Sự kiện

Những người cộng sản bóp méo lịch sử ra sao: khu tượng đài rộng lớn tại Vitkov từng là lăng của chủ tịch nước

Cập nhật lúc 24-10-2020 08:32:23 (GMT+1)
Ảnh chụp Vitkov thời những năm 50 (ctidoma.cz)

 

Vitkov là địa danh không thể tách rời với lịch sử Séc. Ở đây, tướng Jan Žižka đã thắng trận thắng nổi tiếng của mình và một tượng đài lớn đã được dựng nên để tưởng niệm những người lính người Séc và Slovakia tự nguyện thuộc Quân đoàn Legii Tiệp khắc thời chiến tranh thế giới thứ I. Dưới thời cộng sản, đài tưởng niệm các vị anh hùng đã bị phá hủy hoàn toàn và vị chủ tịch nước đầu tiên của giới công nhân đã tìm thấy ở đây chốn an nghỉ cuối cùng mà chẳng mấy được người đời ưa chuộng…


Theo dự án của kiến trúc sư Jan Zázvorka, Vitkov lẽ ra phải là Thánh điện của nền Cộng hòa và sẽ làm nổi bật thêm vị thế của tòa Thành cổ Praha và Vyšehrad. Trước tiên người ta bắt đầu xây một đài tưởng niệm dành cho các anh hùng của quân đoàn Legii Séc và Slovakia đã chiến đấu trên các mặt trận tại Ý, Pháp và Nga. Chính họ đã góp phần làm tan rã chế độ quân chủ, và để nước Tiệp khắc ra đời.

Thoạt đầu, ông kiến trúc sư định dành một phần của tòa nhà làm lăng mộ cho Tổng thống Masaryk. Nhưng Tổng thống đã bác bỏ ý tưởng này và điều đó không có gì mâu thuẫn với triết lý sống của ông. Masaryk không hài lòng với hình dung, rằng cũng giống các pharaoh Ai Cập, sau khi chết, ông sẽ trở thành một tù nhân của một tòa nhà khổng lồ. Nền cộng hòa đã lớn mạnh hơn so với tòa nhà vốn đã được xây dựng từ năm 1929, nhưng cho đến nay nó vẫn chưa xong hoàn toàn.

Tượng Jan Žižka cưỡi ngựa là bức tượng lớn thứ 3 trên thế giới. Tác giả của nó là nhà điêu khắc Bohumil Kafka

Những kẻ chiếm đóng đã ngoảnh mặt làm ngơ

Phần chính của tòa nhà được xây xong năm 1933, nhưng các kế hoạch ban đầu thì nhiều và bị thay đổi cùng với các diễn biến lịch sử. Rất đáng ngạc nhiên là khi Tiệp khắc bị Đức xâm chiếm, công trình vẫn được tiếp tục. Quân Đức lúc đầu không để ý đến tượng đài này và họ cũng không tước bỏ thông điệp yêu nước của công trình thánh điện này.

Ngược lại lúc bấy giờ, họ có ý tưởng xây dựng một tượng đài Séc-Đức. Họ tính đến một điện Pantheon của lịch sử Séc được dựng ở đây, mà là nơi an nghỉ của những người Séc nổi tiếng, nhưng đồng thời cả những người Đức. Tình hình hoàn toàn thay đổi sau vụ ám sát Heydrich, mọi kế hoạch đều bị gạt đi, thay vì tượng đài, nơi đây trở thành nhà kho của quân đội.

Chiến tranh kết thúc

Sau chiến tranh, người ta quay lại với ý tưởng ban đầu, để tưởng niệm quân đoàn lính legii người Séc và người Slovakia, mà các kháng chiến quân thời thế chiến thứ hai cũng đã tìm đến phục vụ. Người ta lại ngỏ lời với kiến trúc sư Jan Zázvorka, đề nghị ông làm thêm phần hai, mà sẽ là phần tưởng nhớ đội bay Tiệp khắc tại Anh. Lại một lần nữa, mục đích của công trình bị thay đổi cùng với sự đổi thay của lịch sử đất nước.

Điện Pantheon của giới vô sản

Năm 1950 một cuộc chiến tuyên truyền nổ ra chống lại ý tưởng ban đầu về tượng đài tại Vitkov. Đảng cộng sản quyết định, tòa nhà sẽ mang mục đích mới và là điện Pantheon của giới vô sản. Tượng đài như vậy sẽ không được nhắc tới quân đoàn tự nguyện quân ngày nào, mà là các nhân vật quan trọng của đảng cộng sản. Nhưng chính sự thay đổi cơ bản về tư tưởng lại không mang lại nhiều thay đổi về kiến trúc.

Vẻ đẹp kiến trúc ban đầu của khu tượng đài không bị phá bỏ, mà người ta chỉ thêm một số biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản. Dù là tượng những người công nhân, hay là các phù điêu trên tường. Phù điêu lớn nhất cho thấy chủ nghĩa cộng sản nhìn nhận lịch sử như một cuộc chiến của người nghèo chống lại kẻ giàu.

Xác của Gottwald

Tại Tiệp khắc các dự án liên quan đến thói sùng bái cá nhân xuất hiện khá muộn. Nhờ phát hiện của Nikita Chrusov về các cuộc thanh trừng của “người lãnh đạo vĩ đại” mà bức tượng Stalin trên Letna sớm được dẹp bỏ và sau khi cái chết của vị chủ tịch nước cộng sản đầu tiên là Klement Gottwald, người ta chuẩn bị xây lăng lại khu tượng đài Vitkov này.

Nhờ có các kinh nghiệm với việc ướp xác Lenin, các cố vấn Xô viết đã sang chỉ đạo việc ướp xác ông chủ tịch nước và là người học trò của Stalin. Xác ướp giữ được 10 năm, sau đó bị rữa dần, để khỏi xấu hổ, đảng cộng sản đành mang vị chủ tịch nước ra hóa tro.

Ngày nay, khu tượng đài này vẫn còn mang dấu ấn của các trang sử buồn do hai chế độ toàn trị đã vĩnh viễn để lại trên các bức tường của Điện thờ của nền cộng hòa. Jan Žižka, người đã canh giữ nơi này từ năm 1950 từ một ngọn đồi cao bên trên Praha, là một nhân chứng cho thấy, cho đến tận ngày nay, việc khôi phục ý tưởng ban đầu của Vítkov là khó đến như thế nào.

Tác giả: Jakub Kučera- ctidoma.cz

Người dịch: Thanh Mai- vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo