hiểu tại sao tôi mơ thấy anh về thăm với vẻ mặt rất buồn. Điều này lạ lắm vì bình thường anh hay cười và kể chuyện vui với mọi người trong gia đình và cấp dưới. Tôi đang mải nhìn anh thì bé Thảo (con gái đầu của ông Trí và bà Thanh - PV) lay tôi dậy. Nó bảo con vừa nằm mơ thấy ba về. Ba ôm hôn con và hôn mẹ”, bà Thanh kể.

Thứ tự từ trái qua: mẹ, vợ và con trong lễ tang ông Trí

Khi đó bà Thanh chỉ nghĩ vì quá thương chồng, nhớ cha nên mẹ con bà mới có một giấc mơ trùng hợp lạ lùng. Nhưng sau đó mấy ngày, bà nghe đài Dạ Lan, tới chương trình phát cho quân nhân lúc gần nửa đêm, bà chết lặng khi nghe gia đình chồng bà nhắn bà về Sài Gòn chịu tang chồng.

“Lúc đó tôi mang bầu hơn hai tháng đứa con thứ hai. Tin chồng mất như sét đánh ngang tai. Tôi như muốn xỉu, cái thai như muốn rớt ra ngoài”, bà Thanh hồi tưởng.

Bà Thanh kể quê bà ở Nha Trang. Từ nhỏ đến lớn, nghề mà bà thích nhất là nghề giáo. Nhưng hồi đó Nha Trang chưa có trường sư phạm. Muốn làm nhà giáo, bà phải học trường sư phạm ở Bình Định hay phải vào Sài Gòn. Mẹ bà lại không thích con gái đi xa. Thế là hết cấp 3, bà xin vào làm chân bán vé ở rạp chiếu bóng Minh Châu ở Nha Trang.

Tại đây bà Thanh gặp ông Trí khi đó đang học khóa 17 trường sĩ quan hải quân ở Nha Trang. Những ngày rảnh rỗi ông Trí vẫn thường đến rạp Minh Châu xem phim giải khuây. “Quen nhau mấy tháng là cưới, vào ngày 20.9.1968. Lúc đó anh Trí 28 tuổi, tôi 23 tuổi. Cưới xong vợ chồng tôi chuyển về nhà chồng ở số 2B đường Bà Triệu ở quận 5”, bà Thanh kể. Năm 1969, bà sinh người con gái đầu đặt tên Nguyễn Thị Thanh Thảo.

Hồi mới tốt nghiệp trường sĩ quan hải quân, ông Trí được điều về Bộ Tư lệnh vùng 3 duyên hải, giữ cương vị chỉ huy trưởng đài kiểm báo 302 đóng ở Vũng Tàu. Năm 1973, ông Trí được điều về làm hạm phó Nhật Tảo HQ – 10.

“Tự hào được làm con ba Trí”

Bà Ngô Thị Kim Thanh (đeo khăn tang) khóc trong lễ tang chồng. Người phụ nữ bên cạnh là mẹ ông Trí

“Ba tôi bị điều về tàu Nhật Tảo”, con gái ông Trí – chị Nguyễn Thị Thanh Thảo – khẳng định. Rồi chị Thảo kể khi còn làm chỉ huy trưởng đài kiểm báo 302, có lần ông Trí bắt được một chuyến tàu buôn lậu thuốc lá với số lượng rất lớn. Chủ tàu khi đó ra giá nếu bỏ qua hoặc tha cho nửa lô hàng, ông Trí sẽ được một ngôi nhà ở Sài Gòn tùy ông chọn cùng số tiền khá lớn.

Nghe xong lời ve vãn khá bùi tai này, bản thân ông Trí lúc đó ít nhiều bị dao động. Ông bảo với chủ tàu sẽ có câu trả lời vào hôm sau. Tối hôm đó, ông Trí một mình phóng ô tô về Sài Gòn trong đêm để hỏi ý kiến cha mình – một nhà địa chất mà ông rất kính trọng. Câu trả lời của người cha là “con cứ theo luật pháp mà làm”.

“Nghe lời ông nội, ba tôi ra lệnh tịch thu toàn bộ số hàng. Chính vì quyết định này mà sau đó ông bị điều ra làm hạm phó tàu HQ – 10 vì lý do không biết làm quản lý. Quyết định điều chuyển đó khiến ông nội tôi sau này sống rất day dứt vì ông nghĩ mình đã góp phần đẩy con trai vào đường chết”, chị Thảo nói.

Bà Thanh cho biết chồng bà nhận nhiệm vụ hạm phó HQ – 10 vào cuối năm 1973. Chuyến tham trận ở Hoàng Sa là chuyến đi đầu tiên của ông Trí trên tàu HQ – 10 với cương vị hạm phó và mãi mãi ông không bao giờ trở về với mẹ con bà nữa.

Sau khi chồng mất, bà Sinh được nhận vào làm ở Ngân hàng Việt Nam Thương Tín. Sau 1975, bà vẫn tiếp tục làm ở ngân hàng nhưng do công việc phải điều chuyển đến nhiều nơi, hai con nhỏ bị bệnh thủy đậu, cha mẹ chồng già yếu buộc bà phải nghỉ việc ở nhà chăm con.

Năm 2000, căn nhà gia đình chồng ở số 2B Bà Triệu được bán đi để chia đều cho 8 người con. Bà Thanh dùng số tiền được chia mua một căn hộ nhỏ ở chung cư ở quận 3 và sống khá lặng lẽ với người con gái đầu bị bệnh nặng, đang phải xạ trị cho đến nay.

Bà Thanh và con gái trò chuyện với PV Thanh Niên Online (Ảnh: Tấn Cư)

Cũng có người hỏi chồng mất khi còn trẻ, lại có nhan sắc sao bà không đi bước nữa, bà Thanh đáp: “Tôi với anh Trí quen nhau có mấy tháng rồi cưới. Lúc quen nhau chưa bao giờ tôi và anh đi chơi riêng. Tay cũng chưa dám nắm. Tình cảm khi đó phải nói là không nhiều. Nhưng càng sống tình cảm càng mặn nồng. Rồi còn lo cho hai đứa con. Sau khi anh mất, chưa bao giờ tôi có ý định đi bước nữa dù lúc đó tôi còn trẻ, còn đẹp”.

Một lý do khiến bà ở vậy nuôi con là vì khi còn sống ông Trí rất thương và có trách nhiệm với vợ con. Mỗi khi tàu cập bờ, ông Trí về thẳng nhà giúp vợ mọi công việc nội trợ trong nhà.

Dù đã 40 năm trôi qua nhưng thi thoảng chị Thảo vẫn mơ thấy ba mình. Lần gần đây nhất chị Thảo thấy ba về đứng nhìn chị, kiểm tra chữ chị đẹp hay xấu, rồi vẫy tay đi mãi. Tỉnh dậy, chị thấy gối mình nằm ướt đầm nước mắt.

“Cuộc sống có đổi dời thế nào thì đó vẫn là ba của mình không thể thay đổi được. Dù sau này cuộc sống của gia đình có nhiều biến động nhưng tôi luôn tự hào vì được làm con ba Trí”, chị Thảo xúc động nói.

Lá thư được chuyển cho bà Thanh sau khi chồng hi sinh ở Hoàng Sa

 

Tìm cách giải mã lá thư ghi hành trình tàu HQ 10 bị nạn

Bà Ngô Thị Kim Thanh và con gái trao cho PV Thanh Niên Online một lá thư rất đặc biệt, giống như một nhật ký ghi lại hành trình của tàu HQ-10 trước và sau khi gặp nạn.

Bà Thanh cho hay khi chồng mất, bà về Sài Gòn chịu tang. Một thời gian ngắn sau, bà nhận được lá thư này bỏ trong thùng thư trước nhà, với dòng chữ ngoài bìa ghi “Kg chị Trí, 2B đường Bà Triệu, SGN 5”. Bức thư không đề tên tác giả.

 “Tôi đoán tác giả lá thư chính là một trong số 23 người sống sót ở trận hải chiến Hoàng Sa cách đây 40 năm. Đây là lần đầu tiên tôi công bố lá thư với mục đích tìm kiếm sự thật lịch sử”, bà Thanh nói.

Bức thư viết:

Đêm 17/01/74: HQ 10 khởi hành từ Đà Nẵng đi Hoàng Sa.

19/01/74, 1 giờ sáng: Đại úy Trí – hạm phó tập hợp binh sĩ ra lệnh sẽ ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu lúc 06 giờ sáng.

19/01/74, khoảng 11 giờ trưa: Hải chiến với Trung Cộng. Bắn xong đợt đầu thì trở ngại tác xạ: trúng 1 tàu Trung Cộng bốc cháy. Cách nhau khoảng 100 m. Bị phản pháo, trúng ngay đài chỉ huy: thiếu tá Thà hạm trưởng gục chết liền, Đ/u (đại úy - PV) Trí bị thương ở đầu, chân (mất 1 miếng thịt và té xuống pont tàu).

Khoảng 11g30: Đ/u Trí ra lệnh xuống bè (phao) cho tất cả binh sĩ đào thoát. Đ/u Trí lết đến từng chỗ mà kéo vực họ đào thoát. Chính trung úy Phạm Văn Ngữ đang thủ cùng đại liên được vực xuống, và đã chạy xuống bè. Có tất cả 4 bè. 3 bè đầu đã kết chung và ra đi gồm trung úy Phạm Đăng Ngân, hạ sỹ Lưu Tố Nữ, hạ sỹ Nguyễn Hồng Cương. Còn lại bè cuối cùng hạ sỹ trọng pháo Trần Ngọc Sơn và thủy thủ thám sát Trương Văn Long, 2 người này đã cặp Đ/u hạm phó và lôi xuống bè (6 người). Khi xuống bè đi, thấy 3 tàu Trung Cộng bị bốc cháy.

20/1/74, 2 giờ sáng: Đ/u Trí chết. Trước lúc chết rất bình tĩnh. Trong khi các thủy thủ cùng bè tiếc rẻ không đeo đồng hồ lúc tác chiến nên đã mất toi. Đ/u Trí còn nói: đồng hồ omega của tao đáng giá 40-50 ngàn và mấy chục ngàn đồng còn để trong két trên tàu. Đồng hồ của tụi bây giá trị chỉ mười mấy ngàn mà tiếc gì. Đồng hồ của tao ông già cho.

- Tấm thẻ bài còn để trong quần Civil lúc ghé Đà Nẵng đi dạo chơi.

Khi nối bè xong, 2 tàu Trung Cộng cặp lại bắn HQ 10 cách khoảng 39 m. Chiếc tàu HQ 16 muốn cứu HQ 10, xoay lại nên bị bắn trúng bong tàu và vọt chạy đào thoát luôn.

20/1/74, 8g: bỏ xác Đ/u Trí cách Hoàng Sa khoảng 2 hải lý.

22/1/1974: Tàu Hòa Lan đã vớt được 4 bè của HQ 10. 23 người.

Bà Thanh cho hay từ đó đến nay gia đình bà đã cố gắng tìm kiếm người viết bức thư, kể cả liên hệ với ông Trần Văn Hà – lính thợ máy tàu HQ 10 , người sống sót sau trận hải chiến – nhưng chưa có lời giải đáp.

Đến nay tác giả bức thư vẫn còn là ẩn số.

Nguồn: Trung Hiếu/Quechoa

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo