Sự kiện

CIA: Việt Nam nổ súng trước trong trận Gạc Ma

Cập nhật lúc 15-03-2017 11:28:10 (GMT+1)
Một người lính hải quân Việt Nam đang ngắm một bức tranh cổ động về quần đảo Trường Sa trong một cuộc triển lãm.

 

Một tài liệu được giải mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA về trận hải chiến Việt-Trung ở Gạc Ma năm 1988 cho biết Việt Nam là bên nổ súng trước. Điều này càng khiến cho cuộc tranh luận xung quanh trận hải chiến Gạc Ma 1988 trở nên phức tạp bởi nó phủ nhận lời phát biểu của Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam Lê Mã Lương về sự tồn tại của một mệnh lệnh “không được nổ súng”.


Tài liệu CIA đề ngày 08/08/1988 miêu tả cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Việt Nam như sau:

“Trung Quốc và Việt Nam đối đầu nhau trong một trận hải chiến vào ngày 14 tháng 03 năm 1988 trên khu vực bãi Johnson (Gạc Ma). Một nhóm lính Trung Quốc đổ bộ lên bãi đá không người này để tiến hành khảo sát, dựng đồn quan sát, và cắm cờ Trung Quốc. Tàu tiếp tế của Việt Nam, theo dõi những động thái của đối phương, đã phản ứng bằng cách đổ quân lên bãi đá, và họ rõ ràng đã khơi mào cuộc xung đột. Hai bên nổ súng qua lại, phía Việt Nam bắn vào binh lính Trung Quốc, làm bị thương một người. Sau đó, một chiếc tàu tiếp tế của Việt Nam- được trang bị súng máy- nã đạn vào một trong những tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc ngoài khơi.”

Tài liệu giải mật của CIA về trận Gạc Ma 1988 

Tài liệu giải mật của CIA về trận Gạc Ma 1988

Theo tài liệu có tên “Sino-Vietnamese Confrontation in Spratlys unlikely for now” này, chỉ huy tàu Trung Quốc cho nã pháo hải quân 100 mm vào tàu tiếp tế của Việt Nam và một chiếc tàu khác gần đó, đánh chìm tàu tiếp tế và gây hư hại nặng nề cho chiếc kia. Vẫn theo tài liệu này, Hà Nội sau đó quy lỗi cho Trung Quốc khơi mào xung đột và loan báo rằng Việt Nam bị nhiều thương vong, trong đó có 2 người chết và hơn 70 người mất tích. Tàu chiến Trung Quốc được báo cáo chỉ chịu ít thiệt hại.

Nổ súng hay không được nổ súng

Những thông tin giải mật từ phía CIA càng khiến cho cuộc tranh luận xung quanh trận hải chiến Gạc Ma 1988 trở nên phức tạp bởi nó phủ nhận lời phát biểu của Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam Lê Mã Lương về sự tồn tại của một mệnh lệnh “không được nổ súng”.

Trong một đoạn video được phát tán trên mạng, tướng Lương đã đề cập đến việc binh lính Việt Nam tại Gạc Ma khi đó nhận được lệnh không được nổ súng, dẫn đến cái gọi là “thảm sát Gạc Ma”. Theo tướng Lương, mệnh lệnh này đã biến hàng chục lính Việt Nam thành bia đỡ đạn cho phía Trung Quốc.

Bài phát biểu của ông Lê Mã Lương đã làm dấy lên những làn sóng phẫn nộ trên mạng Internet, phần lớn chỉ trích nặng nề nhắm vào ông Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Việt Nam, người vốn giữ vai trò Bộ trưởng Quốc Phòng lúc bấy giờ. Nhưng cũng có một số người cho rằng “không được nổ súng” ở đây có nghĩa là “không nổ súng trước.”

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đến từ ĐH George Mason, Hoa Kỳ, một chuyên gia về Chính trị và Bang giao Quốc tế, tỏ ra nghi ngờ về sự tồn tại của một lệnh cấm nổ súng:

“Cái đó thì cũng khó nói, tôi biết là trên mạng người ta chỉ trích đích danh người ra cái lệnh đó là ông Lê Đức Anh, nhưng bản thân tôi là nhà nghiên cứu, tôi không có bằng chứng riêng để xác định rằng ai ra lệnh cái đó. Nếu bảo là quân đội không được làm gì, để cho nó bắn chết thì hơi lạ.”

Trả lời phỏng vấn VOA Tiếng Việt, anh Nguyễn Hữu Thảo, một trong những cựu binh còn sống sót sau trận hải chiến Gạc Ma nói rằng binh lính Việt Nam “bị thảm sát” hay “làm bia đỡ đạn” là không đúng:

“Tôi không muốn xúc phạm đến những người đồng đội của tôi đã hy sinh. Họ đã chiến đấu chứ không phải là họ ngồi yên, không phải là họ nằm một chỗ, hay họ giơ tay lên hay lạy. Họ đã chiến đấu mà bảo là họ đứng để làm bia hoặc là bị thảm sát thì thực sự là không phải.”

Tôi không muốn xúc phạm đến những người đồng đội của tôi đã hy sinh. Họ đã chiến đấu chứ không phải là họ ngồi yên, không phải là họ nằm một chỗ, hay họ giơ tay lên hay lạy. Họ đã chiến đấu mà bảo là họ đứng để làm bia hoặc là bị thảm sát thì thực sự là không phải.

Cựu chiến binh Gạc Ma Nguyễn Hữu Thảo

Vậy có hay không một mệnh lênh “không được nổ súng” từ phía lãnh đạo cấp cao của Việt Nam? Tới thời điểm hiện tại đây vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi và cần thêm nhiều tài liệu để đối chứng.

Nhưng có một thực tế mà giáo sư Ngô Vĩnh Long đến từ ĐH Maine (Hoa Kỳ), chuyên gia nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á, Đông Á, quan hệ Mỹ-Á, quan sát thấy khi còn đang giảng dạy tại Việt Nam vào những năm cuối thập niên 80. Đó là sự lo sợ của chính quyền Việt Nam:

“Lúc đó họ (lãnh đạo VN) sợ. Vấn đề Gạc Ma đối với họ có thể là vấn đề nhỏ. Họ sợ là Trung Quốc có thể làm căng ở biên giới phía Bắc. Lãnh đạo Việt Nam đến năm 1988 vẫn còn rất là sợ hãi.”

Tính khả tín của tài liệu CIA

Những thông tin trong bản báo cáo mật của CIA không chỉ phủ nhận việc binh lính Việt “không được phép nổ súng” mà nó còn trái ngược với diễn biến trận đánh mà phía Việt Nam cung cấp.

Trong những tài liệu được Hà Nội công bố rộng rãi, sau khi phát hiện binh lính Việt Nam đang cắm cờ trên đảo Gạc Ma, Trung Quốc đã tiến hành bao vây, đổ quân xuống cướp cờ. Báo nhà nước dẫn lời ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới chính phủ, nói trong lúc giằng co lá cờ, phía Trung Quốc nổ súng trước, làm một thiếu úy thiệt mạng và một hạ sĩ bị thương trước khi hai tàu Trung Quốc bắn pháo 100 ly gây hỏng nặng tàu HQ604 của Việt Nam, làm tàu Việt Nam ‘bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển’ ‘cùng một số cán bộ, chiến sỹ.’

Điều đáng nói ở đây, thông tin mà tài liệu của CIA cung cấp lại gần như trùng khớp với những gì được tuyên truyền trên sách báo của phía Trung Quốc. Tuy một số chi tiết có khác biệt, nhưng tựu chung lại, hai nguồn thông tin này đều miêu tả Việt Nam như kẻ gây sự.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng những thông tin này chỉ nhằm gây đánh lạc hướng, biện minh cho cuộc tấn công chiếm Gạc Ma của Trung Quốc mà thôi:

“Họ nói rằng là đó là cái cớ, Trung Quốc lấy Gạc Ma là bởi vì Việt Nam nổ súng trước. Nhưng không phải như vậy, nếu Trung Quốc không đưa lính đến Gạc Ma thì những người (lính Việt Nam) phòng thủ ở đó không thể nổ súng được.”

Tôi nghĩ rằng lúc này có việc Mỹ và Trung Quốc đi đêm với nhau, thành ra là cái báo cáo đó là cái báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ có lợi cho đường lối của Mỹ lúc đó, vì thế cho nên là khi có tài liệu từ một hướng thì chưa có thể tin được, mặc dù đó là tài liệu mật của chính phủ Mỹ.

Cũng theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, năm 1988 là thời điểm Mỹ và Trung Quốc muốn “dìm Việt Nam xuống dưới bùn”, lôi kéo các nước ASEAN chống lại Việt Nam, chính vì vậy không thể chỉ tin vào nguồn tài liệu từ phía CIA.

“Tôi nghĩ rằng lúc này có việc Mỹ và Trung Quốc đi đêm với nhau, thành ra là cái báo cáo đó là cái báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ có lợi cho đường lối của Mỹ lúc đó, vì thế cho nên là khi có tài liệu từ một hướng thì chưa có thể tin được, mặc dù đó là tài liệu mật của chính phủ Mỹ. Nếu bây giờ có một tài liệu mật khác của Trung Quốc đưa ra tôi nghĩ cũng chưa chắc là đúng nữa.”

Số phận Gạc Ma

Đảo nhân tạo của Trung Quốc xây dựng trên Đá Gạc Ma (Ảnh của CSIS) 

Đảo nhân tạo của Trung Quốc xây dựng trên Đá Gạc Ma (Ảnh của CSIS)

​Trả lời câu hỏi liệu quyết định nổ súng trước hay sau có ảnh hưởng gì đến cục diện trận chiến hay không, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng và giáo sư Ngô Vĩnh Long đều cho rằng nếu Trung Quốc quyết tâm chiếm Gạc Ma, thì điều đó không còn nhiều ý nghĩa bởi tương quan lực lượng lúc đó là quá chênh lệch.

Năm 1988, Liên Xô và các nước Đông Âu theo chủ nghĩa xã hội khủng hoảng nghiêm trọng bỏ lại Việt Nam bơ vơ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc tại Biển Đông. Theo hai vị giáo sư, Việt Nam không có cơ hội giành chiến thắng trong trận Gạc Ma dưới bất kỳ kịch bản nào.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói:

“Cục diện muốn thay đổi chỉ phụ thuộc vào các hành động của chính phủ Việt Nam sau khi Trung Quốc đánh chiếm, đưa Trung Quốc ra dư luận quốc tế, tiếp tục công bố về vấn đề này.”

Tuy nhiên, giáo sư Nguyên Mạnh Hùng cho rằng đây là điều vô ích:

“Cái đó cũng vô ích thôi, khi cuộc chiến ở Hoàng Sa xảy ra thì Việt Nam Cộng hòa lên tiếng mạnh lắm, có cả một cái hồ sơ to lớn lên Hội đồng Bảo An, mà cũng chẳng có gì cả.”

Và thực tế cho thấy, mọi nỗ lực của Việt Nam đưa tranh chấp lên Hội đồng Bảo An Liên hiệp quốc đều đi vào ngõ cụt. Ngay trong tài liệu của CIA cũng đề cập đến việc này: "Việt Nam đã đưa vấn đề tranh chấp tại Trường Sa lên Liên hiệp quốc, với mong muốn nhờ tổ chức này buộc Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán, nhưng không thành công."

Theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, điều duy nhất Việt nam có thể làm đó chính là rút ra bài học:

“Chiến lược Việt Nam từ xưa tới nay vẫn là mình là người yếu ở cạnh một nước mạnh, thì trước hết là mình không muốn làm cái gì mà gây hấn để nó lấy cớ nó đánh mình. Thứ hai là mình phải phòng vệ, mình phải khỏe, tự mình khỏe đã. Nếu mình không đủ sức khỏe thì mình vay mượn sức khỏe người khác, những liên minh quân sự, thực sự hoặc trá hình. Phải có một sự cân bằng lực lượng như vậy thì mới chống lại được cái sự lấn lướt của một nước lớn ngay trước mặt.”

Nguồn: VOA

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Quy định bình luận
Vietinfo tạo điều kiện cho bạn đọc bày tỏ chính kiến, song không chịu trách nhiệm cho quan điểm bạn đọc nêu trong bình luận của bạn đọc. Quan điểm bạn đọc không nhất thiết đồng nhất với quan điểm của Vietinfo.eu. Khi bình luận tại đây, hãy:
- lịch sự, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,
- bày tỏ quan điểm tập trung vào chủ đề bài viết,
- không dùng các từ ngữ thô tục, bậy bạ,
- không xâm phạm đến quyền riêng tư cá nhân hay một số cá nhân,
- không tỏ thái độ phân biệt trên bất cứ phương diện nào (dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…).
Mọi nội dung không phù hợp với các tôn chỉ trên có thể bị sửa hoặc xóa.
Cách gõ tiếng Việt
Dấu mũ Â, Ê, Ô – gõ 2 lần: AA, EE, OO
Dấu móc Ă, Ơ, Ư – thêm phím W: AW, OW, UW
Dấu huyền – thêm phím F
Dấu sắc – thêm phím S
Dấu hỏi – thêm phím R
Dấu ngã – thêm phím X
Dấu nặng – thêm phím J
Xóa dấu – thêm phím Z

Ví dụ:
Casch gox tieesng Vieejt.
Cách gõ tiếng Việt.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo