Sự kiện

Năm 1945: Cướp chính quyền và thay quyền dân

Cập nhật lúc 01-09-2018 04:43:32 (GMT+1)
Luật sư Trần Thanh Hiệp từng là thành viên phái đoàn chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tại Hòa đàm Paris 1973 và Luật sư tại Tòa Th

 

Nhân kỷ niệm cuộc Cách mạng Tháng Tám và ngày 2/9 ở Việt Nam năm nay, BBC Tiếng Việt giới thiệu các ý kiến khác nhau về giai đoạn lịch sử này.


Ông Trần Thanh Hiệp, cựu luật sư Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn trước 30/4/1975 nói với BBC Tiếng Việt từ Paris về điều ông gọi là thiếu tính chính danh của hành động 'cướp chính quyền' năm 1945.

Thực sự ra khi thay đổi, ai hay tổ chức nào mà có lực lượng, có sáng kiến thì có thể cướp được chính quyền, nhưng mà sau khi cướp chính quyền rồi thì phải bình thường hóa sự cướp chính quyền ấy bằng việc để cho tất cả nhân dân tham gia vào việc quản trị đất nướcLuật sư Trần Thanh Hiệp

Còn ông Hoàng Cơ Lân, một nhân chứng từng là cựu học sinh có mặt tại cuộc mít-tinh đã 'bị cướp diễn đàn' hôm 19/8/1945 ở Hà Nội, bình luận về biến cố của cuộc cách mạng, vai trò của Cựu Hoàng Bảo Đại và chính quyền của Thủ tướng Trần Trọng Kim.

Ngoài ra là ý kiến về lịch sử chính thống hiện nay tại Việt Nam nói về đất Cách mạng tháng Tám 1945 như thời điểm 'nước Việt Nam đã bước sang một trang mới trong lịch sử hào hùng của toàn dân tộc'.

Cướp chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim

"Tôi tuy quê ở Hà Tĩnh, nhưng hồi đó tôi học ở Hà Nội," ông Trần Thanh Hiệp, cựu Luật sư Tòa Thượng thẩm Sài Gòn nhớ lại.

Cựu Hoàng Bảo Đại

Cựu Hoàng Bảo Đại (1913-1997) là Hoàng đế đời thứ 13 và cuối cùng của Triều đình Nguyễn ở Việt Nam, lên ngôi và trị vì từ năm 1925-1945.

"Tôi nhớ là nhân có một cuộc biểu tình do công chức, dân chúng tổ chức để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, thì trong cuộc biểu tình ấy Việt Minh cướp cờ nổi lên và giành lấy như là cuộc biểu tình của Việt Minh để mà làm cuộc Cách mạng tháng Tám. Nhưng mà thực sự ra không có cách mạng gì cả, mà chỉ là một sự cướp chính quyền thôi."

Và Luật sư Hiệp, người có nhiều năm sau 1975 làm luật sư ở cả Tòa Thượng Thẩm tại Paris, giải thích thêm quan điểm của mình với BBC hôm 29/8/2018:

"Đối với tôi đó là một hành động cướp chính quyền chứ không phải là cái mà người ta gọi là Cách mạng tháng Tám vì không có gì thay đổi, cách mạng cả, chỉ có cướp quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim để mà Đảng Cộng sản dưới tên gọi là Mặt trận Việt Minh hay Việt Nam Mặt trận Đồng minh, cướp lấy chính quyền..."

Cho đến năm 1975 cũng vẫn không trả lại cho dân chúng để bình thường hóa việc cho dân chúng tham gia vào việc quản trị đất nước, thì đó chỉ là mở rộng phạm vi chính quyền đã cướp được để cho chính quyền đó có tính chất cả nước, chứ không thể gọi là thống nhất, mà cũng không thể gọi là giải phóng đượcLuật sư Trần Thanh Hiệp

"Thực sự ra khi thay đổi, ai hay tổ chức nào mà có lực lượng, có sáng kiến thì có thể cướp được chính quyền, nhưng mà sau khi cướp chính quyền rồi thì phải bình thường hóa sự cướp chính quyền ấy bằng việc để cho tất cả nhân dân tham gia vào việc quản trị đất nước.

"Nhưng ở đây, Đảng Cộng sản Việt Nam khi cướp chính quyền thì giữ luôn chính quyền cho riêng mình và giành lấy độc quyền, rồi từ đó đến nay mở ra đường lối toàn trị. Thành ra Đảng Cộng sản tự cho mình quyền thay dân chúng để sử dụng chủ quyền quốc gia.

"Vì thế cho nên không thể nào coi là có tính chính đáng hay là theo từ ngữ cũ gọi là tính chính thống (legitimacy). Tôi cho rằng Đảng Cộng sản tự phong cho mình quyền thay dân chúng, chứ không trả lại cho dân chúng để bình thường hóa việc cướp chính quyền."

Bác sỹ, cựu Đại tá Hoàng Cơ Lân

Bác sỹ Hoàng Cơ Lân (phải) nói với phóng viên BBC Tiếng Việt, Quốc Phương (trái) rằng ông có mặt tại cuộc mít-tinh ở Nhà hát lớn Hà Nội hôm 19/8/1945

"Nhưng mà không có Cách mạng Tháng Tám mà chỉ có cướp chính quyền không, mà cướp chính quyền rồi cho đến năm 1975 cũng vẫn không trả lại cho dân chúng để bình thường hóa việc cho dân chúng tham gia vào việc quản trị đất nước, thì đó chỉ là mở rộng phạm vi chính quyền đã cướp được để cho chính quyền đó có tính chất cả nước, chứ không thể gọi là thống nhất, mà cũng không thể gọi là giải phóng được."

Số phận đất nước và tích tắc lịch sử

Nhớ lại biến cố Cách mạng Tháng Tám 73 năm về trước, một nhân chứng có mặt tại cuộc mít tinh ở Nhà hát lớn Hà Nội hôm 19/8/1945, Bác sỹ Hoàng Cơ Lân, cựu Đại tá, Y sỹ trưởng thuộc Binh chủng Nhảy dù, quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nói:

Không có Việt Minh, tôi thấy Việt Nam khá hơn nhiều, mà sẽ được chỉ huy bởi những người có đức độ như ông Trần Trọng Kim, cụ Vũ Ngọc Anh, tất cả những người đó toàn là những người có học, những người ái quốc, mà nhất là họ thực sự yêu nước, dù họ thiếu kinh nghiệm chỉ huyBác sỹ, cựu Đại tá Hoàng Cơ Lân

"Hồi đó tôi hơn 13 tuổi, tôi sinh tại Hà Nội năm 1932, bố tôi là bác sỹ nha khoa, gia đình tôi quê ở làng Đông Ngạc, Vẽ, một làng nổi tiếng ở ngoài Bắc, một làng nhiều khoa bảng, chúng tôi là dân Bắc chính cống, gia đình có nhiều người học thức, biết nhiều.

"Bây giờ tôi nghĩ lại, nhiều khi quyết định, số phận của một nước, của một người hay là của một gia đình chỉ ăn thua trong một tích-tắc thôi.

"Theo ý tôi, ông Hoàng Đế Bảo Đại yếu quá, không có được huấn luyện để chỉ huy một nước. Trong lúc mà Đảng Việt Minh, Cộng sản, như chúng ta đã biết, tất cả các đảng Cộng sản đều nói để mọi người tưởng là họ giỏi, để họ mạnh.

"Ông Bảo Đại, giá như là một người biết người, biết của, theo ý tôi, thì ông đã nhờ quân đội Nhật giữ an ninh trật tự, không phải như vậy là nhờ quân đội Nhật mà họ sẽ đô hộ mình, vì họ vừa mới đánh Tây (Pháp) xong, rồi họ thua Đồng minh, họ đã nhận được lệnh của quân đội Đồng minh là gìn giữ trật tự tại Đông Dương.

Tiền

Một hình tiền năm 1953 với hình cựu hoàng Bảo Đại

"Họ hỏi ông Bảo Đại, ông Bảo Đại chối, không hiểu tại sao, rồi ông Bảo Đại đầu hàng Đảng Cộng sản, rồi ông ra ngoài Bắc. Về vấn đề ông Trần Trọng Kim, ông mới làm việc được mấy tháng thì không biết là ông giỏi hay không giỏi, nhưng tôi tin rằng ông Trần Trọng Kim với những Bộ trưởng như ông Bộ trưởng Y tế lúc đó là cụ Vũ Ngọc Anh, là bố của Y sỹ Thiếu tướng Vũ Ngọc Hoàn, người sau này chỉ huy ngành quân y của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, toàn là những người khí khái, toàn là những người có học.

"Có thể họ hơi thiếu kinh nghiệm về chỉ huy, về chính trị, nhưng giá thời đó cứ để cho họ làm việc, cứ để cho Nhật, nói thẳng ra là khi nào cần, thì phải nhờ họ, hơn nữa Nhật Bản đâu có tham vọng chỉ huy, đô hộ Việt Nam đâu, họ chỉ nhận lệnh của đồng minh Anh, Mỹ là họ gìn giữ, bảo vệ an ninh trật tự cho Đông Dương và Việt Nam, thì trong mấy tháng đó, Chính phủ của ông Trần Trọng Kim thừa sức để làm việc để chấn chỉnh lại nội bộ của nước Việt Nam, nhất là sau nạn đói 1945."

Những người cộng sản đã không tôn trọng lời cam kết của mình và quay lại, không để cho dân chúng được tổ chức dân chủ như là Cựu Hoàng Bảo Đại muốn, cho nên theo tôi 'Chiếu Thoái Vị' của Bảo Đại có một giá trị là thiết lập điều kiện thoái vị để thiết lập dân chủ, mà điều kiện đó không được thi hànhLuật sư Trần Thanh Hiệp

Trả lời câu hỏi có thể có một chính thể nào có thể thay thế được Việt Minh khi đó, bác sỹ Hoàng Cơ Lân nói với BBC Tiếng Việt hôm 25/8 từ Paris:

"Tôi thấy có chứ, không có Việt Minh, tôi thấy Việt Nam khá hơn nhiều, mà sẽ được chỉ huy bởi những người có đức độ như ông Trần Trọng Kim, cụ Vũ Ngọc Anh, tất cả những người đó toàn là những người có học, những người ái quốc, mà nhất là họ thực sự yêu nước, dù họ thiếu kinh nghiệm chỉ huy. Nếu trời thương Việt Nam, ông Bảo Đại ông biết chỉ huy, thì đất nước có lẽ không đến nỗi như bây giờ.

"Tôi nhiều lúc hơi khắt khe với ông Hoàng Đế Bảo Đại, nhưng theo ý tôi lịch sử là lịch sử, mình phải nói, quy trách nhiệm ông Vua Bảo Đại, ông mang một trách nhiệm rất lớn trong việc suy sụp của nước Việt Nam sau đó và đưa đến chiến tranh tàn khốc cho đến bây giờ, vì có lẽ cũng không phải tại lỗi của ông ấy, nhưng ông đã không có đủ tư cách, phong độ để làm Vua một nước trong thời loạn ly. Có lẽ số của đất nước như vậy, tôi không biết nói gì hơn..."

Luật sư Trần Thanh Hiệp (trái)

Luật sư Trần Thanh Hiệp (trái) nêu quan điểm về tính chính thống hay tính chính danh của chính quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo kể từ Cách mạng tháng Tám đến nay.

Vấn đề nêu ra trong Chiếu Thoái Vị

Cũng về Cựu Hoàng Bảo Đại, Luật sư Trần Thanh Hiệp nêu quan điểm:

"Tôi thấy nhiều người không đọc kỹ và không hiểu được giá trị của 'Chiếu Thoái Vị' của Cựu Hoàng Bảo Đại. Khi thoái vị, Cựu Hoàng đã nói rõ rằng ông tự ý chấm dứt Đế chế để cho dân chúng được tự do và mong muốn rằng những người muốn cho ông thoái vị, yêu cầu ông thoái vị phải nắm vững được điều này.

Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình hôm 02/9/1945 khai sinh chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

"Và khi đọc 'Chiếu Thoái Vị' và ông nói rằng 'thà được làm công dân một nước tự do, độc lập, còn hơn làm Vua một nước nô lệ', thì ông đã thoái vị để cho dân chúng cũng được tự do để thành lập dân chủ, thì ông cũng hỏi hai người trong phái đoàn yêu cầu ông thoái vị là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận rằng các ông đó có chấp nhận điều kiện đó không, thì hai người nói chấp nhận...

"Vậy thì chính những người cộng sản đã không tôn trọng lời cam kết của mình và quay lại, không để cho dân chúng được tổ chức dân chủ như là Cựu Hoàng Bảo Đại muốn, cho nên theo tôi 'Chiếu Thoái Vị' của Bảo Đại có một giá trị là thiết lập điều kiện thoái vị để thiết lập dân chủ, mà điều kiện đó không được thi hành.

"Thì điểm này bây giờ người ta ít người biết đến, tôi nghĩ cần phải nhắc lại, nhấn mạnh để cho mọi người hiểu rõ rằng Vua Bảo Đại thoái vị, chấm dứt Đế chế là chỉ để xây dựng dân chủ mà Đảng Cộng sản đã cam kết tôn trọng điều đó nhưng rút cuộc đã 'phản bội' lại lời cam kết của mình và coi lời cam kết của mình như không có. Tức là nói mà không giữ lời hứa."

Khi được đề nghị cho biết về tính xác thực của những nhận định và quan sát trên, cựu Luật sư hành nghề tại Tòa thượng thẩm Sài Gòn và Tòa Thượng thẩm Paris trước và sau 30/4/1975 nói:

"Đó là chuyện lịch sử đã xảy ra và trong cuốn 'Con Rồng Việt Nam', thì ông Bảo Đại có nói lại chuyện đó. Theo tôi được biết không có văn bản [bàn giao] mà chỉ có những lời trao đổi bằng miệng, nhưng giá trị của điều đó, theo tôi theo truyền thống của Việt Nam thì không có thể nào mất giá trị được."

'Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc'

Trong dịp 73 năm đánh dấu Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tại Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, trong một bài báo hôm 30/8/2018 đưa tin Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chủ trì chiêu đãi quốc tế, dẫn phát biểu của ông Nguyễn Xuân Phúc, nói:

"Nhắc lại những ngày thu hào hùng cách mạng của Hà Nội từ 73 năm trước, Thủ tướng nêu rõ: Ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại kính yêu của nhân dân Việt Nam đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Nam Bộ kháng chiến

Nam Bộ kháng chiến chống Pháp 1945-46: Hình quân Pháp được quân Anh thả tự do từ tháng 9/1945 trở lại bắt thanh niên Việt Nam

"Từ thời khắc lịch sử thiêng liêng của "màu cờ thu năm ấy", đất nước Việt Nam đã bước sang một trang mới trong lịch sử hào hùng của toàn dân tộc.

"Thủ tướng khẳng định, trong hơn bảy thập kỷ qua, "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" luôn là khát vọng cháy bỏng và là nguồn động lực to lớn để muôn người dân Việt Nam vượt qua khó khăn, gian khổ, tay nắm tay, cùng nhau tiến bước dưới cờ đỏ sao vàng phấn đấu vì nền độc lập dân tộc, vì sự phát triển thịnh vượng phồn vinh, vì hạnh phúc của muôn nhà, góp phần cho hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới," Tạp chí Cộng sản dẫn lời Thủ tướng Việt Nam.

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo