Sự kiện

Nước Mỹ sắp kỷ niệm 17 năm vụ khủng bố 11/9

Cập nhật lúc 11-09-2018 02:59:56 (GMT+1)
Vụ khủng bố ngày 11/9 năm 2001 là vụ tấn công đẫm máu nhất ở Mỹ kể từ trận Trân Châu Cảng

 

Người Mỹ ngày 11/9 sẽ đánh dấu kỷ niệm 17 năm vụ tấn công khủng bố năm 2001 khiến gần 3.000 người chết.


Tổng thống Donald Trump sẽ tham dự một buổi lễ tại Đài tưởng niệm 11/9 ở Shanksville, Pennsylvania, gần nơi chuyến bay 93 của hãng United Airlines rơi sau khi các hành khách trên chuyến bay đã giành lại quyền kiểm soát máy bay từ những kẻ khủng bố có liên hệ với al-Qaida.

Trong một thông cáo hôm 8/9, Nhà Trắng tuyên bố ngày 7-9/9 là Ngày cầu Nguyện và Tưởng nhớ Quốc gia dành cho các nạn nhân của vụ khủng bố.

“Niềm tin của đất nước chúng ta đã được trắc nghiệm trên các đại lộ ở New York, trên bờ sông Potomac và trên một cánh đồng ở gần Shanksville, Pennsylvania, nhưng sức mạnh của chúng ta không bao giờ suy giảm và sự kiên cường của chúng ta không bao giờ lung lay,” thông cáo cho biết.

Còn tại thủ đô Washington DC, Lầu Năm Góc sẽ tổ chức lễ tưởng niệm đặc biệt cho các gia đình có người thân thiệt mạng khi một chiếc máy bay đâm vào nơi này.

Còn ở New York, hàng trăm người sống sót và gia đình các nạn nhân thiệt mạng sẽ tập trung ở khu vực Ground Zero, nơi tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tọa lạc trước khi hai chiếc máy bay bị cướp đâm vào làm đổ sụp. Hai luồng sáng khổng lồ sẽ được chiếu lên trời để tưởng niệm những người thiệt mạng trong vụ tấn công.

Những vụ không tặc này do 19 kẻ có liên hệ với al-Qaida thực hiện và trở thành vụ tấn công đẫm máu nhất trên đất Mỹ kể từ trận Trân châu Cảng hồi năm 1977. Thảm họa này đã khiến Tổng thống George W. Bush phát động cuộc chiến chống khủng bố và xâm lược Afghanistan.

Gần hai thập niên sau, buổi lễ kỷ niệm vẫn đem lại những ký ức đau buồn cho thân nhân những người thiệt mạng.

Con trai của bà Mary Fetchet lúc đó đang làm việc tại Tháp Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào.

“Con trai tôi đã gọi cho chồng tôi để nói rằng nó không sao, và cũng để nhắc cho ông biết nó đang bên trong tháp thứ hai,” Fetchet nói với VOA.

Sau khi chồng bà gọi điện báo cho bà biết con trại họ vẫn còn sống, bà Fetchet đi vào một tòa nhà kết nối với Trung tâm Thương mại Thế giới. Khi bà bước vào trong, bà đã nhìn thấy TV chiếu cảnh chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp còn lại.

Sau đó, bà Fetchett trở về nhà, hy vọng sẽ nhận được điện thoại của con trai vốn không bao giờ xảy ra. Khi đến cuối tháng 9, bà đã tổ chức một lễ tưởng niệm cho Brad.

Sau vụ tấn công, bà cũng tổ chức các nhóm quy tụ các nạn nhân sống sót và thân nhân của những người thiệt mạng.

“Tôi ngay lập tức nhận ra rằng các gia đình trên khắp đất nước và trên 90 quốc gia trên thế giới đã gặp trở ngại khi tiếp cận thông tin. Và nhiều quyết định được đưa ra có tác động trực tiếp đến họ,” bà cho biết.

Nhận thức này đã khiến bà thành lập tổ chức từ thiện Tiếng nói của ngày 11/9 vốn giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công, chẳng hăn như tài trợ cho các nhóm hỗ trợ hay giúp nhận dạng thi hài người thân.

“Chúng tôi đã học được rất nhiều trong vòng 17 năm qua,” Fetchet nói. “Các hoạt động khủng bố và bạo lực nhắm vào số đông dường như không có điểm dừng ở đây trên đất Mỹ và ở nước ngoài.”

Nguồn: VOA

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo