Quốc tế sinh viên 17.11 – biểu tượng của tự do
![]() |
Quảng trường Václav 1989 (ảnh: Profimedia). |
Sau những tội ác của Hít-le với sinh viên và trí thức Praha vào năm 1939, thế giới đã chọn 17.11 làm ngày Quốc tế sinh viên. Nhưng với dân tộc Séc, ngày quốc lễ 17.11 còn là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự khởi đầu của cách mạng Nhung, lật đổ chế độ cộng sản và đem lại tự do cho dân tộc.
Không hẳn ngẫu nhiên mà 17.11 gắn liền với biểu tình, đổ máu và tự do. Trong khi vào năm 1939, sinh viên xuống đường quyết giành lấy tự chủ dân tộc thì đúng 50 năm sau đó vào ngày 17.11.1989, họ đã tiếp tục là những người khởi đầu cuộc cách mạng vì dân chủ.
Phóng sự ngày 17.11 (nguồn: stream, seznam.cz, vietinfo.eu).
Đổ máu giành lấy tự do
![]() |
Năm 1939, sau những đợt xuống đường của sinh viên và trí thức Praha, Hitler đã nổi giận và tuyên bố “san bằng Praha“. Trong một góc độ nào đó, ông ta đã thành công khi hàng loạt thanh niên phải trả giá bằng tính mạng, trong đó có chàng trai trẻ 24 tuổi Jan Opletal. Nhưng chính lễ đưa tang anh trên đường phố Praha hãy dấy lên trong lòng người Séc sự căm phẫn khiến họ không thể làm ngơ với số phận của dân tộc. Có lẽ Hitler đã không ngờ rằng, sau mỗi cái chết, một biểu tượng sẽ sống mãi, vì đó là cái giá của tự do.
Đúng 50 năm sau đó, lịch sử đã lặp lại khi sinh viên xuống đường đặt vòng hoa tưởng niệm Jan Opletal và vô tình đánh thức lại khát vọng tự do, dân chủ cho dân tộc mình. Chính tại Albertov, nơi khởi đầu lễ đưa tang Jan Opletal vào năm 1939, Josef Škárka, một người từng tham dự lễ tang này đã xuất hiện và nói với đám đông: “Sinh viên ơi, đừng bỏ cuộc. Tôi rất vui vì các bạn vẫn chiến đấu vì cái mà chúng tôi đã chiến đấu năm xưa!“

Cảnh sát dàn hàng chặn sinh viên trong khi họ đã quỳ xuống biểu lộ mong muốn hòa bình (ảnh: profimedia).
Lí tưởng không bao giờ chết
Buổi diễu hành này sau đó đã gặp phải sự ngăn cản lớn của chế độ và trở thành một cuộc biểu tình đẫm máu như 50 năm về trước. Như số phận đã định, cái chết của Jan Opletal đã tiếp tục làm sống lại sự tự tôn dân tộc và đánh dấu khởi đầu của cách mạng Nhung, đem lại dân chủ cho Tiệp Khắc cũ bấy giờ.
Cuộc lật đổ chính quyền này được gọi là cách mạng Nhung vì nó diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn mà không cần bất cứ một cuộc chiến nào. Cách mạng Nhung đã tiếp tục đánh dấu vai trò của sinh viên, những trí thức trẻ tuổi cùng sức mạnh của họ, sức mạnh của sự bất khuất và can đảm.

Quảng trường Václav trở thành biểu tượng của những cuộc biểu tình (ảnh: profimedia).
Từ đó đến nay, 17.11 với dân tộc Séc là một ngày quốc lễ và trong ngày này sinh viên Séc có truyền thống xuống đường biểu tình chống lại những vấn đề bất cập của xã hội. Người ta có thể giết những người biểu tình, song không thể chặn lí tưởng của họ. Chính vì thế có những người đã nằm xuống để lí tưởng của họ sống mãi, trong đó có chàng trai Jan Opletal.
Nghiêm Trang – vietinfo.eu