Thảm sát Mậu Thân năm 1968: Tội ác không thể biện minh
![]() |
Một góc thành phố Huế bị tàn phá trơ trụi. Ảnh chụp từ máy bay Mỹ. |
Cho tới hôm nay, sau 46 năm, cùng với nhiều bí ẩn của Chiến dịch Mậu thân 1968, sự kiện bị cho là một cuộc “Thảm sát” đã gây tranh cãi, chia rẽ trong lòng người dân và trí thức miền Nam, rồi cả người dân VN nói chung, vẫn chưa được làm rõ.
>Phóng viên người Đức viết về thảm sát Mậu Thân và tội ác diệt chủng
Tại sao cả 2 phía chính quyền – Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 và CHXHCNVN từ 1975 – đến nay đều không tiến hành một cách quy mô việc điều tra, thu thập bằng chứng như tìm kiếm, khai quật “mộ tập thể” để giám định, phỏng vấn nhiều người dân, tập hợp tư liệu lưu trữ v.v.. từ đó có kết luận rõ ràng, nghiêm túc? Có phải vì một bên thì kém cỏi trong chiến thuật tuyên truyền để vạch mặt đối phương, còn bên kia thì ngược lại, quá giỏi để khỏa lấp che đậy tội lỗi?
Hàng năm cứ mỗi độ xuân về, người Việt hải ngoại cũng như đồng bào trong nước không thể nào quên một tội ác “Trời không dung, đất không tha” của Việt cộng; một tội ác không thể biện minh, đó là vụ Việt cộng thảm sát, chôn sống hàng ngàn quân dân, cán chính Việt Nam Cộng Hoà và đồng bào vô tội trong những mồ chôn tập thể ở cố đô Huế vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968.
Nhớ lại cách nay 46 năm(1968-2014), cộng quân đã vi phạm lệnh hưu chiến nhân dịp Tết Mậu Thân 1968, bất ngờ đồng lọat mở cuộc tấn công quân sự vào Thủ đô Sài Gòn và nhiều thành phố khác trên toàn Miền Nam Việt Nam. Nhưng chỉ trong một vài tuần lễ sau, phần lớn lực lượng cộng quân đã bị các lực lượng thiện chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tiêu diệt, và chỉ một số ít tháo chậy được.
Riêng thành phố Huế, cộng quân đã chiếm đóng được lâu hơn, khoảng gần một tháng, là vì trong cuộc tiến công giải tỏa, Quân Lực VNCH đã được lệnh phải rất thận trọng để bảo vệ tính mạng, tài sản người dân và các di tích lịch sử trong thành nội Huế. Chính trong thời gian tạm chiếm này, cộng quân đã sát hại, chôn sống hàng ngàn quân, dân, cán chính VNCH và thường dân vô tội trong các hố chôn tấp thể, trước khi tháo chạy. Đây là một tội ác tày trời không thể biện minh do cộng sản Việt Nam gây ra. Những tội ác này đã được ghi lại qua sách vở và những cuốn phim tài liệu thâu lại những vành khăn tang trắng bạt ngàn, với những tiếng khóc thảm thiết của người sống bên những xác chết chưa kịp vữa nát của những người cha, người mẹ, người chồng, người con, anh chị em bị Việt cộng sát hại, chôn sống trong những mồ chôn tập thể ở Huế và các vùng lân cận, sau khi cộng quân tháo chậy khỏi Thừa Thiên - Huế trong biến cố Mậu Thân 1968.
Theo con số tổn thất về nhân mạng được chính quyền VNCH lúc đó công bố, tại Huế có khoảng 6000 người chết trong đó có khoảng bốn đến năm ngàn người bị Việt cộng sát hại, chôn sống trong các mồ chôn tập thể. Về phía quân đội VNCH có 384 người chết và 1800 người bị thương, về phía Mỹ có 147 chết và 857 người bị thương. Con số nầy đã được các sách vở, báo chí thời đó ghi lại. Về phía cộng quân thì một cách tổng quát, đã bị tiêu diệt đến bẩy tám chục phần trăm quân xâm nhập vào các thành thị Miền Nam, khiến các họat động quân sự quấy phá ở Miền Nam của Việt cộng sau đó đã bị tê liệt trong một thời gian dài.
Nhìn chung biến cố Tết Mậu Thân 1968 đã là một thảm cảnh đau buồn do Việt Cộng gây ra và là một tội ác đối với dân tộc Việt Nam nói riêng và nhân lọai nói chung. Vậy mà, hàng năm, dưới hình thức này hay hình thức khác, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vào mỗi độ xuân về, đã thường tổ chức ăn mừng kỷ niệm cái gọi là chiến thắng của cuộc “Tổng tiến công và nội dậy mùa xuân Mậu Thân 68”. Đây là một việc làm vô liêm sỉ, gây phẫn nộ cho không riêng gì những người Việt Nam có thân nhân bị thảm sát, mà cho tất cả những người Việt Nam từng sống ở Miền Nam trong cuộc chiến tranh Quốc Cộng trước đây.
Sự phẫn nộ đã được thể hiện qua nhiều bài viết, hình ảnh và nhiều tài liệu lịch sử Việt Nam cũng như ngọai quốc, với những hình ảnh, nhân chứng sống, để tố cáo tội ác của Việt Cộng gây ra trong Tết Mậu Thân 1968 và phản bác lại luận điệu tuyên truyền ngụy biện, biến đen thành trắng, biến tội thành công của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện nay. Đồng thời, nhiều nơi tại hải ngoại, đã tổ chức bằng nhiều hình thức tố cáo và phơi bầy tội ác của Việt Cộng trong biến cố Mậu Thân 1968. Bởi vì, ai cũng biết biến cố Mậu Thân 1968 là một thảm bại của Việt cộng về mặt quân sự lẫn chính trị và là một tội ác của Cộng Đảng Việt Nam. Một tội ác vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt Nam. Một tội ác không thể biện minh, với đầy đủ nhân chứng, vật chứng cần được các cơ quan tài phán quốc tế xem xét và chế tài về tội ác chống nhân loại để làm gương cho những cá nhân hay tập đoàn nắm quyền thống trị độc tôn, tàn bạo trong các chế độ độc tài các kiểu còn tồn tại trên thế giới hiện nay.
Tiếc rằng, cho đến hôm nay, 46 Mùa Xuân đã trôi qua, hồ sơ tội ác chống nhân loại của Việt cộng vẫn chưa được ai, cá nhân hay tập thể các gia đình có thân nhân bị thảm sát, chốn sống trong các mồ chôn tập thể ở Huế đứng ra khởi kiện trước các Toà án hình sự quốc tế có thẩm quyền. Vì vậy những cá nhân trực tiếp gây tội ác theo thời gian đã thoát tội sau khi đi vào lòng đất, một số kẻ còn sống vẫn sống an lành, nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật tại Việt Nam cùng với sự bao che của chánh phạm là đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam kế thừa quyền thống trị hiện nay. Và vì vậy, 46 Mùa Xuân qua, người Việt hải ngoại cũng như nhân dân trong nước đã và vẫn đang phải kiên trì tiếp tục nỗ lực đấu tranh bằng nhiều phương thức thích hợp, có hiệu quả để giành thắng lợi sau cùng là “Dân chủ hóa đất nuớc, tiêu diệt chế độ độc tài toàn trị cộng sản, để phát triển toàn diện đến phú cường và văn minh, theo kịp đà tiến hóa chung của nhân lọai”. Vì chỉ sau đó, hồ sơ tội ác Tết Mậu Thân 68 mới có điều kiện và cơ may giải quyết bằng một phán quyết chung thẩm của một cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền.
Xin mời nghe lại một bài trả lời phỏng vấn của Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường với phóng viên nước ngoài năm 1981.
Cũng cần nói thêm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Đắc Xuân trong nhiều năm nay là những người phải chịu búa rìu dư luận dữ dội nhất từ hải ngoại cùng những người dân miền Nam tin rằng đã có một cuộc thảm sát do cộng sản tiến hành tại Huế trong Chiến dịch Mậu Thân 1968.
Phải chăng cái cách mà Hoàng Phủ Ngọc Tường hé lộ và lý giải trong đoạn phỏng vấn này, trong vai trò là nhân vật “cộm cán” nhất của vụ án, đã góp phần tạo nên một hiệu ứng phản tác dụng thêm cho chính ông và đảng của ông?
Nhiều năm nay, sức khỏe của Hoàng Phủ Ngọc Tường không còn được tốt nữa, liệu ông có noi gương Lê Hiếu Đằng, cuối đời làm một cái nghĩa cử gì đó để lại cho đời, cho mình để mai sau khỏi bị miệng lưỡi thế gian mãi chê cười? Bởi vì không phải chỉ có dấu hỏi lớn có hay không vụ thảm sát, mà còn có nhiều dấu hỏi rất lớn về những bất đồng trong chính nội bộ ban lãnh đạo cộng sản miền Bắc về Chiến dịch Mậu Thân 1968, liên quan tới cả cuộc thanh trừng nội bộ rất tàn độc, trong mối quan hệ phức tạp với 2 nước đàn anh lớn đang cắn xé nhau khi đó là Liên Xô, Trung Quốc v.v..
Làm rõ những bí ẩn lịch sử đó cũng sẽ góp phần vạch mặt, đẩy lui những thế lực bảo thủ, cơ hội trong ĐCSVN đang cố bấu víu vào “bạn vàng” Trung Cộng, “ăn mày dĩ vãng”, và lừa bịp dân, như một cuốn phim nhiều tập đang chiếu trên truyền hình VN mấy ngày Tết này – “Đảng giữa lòng dân“, mở đầu bằng hai câu thơ ngạo ngược của Tố Hữu “Cảm ơn Đảng đã cho ta dòng sữa/ Bốn ngàn năm chan chứa ân tình“.
MH tổng hợp theo Chepsuviet, VOA