Sự kiện

Hồ sơ JFK: KGB, Johnson và Ngô Đình Diệm

Cập nhật lúc 28-10-2017 11:23:31 (GMT+1)
Lee Harvey Oswald từng sống ở Liên Xô và lấy vợ là một phụ nữ từ thành phố Minsk

 

Một số văn bản được giải mật vừa nêu ra các chi tiết mới xung quanh vụ ám sát Tổng thống John F Kennedy, theo các báo Anh và Mỹ.


Về Lee Harvey Oswald

Chỉ hai ngày sau vụ bắn chết Tổng thống Kennedy, Lee Harvey Oswald, một cựu lính Thủy quân Lục chiến, và tự nhận là người Marxist, bị bắn chết trong căn hầm của Sở Cảnh sát Dallas.

Một bản ghi nhớ cho hay FBI đã cảnh báo với cảnh sát về một đe dọa giết với Lee Harvey Oswald.

"Ngay lập tức, chúng tôi báo với ngài cảnh sát trưởng và ông ta đảm bảo với chúng tôi rằng Oswald sẽ được bảo vệ đầy đủ", Giám đốc FBI, ông J Edgar Hoover viết.

Trong các tài liệu hiện đang được nghiên cứu, có phát hiện rằng một biên bản của CIA gợi ý rằng Oswald đã nói chuyện với một sỹ quan KGB ở Đại sứ quán Liên Xô tại Mexico City. Biên bản ghi nhớ này nói viên sỹ quan đối thoại với Oswald làm việc cho bộ phận "chuyên lo về phá hoại và ám sát".

Một ghi nhớ khác viết các quan chức Liên Xô lo ngại "một viên tướng vô trách nhiệm" có thể phóng hỏa tiễn nhắm vào Liên Xô sau khi Tổng thống Kennedy chết.

Biết trước 25 phút?

Một điện tín từ Anh của CIA nói phóng viên một tờ báo địa phương ở nước Anh, tờ Cambridge News, đã nhận được một cú điện thoại nặc danh nói chuẩn bị có "tin lớn" (some big news) bên Mỹ trước khi xảy ra vụ ám sát.

JF Kennedy

Tổng thống John F Kennedy và phu nhân trên chiếc xe đi qua thành phố Dallas ngày ông bị bắn chết

Đúng 25 phút sau đó, ông Kennedy bị bắn chết ở Dallas, Texas.

Bốn ngày sau vụ ám sát, văn bản ngày 26/11/1963 của Giám đốc FBI gửi cho Giám đốc Bộ phận phản gián của CIA James Angleton viết:

"Một điện tín từ bộ phận CIA tại London cho hay một phóng viên Anh làm việc cho tờ Cambridge News, vào đúng ngày 22/11/1963, đã nhận được cú điện thoại nặc danh nói cần báo cho Sứ quán Mỹ là sắp có "tin lớn" (big news). Theo tính toán của Tình báo Anh, MI-5, thì chỉ 25 phút sau, ông Kennedy bị hạ sát. Phóng viên này là người có uy tín và nói ông chưa bao giờ nhận được điện thoại kiểu như vậy."

Một bản khác của ghi nhớ này được Viện Lưu trữ Quốc gia tại Hoa Kỳ công bố hồi tháng Bảy năm nay nhưng không ai chú ý đưa tin.

Một phóng viên Anh làm việc cho tờ Cambridge News, vào đúng ngày 22/11/1963, đã nhận được cú điện thoại nặc danh báo sắp 'có tin lớn' ở Mỹ. Chừng 25 phút sau thì Tổng thống Kennedy bị hạ sát

Điện tín CIA từ London gửi về nước

Tuy thế, cũng có các bản ghi nhớ khác nói có người ở Mỹ "nghe được ai đó đặt cược" rằng tổng thống Kennedy sẽ bị giết trong vòng 3 tuần.

Ông bị bắn chết 10 ngày sau khi lời nói đó được ghi nhận.

Moscow lo ngại

Theo đài phát thanh National Public Radio ở Hoa Kỳ hôm 27/10/2017 thì các tài liệu giải mật cho thấy Moscow thực sự lo ngại về tình hình sau khi ông Kennedy bị giết.

Văn bản được giải mật viết: "Theo nguồn tin của chúng tôi, các quan chức Đảng Cộng sản Liên Xô tin rằng có một âm mưu được tổ chức hết sức là tốt bởi những kẻ cực hữu (ultraright) ở Hoa Kỳ để tạo ra một vụ đảo chính".

Họ cũng có vẻ đã tin rằng vụ ám sát không thể là do một cá nhân gây ra mà nảy sinh từ một nghị trình có nhiều người tham gia."

Liên Xô cũng lo ngại vụ ám sát sẽ được dùng để thổi lên thái độ chống cộng sản tại Mỹ, nhằm "ngăn lại các cuộc đàm phán với Liên Xô, và để tấn công Cuba rồi đẩy chiến tranh lan rộng ra sau đó."

Theo trang NPR, sỹ quan phụ trách KGB ở New York City, Boris Ivanov, mô tả cái chết của Kennedy "là vấn đề cho cơ quan của ông ta".

Ông Ivanov nói ông tin rằng có một âm mưu gây ra cái chết của Tổng thống Mỹ và KGB cần tìm hiểu điều gì thực sự đã xảy ra và rằng KGB cần "xác định Tổng thống kế nhiệm Lyndon Johnson là người thế nào".

Tổng thống Dwight Eisenhower và Ngoại trưởng John Foster Dulles đón Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm tới Washington năm 1957

Tổng thống Dwight Eisenhower và Ngoại trưởng John Foster Dulles đón Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm tới Washington năm 1957

Mối liên hệ của Lee Harvey Oswald với Liên Xô là có thật.

Người này từng sang sống ở Liên Xô từ 1959 đến 1962 và lấy vợ là một phụ nữ ở Minsk.

Các kế hoạch ám sát khác

Văn bản từ 1975 mô tả các âm mưu, kế hoạch ám sát lãnh đạo nước ngoài, gồm Fidel Castro, và các bàn luận về chuyện ám sát của nhà lãnh đạo Congo Patrice Lumumba và nhà lãnh đạo Indonesia, Tổng thống Sukarno.

Theo trang New York Post và Politico thì Giám đốc CIA thời Johnson, ông Richard Helms, lưu lại các câu nói rằng bản thân Tổng thống Johnson từng nói John F Kennedy "bị giết vì đã cho giết nhà lãnh đạo Việt Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm".

Nguyên văn câu tiếng Anh là "Lyndon Johnson claimed Kennedy assassination was payback for killing of Vietnamese leader," cho thấy theo ông Johnson, có sự trả thù nào đó ở đây.

Tổng thống Richard Nixon từng tin là CIA đứng đằng sau vụ giết Tổng thống Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm

Richard Helms

Tuy nhiên, các báo Mỹ trích nguồn giải mật cho rằng đây chỉ là "một trong nhiều thuyết âm mưu" mà ông Johnson không hề ngại ngùng nêu ra.

Ông Helms, người phục vụ cả hai đời Tổng thống Johnson và Nixon, cũng nói hồi tháng 4/1975 rằng theo lời ông Johnson vụ giết ông Kennedy là "vụ trả thù của thế lực nước ngoài".

Các báo Mỹ hôm 27/10/2017 nhắc lại rằng "nhà lãnh đạo độc đoán của Nam Việt Nam bị bắt và hạ sát năm 1963 trong vụ đảo chính do Hoa Kỳ hỗ trợ".

Tướng Dương Văn Minh

Tướng Dương Văn Minh trong ảnh chụp ngày 31/01/1964 tại Sài Gòn. Ông Minh là một trong các sỹ quan VNCH ủng hộ cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm

Còn theo trang CNN, nội dụng lời của cựu Giám đốc Richard Helms lại nói ông nghĩ rằng "Tổng thống Richard Nixon từng tin là CIA đứng đằng sau vụ giết Tổng thống Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm, người bị giết trong vụ đảo chính có liên quan đến CIA".

Nguồn: BBC

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo