Sự kiện

Liên Xô cũng từng trưng cầu dân ý rồi tan rã

Cập nhật lúc 06-10-2017 04:34:09 (GMT+1)
Phái ủng hộ đoàn kết quốc gia cũng xuống đường ở Tây Ban Nha

 

Cuộc trưng cầu dân ý tại Catalonia nhanh chóng tạo ra khủng hoảng "lớn hơn cả Brexit" cho Liên hiệp châu Âu, theo lời dân biểu Nghị viện EU, Philippe Lamberts.


Dù bị tòa án Tây Ban Nha coi là bất hợp pháp và chỉ có chừng 43% trong số trên 5 triệu cử tri Catalonia tham gia, cuộc bỏ phiếu hôm 01/10 vẫn đang tạo tiền đề cho Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập.

 Bạo lực trong ngày Catalonia trưng cầu dân ý về độc lập

Trong câu chuyện có nhiều vấn đề nội bộ Tây Ban Nha: các đảng phái, chính quyền địa phương Catalonia đã bất bình và khiếu nại lên Madrid từ 2006 vì thay đổi trong luật tự trị cho vùng này, và trưng cầu dân ý vừa qua có vẻ là "giọt nước tràn ly".

Nếu các đảng Catalonia làm theo đúng nghị trình là tuyên bố độc lập vào ngày 09/10 năm nay, Tây Ban Nha, nước đông dân thứ 5 trong EU hiện nay (sau Đức, Pháp, Anh, Ý) sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có.

Đầu tiên, ta hãy xem thể thức trưng cầu dân ý có mặt hay và dở ra sao.

Về nguyên tắc, đây là thể thức dân chủ trực tiếp nhất để số đông nhất cử tri nêu ý kiến về các vấn đề trọng đại của quốc gia.

Catalonia

Phái ủng hộ độc lập cho Catalonia

Nhưng câu trả lời 'Có hoặc Không' lại là "một đi không trở lại" nên trưng cầu dân ý thường tạo thay đổi chính trị rất sâu sắc.

Trưng cầu dân ý liên tiếp ở châu Âu mấy năm qua, như Scotland (2014), Brexit (2016), có vẻ như tạo ra một làn sóng mà vụ ở Catalonia là mới nhất.

Trên thế giới, đây không phải là vấn đề của riêng EU hay Tây Âu.

Katy Collin vừa viết trên trang của Viện Brookings ở Hoa Kỳ rằng trưng cầu dân ý là "biểu hiện của các cuộc xung đột bị đóng băng, từ Transneistria ở Moldova tới Abkhazia ở Georgia, cho đến Somaliland ở Somalia".

Vài thập niên trước, châu Âu đã chứng kiến một loạt cuộc trưng cầu dân ý ở Liên Xô cũ và Liên bang Nam Tư dẫn tới tan vỡ thể chế liên bang.

Trưng cầu dân ý ở Liên Xô

Liên Xô phải mở trưng cầu dân ý ngày 17/03/1991 khi đã gặp khủng hoảng về thể chế vì thành viên chủ chốt là Nga đơn phương tuyên bố độc lập vào tháng 6/1990.

Các nước to nhất thuộc Liên Xô là Ukraine, Belarus, Kazakhstan đều có các vấn đề khác nhau, và ba cộng hòa Baltic cũng muốn đặt lại vị trí của mình.

Để chống lại trào lưu dân tộc chủ nghĩa, cuộc trưng cầu dân ý duy nhất trong lịch sử Liên Xô có câu hỏi:

Nước Nga

Ảnh biểu tình hồi niệm chủ nghĩa cộng sản ở Nga

"Bạn có thấy là cần thiết việc duy trì Liên bang CHXHCN Xô Viết như một thể chế liên bang đổi mới gồm các nước cộng hòa bình đẳng nhằm đảm bảo quyền tự do của từng cá nhân, bất kể dân tộc nào?"

Chừng 113 triệu cử tri đã đồng ý như vậy nhưng xu thế ly khai không giảm đi.

Trên thực tế, sau khi Nga tách ra dưới quyền của Bí thư Đảng Cộng sản Nga đầy tham vọng Boris Yeltsin, Liên Xô chỉ còn tồn tại ở 14 nước còn lại.

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Mikhail Gorbachev có vị thế ngày càng suy yếu.

Bạn có thấy là cần thiết việc duy trì Liên bang CHXHCN Xô Viết như một thể chế liên bang đổi mới gồm các nước cộng hòa bình đẳng nhằm đảm bảo quyền tự do của từng cá nhân, bất kể dân tộc nào?

Câu hỏi trưng cầu dân ý Liên Xô

Cuộc đảo chính của phe bảo thủ trong quân đội và an ninh Liên Xô vào tháng 8/1991 dù không thành đã đánh tan chút uy tín cuối cùng của chế độ Liên bang.

Ngày 26/12/1991, lãnh đạo ba cộng hòa là Nga, Ukraine và Belarus đồng lòng tuyên bố giải tán Liên Xô.

Họ chỉ thừa nhận thực tế sau cuộc đảo chính tháng 8 là có hai cơ quan duy nhất của Liên Xô còn tồn tại: Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Toàn thể các cơ chế chính quyền khác, kể cả các phân bộ của đảng cộng sản, đã được 15 nước cộng hòa tiếp quản.

Nam Tư được mùa trưng cầu dân ý

Cùng thời gian Liên Xô tan rã, một loạt cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra chỉ trong năm 1991 ở Nam Tư.

Đầu tiên là người Croatia bỏ phiếu vào tháng 5/1991 giành độc lập.

Sau đó Kosovo cũng trưng cầu dân ý vào tháng 9 để tách khỏi Nam Tư.

Sang tháng 11 có trưng cầu dân ý "ngược chiều", không phải để tách ra mà để giữ gìn Nam Tư.

Đó là trưng cầu dân ý của người thiểu số Serbia sống ở Bosnia, muốn ở lại Nam Tư cùng Cộng hòa Serbia.

Câu hỏi cho họ là:

Bạn có đồng ý với nghị quyết của Hội đồng dân tộc Serbia tại Cộng hòa Bosnia-Hercegovina rằng cộng đồng Serbia ở lại quốc gia Nam Tư cùng các dân tộc khác ở Serbia, Montenegro, Krajina, Slavonija, Baranja...?

Câu hỏi trưng cầu dân ý cho người Serbia ở Bosnia

"Bạn có đồng ý với nghị quyết của Hội đồng dân tộc Serbia tại Cộng hòa Bosnia-Hercegovina rằng cộng đồng Serbia ở lại quốc gia Nam Tư cùng các dân tộc khác ở Serbia, Montenegro, Krajina, Slavonija, Baranja...?"

Nhưng các cuộc trưng cầu dân ý luôn tạo ra động lực ngoài cả ý muốn của ban tổ chức.

Mặc dù đa số dân Serbia ở Bosnia muốn ở lại Nam Tư, sang năm 1992, Nam Tư không còn tồn tại nữa vì cả Slovenia và Croatia đã tách ra.

Bởi vậy, đến tháng 2/1992, người Serbia ở Bosnia lập ra nước cộng hòa riêng là Republika Srpska, chỉ có 1,2 triệu dân và không được quốc tế công nhận.

Xung đột Bosnia đã nổ ra đẫm máu.

Xu hướng đi về đâu?

Tương tự như vậy, trưng cầu dân ý năm 1991 do Kremlin tổ chức có mục tiêu gìn giữ Liên bang Xô Viết nhưng không cứu nổi quốc gia này.

Ngày nay nhìn lại, các cuộc trưng cầu dân ý - thể thức dân chủ trực tiếp có đông đảo người tham gia nhất - chưa chắc đã là giải pháp tốt.

Trang The Economist ở Anh hồi tháng 5/2016 có bài nhận định rằng trưng cầu dân ý "thường đem lại kết quả xấu".

Mộ Tito

Viếng mộ nhà lãnh đạo Nam Tư Josif Tito ở Belgrade

Cuộc đầu phiếu dễ trở thành "công cụ chính trị tạo thêm khó khăn" mà không đem lại giải pháp vừa lòng tất cả các bên.

Câu trả lời đơn giản, đen trắng rõ rằng: Có/Không thường chỉ làm cho bên thắng cuộc thỏa mãn nhưng để lại "vết thương lòng" cho bên có số phiếu thấp hơn.

Năm 1918, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson có bài diễn văn nổi tiếng về quyền tự quyết của các dân tộc.

Mục đích chính của ông Wilson là cổ vũ các dân tộc châu Âu giành tự do khỏi ách thống trị của Đức và triều đại Habsburg.

Khi đó, châu Âu nổi lên xu hướng độc lập dân tộc và xây dựng nhà nước riêng.

Quyền tự quyết sau được ghi vào Hiến chương Liên Hiệp Quốc và là nền tảng lý luận cho phong trào giải thực dân ở Á Phi.

Ngày nay, vấn đề "tự quyết" ở châu Âu lại mang một màu sắc khác.

Scotland, Catalonia, Flanders đều là các vùng giàu có bậc nhất của Tây Âu, đã hưởng quyền tự trị rất cao.

Vấn đề của họ không hoàn toàn là thể chế chính trị và kinh tế mà lại bản sắc và lịch sử.

Trong thời toàn cầu hóa, chính trị bản sắc (identity politics) tăng độ nóng, đối chọi lại xu hướng tập trung quyền lực vào Brussels hoặc chính phủ trung ương.

EU đã công nhận ít nhất là 60 ngôn ngữ khu vực, mà nổi bật nhất có tiếng Catalan, Galician, Basque, Scottish Gaelic và Welsh, cùng nhiều tiếng thiểu số khác.

Nhưng mức độ đòi hỏi từ ngôn ngữ, văn hóa lên đến tự trị và độc lập rất khác nhau với các động lực từng vùng không đồng đều.

Tuy thế, nếu như Liên Xô tan rã sau hơn 70 năm chung một ý thức hệ, một ngôn ngữ là tiếng Nga thì chưa có gì đảm bảo là EU không bị đe dọa tan vỡ.

Cắt bản đồ

Cắt Hy Lạp ra khỏi bản đồ EU trong khủng hoảng suýt nữa gây ra Grexit vài năm trước

EU mới ở hình dạng hiện nay từ Hiệp ước Maastricht năm 1993 và đã bành trướng mạnh và nhanh sang phía Đông.

Cùng lúc, di sản lịch sử đòi độc lập như ở Catalonia tạm bị bỏ quên, thậm chí coi thường.

Vào thời điểm này, Brussels vẫn im lặng đáng sợ khi Tây Ban Nha (46 triệu dân) gặp khủng hoảng lớn nhất từ Thế Chiến 2 quanh vấn đề Catalonia.

Tại Anh có câu hỏi vì sao Brussels luôn nói về "quyền lợi của 4 triệu công dân EU tại Anh sau Brexit" mà nay cố lờ đi số phận của 7,5 triệu công dân EU tại Catalonia.

Các báo châu Âu nói đây là giờ phút nguyên tắc "đồng thuận trong đa dạng" của EU bị thách thức chưa từng có.

Nhưng các lãnh đạo ở Paris, Berlin và Brussels như đang không biết đi về hướng nào.

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo