Sự kiện

Hà Nội đã từng im lặng khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa 1974

Cập nhật lúc 16-10-2017 14:46:21 (GMT+1)
Ảnh: Internet

 

Năm 1956, nửa phía Đông quần đảo Hoàng Sa bị người Trung Quốc chiếm đóng, có thể nói là lét lút nhân lúc quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi khu vực, Hải quân Nam Việt Nam lúc này còn giữ phần phía Tây. Nhưng gã khổng lồ Trung Quốc, trong lịch sử nhiều thế kỷ của mình đã xen kẽ các thời kỳ bành trướng ra biển và co cụm về lục địa. 


Rõ ràng là các tham vọng trên biển của họ, nguôi đi trong suốt thế kỷ XIX và vào đầu thế kỷ XX, ngày nay đã bước vào một thời kỳ tích cực mới. Năm 1970, vào lúc chiến tranh của Mỹ chống Việt Nam đến giai đoạn tột đỉnh, Hải quân của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa đã tiến hành một số hoạt động trên nhóm Amphitrite (An Vĩnh), bộ phận phía Đông quần đảo Hoàng Sa, nhưng một cách ít kín đáo hơn so với các lần trước. Các cơ sở hạ tầng quân sự đã được xây cất vào năm 1971. Trên đảo Phú Lâm đã đào thêm một cảng mới. Đó là bước mở đầu cho việc bành trướng sự kiểm soát của Trung Quốc trong Biển Đông. Vào tháng 1 năm 1974, một hạm đội gồm 8 tàu chiến Trung Quốc mở cuộc chiến chống các tàu Nam Việt Nam và sau một cuộc hải chiến ngắn và dữ dội, đã chiếm nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Toàn bộ quần đảo lúc này rơi vào tay Trung Quốc. Việc kiểm soát lãnh thổ của Trung Quốc đã dịch chuyển khoảng 250 km về phía Nam.

Kế hoạch đã rõ và các hoàn cảnh đã được khai thác khôn khéo. Hà Nội lúc đó có một kẻ thù trực diện là Hoa Kỳ và hai đồng minh mà họ phải giữ một thế cân bằng không ổn định là Trung Quốc và Liên Xô. Nhưng, một mặt Bắc Kinh đã bắt đầu từ năm 1972 một việc xích lại gần Hoa Kỳ ngay trong khi nước này đang tăng cường ném bom Việt Nam, mặt khác các quan hệ giữa Matxcơva và Bắc Kinh không ngừng xấu đi. Do đó, sự ủng hộ của Trung Quốc cho người “em nhỏ” là Việt Nam đang oằn mình dưới bom đạn đã trải qua các cuộc khủng hoảng và đầy ẩn ý. Ý tưởng chắc chắn khiến nhà cầm quyền Trung Quốc băn khoăn nhiều là một chiến thắng của Hà Nội dẫn họ đến việc thay thế quân đội Sài Gòn trên các đảo này, trong khi đó sự có mặt của Hải quân Xô Viết đang không ngừng phát triển ở Thái Bình Dương có thể sẽ nhanh chóng đưa đến sự có mặt của Liên Xô ở quần đảo Hoàng Sa, và gây cho Trung Quốc sự lo ngại bị bao vây .

Đầu năm 1974, trong các lo ngại đó, chưa có gì xảy ra. Đối thủ duy nhất trên các đảo đó là Chính phủ Nam Việt Nam. Hoa Kỳ sẽ không bảo vệ họ trên điểm này. Chính phủ Trung Quốc đã chiếm được một vị trí địa – chiến lược quan yếu mà chẳng tốn kém bao nhiêu qua các sự kiện vũ trang tháng 1 năm 1974. Bị đánh bại về quân sự trên một mặt trận cục bộ, trong khi một thất bại mang tính chất khác đang xuất hiện ở phía trước, Chính phủ Nam Việt Nam phản đối cũng như Chính phủ Cách mạng lâm thời. Còn Chính phủ Hà Nội thì bị đặt trong một tình thế khó xử nhất mà người ta có thể tưởng tượng được. Hà Nội không thể trực diện chống lại việc đã rồi đó, một việc được thực hiện chống lại một chính phủ khác của Việt Nam và liên quan đến phần phía Nam mà Hà Nội không có thẩm quyền. Phải tìm cách không tán thành. Điều đó tạo ra một lập truờng không rõ ràng mà Trung Quốc bây giờ còn tìm cách tận dụng.

Việc chiếm đóng hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc tiến hành năm 1974 được tiếp tục trong những năm sau bằng việc tăng cường đáng kể các cơ sở hạ tầng, việc quản lý hành chính và việc đưa dân đến ở. Công việc này tăng nhanh từ năm 1977-1978: xây dựng một sân bay ở Phú Lâm và lập một đường bay với các chuyến bay hai tuần một lần từ năm 1980, năm 1979 mở rộng cảng ở Phú Lâm xây dựng từ 1971, năm 1982 cấp kinh phí xây dựng các hải đăng, bố trí một cảng mới  ở đảo Tri Tôn, cực Nam của quần đảo Hoàng Sa.

Nhưng đối với Trung Quốc, nuốt trôi các đảo đó chỉ là món khai vị. Bên cạnh các tham vọng địa chiến lược và chính trị còn có các thèm muốn kinh tế. Xa hơn về phía Nam, một quần đảo khác rộng hơn rất nhiều và còn ít hiếu khách hơn, nằm rải rác trên mặt đại dương. Cũng vào lúc này, luật quốc tế đã xác định rằng các quyền trên mặt đất đem lại các quyền trên tài nguyên biển tiếp giáp với các bờ biển. Đánh cá và dầu khí là hai chuyện được thua có tính quyết định đối với một nước lớn phải nuôi, đồng thời phát triển một số dân chiếm gần một phần tư dân số toàn thế giới.

học thuyết Monroe kiểu Trung Quốc

Trung Quốc hiện tại đang khởi xướng học thuyết Moroe kiểu Trung Quốc. Có nghĩa rằng, khu vực biển Đông và Hoa Đông là khu vực hiển nhiên thuộc về Trung Quốc.

Trong lịch sử Trung Quốc không có một căn cứ nào chứng minh một chính phủ của nước này cho đến giữa thế kỷ XX đã từng tiến hành hành động quyền lực đối với quần đảo Trường Sa, những mảnh đất nằm rải rác trên 160.000 km2 trên bề mặt đại dương. Nhưng điều đó có hề gì! Trung Quốc đã viện dẫn những quyền lịch sử nhắm chuẩn bị cơ sở cho việc tiến hành kiểm soát tại chỗ.

Tuy nhiên, so với Hoàng Sa thì Trường Sa xa lục địa Trung Quốc hơn nhiều nên không thể nuốt trôi dễ dàng. Các đảo đó đã từng nằm trong khu vực quản lý trên biển của các hoàng đế An Nam trước khi thực dân đến, và thực dân Pháp đã không biết đến nhiều hơn và sớm hơn so với Hoàng Sa. Nhưng việc Trung Quốc hoàn toàn không có yêu sách gì đã khiến cho Chính phủ Pháp tự do hành động hơn trong việc chiếm đóng chúng và khẳng định trước thế giới chủ quyền của mình ngay khi điều đó trở thành một cuộc tranh chấp trước sự đe dọa ngày càng lớn của Nhật Bản. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, mọi dục vọng đồng loạt thức dậy. Trung Hoa dân quốc, Philippin và gần đây hơn là Brunây và Malaixia bám lấy nước này một đảo san hô, nước kia một mỏm đá hay một bãi cát để khẳng định các quyền mà mỗi nước nới rộng ra là có giá trị đối với toàn bộ quần đảo.

Ứng cử viên nghiêm chỉnh nhất giành danh nghĩa trên các đảo này về cả căn cứ lịch sử cổ xưa của họ lẫn cơ chế pháp lý về thừa kế các quyền đã được thực dân khẳng định, đúng là Việt Nam. Nam Việt Nam đến năm 1975 rồi nước Việt Nam tái thống nhất sau đó đã xác định sự có mặt rộng rãi nhất có thể có bằng cách chiếm đóng một số đảonhỏ. Từ năm 1988, những cuộc tranh chấp giữa các nước nhỏ và trung bình ở Đông Nam Á, những nước không có những hạm đội quốc gia mạnh, đã hoàn toàn bị rối loạn vì việc Trung quốc cụ thể hoá các tham vọng của họ cho đến lúc đó mới chỉ bằng lời nói. Giống như một con mèo lớn vươn mình trong cuộc tranh chấp giữa những con chuột nhắt, vào thời điểm nói trên Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện phần thứ hai kế hoạch của họ, phần khó nhất, là kiểm soát toàn bộ vùng biển nằm ở sườn phía Nam của mình.

Chính phủ Bắc Kinh yêu sách một đường phân định ranh giới đến sát các vùng đất đối diện, biến biển được các nhà địa lý gọi là Nam Hải thành một vũng hồ quốc gia mặc dù đó là một vùng qua đó luân chuyển 70% thương mại hàng hải của Nhật Bản. Điều đó trái ngược không những với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển ngày 10-12-1982 quy định việc vạch các ranh giới phân định trên cơ sở một giải pháp công bằng, mà cả đối với các văn bản của Trung Quốc về chiều rộng lãnh hải 1. Cũng không sao. Trung Quốc là nước ký Công ước năm 1982 nhưng cho đến nay vẫn hoãn việc phê chuẩn .

Họ đã cho lưu hành một bản đồ trong đó nêu rất rõ yêu sách của Trung Quốc.

Cụ thể, việc chuyển sang hành động đã xảy ra vào tháng 3 năm 1988. Trong một cuộc đụng độ hải quân ngắn và ác liệt giữa các tàu Trung Quốc và các tàu của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tiếp tế các đội quân đồn trú đóng trên một số đảo, Việt Nam tổn thất hàng chục người. Một lần nữa việc tiến bước của Trung Quốc đã được tính toán cẩn thận. Chiến tranh lạnh kết thúc là một việc đã rồi; cả Hoa Kỳ lẫn Liên Xô, kết hợp với việc giảm chi phí quân sự của họ, đã bắt đầu giảm sự hiện diện ở Thái Bình Dương.

Lo ngại về các cuộc xung đột tiềm ẩn, Chính phủ Manila đã tìm cách để Hoa Kỳ đưa quần đảo Trường Sa vào khu vực phòng thủ chung, nhưng vô hiệu vì Hoa Kỳ hoàn toàn không còn bận tâm đến việc dính líu vào một cuộc xung đột thuộc loại này bằng cách áp dụng một hiệp ước phòng thủ .

Vì không có chiếc “ô” đa phương nào đến lấp chỗ trống do việc chấm dứt sự cân bằng giữa hai siêu cường để lại, Trung Quốc càng cảm thấy dễ dàng làm chủ vùng đất mà cuộc chiến tranh lạnh đã có một tiếng vang muộn màng giữ các nước nhỏ của khu vực lúc đó còn đối đầu nhau giữa các nước thuộc ASEAN và những nước thuộc Đông Dương cộng sản trước kia.

biển Đông lợi ích cốt lỗi

Trung Quốc khẳng định biển Đông là một trong những lợi ích cốt lõi của nước này và sẵn sàng làm tất cả để giữ vững lợi ích này. Ảnh: The New York Times

Từ sau sự kiện đó, các yêu sách của Trung Quốc đã bị kìm lại trong hành động (nhưng không về các ý đồ). Mặc dù từ đó Trung Quốc trong mọi dịp, lặp đi lặp lại rằng Trường Sa là “biên giới chiến lược” của tỉnh Hải Nam và tổ chức đều đặn các cuộc thao diễn tại vùng này, các nhân tố địa lý và tài chính đã trì hoãn việc thực hiện các tham vọng của họ. Vì “biên giới chiến lược” đã vươn ra cách đất Trung Quốc trên 1.000 km, mà bản thân đất đó là đảo Hải Nam chứ không phải lục địa. Giao thông hàng hải ở đó rất nguy hiểm và quân đội Trung Quốc vẫn còn thiếu các phương tiện không quân và hải quân đảm bảo kiểm soát khoảng cách đó. Việc gia tăng rất nhiều ngân sách quân sự của Trung Quốc phục vụ hải quân từ năm 1989 cho thấy khá rõ ý đồ của họ trong tương lai là gì . Đối với một nước hết sức năng động, nhưng bị ảnh hưởng bởi những sự mất cân đối, đó là một nỗ lực đầu tư mang lại lợi nhuận không chắc chắn và chậm. Đưa chiến tranh đến vùng Trường Sa, bản thân nó là một cuộc phiêu lưu và những lợi ích rút ra từ các tài nguyên liên quan đến các thế hệ mai sau nhiều hơn là các thế hệ hiện nay đang nắm quyền lãnh đạo.

Hiện tại, dù còn cần phải hạn chế, các tham vọng của Trung Quốc không vì thế mà không bộc lộ một cách rõ ràng. Với danh nghĩa xây dựng một trạm quan trắc đại dương, ngay từ năm 1987, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động thanh tra trong vùng. Đầu tiên là đá Chữ Thập (Fiery Cross) bị chiếm đóng, sau đó là một số đảo hay đá khác (đá Thám Hiểm, đá Châu Viên, đá Đông, đá Gạc Ma, đá Xubi, đá Lendao, đá Gaven. Đá Gaven – tên Trung Quốc là Nam Xun Jiao. Tác giả viết Nai Ioujiao – đá Nam – ND).

Những công trình quan trọng đã được tiến hành ở đó bắt đầu từ những vụ nổ để đào kênh trong vành đai san hô và những công trình đắp đê để lập các hồ nước mặn.

Sự thể hiện các tham vọng đó của Trung Quốc trên quần đảo ảnh hưởng đến lập trường của các nước khác. Tầm quan trọng chính trị của việc Trung Quốc tiến lên phía trước trong khi Hoa Kỳ và Nga giảm mạnh cam kết đối với khu vực, được đo bằng việc các nước Đông Nam Á nhanh chóng xích lại gần nhau. Việc xiết chặt các quan hệ thông qua nền kinh tế thị trường được bổ sung bằng một sự gắn bó tốt hơn trong khu vực với việc Việt Nam gia nhập ASEAN. Hậu quả quân sự là tăng cường sự có mặt của các nước trong quần đảo. Mỗi nước củng cố trước hết cơ sở của việc chiếm đóng của mình bằng việc đổ bê tông, theo nghĩa đen, các nền có thể có, và bố trí ở đó những đội quân đồn trú quan trọng hơn.

Xen kẽ với các cuộc thao diễn quân sự của các bên là việc tiến hành các hoạt động quan trắc khoa học, nghiên cứu địa chất và thuỷ văn. Và Hà Nội càng im lặng và nhún nhường bao nhiêu, Trung Quốc sẽ càng mạnh dạn tiến hành các hoạt động phi pháp đối với vùng biển của Việt Nam bấy nhiêu.

Nguồn: Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông

 

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo