Sự kiện

Nhìn BREXIT qua lăng kính lịch sử

Cập nhật lúc 12-10-2017 15:50:11 (GMT+1)
Ảnh minh họa: Internet

 

Brexit là một trong những sự kiện nóng bóng trong năm qua và năm nay. Để có một cái nhìn toàn diện khả dĩ hình dung được tình hình trong tương lai, chúng ta cần trả lời minh bạch ba câu hỏi: Thứ nhất, tại sao Anh rời bỏ EU? Nó liên quan gì đến vai trò, mục đích và cách hành xử của Anh trong quá trình hình thành và phát triển Liên hiệp châu Âu suốt 50 năm qua? Thứ hai, tác động chính trị và kinh tế lên nước Anh sau khi ra khỏi EU, đấy là chưa kể ảnh hưởng về lãnh thổ liên quan đến các vùng trong Vương quốc Anh như Scotland, Bắc Ái Nhĩ Lan và Gibralta, nơi mà đa số người dân đều mong muốn ở lại EU. Thứ ba, tác động chính trị, kinh tế và tâm lý lên 27 nước EU còn lại.


Bài biên khảo sau đây sẽ cung cấp vài tư liệu lịch sử liên quan đến quá trình thành lập EU kể từ thập niên 1950, qua đó góp phần tìm câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất đã nêu ở trên. Hai câu hỏi tiếp theo xin gác lại vào dịp khác.

***

Vòng thương lượng thứ tư giữa Liên hiệp châu Âu (viết tắt là EU) và Vương quốc Anh về vấn đề Brexit kéo dài bốn ngày vừa chấm dứt. Kết quả là gì? Vẫn dẫm chân tại chỗ. Tình hình thương thuyết sau sáu tháng vẫn không nhích lên được một bước nào.

Quan điểm của EU không thay đổi: phải có những bước tiến cụ thể về ba vấn đề căn bản trước khi bàn về những thỏa thuận cho tương lai. Ba vấn đề đó là: thứ nhất, thỏa thuận về chính sách đối với công dân EU trên nước Anh cũng như công dân Anh trong khu vực EU; thứ hai, vấn đề biên giới giữa Ái Nhĩ Lan (thành viên EU) và Bắc Ái Nhĩ Lan (vùng thuộc Vương quốc Anh); thứ ba, nghĩa vụ tài chánh của Anh đối với EU về những thỏa thuận trong quá khứ.

Phía Anh thì vẫn chưa có một đường lối nhất quán để thương lượng. Trong tháng 9.2017 Anh đã đề nghị Liên hiệp Mậu dịch (Customs Union) có thể được thương thuyết trước, hoặc ít nhất là song song với ba vấn đề nêu trên[1]. Đấy là chưa kể tài liệu mật 82 trang bị phanh phui về kế hoạch của chính phủ Theresa May muốn hạn chế quyền hạn của công dân EU trên đất Anh[2]. Mới đây tại Florence, bà Theresa May đòi hỏi một giai đoạn hai năm chuyển tiếp sau Brexit để Anh tiếp tục thụ hưởng lợi thế của thị trường chung châu Âu mà không phải đáp lại một nghĩa vụ tương ứng[3]. Ngoại trưởng Boris Johnson thì vẫn tiếp tục lừa dối dân Anh bằng lời hứa hẹn “chúng ta có thể trở thành một quốc gia huy hoàng nhất hoàn cầu[4]” khi rời khỏi EU.

Về vấn đề biên giới giữa Ái Nhĩ Lan và Bắc Ái Nhĩ Lan, trưởng đoàn đàm phán của EU, Michel Barnier người Pháp, tổng kết trong buổi họp báo sau vòng đàm phán thứ ba: “Dường như Anh muốn đòi hỏi rằng EU vô hiệu hóa những luật lệ, qui định từ trước về biên giới bên ngoài trong tương lai, về liên hiệp mậu dịch và thị trường chung. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra[5]”. Trước đó trong các buổi họp, Michel Barnier đã bác bỏ đề nghị của Anh về vấn đề biên giới Ái Nhĩ Lan và đòi hỏi một đề nghị mới. Barnier cũng cảnh báo rằng, Anh đừng mang ảo tưởng về khả năng tiếp cận thị trường chung EU.

Rõ ràng hai bên sử dụng hai ngôn ngữ khác nhau, cách hành xử khác nhau, ý định cũng khác nhau, chung giường khác mộng. Một bên thì bám vào nguyên tắc cứng ngắt đến độ ngoan cố, bên kia thì thực hiện những toan tính không minh bạch để chiếm lợi thế riêng. Rất khó để tiên đoán những hậu quả nào trong tương lai sẽ tác động lên tình hình chung của lục địa châu Âu khi Anh ra khỏi EU vào cuối tháng 3.2019. Điều đó tùy thuộc khá nhiều vào kết quả đàm phán sẽ kéo dài đến cuối 2018.

Để bắt đầu phân tích sự kiện lịch sử đặc biệt này, và nhất là để hiểu vai trò và mục đích của Anh trong EU, trước hết chúng ta tóm tắt những mốc lịch sử quan trọng trong quá trình thành lập EU giai đoạn đầu cho đến 1967 khi Cộng đồng Châu Âu (EC) được thành lập.

1. Những mốc lịch sử đáng chú ý

Ở đây xin giới hạn trong những sự kiện có liên quan ít nhiều đến Vương quốc Anh.

Tháng 9.1946 – Ý tưởng về châu Âu thống nhất: Trong bối cảnh tàn phá dữ dội do thế chiến II gây ra, châu Âu dường như đã sụp đổ về kinh tế, xã hội và cả văn hóa. Nguồn gốc của thảm họa này rõ ràng là sự cạnh tranh và thù địch giữa các quốc gia, trong đó chủ nghĩa dân tộc cực đoan luôn luôn là nguyên nhân quan trọng hàng đầu, là động lực chính để giới quân phiệt phát động chiến tranh. Đã đến lúc người ta phải tìm giải pháp để tái lập và bảo vệ hòa bình lâu dài. Điều đó chỉ có thể đạt được khi các nước hợp tác nhau theo nguyên tắc liên hiệp và cộng sinh về chính trị, kinh tế và cả về quân sự. Quan trọng hơn hết, là các nước châu Âu phải nhìn lại quá khứ, nêu đích danh những sai lầm lịch sử của từng nước mới hy vọng phác họa được một dự án châu Âu có khả năng hoạt động lâu dài.

Sáng kiến về một châu Âu thống nhất không phải là mới. Trước đây, Immanuel Kant vào thế kỷ 18, Victor Hugo thế kỷ 19, Gustav Stresemann đầu thế kỷ 20 đã đưa ra những phác họa về một gia đình châu Âu[6]. Tuy thế, những sáng kiến ấy chỉ được lưu truyền và ca ngợi trong giới trí thức, nhưng chưa trở thành ý thức sống động khả dĩ tạo nên một trào lưu chính trị.

Một năm sau khi thế chiến II chấm dứt, ngày 19.9.1946 tại đại học Zürich, cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đọc một bài diễn văn sôi nổi gởi đến thế hệ trí thức trẻ[7]. Sau khi diễn tả cảnh tàn phá vật chất và những khổ đau mà cả châu Âu đang chịu đựng, trong lúc một đe dọa mới đang có nguy cơ trở thành hiện thực, Churchill đề nghị „một gia đình các dân tộc, một loại Liên hiệp các Quốc gia châu Âu[8] phải được thiết lập. Một liên hiệp như thế có thể đem lại cho các dân tộc đang hoang mang trên lục địa bất ổn nhưng mạnh mẽ này cảm giác chung về một quê hương rộng lớn và những quyền công dân như nhau“. Churchill cũng nhấn mạnh rằng „bước đầu tiên để thành lập gia đình châu Âu phải là tạo sự hợp tác hữu nghị giữa Pháp và Đức. Chỉ bằng con đường này, Pháp mới có thể phục hồi vai trò lãnh đạo châu Âu về đạo đức và văn hóa“. Churchill cho rằng chỉ „phương thuốc thần diệu ấy mới có thể chấm dứt cảnh bạo tàn trung cổ“ và trong một vài năm sau sẽ mang lại cho hàng trăm triệu con người đang mệt mỏi nhận lại được niềm vui và nguồn hy vọng để thụ hưởng một cuộc sống có ý nghĩa.

Bài diễn văn của Churchill đã đi vào lịch sử đương đại châu Âu như là một làn gió tư tưởng mới để làm cho giấc mơ gia đình châu Âu trở thành một ý thức chính trị sống động[9]. Cũng cần lưu ý rằng, khái niệm “lục địa châu Âu” của Churchill bao gồm tất cả các nước châu Âu ngoại trừ Anh. Tại sao? Trong thời hậu chiến, giới lãnh đạo chính trị Anh nói chung và Churchill nói riêng đều xem British Empire như một thực thể độc lập bao gồm hơn 50 nước, lúc đó có 700 triệu con người, 1/3 tổng sản lượng GDP thế giới, 1/4 diện tích quả đất. Họ đang chuẩn bị thành lập khối thịnh vượng Anh (British Commonwealth) để bảo vệ quyền lợi kinh tế trong tình hình các phong trào giải phóng thuộc địa có thể nổi lên nay mai. Vương quốc Anh không có ý định trở nên thành viên của một liên hiệp châu Âu như Churchill phác họa, mà chính sách đối ngoại của họ đặt nền móng trên lý thuyết ba-vòng-tròn giao thoa (Three Circles Model) trong đó Anh sẽ là trung tâm điểm[10]. Ba vòng tròn đó là: Khối Thịnh vượng chung, Hoa Kỳ và Châu Âu Lục địa.

Tháng 4.1951 – Tổ chức siêu quốc gia đầu tiên. Hội nghị Hague Congress tháng 5.1948 do Winston Churchill bảo trợ với sự tham dự của 700 thành viên đến từ 16 nước đưa ra đề nghị về cơ cấu và chức năng của một tổ chức liên quốc gia châu Âu. Trên cơ sở đó, hội nghị ngoại trưởng các nước Tây Âu họp tại The Hague vào tháng 7.1948 quyết định thành lập Quốc hội châu Âu, Liên hiệp Kinh tế và Liên hiệp Mậu dịch Tự do và sau đó thành lập Hội đồng Châu Âu (CE – Council of Europe) vào tháng 5.1949 tại London. Đòi hỏi không khoan nhượng của Anh về nguyên tắc nhất trí trong các quyết định đã giới hạn hoạt động của CE suốt nhiều năm sau và CE chỉ còn là một diễn đàn trao đổi ý kiến. Tuy nhiên CE với 47 nước thành viên cũng góp phần tích cực cho đến hôm nay về nhân quyền, hợp tác văn hóa, công pháp quốc tế, qui chế tị nạn và qui định an toàn xã hội.

Từ hiệu quả thấp của các tổ chức hợp tác không ràng buộc kể trên, nhu cầu thành lập tổ chức siêu quốc gia ngày càng lớn để qua đó các nước châu Âu có thể cùng nhau đưa ra những quyết định có tính ràng buộc, nhất là tổ chức mới phải có thẩm quyền rộng đến các lĩnh vực quan trọng như kinh tế, quốc phòng, đối ngoại. Bước ngoặc đầu tiên được khởi đầu bởi ngoại trưởng Pháp Robert Schuman bằng một đề nghị hết sức bất ngờ ngày 9.5.1950 tại Paris[11]: „Chính phủ Pháp đề nghị rằng toàn bộ nền sản xuất than và thép của Pháp và Đức được đặt dưới một cơ quan quản lý chung, một cơ quan luôn luôn mở rộng cửa cho các nước châu Âu khác được quyền tham dự“.  Ông nhấn mạnh rằng: „Đề nghị của chúng tôi sẽ là viên đá đầu tiên góp phần xây dựng một liên minh châu Âu như là nhân tố tiên quyết cho việc bảo vệ hòa bình lâu dài“. Ông phát biểu về mặt kinh tế: „Việc sáp nhập nền sản xuất than và thép sẽ bảo đảm cho sự phát triển kinh tế nói chung – tức là bước đầu trên con đường tiến đến liên hiệp châu Âu“.

Vương quốc Anh từ chối nguyên tắc siêu quốc gia và đứng ngoài các vòng đàm phán tại Paris, trong lúc Hoa Kỳ, Ý và ba nước Benelux tán thành đề nghị của Robert Schuman. Sau gần một năm thương thuyết, hiệp ước thành lập Cộng đồng Than và Thép châu Âu (ECSC[12]) được ký kết ngày 18.4.1951 tại Paris bởi sáu nước: Pháp, CHLB Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan và Luxemburg.

Hiện nay chúng ta ít nghe đến cộng đồng này, vì sức mạnh kinh tế của than trở thành lu mờ với sự vươn dậy bất ngờ của dầu lửa từ thập niên 1960, nhưng sự thành lập ECSC là mốc lịch sử quan trọng nhất trên quá trình hình thành EU, nó khởi đầu cho nguyên tắc siêu quốc gia được thử nghiệm lần đầu trên thế giới và đạt thành công. Giáo sư Dietmar Herz tổng kết về vai trò của tổ chức này như sau: ”Ý nghĩa lịch sử của Cộng đồng Than và Thép nằm ở tính chất kiểu mẫu cho các bước hội nhập về sau. Nguyên tắc hoạt động của tổ chức này được các cộng đồng về sau tiếp nhận, dù với tên gọi khác và trọng điểm hoạt động có thay đổi. Cho dù hiệu ứng lan tỏa – tức là mở rộng hợp tác ra nhiều lĩnh vực – không xảy ra nhanh như mong muốn, nhưng tác dụng chính trị của cộng đồng này thì vô cùng to lớn[13]”.

Tháng 3.1957 – Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC[14]). Với thành công trong hoạt động của ECSC, ba nước Bỉ, Hà Lan và Luxemburg đề nghị một hình thức mới bằng một cộng đồng kinh tế với quy mô lớn hơn: một thị trường chung, một chính sách chung về giao thông vận tải, về năng lượng và một chính sách xã hội chung. Cả sáu nước Pháp, CHLB Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan và Luxemburg đều có nhận định rằng, việc hội nhập châu Âu phải được bắt đầu trong lĩnh vực kinh tế. Ngày 25.3.1957 tại Rome (Ý), sáu nước nói trên ký hiệp ước thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) và Cộng đồng Nguyên tử lực Châu Âu (EAEC[15], gọi tắt là Euratom) với mục đích tạo ra một thị trường chung và từng bước tiến đến những chính sách chung cho các nước thành viên[16].

Hiệp ước Rome 1957 đánh dấu một mốc thời gian rất quan trọng trong lịch sử châu Âu: Sáu nước thành viên và những người ủng hộ hiệp ước hiểu rằng, để có hòa bình lâu dài và thịnh vượng trên lục địa, mỗi nước phải hy sinh bớt chủ quyền để trao các chủ quyền ấy cho một tổ chức siêu quốc gia, trong đó các nước thành viên hợp tác nhau trên nguyên tắc liên hiệp và cộng sinh.

Nước Anh thì hoài nghi nguyên tắc siêu quốc gia, phê phán mọi giải pháp có ảnh hưởng ít nhiều đến chủ quyền của Anh và một lần nữa đứng ngoài quá trình hội nhập châu Âu. Một lần nữa, chỉ có sáu nước ban đầu tham dự EEC với sự hỗ trợ hết lòng của Hoa Kỳ.

Tầm quan trọng của EEC trong EU có lẽ chúng ta đã biết, cho nên chỉ xin trích một kết luận tổng quát như sau[17]: Ngoại trừ vài thay đổi nhỏ, việc ký kết Hiệp ước Rome là bước đi có tính quyết định cho cơ cấu tổ chức sau này của Tây Âu. Bộ ba „Cộng đồng Than và Thép – Cộng đồng Nguyên tử lực – Cộng đồng Kinh tế“ đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm về sau. Trong đó, Cộng đồng Kinh tế có ý nghĩa lớn nhất nhờ cách tiếp cận quy mô và tính chất dễ thích ứng cần thiết để tạo điều kiện cho những phát triển mới cũng như tiếp thu những xung lực mới trong quá trình thống nhất châu Âu.

Tháng 1.1960 – Anh thành lập EFTA[18], tổ chức đối trọng với EEC. Hiệp ước Rome chưa ráo mực thì Thủ tướng Anh Harold Macmillan vừa nhậm chức đã tuyên bố từ chối tham gia vào mọi cộng đồng có tính chất siêu quốc gia. Thay vào đó, Anh cùng sáu nước Áo, Đan Mạch, Na Uy, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ thành lập Hiệp hội Tự do Mậu dịch châu Âu (EFTA). Thực chất EFTA là một đối trọng quyền lực vì Anh muốn liên minh với các nước khác chống lại Cộng đồng Kinh tế Châu Âu, trong đó Pháp là thành viên mạnh nhất. Sau này chúng ta sẽ thấy, Anh sẽ phải trả giá rất cao cho quyết định này. Hoạt động của EFTA không có hiệu quả gì cụ thể và với nguyên tắc hợp tác liên minh, nó cũng không có khả năng đưa ra quyết định nào có tính ràng buộc đối với các nước thành viên. Thêm vào đó, tình hình kinh tế suy thoái bắt buộc Anh phải tính toán lại chính sách châu Âu của mình: Các nước thành viên EFTA – kể cả Anh – sau này đều xin gia nhập Cộng đồng Châu Âu.

Tháng 3.1967 – Thành lập Cộng đồng Châu Âu tại Rome (EC[19]). Ngày 25.3.1967, một bước đi bảy dặm được thực hiện với sự thành lập Cộng đồng Châu Âu tại Rome. Đây là tổ chức bao gồm bộ ba đã nói ở trên: cộng đồng kinh tế, cộng đồng than và thép, cộng đồng nguyên tử lực. Đây là tiền thân của Liên hiệp Châu Âu sau này. Sau khi De Gaulle rút lui khỏi sân khấu chính trị năm 1969, Cộng đồng Châu Âu phát triển từ EC-6 (sáu nước), lên EC-9 năm 1973, EC-12 năm 1986. Năm 1996, tổ chức hậu thân của nó là Liên hiệp Châu Âu (EU – European Union) thành lập theo hiệp ước Maastricht năm 1992 có 15 nước thành viên (EU-15). Đến bây giờ là EU-27 và thêm nước Anh sắp từ giã. Đấy rõ ràng là một công trình thế kỷ, đã mang lại hòa bình cho châu Âu hơn 70 năm, thời gian hòa bình dài chưa từng có trong lịch sử cận đại châu Âu.

Mặc dù EC chỉ mới là giai đoạn đầu trong tiến trình thống nhất châu Âu, nhưng cuộc thử nghiệm 20 năm này chứng tỏ một điều: dự án châu Âu là một dự án mang lại lợi ích cho mọi thành viên. Không những nền ngoại thương của sáu nước sáng lập trở nên phồn thịnh hơn, giao lưu chính trị văn hóa giữa các nước này mang một chất lượng mới, mà quan trọng hơn là, nguy cơ chiến tranh giữa các nước thành viên cũng không còn điều kiện để tồn tại. Dường như chiến tranh, thù hận giữa các dân tộc châu Âu đã vĩnh viễn chấm dứt? Pháp và Đức có thể trở thành hai quốc gia hữu nghị? Trước đó 20 năm, điều này không ai có thể hình dung được. Ngày hôm nay, khi nói đến EU người ta thường nghĩ đến một liên hiệp chính trị nhằm mục đích quan trọng hàng đầu là kinh tế. Ít người nghĩ rằng việc bảo vệ hòa bình lâu dài vẫn là mục đích tối thượng của EU. Phồn vinh kinh tế là hệ quả tất yếu của nền hòa bình lâu dài đã đạt được.

2. Từ 1960 – 2017: Anh là một thành viên đặc biệt

Năm 1957, để làm suy yếu ảnh hưởng của EEC, Anh vận động 18 nước trong Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Âu (OEEC[20]) thành lập vùng tự do mậu dịch. Đến 1958, sáng kiến đó không được hưởng ứng sau một năm vận động, cho nên Anh tìm một giải pháp thu nhỏ. Hiệp hội Tự do Mậu dịch Châu Âu (EFTA) vì thế được thành lập vào tháng 1.1960 có bảy nước tham dự: Anh, Áo, Đan Mạch, Na Uy, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Đặc trưng của EFTA là hợp tác về thương mại trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của từng thành viên về chính sách ngoại thương. Sự phân hóa về tư tưởng trong châu Âu cũng bắt đầu từ đây, giữa một bên là liên hiệp theo nguyên tắc siêu quốc gia do Pháp lãnh đạo, bên kia là hợp tác liên minh trên cơ sở tuyệt đối tôn trọng chủ quyền các quốc gia thành viên, được lãnh đạo bởi Anh.

Hoạt động chưa tới một năm, Thủ tướng Anh Harold Macmillan phải đau đớn nhận thức rằng, EFTA không thể cạnh tranh nổi với với EEC, nhất là các nước EEC đã đạt sự tăng trưởng kinh tế đáng ước mơ. Anh sợ rằng, “cuộc hội nhập châu Âu không có Anh có thể biến thành cuộc hội nhập chống lại Anh[21]”, cho nên Macmillan thử tiếp cận để hai tổ chức hợp tác nhau. Thử nghiệm thất bại nên Anh, cũng như bốn nước khác trong EFTA nộp đơn xin gia nhập EEC vào năm 1961, mặc dù trong nội bộ, họ gặp sự chống đối mãnh liệt từ Công đảng Anh với lập luận cho rằng, việc đó không khác nào “chấm dứt 1000 năm lịch sử độc lập của Vương quốc Anh”. Trớ trêu thay cho Anh, đơn xin gia nhập được chấp thuận nhưng cuối cùng bị De Gaulle phủ quyết.

Giới lãnh đạo Anh dù dưới sắc cờ nào, đều thừa nhận rằng việc hiện đại hóa nước Anh hậu chiến không thể tách rời khỏi sự hợp tác chặt chẽ với khu vực kinh tế rất năng động của lục địa. Cho nên Anh lại xin gia nhập EEC một lần nữa vào năm 1967, lần này do Harold Wilson thuộc Công đảng Anh lãnh đạo. Đơn xin gia nhập một lần nữa bị De Gaulle phủ quyết.

Cho dù chính trị gia Anh và đa số dân chúng đều ước mơ được làm thành viên EEC, nhưng hai lần xin gia nhập và hai lần bị từ chối đã là một mối nhục quốc gia mà Anh không bao giờ quên. Nhiều sử gia cho rằng, những chuyện phiền toái mà Anh gây ra cho EU sau này đều có nguồn gốc từ hiệu ứng De Gaulle. Đấy là một giả thuyết có cơ sở, đáng tham khảo. Nhưng ngược lại, có phải đây là một toan tính khôn ngoan của De Gaulle? Nếu Anh được gia nhập EEC thì mục đích tối thượng về kinh tế của họ đã đạt được. Thế thì với quyền phủ quyết, liệu Anh có đồng ý để EEC được hội nhập dễ dàng vào Cộng đồng Châu Âu (EC) năm 1967 hay không? Phải chăng De Gaulle muốn rằng, việc hội nhập châu Âu phải được hoàn tất tương đối, trước khi thu nhận Anh và các nước khác? Cũng là một giả thuyết có cơ sở, chỉ có De Gaulle mới trả lời minh bạch được. Chúng ta cũng nhớ rằng, ngoại trừ EEC với mục đích kinh tế, Anh chưa hề quan tâm đến các lĩnh vực khác trong dự án hội nhập châu Âu. Đấy là chưa kể năm 1951, Anh đã từ chối tham gia ECSC, một trong ba cộng đồng quan trọng đã tạo nên cơ cấu ban đầu của EC. Phải chăng sự phủ quyết của De Gaulle có thể được xem như một may mắn lịch sử cho Cộng đồng Châu Âu?

Mãi đến 1969, một năm lịch sử của chính trị châu Âu: Ở Pháp, Charles De Gaulle rút lui khỏi sân khấu chính trị để nhường lại cho Georges Pompidou. Tại Đức thì Willy Brandt (đảng SPD[22]) lên nắm quyền chấm dứt triều đại CDU[23] kéo dài 20 năm. Cả hai vị nguyên thủ này đều thấy sự ích lợi cho châu Âu nếu có Anh là thành viên, cho nên đơn xin gia nhập EC năm 1971 được dễ dàng chấp thuận năm 1973. Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1975 tại Anh, quyết định gia nhập EC đã thắng lớn với tỉ lệ áp đảo 67% phiếu thuận. Sau này, khi quan sát thái độ ngang ngược của Thủ tướng Margaret Thatcher trong EC, ít người tin rằng bà đã rất hăng hái trong cuộc vận động cho phiếu thuận. Thatcher từng tuyên bố trong năm 1975: “Cộng đồng Châu Âu (EC) đã mang lại hòa bình, tự do và an ninh, những điều mà nhiều thế hệ dân Anh trước đây chưa có. Thị trường chung sẽ mang về cho Anh nguồn cung cấp thực phẩm ổn định. Hàng nhập khẩu vào Anh sẽ rẻ hơn. Hàng xuất khẩu từ Anh sẽ dễ dàng hơn. EEC có khối lượng ngoại thương lớn nhất thế giới. Là thành viên của EC, Anh có thể bảo vệ quyền lợi của khối thịnh vượng chung[24]”.

Thế là mục đích tối thượng của Anh đã đạt được: tiếp cận không giới hạn vào thị trường chung châu Âu. Những chuyện còn lại sẽ tùy cơ ứng biến, hạ hồi phân giải. Kể từ đây, Anh dùng chiến thuật nước đôi trong cách hành xử với EC (EU sau này) và cũng không ngần ngại sử dụng biện pháp câu giờ, đe dọa, phong tỏa, thậm chí phủ quyết. Mục đích của Anh là tạo một thế đứng riêng biệt trong EC, một vai trò đặc biệt trong cộng đồng, và chắc hẳn cũng để kiếm phiếu trong các kỳ bầu cử trên đất Anh.

Quan điểm của Anh về châu Âu trước sau như một: thuần kinh tế, nâng Anh lên thành thần tượng trong EC/EU. Khi tìm cách kỳ kèo để đóng góp vào ngân sách ít hơn qui định, Margaret Thatcher tuyên bố một câu bất hủ năm 1984: “I want my money back”. Khi phê phán bộ máy quyền lực EU, bà tuyên bố khiêu khích năm 1988 tại Bruges, Bỉ: “Chúng tôi sẵn sàng đối đầu chống lại một siêu quốc gia đang thực thi quyền lực thống trị mới từ Brussels[25]”. Khi tranh cử vào năm 1997, Tony Blair nói thẳng thừng về EU: “British interests first, second and last[26]”. Cho nên nói như giáo sư Roland Sturm[27] thì thật chính xác: “Quyền lợi quốc gia luôn luôn đứng hàng đầu tại Anh. Liên quan đến EU thì quyền lợi đó ròng về kinh tế. Chính sách của Anh về EU là một đường thẳng tắp, trước sau như một”.

Việc đi tìm một thế đứng riêng của Anh trong EU, phục vụ cho quyền lợi quốc gia được các lãnh đạo Anh tiến hành rất rốt ráo, không khoan nhượng và khi cần thì sẵn sàng khiêu khích đến độ khiếm nhã. Trong một vài dự án thì Anh được một số nước làm theo, vài dự án khác thì đấu một mình cho đến cuối. Tinh thần ấy dược thể hiện rõ trong vài dự án quan trọng sau đây:

UK Rebate: Anh là một nước có nền nông nghiệp nhỏ hơn các nước ở lục địa. Cho nên số tiền EC tài trợ cho nông nghiệp Anh tất nhiên cũng ít hơn nhiều. Đấy là nguyên tắc của EC/EU không tranh cãi được. Vì thế Margaret Thatcher kiếm con đường khác bằng cách đòi hỏi EC giành một đặc quyền cho Anh đóng góp ít hơn vào ngân sách. Sau bốn năm giằng co ngán ngẩm, đe dọa rút khỏi EC, và với câu nói bất hủ của Thatcher năm 1984 tại Fontainebleau: “I want my money back”, EC nhượng bộ và gia giảm cho Anh về nghĩa vụ ngân sách (gọi là UK Rebate). Tính theo thời giá năm 2000, gia giảm này có giá trị chừng 6 tỉ EURO mỗi năm. Một số tiền không nhỏ, nhưng sứt mẻ uy tín của Anh trong EU có lẽ còn lớn hơn nhiều.

Schengen: Hiệp ước Schengen năm 1985 để thực hiện tự do đi lại giữa các nước thành viên không có chữ ký của Anh. Lý do là Anh không muốn chính sách nhập cư của mình bị ràng buộc bởi hiệp ước. Nhưng khi thấy lợi ích kinh tế cho quốc gia, Anh sẵn sàng mở cửa một cách chọn lựa. Thực tế là điều đó đã xảy ra sau một thời gian ngắn. Giáo sư Roland Sturm nhận xét: “Người Anh có một hoài nghi cơ bản về những gì xuất phát từ lục địa”. Tuy thế Anh cũng đã nhanh chóng mở cửa, thí dụ đối với Ba Lan, vì lý do thực dụng[28].

Eurozone: Mặc dù tiền tệ chung là một mục tiêu quan trọng của EC được ghi trong các hiệp ước. Nước nào đã hội đủ điều kiện cần thiết thì phải gia nhập Eurozone. Anh và Đan Mạch dù hội đủ điều kiện nhưng vẫn đứng ngoài. Hơn thế nữa, Anh và Đan Mạch đòi hỏi một điều khoản miễn trừ trong hiệp ước Maastricht năm 1992 cho phép hai nước này đứng ngoài ràng buộc về tiền tệ thống nhất. Lý do Anh đứng ngoài là để duy trì chủ quyền tuyệt đối về ngân sách và chính sách kinh tế, không bị ràng buộc vào những quyết định của ngân hàng trung ương châu Âu, không cần tuân thủ những qui định ngặt nghèo về bội chi v.v… Một lý do khác là Anh sợ rằng vị trí thượng phong của London trong lĩnh vực dịch vụ tài chánh toàn cầu có thể bị lung lay khi gia nhập khối EURO.

Ngoài những đặc quyền kể trên, Quốc hội Anh cũng chưa bao giờ phê chuẩn Tuyên ngôn Xã hội (Social Charter) và Tuyên ngôn về Quyền căn bản (Charter of Fundamental Rights) vốn dĩ là hai văn kiện quan trọng của EU nhằm bảo vệ các giá trị nền tảng của châu Âu. Dưới mắt Anh, EU trước hết là một cộng đồng kinh tế, một thị trường to lớn tiêu thụ sản phẩm xuất phát từ Vương quốc Anh.

3 Nguyên tắc, động lực, mục đích, thành quả của EU

Trong suốt hai thập niên hậu chiến, cụm từ hòa bình lâu dài trên lục địa châu Âu đã là khái niệm đầu môi chót lưỡi của các vị lãnh đạo quốc gia. Nó được nhắc nhở trong nhiều bài diễn văn, nó ghi lại dấu ấn trên nhiều văn kiện, nó theo suốt quá trình thành lập cộng đồng châu Âu. Không ai chối cãi rằng nó là mục đích tối thượng, là ngọn đuốc soi đường trong mọi cố gắng tìm kiếm lời giải cho tương lai châu Âu. Mục đích tối thượng đó đã đạt được như một phép mầu, mặc dù chiến tranh, thù hận giữa các quốc gia trong nhiều thế kỷ trước đó đã khoét sâu hố ngăn cách. Nhờ chính sách hội nhập mà châu Âu – hay ít nhất là các nước Tây Âu – đã hưởng được 70 năm hòa bình trên lục địa cho đến tận hôm nay. Kể từ cuộc chiến tranh 30 năm vào thế kỷ 17 đã hủy diệt 1/2 dân số châu Âu[29], chưa bao giờ có một thời gian hòa bình lâu dài như thế trong lịch sử cận đại châu Âu. Đó là món quà vô giá của lịch sử, đủ để bù cho tất cả mọi sự hy sinh dù lớn đến đâu. Thành quả của EU trước hết là thành quả của 70 năm hòa bình đạt được, sau đó mới kể đến chuyện phồn vinh của các thành viên không ngừng được nâng cao, chính trị và xã hội ngày càng ổn định.

Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, ngày nào EU còn tồn tại, ngày đó chiến tranh giữa các thành viên khó lòng xảy ra. Điều đó chỉ có thể đạt được bền vững vì hoạt động của EU dựa trên một nguyên tắc mới mẻ được thỏa thuận lần đầu tiên trong lịch sử loài người: đấy là nguyên tắc siêu quốc gia (supranational), trong đó mỗi thành viên tham dự trao bớt chủ quyền quốc gia cho tổ chức đại diện của họ và mỗi thành viên sẽ phải tuân thủ các quyết định của tổ chức siêu quốc gia đó, bất kể quyết định đó nằm trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp hay tư pháp. Nếu như quốc gia nào – dù là lớn như Anh hoặc nhỏ như Hungary hoặc Poland – không chấp nhận hoặc miễn cưỡng chấp nhận nguyên tắc cơ bản đó, thì không sớm thì muộn, họ sẽ tự ý rút khỏi EU. Điều này cũng có thể xảy ra nay mai?

Đến đây, chúng ta thử nhìn lại lịch sử để xem đâu là những động lực quan trọng nhất trong quá trình hình thành EU. Giáo sư Dietmar Herz đã tóm tắt như sau[30]:

Động lực thứ nhất là ước muốn hòa bình lâu dài trên lục địa. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng chủ nghĩa dân tộc – như bài học Đức Quốc Xã – rõ ràng sẽ dẫn đến đổ vỡ kinh hoàng. Như thế, hòa bình lâu dài cũng có nghĩa là trước tiên phải triệt hạ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và chỉ có sáng kiến về một châu Âu thống nhất mới hy vọng đem lại hòa bình bền vững trong tương lai. Ngoài ra trong bối cảnh đe dọa của Liên Xô, Tây Âu cần một hệ thống phòng thủ để bảo vệ các giá trị chung, những giá trị về dân chủ, tự do, nhân quyền đặt trên nền tảng văn minh phương Tây. Đạo lý Cơ Đốc kết hợp với „chủ nghĩa châu Âu“ phải trở nên thành lũy vững chắc trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản.

Thứ hai, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, không một quốc gia riêng lẻ nào có đủ sức mạnh để đứng vững trong thế gọng kềm của hai siêu cường. Các nước Tây Âu đều phụ thuộc quá nặng vào Hoa Kỳ, về kinh tế cũng như về quân sự. Lại thêm phong trào giải phóng thuộc địa càng làm châu Âu suy yếu hơn. Nhất là Pháp phải đau đớn nhận thức rằng, khái niệm nước lớn (Grande Nation) không còn phù hợp với tình hình mới. Thực tế là, các thử nghiệm để tạo ra một sức mạnh châu Âu chỉ thành công rất hạn chế và nếu như châu Âu vẫn không thể trở thành “lực lượng thứ ba“ giữa hai siêu cường như họ mong muốn, thì nhận thức về cân bằng lực lượng cũng là nhân tố thôi thúc châu Âu tiến đến thống nhất.

Thứ ba, lợi thế kinh tế của một châu Âu thống nhất đóng vai trò rất quan trọng. Jean Monnet, cánh tay mặt của ngoại trưởng Pháp Robert Schuman, nhận xét: „Các nước châu Âu riêng lẻ thì quá nhỏ để có thể mang lại phồn vinh cho người dân của họ. Chúng ta cần một thị trường lớn hơn. Phồn vinh này và sự phát triển xã hội cần có tiền đề là, các nước châu Âu gắn kết với nhau trong một liên minh, qua đó tạo nên một đơn vị kinh tế thống nhất“. Với tư cách là tổng công trình sư xây dựng chính sách của Pháp, Jean Monnet chuyển từ kế hoạch thuần quốc gia sang kế hoạch tiếp cận nguồn lực và thị trường Đức. Các nước châu Âu khác cũng có động lực tương tự. Xu hướng thống nhất châu Âu đã trở nên rất rõ nét ở chính sách kinh tế vĩ mô của các nước trong thập niên 1950, gần giống như xu hướng toàn cầu hóa (globalization) trong thập niên 2000.

Thứ tư, hơn cả phồn vinh kinh tế, động lực quan trọng ngay từ đầu là „vấn đề Đức“: An ninh châu Âu sẽ như thế nào khi Đức không sớm thì muộn sẽ mạnh lên về kinh tế, chính trị và cả quân sự khi nó được tái vũ trang. Hoa Kỳ và Anh đã thấy vị trí tiền đồn chống cộng của Đức trong chiến tranh lạnh. Vai trò phòng thủ của Đức bằng sức mạnh quân sự là yêu cầu tất yếu. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi trước đây của Pháp đối với Đức về giải trừ quân bị, làm suy yếu kinh tế, chia nhỏ Tây Đức v.v… không còn được ai chấp nhận. Trên đường đi kiếm lời giải thì dường như không có chọn lựa nào khác hơn là đưa nước Đức hội nhập vào châu Âu: An ninh nhờ hợp tác. Tư duy cởi mở này được ngoại trưởng Pháp Robert Schuman tóm tắt vào mùa thu 1948 như sau: „Chúng ta có thể duy trì chính sách cổ điển. Nhưng nó không có triển vọng thành công. Hoặc chúng ta có thể thử ràng buộc kẻ thù vào những hiệp ước về quan hệ mà chúng ta cũng như họ phải tuân thủ, ít nhất là nó bảo đảm một cộng đồng lợi ích“. Và cũng chính nhờ tư duy của Schuman mà Pháp và Đức tiến sát bên nhau, từ thù địch tiến đến bạn láng giềng thân thiết, cả hai nước trở thành đầu tàu kéo các nước khác cùng hội nhập vào châu Âu thống nhất.

Nói tóm lại, những đặc trưng nổi bật của châu Âu thống nhất là: xây dựng hòa bình lâu dài, triệt thoái tư tưởng dân tộc hẹp hòi, bảo vệ các giá trị nền tảng, chuyển nhượng một phần chủ quyền quốc gia cho một tổ chức siêu quốc gia có đầy đủ thẩm quyền về chính trị, kinh tế và cả luật pháp. Kết quả tất yếu là kinh tế, xã hội và văn hóa sẽ được phát triển mạnh.

4. Vai trò, mục đích, cách hành xử của Anh trong EU

Trong vòng hai thập niên sau thế chiến II, nước Anh từ vị trí đế chế hùng mạnh nhất hoàn cầu trở thành một nước có sức mạnh trung bình và Anh dần dần rơi vào trạng thái khủng hoảng bản sắc. Khi vai trò đại cường quốc mất đi, Anh phải tìm một con đường khác để phục hồi vai trò trước đó. Đấy không phải là một bài toán dễ dàng. Họ giải bài toán ấy bằng chính sách đối ngoại dựa trên nền tảng lý thuyết ba-vòng-tròn giao thoa, trong đó khối thịnh vượng Anh là một vòng, quan hệ với hai vòng kia – Hoa Kỳ và Lục địa châu Âu – qua những hiệp ước song phương chứ không ràng buộc chủ quyền.

Trong hai thập niên 1950 và 1960, Anh trước sau vẫn giữ khoảng cách với trào lưu hội nhập châu Âu. Điều này có nhiều nguyên nhân. Giáo sư Ursula Lehmkuhl tóm tắt như sau[31]: Ngay cả sau 1945, Anh và Pháp vẫn nuôi dưỡng tư tưởng cạnh tranh quyền lực. Điều đó ngăn cản sự tham gia của Anh vào một tổ chức châu Âu mang tính chất siêu quốc gia, trong đó Pháp nắm vai trò lãnh đạo. Đồng thời, Tổng thống Pháp Charles De Gaulle cho đến thập niên 1960 vẫn còn e ngại rằng, sự hội nhập của Anh vào châu Âu có thể gia tăng ảnh hưởng của Hoa Kỳ vào lục địa và như thế làm suy yếu vị trí lãnh đạo của Pháp tại đây. Đấy là chưa kể chính sách của Anh về nước Đức cũng khác xa chính sách của Pháp. Nhưng điều quan trọng hàng đầu đã ngăn chận bước chân Anh hội nhập vào châu Âu là nguyên tắc chủ quyền trong một tổ chức siêu quốc gia. Thay vì gia nhập siêu quốc gia (Supranation) có thẩm quyền trên nhiều lĩnh vực, Anh chỉ muốn thành lập một vùng kinh tế thống nhất dựa trên nền tảng liên minh (Confederation). Nhìn một cách tổng thể, chính sách châu Âu của Anh được định hướng đến lợi thế kinh tế hơn là sáng kiến nền tảng về dự án châu Âu như là phương tiện để xây dựng hòa bình lâu dài và bảo vệ các giá trị chung[32]. Nói cho cùng thì cách hành xử nước đôi của Anh đối với châu Âu là hệ quả của một tình trạng vô cùng phức tạp, lúc bước đường hội nhập xảy ra đồng thời với quá trình dần dần tan rã của một đế chế hùng mạnh nhất hoàn cầu. Hội nhập chắc hẳn là cần thiết để nâng cao tăng trưởng kinh tế, nhưng duy trì một đế chế oai phong trong quá khứ vẫn là mối bận tâm hàng đầu của giới lãnh đạo Vương quốc Anh trong thời hậu chiến.

Dù thế nào thì toan tính của Anh trong dự án châu Âu đã đi từ sai lầm này tới sai lầm khác.

Trước hết, lý thuyết ba-vòng-tròn giao thoa tỏ ra không có cơ sở thực tế. Khối thịnh vượng chung (Commonwealth) không tạo được sức mạnh kinh tế và chính trị như Anh chờ đợi. Sản lượng kinh tế các nước thuộc địa quá nhỏ so với các nước châu Âu đang trên đà phát triển mạnh. Đa số các nước thuộc địa đều ở lại trong khối thịnh vượng chung sau khi giành được độc lập, nhưng quan hệ của họ đối với Anh là quan hệ bình đẳng chứ không phải phục tùng mẫu quốc Anh như trước. Khối thịnh vượng chung mỗi hai năm đều họp hành do Nữ Hoàng chủ tọa, nhưng chủ yếu để làm diễn đàn trao đổi ý kiến và chúc tụng lẫn nhau, chứ trong thực tế ít khi họ thỏa thuận với nhau một chính sách chung mang tầm vóc quốc tế. Nói tóm lại, khối thịnh vượng chung quá yếu để đóng vai trò đối trọng và cân bằng quyền lực trong thế kiềng-ba-chân như Anh dự kiến. Ngay cả trong nội bộ khối thịnh vượng chung, toan tính quyền lực của Anh cũng không đạt kết quả như Anh mong muốn. Vì ảo tưởng, Anh xoay trục về khối thịnh vượng chung, thay vì xây dựng lực lượng trong dự án châu Âu với các nước láng giềng. Đó là một sai lầm chiến lược về quan hệ quốc tế sau thế chiến II, nó đã dẫn Anh đến nhiều sai lầm tiếp tục trong quá trình hội nhập châu Âu. Đến hôm nay thì Vương quốc Anh đã thành một ốc đảo cô lập, không riêng gì ở châu Âu mà cả trên thương trường quốc tế.

Thứ hai, việc Anh cầm đầu bảy nước thành lập Hiệp hội Mậu dịch Tự do Châu Âu (EFTA) năm 1960 tại Stockolm để đối trọng với Công đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) thành lập năm 1957 là một tính toán sai lầm về chiến lược, mặc dù trên danh nghĩa, mọi toan tính của EFTA chỉ xoay quanh lĩnh vực thương mại. Hoạt động của EEC với cơ chế siêu quốc gia tỏ ra là hiệu quả hơn hẳn EFTA vốn dĩ hoạt động với cơ chế liên minh. Tính hiệu quả của EEC không chỉ nằm ở những quyết định quan trọng, theo đó các thành viên phải tuân thủ thi hành, mà các nước thành viên của EEC có thể nhanh chóng tối ưu hóa bộ máy quản lý ngoại thương, tạo điều kiện để nâng cao tăng trưởng kinh tế. Chúng ta thử so sánh mức tăng trưởng kinh tế của vài nước trong EEC và EFTA trong 15 năm kể từ lúc EEC được thành lập:

So sánh mức tăng trưởng bình quân hàng năm[33] các nước trong EEC và EFTA

Nước                 56-60         61-65        66-70
                           (%)            (%)            (%)                     

EEC:
Tây Đức           6,5             5,0             4,2
Ý                       5,5             5,2             6,2
Pháp                5,0             5,8             5,4
Bỉ                      2,6             5,0             4,8
Hà Lan            4,0             4,8             5,5

EFTA:
Anh                 2,6             3,1             2,5
Áo                    5,5             4,3             5,3
Đan Mạch      4,4             5,3             3,7
Thụy Điển     4,3             5,2              4,1
Thụy Sĩ          4,3             5,3              8,2

                                                                                   

Trừ Thụy Sĩ có nền kinh tế tương đối nhỏ nhưng phát triển cao, còn lại các nước trong EFTA có mức tăng trưởng thấp hơn các nước trong EEC. Tất nhiên là có nhiều nguyên nhân khác tác động, nhưng rõ ràng thị trường chung EEC với cơ chế siêu quốc gia đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao mức tăng trưởng các nước thành viên. Đặc biệt nước Anh có mức tăng trưởng tệ hại nhất so với các nước khác. Kết quả là gì? Mặc dù EFTA trên danh nghĩa vẫn còn tồn tại đến hôm nay, nhưng các thành viên đều xin gia nhập Cộng đồng Châu Âu và chấp nhận nguyên tắc siêu quốc gia mà dự án châu Âu đã đặt ra, khi Cộng đồng Than và Thép (ECSC) được thành lập năm 1951. Trong các nước mới gia nhập EC/EU sau này, có nước thì chấp nhận nguyên tắc siêu quốc gia một cách nghiêm chỉnh, một số nước khác – thí dụ Anh, Ba Lan v.v… – thì chấp nhận nó rất miễn cưỡng vì không có con đường nào khác để đạt lợi ích kinh tế.

Thứ ba, kể từ lúc trở nên thành viên của Cộng đồng Châu Âu (EC), Anh vẫn giữ cách hành xử nước đôi. Anh trước sau chỉ nhìn sự hội nhập châu Âu trên quan điểm kinh tế và đặc biệt là quan điểm thương mại. Chính sách châu Âu của Anh trước hết để phục vụ quyền lợi kinh tế quốc gia. Sáng kiến về một cộng đồng chung không đóng vai trò nào đáng kể[34]. Anh chỉ hăng hái trong lĩnh vực kinh tế và thường đóng vai trò cản trở trong các lĩnh vực khác, và họ cũng không ngần ngại sử dụng những biện pháp thiếu hòa nhã như phong tỏa hoặc phủ quyết. Anh từ trước tới sau vẫn muốn có một vai trò riêng trong EU. Những đòi hỏi bất thường như UK Rebate dưới thời Thatcher, từ chối gia nhập Schengen, đứng ngoài khối tiền tệ EURO, đòi được miễn trừ một số điều luật, dùng đề tài rút khỏi EU để tranh cử quốc hội v.v… một mặt tạo nên nghi kỵ ở các nước thành viên còn lại, mặt khác đã tạo nên một tư tưởng chống EU trong giới truyền thông Anh và một bộ phận không nhỏ trong dân chúng. Kết quả Brexit chắc hẳn cũng là hệ quả của những cuộc vận động chống EU xuất phát từ những chính trị gia có xu hướng quốc gia dân tộc trong suốt hơn 40 năm làm thành viên.

Từ tình hình thuận lợi có thể nắm giữ vai trò lãnh đạo châu Âu trong thời hậu chiến, Anh đã tự đánh mất vai trò của mình bằng sai lầm này đến sai lầm khác, nhất là những sai lầm chiến lược trong quá trình hội nhập châu Âu. Bộ mặt của Anh trong cộng đồng ngày càng bị mất dần thiện cảm.

Có thể kết luận được chăng, Brexit là một sai lầm tiếp theo những sai lầm của Anh trong quá khứ, có lẽ là sai lầm lớn nhất từ hậu chiến tới nay, và hậu quả lên nước Anh sẽ rất lâu dài. Khi bình luận về Brexit, cựu ngoại trưởng Đức Joschka Fischer nhận xét: “Chúng ta chưa quên rằng, khoảng đầu thập niên 1970, Anh đã mất hết thuộc địa trên thế giới và gắn liền với nó là nền móng quyền lực cũng sụp đổ; Để đảo ngược xu hướng kinh tế ngày càng suy thoái, Anh tất yếu phải gia nhập Cộng đồng Châu Âu năm 1973 (tiền thân của EU). Thật đáng tiếc, người Anh ít khi nhận thức đầy đủ thực tế đó[35]

5. Kết luận

Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, EU đã tạo nên những thành quả trước đây chưa hề có. Riêng với Anh, dù tham gia chậm hơn các nước khác, nhưng với tính cách là một trong ba nền kinh tế lớn nhất, họ đã có những đóng góp lớn trong việc phát triển kinh tế châu Âu. Brexit rõ ràng là một nỗi buồn chung. Không ai hưởng lợi trong quyết định này. Cả hai bên đều thua thiệt, nhưng ai thiệt hại nhiều hơn, điều đó chúng ta cần phân tích thêm, và chờ xem kết quả đàm phán. Châu Âu sẽ sụp đổ vì Brexit? Chắc chắn là không. Đế chế Anh sẽ vĩnh viễn tan rã khi các vùng đất Scotland và Bắc Ái Nhĩ Lan tách khỏi Vương quốc? Điều đó có thể xảy ra, nếu kết quả đàm phán không làm cho người dân Scotland và Bắc Ái Nhĩ Lan hài lòng. Trong một dịp khác, chúng ta cần đi sâu hơn để lý giải hai câu hỏi đã nêu ở trên.

Dù sao thì trong một cuộc hôn nhân cưỡng ép, hoặc khi một bên đồng thuận một cách miễn cưỡng, thì ly dị có thể là lời giải mang lại hạnh phúc cho cả đôi bên. Dường như các nhà lãnh đạo EU hiểu thấu cái logic đó.

Một thời gian ngắn sau cú sốc Brexit vào tháng 6.2016, các nhà lãnh đạo EU trở nên bình thản hơn, thí dụ như Chủ tịch Hội đồng, Donald Tusk: „Châu Âu sẵn sàng bắt đầu dàn xếp quá trình từ giã nước Anh[36]“. Hoặc như Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội châu Âu, Elmar Brok: „Nước Anh chỉ còn là một ốc đảo cô lập trên Đại Tây Dương[37]“.

Có quá nhiều khác biệt căn cơ giữa Anh và các nước khác. EU xem hòa bình vĩnh cửu và giá trị châu Âu làm mục đích tối thượng, trong lúc Anh đưa lợi thế kinh tế quốc gia lên hàng đầu. EU lấy tinh thần san sẻ chủ quyền làm nguyên tắc chủ đạo để hoạt động, trong lúc Anh ngay từ đầu đã bác bỏ nguyên tắc đó. Ngay cả sau khi gia nhập cộng đồng, Anh chỉ tán đồng những chính sách của EU khi thấy qua đó có thể đạt lợi ích kinh tế. Hơn thế nữa, Anh luôn luôn kỳ kèo cho bằng được những đặc quyền riêng. Ngoài ra, chúng ta cũng không quên rằng, động lực thúc đẩy dự án châu Âu là quyết tâm đẩy lùi chủ nghĩa dân tộc vốn dĩ là nguồn gốc của mọi cuộc chiến tranh trong quá khứ, mà gần đây nhất là hai cuộc thế chiến. Tại Anh, với sự trổi dậy của những gương mặt dân túy như Nigel Farage (đảng UK Independence Party) hoặc Boris Johnson (đảng bảo thủ), mâu thuẩn giữa Anh và EU ngày càng tồi tệ thêm.

Trong bối cảnh đó, Brexit là một sự kiện tất yếu! Ngay cả sau này, nếu một vài nước khác có xu hướng dân tộc hẹp hòi sẽ rút khỏi EU, điều đó cũng không có gì để ngạc nhiên. Khi chủ nghĩa dân tộc chiếm thượng phong, mọi tổ chức siêu quốc gia đều trở thành đối tượng để nó tấn công. Huống hồ, ý định của Anh lúc nộp đơn xin vào EEC năm 1961 và Brexit năm 2017 không khác gì nhiều. Anh trước sau chỉ muốn tiếp cận vào thị trường chung châu Âu, ngoài ra thì đối với các mục tiêu khác và giá trị nền tảng khác của EU, Anh chưa hề quan tâm, sẽ hạ hồi phân giải. Ấy thế mà giữ được 40 năm không tan vỡ đã là một chuyện thần kỳ. Giải quyết tốt đẹp các cuộc thương thuyết về Brexit, EU sẽ bớt đi một yếu tố nhiễu loạn trên quá trình phát triển trong tương lai[38]. Các nước còn tinh thần quốc gia dân tộc trong EU mất một chỗ dựa khi đưa ra yêu sách.

Tuy thế, nhân chuyện Brexit và nhìn EU một cách phê phán thì EU cần cải cách sâu rộng mới tránh được những quấy rầy tiếp tục từ các trào lưu dân túy vốn dĩ thời buổi nào cũng còn tồn tại và nó chỉ đợi lúc tâm lý xã hội rối loạn sẽ trổi dậy trở lại. Trước mắt, nếu Pháp và Đức có thể thống nhất ý kiến về những vấn đề quan trọng trong đường lối và cơ cấu tổ chức của EU trong tương lai, thì họ có thể nắm lại vai trò đầu tàu để đưa EU vào một cuộc cải cách sâu rộng và cần thiết, làm cho EU dân chủ hơn, hoạt động hiệu quả hơn, cộng đồng bình đẳng hơn giữa các nước mạnh và yếu. Phải chăng, Brexit có thể được xem là một xung lực bất ngờ, một may mắn lịch sử để EU tiến hành cải cách sâu rộng, thực hiện trọn vẹn chức năng từ đầu của nó, „chấm dứt cảnh bạo tàn trung cổ“ trên lục địa châu Âu, xây dựng một “gia đình các dân tộc” bình đẳng, một „quê hương rộng lớn với những quyền công dân như nhau”. Cuộc cải cách này sẽ đòi hỏi các nước thành viên chấp nhận việc mở rộng chủ quyền cho EU trong vài lĩnh vực quan trọng khác. Một cuộc cải cách như thế, nếu còn có Anh trong EU, chắc hẳn sẽ khó khăn hơn nhiều, sẽ kéo dài lâu hơn, thậm chí sẽ dằng dai không bao giờ dứt.

Với Brexit, Anh sẽ mất dần ảnh hưởng trong khu vực và cả toàn cầu. Toan tính của Theresa May lúc mới nắm quyền vào tháng 6.2016 là liên kết với các thế lực chống EU để tạo nên một đối trọng quyền lực. Sự thất bại của Marine Le Pen ở Pháp, của Geert Wilders ở Hà Lan, cũng như thái độ ỡm ờ của Donald Trump về quan hệ kinh tế với Anh chứng tỏ rằng kế hoạch của Theresa May đã thất bại, giống như sự thất bại của vị Thủ tướng tiền nhiệm Harold Macmillan trong dự án EFTA năm 1960. Cách tiếp cận của Theresa May chỉ làm cho quan hệ với EU càng xấu hơn. Kết quả thương thuyết về Brexit mang lại thiệt hại nhiều hay ít cho cả hai bên, điều đó tùy thuộc khá nhiều vào cách hành xử khôn khéo hay vụng về của các đoàn đàm phán.

Chúng ta mong rằng, hai bên tìm được một cuộc chia tay hòa bình, hữu nghị trên cơ sở thỏa hiệp, có qua có lại. Với một đế chế đã sụp đổ, cũng không nên làm cho bộ mặt bên ngoài của nó tồi tệ hơn. Vả lại, chúng ta cũng đừng quên rằng chỉ có 52% dân Anh bầu cho Brexit, trong đó đa số là những người dân rất bình thường có những lo âu hàng ngày rất bình thường là kinh tế địa phương suy thoái, là chênh lệch giàu nghèo trong xã hội, là mất tự chủ trong một số vấn đề của quốc gia, là người nhập cư đến làm xáo trộn xã hội v.v… Đúng hay sai, chúng ta không bàn ở đây, nhưng rõ ràng những lo âu đó đã bị các chính khách dân túy sử dụng thành khẩu hiệu chính trị để phục vụ cho toan tính về quyền lực. Chẳng lẽ vì một thiểu số chính khách đó mà cả dân tộc Anh phải bị trừng phạt?

Toan tính của Anh về Brexit là tiếp cận vô giới hạn vào thị trường chung, nhưng đứng ngoài mọi ràng buộc khác. Điều đó thì các lãnh đạo EU đã phát biểu minh bạch: Anh sẽ không bao giờ đạt được. Tuy nhiên, như trên đã nói, cuộc ly dị Brexit này có thể là một lời giải mang lại hạnh phúc lâu dài cho hai bên, cho nên các nhà lãnh đạo EU một mặt cần tìm lời giải thỏa hiệp, mặt khác phải đứng vững trên những nguyên lý nền tảng đã hình thành nên tổ chức EU, đấy là hòa bình vĩnh cửu, là giá trị châu Âu. Nước Anh không còn là một Great Nation[39] có sức mạnh áp đảo như thế kỷ trước để EU phải quị lụy xuống nước. Nếu chỉ vì lợi ích kinh tế hoặc để làm vừa lòng một anh bạn láng giềng khó tính, mà EU phải nhượng bộ về các giá trị nền tảng, thì thiệt hại tinh thần về lâu dài sẽ lớn gấp bội. Trong trường hợp đó, họ không còn xứng đáng là đại diện cho công dân châu Âu. Đấy là chưa kể một khả năng khác: Liên hiệp châu Âu tự nó sẽ tan rã.

(Để biết thêm chi tiết về quá trình thành lập EU, độc giả có thể tham khảo sách của cùng tác giả: „Thần Kỳ Kinh Tế Tây Đức giai đoạn 1949-1969. Lịch sử – Lý thuyết – Chính sách“ do Phương Nam phát hành)

Ghi chú

[1] Xem Zeit Online ngày 15.8.2017 – Grossbritannien will temporäre Zollunion mit der EU (Anh muốn một cộng đồng hải quan tạm thời với châu Âu)

[2] Xem TheGuardian Online ngày 5.9.2017 – Leaked document reveals UK Brexit plan to deter EU immigrants.

[3] Theresa May đề nghị một nghĩa vụ tài chánh 20 tỉ EURO. Quan chức EU thì phản bác rằng 20 tỉ chỉ là số tiền thành viên EU mà Anh phải đóng trong hai năm để được tiếp cận thị trường chung, chứ chưa nói gì đến nghĩa vụ tài chánh của Anh, được ước tính là 60-100 tì EURO.

[4] Xem Spiegel Online 16.9.2017 – Boris Johnson legt Brexit-Vision vor.

[5] Xem Markus Becker – Brüssel schmettert Londons Irland-Plan ab, Spiegel Online8.9.2017 (Brussels khước từ giải pháp của London về Ái Nhĩ Lan).

[6] Xem trang 7, Otto Schlecht – Motive und Leitbilder der europäischen Einigung (Động cơ và biểu tượng của việc thống nhất châu Âu)

[7] Xem toàn văn tại http://www.cfr.org của Council on Foreign Relations –  Churchill’s “United States of Europe” Speech.

[8] Winston Churchill dùng thuật ngữ United States of Europe tương tự như Hiệp Chủng Quốc Mỹ (United States of America).

[9] Winston Churchill là vị anh hùng vĩ đại của nước Anh, là thần tượng của châu Âu tự do, nhưng trong chính sách thuộc địa, ông là người không hề khoan nhượng với các phong trào đòi độc lập. Đấy là mặt trái của Winston Churchill mà sách vở phương Tây ít nói đến.

[10] Xem Ursula Lehmkuhl – Grossbritanien zwischen Empire und Europa (Vương quốc Anh giữa đế chế và châu Âu), trang mạng http://www.bpb.de (Trung tâm giáo dục chính trị liên bang Đức). Bà Ursula Lehmkuhl là nhà sử học tiếng tăm, giáo sư đại học Erfurt và Berlin, Viện phó Viện Đại học Tự do Berlin.

[11] Robert Schuman, Declaration of 9th May 1950, Robert-Schuman-Stiftung

[12] ECSC: European Coal and Steel Community

[13] Xem trang 28-29, Dietmar Herz – Die Europäische Union (Liên hiệp Châu Âu), ISBN 3-596-14247-4

[14] EEC: European Economic Community

[15] EAEC: European Atomic Energy Community, thường được gọi tóm tắt là Euratom

[16] Xem §2, Hiệp ước EEC

[17] Xem trang 34, Dietmar Herz – Die Europäische Union (Liên hiệp Châu Âu), ISBN 3-596-14247-4

[18] EFTA: European Free Trade Association

[19] EC: European Communities

[20] OEEC: Organisation for European Economic Coorporation

[21] Xem Ursula Lehmkuhl – Von EFTA bis EU (http://www.bpb.de)

[22] SPD: Sozialdemokratische Partei Deutschlands (Đảng Dân chủ Xã hội)

[23] CDU: Christlich Demokratische Union (Đảng Dân chủ Cơ Đốc)

[24] Xem Thomas Kielinger – 1975 waren die Briten noch überzeugte Europäer (Năm 1975, người Anh còn là những người châu Âu xác tín). WELT Online N24, ngày 6.6.2015.

[25] Xem James Kirkup – Margaret Thatcher: Conflict over Europe led to final battle. The Telegraph Online ngày 8.4.2013. Thuật ngữ siêu quốc gia (Superstate) ở đây bao hàm hai nghĩa: vừa là bộ máy quyền lực EU, vừa ám chỉ hai nước Pháp và Đức đang chiếm vai trò thượng phong.

[26] Xem Maike Freund và Jessica Schwarzer – Die Britische Diva (Thần tượng Vương quốc Anh). Handelsblatt Online ngày 12.12.2011

[27] Roland Sturm: giáo sư khoa học chính trị đại học Erlangen.

[28] Xem Maike Freund – Die Britische Diva. Handelsblatt Online

[29] Cuộc chiến 30 năm (Thirty Years’ War) từ 1618 đến 1648, đi kèm với bịnh dịch có một không hai đã biến vùng đất châu Âu thành bình địa. Có nhiều vùng ở Nam Âu chỉ còn lại 1/3 dân số. Nhiều vùng khác phải cần 100 năm sau mới phục hồi tình trạng kinh tế xã hội trước chiến tranh.

[30] Xem trang 24-27, Dietmar Herz – Die Europäische Union (Liên hiệp Châu Âu), ISBN 3-596-14247-4

[31] Xem Ursula Lehmkuhl – Grossbritanien zwischen Empire und Europa (http://www.bpb.de)

[32] Giá trị đó là dân chủ, tự do, tinh thần nhân bản và văn hóa truyền thống châu Âu

[33] Xem số liệu trang 232, Dieter Grosser – Soziale Marktwirtschaft. Geschichte – Konzept – Leistung (Kinh tế thị trường xã hội: Lịch sử – Khái niệm – Hiệu suất) – ISBN 31-7010-004-1

[34] Xem Ursula Lehmkuhl – Grossbritanien in den Europäischen Gemeinschaften (www.bpb.de)

[35] Xem Joschka Fischer – Brexit to Nowhere? Project-Syndicate.Org ngày 4.7.2017

[36] Xem Zeit Online ngày 28.6.2016

[37] Xem FOCUS Online ngày 24.6.2016

[38] Xin độc giả đọc câu trên với sự dè dặt cần thiết: Chúng ta chưa có cơ hội bàn về các lĩnh vực rất quan trọng là quốc phòng, hệ thống phòng thủ chung châu Âu, vũ khí hạt nhân. Vai trò của Anh trong các lĩnh vực này rất quan trọng, không thể thiếu được.

[39] Thuật ngữ bà Theresa May sử dụng nhiều lần trong các bài diễn văn ở ngoại quốc

Tôn Thất Thông gửi đăng

©Vietinfo.eu

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo