Cuộc 'Đại đào tẩu' bất thành (1): Đường ngầm bí mật
![]() |
Tù binh Đức trong khu trại giam. |
Cuộc đào tẩu của 25 tù binh Đức (trong Chiến tranh thế giới lần thứ II) khỏi nhà tù Papago Park, bang Arizona (Mỹ) được xem là một trong những "cuộc vượt ngục lịch sử". Những sỹ quan chỉ huy tàu ngầm và thủy thủ Đức đã mất cả năm trời để thực hiện kế hoạch với những "đường đi nước bước" vô cùng chi tiết, tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Hài hước là ở chỗ nhiều công việc phục vụ cho việc trốn lại được thực hiện giữa ban ngày, ngay trước mắt lực lượng an ninh của nhà tù mà không người lính gác nào hay biết...
Kỳ 1: Đường ngầm bí mật
Những tù binh Đức đầu tiên được đưa đến trại giam Papago Park, cách trung tâm quận Phoenix 6 dặm về phía đông, vào tháng 1/1944 thì đến cuối năm 1944, những người chỉ huy đơn vị an ninh số 84 - một trong số 500 trại giam trên đất Mỹ dành cho tù binh Đức - bắt đầu có thể thở phào nhẹ nhõm. Ở đây, tại nhà tù Papago Park bang Arizona, hơn 3.000 sĩ quan và lính thuỷ cũng đã quen với cuộc sống trong trại giam. Tại khu 1A- nơi giam giữ những sỹ quan chỉ huy tàu ngầm cùng những thuỷ thủ Đức quốc xã- những tù nhân dành hàng tiếng đồng hồ để trồng mới và chăm sóc cẩn thận những luống hoa lớn. Còn khu vực 1B là nơi giam những quân nhân chuyên nghiệp. Mọi việc có vẻ như rất ổn.
Kẽ hở an ninh
Tuy nhiên, Đại tá Cecil Parsahll đã phát hiện ra có một vấn đề trong cách sắp xếp này. Parshall chỉ ra rằng có một vị trí trong khu 1 mà không thể quan sát được từ các tháp canh. Ông nói: "Những tù nhân Đức là một lũ người ranh ma. Vì vậy, giam giữ chúng trong khu 1 thì không ổn. Rất có thể chúng đã phát hiện ra vị trí không thể quan sát được đó". Tiếc là sau đó không hề có một biện pháp an ninh nào được tăng cường cho khu vực này.
Theo các cam kết tại Hội nghị Giơnevơ, các sỹ quan và quân nhân chuyên nghiệp không phải làm việc trong nhà tù. Thế là họ ngủ muộn và dành cả ngày chỉ để nghĩ cách thoát ra bên ngoài những hàng rào thép gai. Trung tá Wolfgang Clarus, người đã bị bắt ở Bắc Phi khi đang chỉ huy một đơn vị pháo bờ biển, hồi tưởng lại: "Chúng tôi chăm chăm nhìn vào những dãy hàng rào kia hàng tiếng liền không nghỉ, cố gắng tính đến mọi phương án có thể tiến hành được và cuối cùng nhận ra rằng để vượt ra bên ngoài chỉ có ba cách: chui qua nó, bay qua nó, hoặc đào đường hầm qua nó".
Vải thưa che được mắt "thánh"
Ở khu 1A, dưới sự chỉ huy của một nhóm các thuyền trưởng tàu ngầm, những người mà trong khi đang đánh bài brít đã vạch ra kế hoạch đào tẩu, các tù nhân bắt đầu việc đào đường hầm này từ tháng 9/1944.
Nơi được lựa chọn làm điểm bắt đầu của đường ngầm chính là vị trí không quan sát được từ những tháp canh gần nhất mà Parshall đã cảnh báo. Cửa vào đường hầm cách một nhà tắm 1m- là vị trí gần nhất với lớp hàng rào bên ngoài bao quanh nhà tù Papago Park. Những người đào đường ngầm đã cậy một tấm ván trên một bức vách của nhà tắm để tạo một lối đi và đặt một thùng đựng than lớn gần đó để che cửa đường hầm. Những tù nhân sẽ đi vào trong nhà tắm hiển nhiên để tắm hay giặt quần áo rồi thoát ra bên ngoài và trượt xuống cửa hầm sâu 1,8m. Ba nhóm, mỗi nhóm gồm ba tù nhân làm việc theo từng ca 90 phút hàng đêm. Người thứ nhất dùng một cái xẻng xúc than và một cái cuốc chim nhỏ để đào, người thứ hai xúc đất vào một cái thùng rồi chuyển cho người thứ ba đứng trên cùng, đồng thời làm nhiệm vụ cảnh giới. Một nhóm thứ tư, ngày hôm sau, đem đất đổ đi nơi khác. Họ đổ xuống các nhà vệ sinh, giấu trong các gác mái, hoặc để cho nó chảy qua những lỗ thủng trong túi quần của họ xuống những luống hoa mới.
Nhưng đất đào đường ngầm dồn đống lại với một tốc độ đáng báo động khiến cho tù nhân phải tìm một ra một biện pháp mới để xử lý vấn đề này. Thuyền trưởng Jurgen Quaet-Faslem, một người Phổ từng chỉ huy tàu ngầm U-595, nảy ra một sáng kiến: "Chúng ta có nên làm một khu vui chơi thể thao trong khu nhà giam này không? Tôi nghĩ họ sẽ khuyến khích chúng ta chơi thể thao". Sau đó, quyết định về việc xây một sân bóng chuyền đã ra đời.
Sân bóng này được xây dựng ở một vị trí lồi lõm. Lợi dụng việc san lấp sân bóng cho bằng phẳng, những người tù "kết hợp" luôn việc rải đất đào được từ dưới đường ngầm với những công cụ lao động như xẻng và bồ cào do chính người Mỹ cung cấp. Lính canh trở nên quen với hình ảnh của những đống bùn đất ở đó; họ cho rằng nó chính là đống đất cũ chứ không hề biết đó là số đất mới được xúc lên từ đường ngầm.
Cuối tháng 11, một viên đại tá Mỹ trong một đoàn kiểm tra đến thăm trại giam đã tuyên bố rằng: không cần thiết phải lo lắng việc tù nhân đào đường ngầm bỏ trốn bởi vì đất ở đây cứng như đá! Lúc này, ông ta đang đứng ngay trên nóc cửa vào của đường ngầm bí mật; còn những tù nhân nghe thấy vậy thì chỉ biết mỉm cười như thể là đồng ý.
Nguồn: Đình Vũ/ Baotintuc