Sự kiện

Chiến tranh lạnh và số phận Thành phố Berlin trong những năm 1948-1949

Cập nhật lúc 11-11-2012 19:30:19 (GMT+1)
Thành phố Berlin bị chia cắt trong chiến tranh lạnh. Hình minh họa (Internet)

 

Nhân dịp kỷ niệm bức tường Berlin sụp đổ (9/11/1989), một cái mốc đánh dấu kết thúc chiến tranh lạnh giữa hai hệ thống chính trị đối đầu, NguoiViet.de giới thiệu bài viết này của tác giả Nguyễn Thế Tuyền về số phận Thành phố Berlin những năm đầu sau đại chiến thế giới lần thứ hai để khai trương chuyên mục mới mở "NguoiViet.de giới thiệu". 


Chiến tranh xuất hiện từ thời con người còn „ăn lông ở lỗ“. Thời đó các bộ lạc dùng những vũ khí thô sơ như cành cây, đá, xương thú để chiếm đoạt vùng đất của bộ lạc khác. Cho đến thế kỷ thứ 20, chiến tranh tức là dùng bạo lực để giết chóc tranh giành. Thời hiện đại, chiến tranh được phân loại rõ ràng hơn. Ngoài chiến tranh nóng (dùng súng đạn) còn có chiến tranh lạnh, chiến tranh tâm lý, chiến tranh tin học, thậm chí có cả „chiến tranh hoa hồng“ nữa. Nhân dịp kỷ niệm ngày bức tường Berlin sụp đổ (9/11/1989), tác giả bài viết muốn ôn lại những ngày tháng đen tối của chiến tranh lạnh, đặc biệt đối với thành phố Berlin những năm đầu sau Thế chiến II, nơi hiện tại có rất nhiều người Việt sinh sống.

Nhận rõ tính chất cực kỳ nguy hiểm của chủ nghĩa phát xít đối với loài người, các cường quốc Anh, Pháp, Mỹ và Liên xô bắt tay nhau cùng quyết tâm tiêu diệt. Vì hai hệ thống chính trị của phương Tây và Liên xô có rất nhiều điểm trái ngược nên ngay từ những ngày cuối đại chiến, sự rạn nứt trong khối liên minh chống phát xít cứ rõ dần. Mặc dù thế tổng thống Mỹ Roosevelt vẫn hy vọng một chiến lược „one World Politik“ do ông đưa ra mà nội dung chính là nếu có tranh chấp, hãy đàm phán, ngăn ngừa chiến tranh.

Người kế nhiệm Roosevelt là Truman nhận thấy không thể thực hiện được ý tưởng của người tiền nhiệm, vì Liên xô muốn bành trướng ảnh hưởng sang phương tây, ủng hộ sự hình thành khối XHCN ở Đông Âu, đóng vai trò các quốc gia vệ tinh cho Liên xô. Thủ tướng Anh Churchill lần đầu tiên dùng khái niệm „Bức màn sắt“ để mô tả tình hình căng thẳng này và tìm cách chặn đứng ảnh hưởng của Liên xô sang các nước Tây Âu. Quan hệ băng giá giữa hai hệ thống đối đầu bắt đầu từ đó. Khi phương Tây thành lập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) thì các nước XHCN thành lập khối quân sự Wac-sa-va. Hai bên lặng lẽ nhìn nhau bằng con mắt thù địch, chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

 

Berlin bị chia thành 4 phần do 4 cường quốc Liên xô, Mỹ, Anh, Pháp kiểm soát.

Sau khi phát xít Đức đầu hàng, bốn cường quốc đồng minh là Anh, Pháp, Mỹ và Liên xô đã họp Hội nghị tại Potsdam thống nhất chia lãnh thổ nước này thành 4 phần. Thành phố Berlin nằm trọn trong phần Đông Đức thuộc sự quản lý của Liên xô nên Stalin muốn chiếm trọn Berlin. Ngày 20/6/1948 cải cách tiền tệ tại các vùng miền tây và đồng DM là đồng tiền chính thức của Tây Đức. Phía Đông Đức cũng chính thức dùng đồng Ostmark (DDR Mark) làm phương tiện thanh toán. Liên xô quyết tâm cản Tây Berlin dùng DM và đã cưỡng bức vùng này phải sử dụng Ostmark, phương Tây thì phản đối mãnh liệt. Trước tình hình ấy, Stalin ra lệnh phong tỏa Tây Berlin bắt đầu ngày 24/6/1948. Họ chặn đứng mọi cung cấp nhu yếu phẩm và năng lượng từ Tây Đức cho Tây Berlin, đồng thời muốn dân Tây Berlin sang Đông Berlin để mua hàng và dùng đồng Ostmark. Tướng Mỹ Lucius Clay phụ trách vùng Tây Đức đề nghị dùng quân đội bảo vệ đoàn xe chở hàng từ Tây Đức sang Tây Berlin cung cấp cho 2,2 triệu dân và hơn 8000 lính đồng minh cùng gia đình họ. Nhưng đề nghị này bị tổng thống Truman từ chối vì cho là như thế sẽ khiêu khích Liên xô, dễ xảy ra chiến tranh. Truman đã cho phép tướng Clay lập cầu hàng không chuyển hàng bằng máy bay chiến đấu, bay từ Tây Đức qua lãnh thổ Đông Đức để đến Tây Berlin. Máy bay tiếp vận của Mỹ hạ cánh xuống sân bay Tempelhof, máy bay của Anh xuống sân bay Gatow và của Pháp đáp xuống Tegel. Trong vòng 11 tháng, quân đồng minh đã thực hiện 200 000 chuyến bay cung cấp 1,5 triệu tấn nhu yếu phẩm cho Tây Berlin (cứ khoảng 3 phút lại có một máy bay tiếp tế hạ cánh). Người dân Berlin gọi đó là „thả bom nho khô“. Trong chiến dịch này, 28 người đã chết vì tai nạn máy bay. Quân đồng minh tuyên bố sẽ cung cấp trường kỳ cho Tây Berlin còn Liên xô bị thế giới phản đối rất mạnh, nên việc phong tỏa này đã phải kết thúc ngày 12/5/1949. Thông qua đàm phán mật, Berlin được chia làm 4 phần, uy tín của Liên xô bị tổn thất, biên giới Đông/ Tây Berlin vẫn mở cho đến ngày bức tường được xây dựng (13/8/1961). Sự kiện phong tỏa Berlin là một cao điểm của chiến tranh lạnh. Liên xô phong cho CHDC Đức là „Tiền đồn phe XHCN ở phía tây“ còn Việt Nam ta là tiền đồn ở phía đông.

Dân Tây Berlin chờ mong máy bay hạ cánh

Sự giúp đỡ của quân đội đồng minh đã làm cho quan hệ Đức Mỹ thân thiện hơn, từ kẻ thù chuyển dần sang bạn đối tác. Chiến tranh lạnh còn thể hiện qua nhiều dấu ấn khác, ví dụ phương Tây thành lập khối thị trường chung châu Âu thì bên Đông thành lập khối tương trợ kinh tế Vac sa va, cho xây tháp Vô tuyến truyền hình sát Tây Berlin để chứng tỏ sức mạnh của phe, đặt hàng loạt tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tại Cu Ba hướng sang đất Mỹ năm 1960, làm thế giới nín thở vì sợ đại chiến lần thứ ba… Còn phía Mỹ cho người lên mặt trăng 1969(Amstrong), rồi hô hào chiến dịch „Chiến tranh giữa các vì sao“ để bắt Liên xô phải dồn toàn bộ ngân quỹ phục vụ việc chạy đua vũ trang dẫn đến kiệt sức. 

Cuộc đối đầu hạt nhân Xô – Mỹ 1960

Nhìn một Berlin hôm nay hiện đại và phồn thịnh, bạn có tưởng tượng được những giờ phút „ngàn cân treo sợi tóc“ đó không? Sau đại chiến, đồng minh lột gần hết máy móc thiết bị trong các xí nghiệp, đường ray tàu hỏa, tác phẩm nghệ thuật… nói là để đền bù, nhưng đến bây giờ các chuyên gia lại đánh giá: Chính điều đó tạo điều kiện cho dân tộc Đức thay da đổi thịt, xây dựng lại đất nước bằng kỹ thuật hoàn toàn mới. Thấm thía sự nhục nhã của kẻ hai lần thua trận, người dân Đức cúi đầu làm việc, mặc kệ ai sỉ nhục chửi rủa, để đến bây giờ họ có thể ngẩng cao đầu nhưng vẫn giữ được thái độ bình tĩnh.

Nguyễn Thế Tuyền (Berlin).

Nguồn: Nguoiviet.de

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo