Sự kiện

Chiến tranh biên giới phía Bắc, cái bẫy của Bắc Kinh dành cho Hà Nội

Cập nhật lúc 28-09-2017 14:23:15 (GMT+1)

 

Một vị tướng Trung Quốc khi tiếp nhận phỏng vấn của Ginsburgh, sĩ quan không quân Mỹ đã tiết lộ, Trung Quốc phát động cuộc “tấn công có tính phòng vệ” này để đánh Việt Nam, hoàn toàn không phải là một quyết định ngẫu nhiên hoặc vội vàng. 


Ông nói, Trung Quốc đã dự đoán phản ứng của Liên Xô đối với cuộc tấn công này sẽ không thể mạnh mẽ đến mức điều động số lượng lớn quân đội từ châu Âu sang châu Á, việc bổ sung lực lượng của họ chẳng qua chỉ là để gây ra vài cuộc quấy rối biên giới Trung Quốc mà thôi. Còn Trung Quốc thì nắm chắc bản thân có thể đủ sức khống chế những cuộc quấy rối nhỏ này. Bắc Kinh đánh giá, Liên Xô nhiều nhất chỉ có thể phát động cuộc tấn công với mười sư đoàn và Trung Quốc không cần thiết phải điều động lực lượng quân đội từ các khu vực khác đến cũng đã có thể ngăn chặn được các cuộc chiến tranh xâm nhập đó.

Trước khi Trung Quốc phát động “phản kích” Việt Nam, đại bộ phận các hạm đội của Liên Xô ở biển Nam Trung Hoa đều là các hạm tầu tình báo. Sau khi chiến tranh bắt đầu, một kỳ hạm trong hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô đi về phía khu vực có chiến tranh. Có người liền dự đoán rằng Liên Xô sẽ thực hiện đánh trả Trung Quốc với quy mô nhỏ. Họ cho rằng, tình hình có khả năng xẩy ra nhất là quân đội Việt Nam dưới sự yểm trợ của Liên Xô sẽ chiếm lấy quần đảo Hoàng Sa. Khi chiến tranh đang diễn ra thì Liên Xô đã có mười hai chiến hạm ở vùng biển Nam Trung Hoa, Liên Xô tỏ ra phải ủng hộ Việt Nam. Những chiến hạm này đều hoạt động hiệp đồng phối hợp với tuyến tiếp tế đường không của Liên Xô, được dùng vào vận chuyển vật tư cho Việt Nam.

Đầu tháng ba, những chiến hạm này bắt đầu chở quân Việt Nam từ thành phố Hồ Chí Minh (nguyên là Sài Gòn) ra miền Bắc. Đến ngày 15 tháng 3, tất cả đã chuyển được ba sư đoàn tới biên giới Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố, họ không lo lắng gì đến việc Liên Xô dựa vào điều 6 của Điều ước hợp tác hữu hảo Xô – Việt để can thiệp vào cuộc chiến tranh này. Theo một nguồn tin có nói rõ rằng, Đặng Tiểu Bình cho rằng Liên Xô “sẽ không tổ chức cuộc tác chiến với quy mô lớn, nhưng nếu họ có hành động thực sự thì chúng tôi cũng sớm có chuẩn bị thỏa đáng”. Có khoảng hơn 30 vạn dân Trung Quốc được rời xa ra khỏi khu vực biên giới Trung – Xô. Khi Trung Quốc bắt đầu cuộc chiến tranh “trừng phạt Việt Nam” thì tất cả mặt trận phía biên giới đó đã được nằm trong trạng thái báo động cấp cao nhất của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Trung Quốc cho rằng, trong tay họ nắm năm con chủ bài có thể làm cho Liên Xô không dám quấy rối với quy mô lớn: Thứ nhất, Đặng Tiểu Bình mới vừa từ Mỹ trở về. Khi ở Mỹ, Tổng thống Carter và Đặng Tiểu Bình đều nêu ra khẩu hiệu “chống Chủ nghĩa bá quyền” (Đặng Tiểu Bình thuận đường về đã thăm Nhật và Nhật cũng nêu ra khẩu hiệu như vậy.) Điều đó khiến Trung Quốc có thể tỏ ra một tư thế là đã có Mỹ nâng đỡ để đối phó với Việt Nam phát động cuộc tấn công. Thứ hai, Trung Quốc rất thận trọng trong thuyết minh cuộc tấn công này chỉ là một cuộc “phản kích”, mục đích nhằm đuổi quân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc mà không phải là trả đũa hành động Việt Nam xâm lược Campuchia. Sở dĩ Trung Quốc phải thuyết minh như vậy là để Liên Xô – một siêu cường “có trách nhiệm lớn lao”, sẽ khó giả vờ lấy danh nghĩa đi mở rộng chiến tranh ở Đông Dương.

Thứ ba, về quan hệ tam giác Mỹ – Trung – Xô, Liên Xô không muốn mạo hiểm phá vỡ mối quan hệ Mỹ – Xô để mất đi cơ hội “đàm phán hạn chế vũ khí hạt nhân lần thứ hai” với Mỹ. Thứ tư, Trung Quốc nhanh chóng tuyên bố với thế giới rằng, thời gian và phạm vi của cuộc “phản kích” này có giới hạn, nó sẽ không đe dọa tới sự sống còn của Việt Nam. Thứ năm, Trung Quốc rất chú ý làm cho không khí của cuộc chiến tranh ít tiếng vang, không thành như là một cuộc tuần hành thị uy khổng lồ và tuyên truyền rầm rĩ chống Liên Xô.

sự kiện đảo Trân Bảo 1969

Trung Quốc quyết định hướng tới Mỹ sau sự kiện đảo Trân Bảo/Damansky năm 1969.

Và đây là 5 điều bạn nên biết khi nhìn nhận về cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung, cũng như 5 lí do vì sao Bắc Kinh quyết đánh Hà Nội.

1) “Trừng phạt” hành động Việt Nam xâm nhập Campuchia

Trong tuyên bố của Trung Quốc, tuy chưa đề cập tới Campuchia nhưng rõ ràng cuộc “phản kích” này là hành động trả đủa Việt Nam xâm nhập Campuchia. Đầu tháng 3 năm 1979, khi Trung Quốc tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam, tuần báo Bắc Kinh có nêu rõ: “Tuy rằng biên giới Trung Quốc đã ảnh hưởng tới tham vọng bành trướng chủ nghĩa của Việt Nam đối với lãnh thổ Trung Quốc, nhưng phạm vi chiến sự lần này đã vượt xa sự tranh chấp về lãnh thổ, nhân tố bối cảnh của nó rộng rãi, sâu xa… đe dọa đến cả Đông Nam Á và hành động quy mô lớn xâm lược Campuchia…” Rất hiển nhiên, “phản kích” này là muốn dạy cho Việt Nam một bài học, làm cho lực lượng quân sự của họ bị mất cân đối và làm giảm sức ép của bộ đội, du kích Việt Nam đối với Campuchia, hơn nữa Bắc Kinh phải chứng minh Trung Quốc là đồng minh đáng tin cậy của Campuchia, nó không còn chỉ là chuyện khoa trương thanh thế Trung Quốc mà thôi.

2) Để đạt được mục đích chi viện Hoa kiều

Bắt đầu từ tháng 5 năm 1978, vấn đề Hoa kiều Việt Nam ngày càng nghiêm trọng. Bắc Kinh bắt đầu tố cáo Chính phủ Việt Nam áp bức các Hoa  kiều đủ thứ. Cho nên, một trong những nguyên nhân Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh “trừng phạt Việt Nam” là muốn thể hiện rõ ràng họ có khả năng chiếu cố và quan tâm Hoa kiều hơn Đài Bắc.

3) Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp biên giới và lãnh thổ

Nhân dân nhật báo và Tuần báo Bắc Kinh lần đầu tiên khi đăng tải bản phát biểu tuyên chiến đều nhấn mạnh mục đích của cuộc “phản kích” là để bảo vệ biên giới của Trung Quốc, để đuổi hết quân Việt Nam ở trên lãnh thổ Trung Quốc về Việt Nam. Ngày 18 tháng 2, tờ Nhân dân nhật báo đã đăng tải tuyên bố của Chính phủ Bắc Kinh như sau: “Gần nửa năm nay, các nhân viên vũ trang Việt Nam đã khiêu khích và xâm nhập vũ trang biên giới nước ta tăng vọt tới 700 lần, giết chết và làm bị thương hơn 300 dân quân của ta.” Bắc Kinh còn chỉ rõ rằng, họ “tuyên bố “phản kích” là do yêu cầu ổn định của khu vực biên giới, muốn để cho nhân dân biên giới Trung Quốc khôi phục một cuộc sống bình thường.”

4) Trung Quốc muốn làm tan rã lực lượng kinh tế và quân sự của Việt Nam thông qua cuộc chiến tranh biên giới này, đồng thời lại muốn tăng thêm lực lượng kinh tế và quân sự trong nước mình. Charles Nelson cho rằng, mục tiêu chủ yếu hành động quân sự của Trung Quốc là phá hủy tất cả các công trình kinh tế, chính trị và quân sự của Việt Nam nằm trong phạm vi 20 km ở biên giới. Đồng thời đang lúc Việt Nam tấn công Campuchia, trong nước họ lại bị thiên tai (lũ lụt), vào lúc này Trung Quốc phát động “phản kích” nhất định sẽ gây tổn thất lớn cho Việt Nam, đánh tan cái kiểu nói thần thoại “Quân đội Việt Nam đánh đâu thắng đó”.

Trung Quốc cũng đồng thời hy vọng nhân cơ hội đó phát triển lực lượng kinh tế và quân sự trong nước họ. Jencks cho rằng, Trung Quốc muốn “để cho quân đội của họ được dịp thử thách, vì từ năm 1962 lại đây, quân đội này không qua cuộc chiến đấu lớn nào. Cuộc chiến tranh này sẽ cung cấp một cơ hội đánh giá chiến lược, thiết bị, hậu cần và hệ thống thông tin đối với quân đội Trung Quốc và cung cấp kinh nghiệm chiến đấu cho những quân nhân Trung Quốc thế hệ mới.”  Mặt khác, Đặng Tiểu Bình và một số nhà lãnh đạo quân sự khác muốn nhân dịp chiến tranh này để yêu cầu tăng ngân sách quân sự, nhằm làm nổi bật nhu cầu cấp thiết của 4 hiện đại hóa

5) Trung Quốc muốn đạt được mục tiêu cô lập Việt Nam trên mặt chiến lược và ngoại giao, làm cho Việt Nam phải thay đổi chính sách thân Liên Xô

Trung Quốc quyết định phải trừng phạt Việt Nam – một “Cu-ba châu Á”, bởi vì “có một số người Trung Quốc cho rằng, nếu như Trung Quốc không thể có hành động thích đáng để đối phó Việt Nam – “Cu-ba châu Á”, thì họ sẽ không có tư cách phê phán sự thất bại của Mỹ trong việc ngăn chặn hành động xâm phạm của Cu-ba”. Theo cách nói của bình luận tờ Kinh tế Viễn Đông: “Bắc Kinh luôn kêu gọi phương Tây liên hợp lại để chống Chủ nghĩa bá quyền Liên Xô. Như vậy làm thế nào mà họ có thể tỏ ra yếu đuối trước một nước nhỏ do Mátxcơva sai khiến, và chịu sự khiêu khích vũ trang của nó ở ngay trước cửa ngõ nhà mình. Ngay chỉ nói là để xây dựng chút niềm tin với phương Tây thì Bắc Kinh cũng đã phải cần hành động rồi.

hiệp định thượng hải 1972

Ảnh: Tổng Thống Mỹ Richard Nixon đang dùng món vịt quay Bắc Kinh năm 1972. Thông qua cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam, Trung Quốc muốn tiến tới quan hệ cao hơn so với Mỹ là “Liên Mỹ chống Xô” so với trước đây là “Thân Mỹ chống Xô”.

Đồng thời Trung Quốc cần phải thể hiện sức mạnh quân sự trong khu vực ảnh hưởng truyền thống của mình, chứng minh rằng mình là một cường quốc chủ yếu mới lên. Trung Quốc cần chứng minh với Mỹ, Nhật và các nước NATO rằng, Liên Xô chỉ là một “con gấu Bắc Cực bằng giấy”, nếu như có thái độ kiên quyết với nó, thì “con gấu Bắc Cực bằng giấy” này sẽ phải nhượng bộ. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc đã áp dụng hành động tấn công có hạn chế đối với Việt Nam. Như vậy rõ ràng đúng là Trung Quốc có sợ Liên Xô ra mặt can thiệp. Về mặt sách lược, như Sheldon Simon đã nêu: đầu tiên Bắc Kinh làm yếu lực lượng kinh tế của Việt Nam, rồi gây hao tổn tài nguyên quốc gia của Việt Nam, lại cố ý đẩy Việt Nam ngã vào lòng Mátxcơva, vì vậy đã làm cho Hà Nội nhìn thấy rõ Liên Xô lợi dụng họ để đối phó Trung Quốc và Mỹ, và đó chính là mục tiêu địa – chiến lược của bản thân Liên Xô. Trung Quốc còn muốn làm cho Hà Nội thấy rõ, Mátxcơva không có cách nào cung cấp đủ viện trợ kinh tế  hoặc kiểm soát Đông Dương có hiệu quả, vì vậy trong tương lai Hà Nội sẽ phải xa rời Mátxcơva và kiến lập một quan hệ mới với các nước khác ở khu vực châu Á. Mặt khác, Bắc Kinh cũng muốn khảo nghiệm mối quan hệ “chống Chủ nghĩa bá quyền” Liên Xô của Trung Quốc hiện đang ở mức độ nào. Còn theo cách nói của Thomas Bellow, thì Trung Quốc chứng minh tự họ là một nước đồng minh đáng tin cậy chống Liên Xô, các nước phương Tây nên bán vũ khí chi viện cho họ thông qua cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung sắp tới.

Nguồn: Quanhequocte

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo