Sự kiện

Cuộc chiến biên giới Việt – Trung theo cách nhìn của người Séc

Cập nhật lúc 20-02-2017 21:30:00 (GMT+1)
Khi vào Lạng Sơn, xe tăng T59 trung Quốc phải vượt sông Kỳ Cùng (Kingsway International Publications)

 

Đây là nội dung một bài viết từ năm 2003 về chiến tranh biên giới Việt – Trung, và là một góc nhìn từ ngoài cuộc được đăng trên trang www.valka.cz. Trang web này là một trang tài liệu lịch sử tồn tại từ cách đây cả chục năm, chuyên về các cuộc chiến trên thế giới, do một tổ chức dân sự gồm hàng trăm thành viên tự nguyện tham gia viết bài, sửa bài.


Mặc dù Việt nam dân chủ cộng hòa và Trung Quốc đã đứng trên cùng chiến tuyến trong cuộc chiến chống Mỹ, mối quan hệ của họ rất xa hình mẫu về một liên minh lý tưởng. Có thể nói rằng quan hệ của họ là một cuộc hôn nhân vì lý trí, thay vì tình yêu.  Các mâu thuẫn giữa hai nước đã xảy ra trong nửa thứ hai của những năm 70, và đạt tới đỉnh điểm vào tháng Hai năm 1979 trong một cuộc xung đột ngắn trong phạm vi cục bộ.

Sau nhiều thập niên, các hy vọng về một vùng Đông Nam Á cùng tồn tại trong hòa bình đã tan thành mây khói, sau khi Việt Nam hoàn toàn giải phóng vào năm 1975. Mặc dù Hà Nội đã ngay lập tức tuyên bố về nỗ lực „đoàn kết giữa các dân tộc trong Đông Nam Á“, thực tế lại là sự thống trị của chính quyền Việt Nam đối với các nước xung quanh dưới các hình thức khác nhau. Để thực hiện chính sách này, Việt Nam đã hội tụ được quá đủ các điều kiện tối ưu. Trong cuộc chiến tranh Đông Nam Á lần thứ hai, tại các vùng biên giới Lào và Cam bốt (trong các năm 1976-1989 đã đổi tên thành Campuchia) một mạng lưới liên lạc và cơ sở hạ tầng đã được thành lập, được biết tới dưới tên gọi đường mòn Hồ Chí Minh. Ảnh hưởng của Hà Nội tại các vùng này mạnh đến nỗi, ở đây người ta chơi theo cách bắt nhịp của Hà Nội, chứ không phải là theo chế độ chính thức tại các nước này. Dĩ nhiên, tham vọng và sự bành trướng „của Cuba tại châu Á“ đã không được Trung Quốc niềm nở đón nhận, bởi Trung Quốc cũng có các mối lợi riêng của mình ở đây.

Sự căng thẳng giữa hai nước bắt đầu tăng dần từ năm 1977, khi một cuộc xung đột vũ trang đã nổ ra giữa Việt Nam và Campuchia - dưới chính quyền Pol Pot do Trung Quốc hậu thuẫn. Và thế là Việt Nam đã phá hỏng kế hoạch của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh ảnh hưởng của mình ở trong vùng. Cần nói thêm rằng, cuộc chiến này cuối cùng đã kết thúc vào năm 1979 bằng một thể chế mới bù nhìn, thiên Việt của Heng Samrin.

Tuy vậy, một chiếc gai lớn hơn nữa trong mắt người Hoa chính là việc Việt Nam và Liên Xô ngày một tiến lại gần nhau, mà đỉnh cao là một hiệp ước được ký kết giữa Việt Nam và Liên Xô vào tháng 11/1978, và trong cùng năm đó Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đồng Tương trợ Kinh tế. Ví dụ, cũng trong tháng 8/1978 đã có hơn 4000 cố vấn Xô viết làm việc tại Việt Nam và thủy quân Nga đã bắt đầu trú đóng tại cảng Cam Ranh là căn cứ quân sự cũ của Mỹ. Các chính khách cao cấp của Trung Quốc bắt đầu lo ngại, rằng Việt Nam sẽ trở thành công cụ của Liên bang Xô viết để phục vụ cho các mối lợi của Xô viết tại Đông Nam Á. Thế là ý tưởng về một cuộc „trừng phạt“ Việt Nam đã nảy ra chính từ các cấp cao nhất của giới chính khách Trung Quốc, hòng ám chỉ một cách rõ ràng cho các chính trị gia trong vùng thấy, chớ có xen vào các mối lợi quyền lực của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Mục đích quân sự chính của chiến dịch này là phá vỡ các đơn vị vùng biên giới, buộc các quân đoàn từ Campuchia phải rút về để tham chiến với người Hoa. Điều này sẽ làm nhẹ gánh các nghĩa quân Pol Pot đang trong thế tuyệt vọng tại Campuchia, và về tổng thể thì làm yếu đi khả năng quân sự của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Mùa hè năm 1978, 17 quân đoàn của Trung Quốc đã di chuyển tới vùng biên giới Việt-Trung, sau đó ít lâu, số quân đoàn tăng lên tới 25 với tổng số khoảng 250 000 lính. Tướng Túc Dụ được phong làm Tổng Tư lệnh các quân đoàn. Chịu trách nhiệm lên kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo các trận đánh là tướng Hứa Thế Hữu. Đây là cựu chiến binh từ cuộc chiến tranh Triều Tiên và là tác giả của chiến lược thẩm thấu kiểu Trung để sau đó tấn công hàng loạt. Viên tướng này đã được chọn, chính là vì địa hình miền Bắc Việt Nam khá giống địa hình Triều Tiên. Vào tháng giêng năm 1979, ông ta đã tới vùng chiến sự, chỉ một tháng trước ngày ra lệnh tấn công .

Đối đầu với 25 sư đoàn thuộc Quân đội Nhân dân Trung Hoa là tướng Văn Tiến Dũng với các đơn vị sau:

Tuyến đầu

Sư đoàn 325
Sư đoàn 338
Sư đoàn 3 „Sao Vàng“ – một trong các đơn vị thiện nghệ nhất trong vùng, chuyên trách việc bảo vệ Lạng Sơn và các vùng lân cận. Quân đoàn 3 bao gồm trung đoàn 2, 12 và 141 bộ binh và trung đoàn pháo 68. Sức mạnh chính của quân đoàn là trung đoàn 12 bộ binh „anh hùng“, được coi là đơn vị ưu tú của Quân đội Việt Nam.
Sư đoàn 374    
Sư đoàn 304    
Sư đoàn 346 „Đại Bắc“ – cũng là một trong các đơn vị thiện chiến có chuyên trách việc bảo vệ Lạng Sơn và các vùng lân cận. Sư đoàn 346 bao gồm trung đoàn 246, 677 và 851 cùng với trung đoàn pháo 188. Đơn vị nổi bật nhất của sư đoàn là trung đoàn 246 „Làn sóng mới“. Sư đoàn được hình thành từ thời kỳ chiến tranh Đông dương lần thứ nhất, và đã có thời gian nhận chỉ thị trực tiếp từ Ban chỉ huy trung ương và đảm đương nhiệm vụ bảo vệ cho sự an toàn của cơ quan trung ương đầu não.
Trung đoàn 43
Trung đoàn  244
Trung đoàn 576
Trung đoàn 49
 Mỗi tỉnh biên giới của Việt Nam dân chủ cộng hòa đều có một đơn vị tự vệ (theo nguồn của Orbat.com)

Tuyến thứ hai

Sư đoàn 312
Sư đoàn 431
Sư đoàn 327
Sư đoàn 329
Sư đoàn 242
Sư đoàn 196
Lữ đoàn 38 (tiểu đoàn?)
Trung đoàn 98
27 đơn vị quân cảnh, mỗi đơn vị khoảng 100 người
Như thế là tại khu chiến địa biên giới này có khoảng 100 000 người lính. Tại hậu phương quanh Hà Nội có cắm thêm 2 đơn vị - trung đoàn 1 và 2 (theo nguồn orbat.com).

Vào cuối năm 1978 tình hình chợt xấu đi rõ rệt. Khi đó, quan hệ với người Hoa bỗng trở nên căng thẳng. Không ngần ngại, Bắc Kinh lại can thiệp thêm vào tình trạng đã thường xuyên căng thẳng này. Căng thẳng càng bốc cao và hàng loạt các cuộc đụng độ đã xảy ra tại vùng biên.

Xung đột đã xảy ra ngày 17/2/1979 khi quân đội Trung Quốc đã đồng loạt tấn công vào 26 điểm và vượt qua 770 km biên giới. Theo cơ quan tuyên truyền chính thức của Trung Quốc, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự bùng nổ của cuộc chiến là „đã xảy ra hơn 700 cuộc đụng độ khiêu khích bằng vũ trang, làm hơn 300 người Hoa thiệt mạng, và điều đó đã vượt quá sức chịu đựng đến mức các đơn vị biên phòng Trung Quốc buộc phải phản công“

Kế hoạch của tướng Hứa Thế Hữu giả định chia cuộc tiến công chia làm 5 hướng chính:

1.Qua cửa Hữu Nghị Quan theo đường số 1 về thị xã Lạng Sơn.
2. Ven theo bờ biển hướng Móng Cái, và đỉnh điểm là cảng Hải Phòng.
3. Tới sông Hồng, sau đó dọc triền sông theo đường số 2 tiến về thị xã Lào Cai.
4. Tới sông Đà, theo triền sông về Hà Nội.
5. Đợt tấn công thứ 2 hướng sang các thị xã là thủ phủ của các tỉnh vùng biên là Cao bằng và Hà Giang, và nhờ đó cắt đường 4 là đường nối đường 1 và 2.

Sự đánh trả quyết liệt nhất mà các đoàn quân Trung Quốc hứng chịu nằm tại hướng thị xã Lạng Sơn và Đồng Đăng, bởi đây là con đường thẳng và ngắn nhất dẫn về Hà nội (thủ đô của nước Việt và nằm cách Lạng Sơn 135 km về hướng tây nam). Thay vì dùng chiến lược thẩm thấu từ thời chiến tranh Triều Tiên, tướng Hứa Thế Hữu quyết định đánh trực diện và dùng rất nhiều tăng, pháo. Bộ binh Trung Quốc áp đảo, cứ từ từ tiến với lợi thế số đông, lại được pháo kích yểm trợ. Các đơn vị Việt Nam đã nhiều lần phản công, hoặc cài bẫy nhằm làm chậm bước tiến hoặc làm hàng ngũ lính Trung hoảng loạn. Việc sử dụng xe tăng T59 Trung Quốc nhằm triệt phá các pháo đài của quân đội Việt Nam và để vận chuyển đạn dược và các vận dụng khác cho bộ binh, đã mang lại một ngạc nhiên lớn. Địa hình núi đồi tại vùng Bắc Việt hoàn toàn không thích nghi cho loại tăng này, và những người phòng thủ đã khéo léo lợi dụng được tình huống này. Các đơn vị Việt Nam được trang bị vũ khí chống tăng của Xô Viết đã diệt được một số lớn các xe tăng. Ví dụ, trong trận chiến đầu tại Mường Khương đã có 18 chiếc tăng T59 bị diệt bởi súng chống tăng Xô Viết. Các đơn vị của Việt Nam đã tấn công qua biên giới, vào các vị thế của pháo Trung Quốc và làm giảm khả năng tấn công của họ. Một điều ngạc nhiên nữa là cách liên lạc của các đoàn tăng và bọc thép Trung Quốc. Chỉ huy của họ không liên lạc được bằng radio – có vẻ như các tàu Xô Viết đóng tại vịnh Bắc bộ đã phát tín hiệu – họ liên lạc bằng các tín hiệu bằng tay và cờ.

Ngày 18/2/1979 các sư đoàn Trung Quốc đã chiếm được thị xã Móng Cái, điều này không phải là thắng lợi cho số lượng áp đảo của Trung Quốc.

Bốn ngày sau, thị xã Lào Cai thất thủ.

Bên cạnh các trận đánh nổ ra tại biên giới Việt-Trung, người ta lo ngại rằng xung đột có thể nổ ra ở cả các nơi khác tại châu Á, bởi Liên bang Xô Viết có thể tấn công Trung Hoa, nếu như nước này muốn tuân thủ hiệp ước hữu nghị với Việt Nam (tuy nhiên điều này đã không xảy ra).

Trong các ngày tiếp đó, không ngừng phản kích, lập các bãi mình và pháo kích tập trung và dùng các bẫy tre, các đơn vị của Việt Nam tại vùng biên đã phá được các trận tấn công của quân Trung Quốc và làm họ hoảng loạn.

 

Sau khoảng một tuần, các trận tấn công của Trung Quốc phải tạm dừng, để củng cố lại lực lượng và đánh giá lại các cuộc tấn công mà từ 26 hướng, sẽ chỉ tiếp tục trong 11 hướng. Để hỗ trợ 17 sư đoàn chiến đấu, 8 sư đoàn mới được điều thêm. Mặc dù nhiều nơi, quân Trung Quốc tiến sâu được 15-20km, họ đã phải trả bằng một giá quá đắt. Các trận tấn công diễn ra theo mô hình, lớp lớp bộ binh Trung Quốc có xe tăng và pháo yểm trợ tràn lên, lớp này thay thế lớp khác.

Khi mà cả điều này cũng không làm thay đổi cục trận, Trung Quốc chuyển mối quan tâm của họ vào các thị xã là thủ phủ của các tỉnh vùng biên – Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Quảng Ninh, là nơi đã diễn ra hàng loạt các trận đánh sống còn. Tướng lĩnh Trung Quốc muốn gây cho quân đội Việt Nam các tổn thất nặng nề để buộc họ phải dồn quân từ Hà Nội hoặc Campuchia về. Cho đến cuối tháng hai, điều này vẫn không  xảy ra. Mỗi trận tấn công của Trung Quốc đều gặp phải phản công từ phía Việt Nam. Chỉ trong thị xã Lạng Sơn, quân đội Trung Quốc đã đánh 17 lượt giáp lá cà để đạt được một mục đích duy nhất, để rồi sau đó phía Việt Nam đã lại thu lại được qua một trận phản công.

Chính các thị xã là nơi cục diện cuộc chiến đã thay đổi. Khi quân Trung Quốc tràn tới, các đơn vị Việt Nam rút vào các khu núi. Sau đó, khi quân Trung Quốc chiếm được thị xã, thì ngay lập tức phía Việt Nam đã phản công. Khi các tư lệnh tối cao Trung Quốc nhìn ra tình thế vô phương của các đơn vị của mình, họ quyết định rút quân. Một cuộc tấn công nhỏ về hướng Lạng Sơn đã diễn ra ngày 2/3/1979 nhằm đánh lạc hướng việc rút quân.

Để khỏi mất mặt, người Hoa tuyên bố, toàn bộ cuộc chiến này chỉ là một cuộc trừng phạt mà đã đạt được mục đích và vì thế sẽ rút quân. Trong khi phía Việt Nam không điều động bất kỳ quân đoàn nào từ Hà Nội hay Campuchia, 25 sư đoàn Trung Quốc đã bị thiệt hại nặng.

Trong thời gian chiến trận, các quân đoàn Trung Quốc vào Việt Nam sâu nhất (khoảng 40km) là ở thị xã Cao Bằng. Ngày 5/3/1979, quân Trung Quốc dừng quân và Bắc Kinh tuyên bố chính thức rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam. Cuộc rút quân kết thúc ngày 17/3/1979, trước khi rút lui, toàn bộ đường xá, cơ sở hạ tầng kinh tế của vùng biên giới Việt Nam bị tàn phá một cách triệt để.

Mặc dù về mặt quân sự, cuộc tấn công của Trung Quốc đã thất bại thảm hại, nó đã thành công về mặt chính trị. Nó cho người Việt thấy cần phải tính đến quyền lợi của Trung Quốc tại Đông Nam Á, và không thể tùy tiện làm gì mình thích.

Các mất mát

  Theo nguồn của Việt Nam Theo nguồn của Trung Quốc
  Việt Nam Trung Quốc Việt Nam Trung Quốc
Tử vong ? 26 000 27 000-30 000 26 000
Thương vong ? 36 500 32 000 37 000
Tù binh 2 600 650 1 638 260
Xe tăng/xe bọc thép ? 280 185 420
Pháo
? 115 200 66
Súng chống tăng ? ? 30 ?

Người dịch: Thanh Mai - vietinfo.eu

Nguồn: https://www.valka.cz/10439-Cinsko-vietnamsky-pohranicni-konflikt-1979

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo