Sự kiện

Số phận của „Tứ trụ“ khi Nhà nước XHCN sụp đổ

Cập nhật lúc 05-03-2017 03:07:26 (GMT+1)
Ảnh: Internet

 

 

Sau 40 năm tồn tại, sự quản lý kinh tế yếu kém, lỗi hệ thống nặng nề và sự tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi của một số nhà lãnh đạo CHDC Đức cùng với sự tương phản rõ rệt trong phát triển kinh tế, đời sống tự do, dân chủ của CHLB Đức đã làm cho dân chúng CHDC Đức ngày càng bất mãn với chế độ, với chính quyền, thúc đẩy họ xuống đường biểu tình, buộc chính quyền CHDC Đức phải dỡ bỏ bức tường Berlin vào ngày 09/11/1989 và chưa đầy một năm sau, ngày 03/10/1990, nước Đức đã thống nhất, làm cho CHDC Đức không còn cơ hội kỷ niệm sinh nhật lần thứ 41 của mình là ngày 07/10/1990.

 


Mặc dù nền kinh tế CHDC Đức được đánh giá là tốt và mức sống được coi là cao nhất trong các nước XHCN khi đó, nhưng sự quản lý kinh tế sai lầm với lỗi hệ thống không thể khắc phục được, trong đó có chế độ quan liêu, bao cấp đã bị ví như một người lái tàu thường xuyên phải lấy những toa tàu còn lại để đốt làm nhiên liệu cho đầu tàu có thể tiếp tục chạy cho tới khi không còn gì để đốt.

Nước Đức thống nhất không phải trên cơ sở hợp nhất giữa hai nhà nước Đức, mà CHDC Đức phải tự giải thể, chia thành 5 bang mới và các bang này làm đơn xin gia nhập CHLB Đức, Đông Berlin xin hợp nhất với Tây Berlin. Cơ sở pháp lý để nước Đức có thể thống nhất là „Hiệp ước 2+4“, được ký kết giữa hai nhà nước Đức và bốn nước „Tứ cường“ là Mỹ, Anh, Pháp và Nga cũng như Hiệp ước thống nhất giữa hai nhà nước Đức, trên cơ sở công nhận Hiến pháp và những đạo luật chung của CHLB Đức giờ đây được áp dụng trên toàn nước Đức thống nhất.

Như vậy, nhà nước CHDC Đức đã không còn và các thể chế chính trị đã hoàn toàn thay đổi, vậy số phận của „Tứ trụ“, những người đã nắm quyền mấy chục năm ở CHDC Đức đã ra sao trong nước Đức thống nhất?

Ông Erich Honecker:

Sau một thời gian dài làm công tác Đoàn và công tác Đảng, ngày 03/05/1971, ông Erich Honecker đã lên tới đỉnh cao quyền lực khi trở thành Bí thư thứ Nhất và từ năm 1976 đổi thành Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng XHCN Thống nhất Đức (SED), Chủ tịch Hội đồng quốc phòng CHDC Đức. Ngày 29/10/1976, Tổng bí thư SED Erich Honecker được Quốc hội bầu lên, kiêm luôn chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHDC Đức, thâu tóm cả hai chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước CHDC Đức. Từ đó, ông Honecker cùng ông Günter Mittag, Bí thư Trung ương đảng phụ trách về kinh tế và ông Erich Milke, Bộ trưởng An ninh quốc gia quyết định hầu như toàn bộ những vấn đề quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Sau 18 năm ở đỉnh cao quyền lực, ngày 18/10/1989. Ông Erich Honecker đã buộc phải từ chức Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng XHCNTN Đức và sau đó là chức Chủ tịch HĐNN, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng.

Giữa tháng 11/1989, Quốc hội CHLB Đức đã thành lập một ủy ban điều tra về tình trạng tham nhũng và lạm dụng chức quyền, sau đó công bố một báo cáo vào ngày 01/12/1989, tố cáo những người lãnh đạo Đảng lạm dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân. Trên cơ sở đó, Viện Công tố CHDC Đức đã tiến hành điều tra hình sự đối với 30 lãnh đạo hàng đầu của CHDC Đức, trong đó có 10 ủy viên Bộ chính trị, kể cả Erich Honecker. Hầu hết những người này đã bị bắt giam để điều tra. Sau đó, Erich Honecker được tại ngoại do phát hiện ông bị ung thư thận rồi ung thư gan. Tháng 4/1990, vợ chồng ông Honecker chuyển tới ở Bệnh viện quân đội của Liên Xô tại Beelitz cho tới ngày 13/3/1991 thì được một máy bay quân sự Liên Xô chở sang Moscow. Sau những chính biến ở Liên Xô năm 1991 với việc Boris Jelzin, Tổng thống Liên bang Nga cấm Đảng Cộng sản Liên Xô và yêu cầu ông Honecker rời nước Nga, nếu không sẽ bị cưỡng chế trục xuất. Ngày 29/7/1992, ông Erich Honecker được đưa về Berlin, bị bắt và giam ở nhà tù Moabit.

Ngày 12/11/1992, Tòa án Berlin mở phiên tòa xét xử ông Erich Honecker, cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm về những người bị chết khi tìm cách vượt biên sang Tây Berlin hoặc Tây Đức. Trong thời gian này, bệnh ung thư gan của ông Honecker đã ngày càng nặng hơn, nên ngày 12/1/1993, Tòa án Hiến pháp đã chấp thuận khiếu nại của ông Honecker về việc nhân phẩm của ông bị vi phạm, khi Tòa án tiếp tục xét xử ông, mặc dù biết rằng ông sẽ không còn sống cho tới khi Tòa có thể tuyên án, vì vậy, sau 169 ngày tạm giam, ngày 13/1/1993, ông Honecker đã được trả lại tự do và sang Santiago de Chile sống với vợ, con cho tới khi qua đời ngày 29/5/1994 thọ 81 tuổi.

Ông Egon Krenz

Ông Egon Rudi Ernst Krenz sinh ngày 1/3/1937 ở Kolberg, Pommern và trở thành người kế nhiệm ông Erich Honecker ở cương vị Tổng bí thư SED và Chủ tịch HĐNN CHDC Đức chưa đầy 50 ngày, từ 18/10 cho tới 5/12/1989. Năm 1997, ông Krenz bị đưa ra tòa xét xử vì cáo buộc gây ra cái chết của những người vượt biên và vị kết án 6 năm rưỡi tù giam cho tới ngày 18/12/ 2003, sau khi thụ án gần 4 năm tù, ông được trả lại tự do trước thời hạn. Thời gian tù còn lại được chuyển thành án treo. Từ đó tới nay, ông Krenz sống ở quê nhà Dierhagen ven biển Ban Tích và viết sách.

Ông Willi Stoph

Ông Willi Stoph sinh ngày 09/7/1914 ở Berlin-Schöneberg. Ông là một chính khách, một tướng lĩnh từng giữ trọng trách ở CHDC Đức một thời gian dài, từ khi hình thành cho tới khi tan rã. Ông Stoph từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) CHDC Đức từ 1964 tới 1973, rồi từ 1976 tới mùa thu 1989. Trong thời gian từ 1973 tới 1976, ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHDC Đức.

Sau khi ông Erich Honecker phải từ chức Tổng bí thư, Chủ tịch HĐNN và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, ngày 07/11/1989, Chủ tịch HĐBT Willi Stoph và toàn bộ Nội các đã phải từ chức. Ngày 08/11/1989, toàn bộ Bộ chính trị BCH Trung ương Đảng đã phải từ chức và ngày 03/12/1989, ông đã bị khai trừ ra khỏi đảng. Ngày 8/12/1989, Viện Tổng công tố mở cuộc điều tra và bắt giam ông Willi Stoph vì nghi ngờ lạm dụng chức quyền và tham nhũng gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân và làm giàu cá nhân. Tuy nhiên, tháng 2/1990, ông đã được thả tự do vì lý do sức khỏe và tìm cách xin tị nạn chính trị ở Liên Xô, nhưng giới lãnh đạo Đảng CS Liên Xô đã không đáp lại nguyện vọng của ông.

Tháng 5/1991, ông Willi Stoph lại bị bắt vì liên quan tới những nạn nhân bị chết bên bức tường Berlin nhưng tháng 8/1992 được thả tự do vì lý do sức khỏe. Tháng 11/1992, Tòa án Berlin mở phiên tòa xét xử Willi Stoph và 5 chính khách hàng đầu khác của CHDC Đức, nhưng tới tháng 6/1993, phiên tòa xét xử ông Willi Stoph bị đình chỉ vì ông không đủ sức khỏe tham dự phiên tòa. Ngày 10/10/1994, Tòa án Hành chính Berlin đã phán quyết không trả lại cho ông Willi Stoph số tiền tiết kiệm 200.000 DM bị tịch thu năm 1990.

Ông Willi Stoph tiếp tục sống trong một căn hộ nhỏ 2 phòng ở Berlin với mức lương hưu khoảng 2.200 DM một tháng cho tới khi qua đời ngày 13/4/1999, hưởng thọ 85 tuổi.

Ông Horst Sindermann

Ông Horst Sindermann sinh ngày 5/9/1915 ở Dresden, trong nhiều năm là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Quốc hội CHDC Đức.

Ông Horst Sindermann sớm tham gia phong trào cộng sản và năm 1933 đã bị chính quyền Quốc xã kết án 9 tháng tù vì tham gia cuộc kháng chiến chống Quốc xã và năm 1935, ông lại bị kết án 6 năm tù vì tội chuẩn bị „phản bội tổ quốc“, bị giam trong tù và giam trong các trại tập trung Sachsenhausen và Mauthausen cho tới năm 1945, sau khi chính quyền Quốc xã sụp đổ.

Ông Horst Sindermann là đại biểu Quốc hội từ năm 1963 tới 1989, từ 1973 tới 1976  là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và từ 1976 tới 1989 là Chủ tịch Quốc hội CHDC Đức.

Ngày 3/12/1989, ông Horst Sindermann bị khai trừ khỏi đảng và có lúc bị tạm giam. Viện Công tố cũng như một ủy ban của Quốc hội đã điều tra ông vì nghi ngờ lạm dụng đặc quyền, đặc lợi. Tuy nhiên, ông không bị truy tố.

Sau khi ra khỏi trại tạm giam, ông đã trả lời phỏng vấn tạp chí „Tấm gương“, thừa nhận: „Chúng tôi đã bị nhân dân lật đổ chứ không phải lực lượng phản cách mạng“.

Ông Horst Sindermann đã qua đời ở Berlin ngày 20/4/1990, trước khi nước Đức thống nhất khoảng 6 tháng, hưởng thọ 75 tuổi.

Nguồn: Tintuchangngay

 

 

 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo