Sự kiện

Cách Mạng Nhung: Sự kết thúc trong hòa bình của chủ nghĩa Cộng sản tại Tiệp Khắc

Cập nhật lúc 17-04-2017 14:54:03 (GMT+1)
Hàng nghìn người dân thành phố Praha, Tiệp Khắc xuống đường để phản đối chế độ Cộng sản, tháng 11 năm 1989. Nguồn: David Turn

 

Nhân kỷ niệm tròn 27 năm ngày “Cách mạng Nhung” bắt đầu, ngày 17/11/1989 – 17/11/2016, Hate Change xin giới thiệu cùng bạn đọc bản lược dịch của chúng tôi từ bài tổng hợp THE VELVET REVOLUTION: A PEACEFUL END TO COMMUNISM IN CZECHOSLOVAKIA theo Tavaana.


Năm 1989, trong sự bất mãn trước tình trạng đàn áp về chính trị và điều kiện sống nghèo nàn, giới sinh viên Tiệp Khắc (Czechoslovak) đã tiến hành một loạt những cuộc biểu tình chống chế độ cộng sản. Dưới sự dẫn dắt của nhà viết kịch, kiêm đấu tranh dân chủ – Vavlav Havel, cuộc “Cách mạng Nhung” đã thu hút được hàng triệu người ủng hộ, và đã những cuộc tuần hành, đình công do họ tổ chức đã gây ra đình trệ trên toàn quốc. Khởi đầu từ một cuộc biểu tình của sinh viên, và sau sáu tuần huy động quần chúng, người dân Tiệp Khắc đã đặt dấu chấm hết cho hàng thập kỷ ách cai trị Cộng sản để dựng nên một quốc gia dân chủ mới. 

Tầm nhìn và động lực của cuộc cách mạng

Vào nửa cuối thập niên 1980, bầu không khí chính trị tại Liên Xô và các quốc gia vệ tinh (Đông Âu) trở nên dễ thở hơn so với các thập niên trước đó, nhờ hai chính sách mới của Mikhail Gorbachev: Glasnost – một nỗ lực của chính quyền nhằm tạo sự minh bạch và cởi mở đối với tranh luận trong việc quản trị đất nước; và Perestroika – tái cấu trúc hệ thống chính trị và kinh tế của Liên Xô. Nhiều sử gia coi hai chính sách đó là chất xúc tác cho phần lớn các cuộc cách mạng dân chủ phi bạo lực đã nổ ra tại các quốc gia trong khối Xô-viết(1).

Hàng nghìn người dân thành phố Praha, Tiệp Khắc xuống đường để phản đối chế độ Cộng sản, tháng 11 năm 1989. Nguồn: David Turnley/CORBIS

Đảng Cộng Sản Tiệp Khắc đã cố ngăn không cho những cải cách của Gorbachev được thực hiện tại nước mình, nơi có một hệ thống chính trị chuyên chế, bất đồng chính kiến với nhà nước bị cấm đoán, và các nhà hoạt động chính trị bị trừng phạt một cách hà khắc trong suốt nửa cuối thập niên 1980(2). Bằng cách thanh trừng những nhà bất đồng chính kiến bị tình nghi, cùng gia đình họ, chính quyền Cộng sản quyết giữ chặt sự kiểm soát đối với dân chúng. Đảng Cộng Sản Tiệp Khắc tiếp tục thực hiện những chính sách đó kể cả sau khi Bức tường Berlin sụp đổ và các quốc gia khác trong khối Xô-viết như Ba Lan, Hungary đã chuyển hóa theo hướng dân chủ. Tình trạng đàn áp đó về mặt chính trị, kết hợp với sự sụp đổ của Liên Xô, đã truyền cảm hứng cho người dân Tiệp Khắc đứng lên đòi thay đổi chế độ. Trong 6 tuần cuối cùng của năm 1989, các nhà hoạt động đối lập đã tổ chức ra cái mà đã được biết đến với tên gọi “Cách mạng Nhung”, nhằm lập đổ chính quyền Cộng sản tại Tiệp Khắc.

Cuộc cách mạng dân chủ tại Tiệp Khắc được gọi tên là “Cách mạng Nhung” vì nó là một phong trào hòa bình, kết thúc bằng phương thức thỏa hiệp, chứ không phải bạo lực; Havel và phong trào đấu tranh của ông đã có lựa chọn chiến lược theo hướng hành động phi bạo lực, điều làm nên thành công của phong trào. Trong khi các thành viên người Slovak của phong trào đã gọi sự chuyển tiếp về dân chủ này là Cuộc Cách Mạng Hiền Hòa, Havel và người dân Séc vẫn tiếp tục gọi nó là Cách Mạng Nhung. Một số người cho rằng, ban nhạc Velvet Underground (Vải nhung dưới lòng đất) của Lou Reed đã là chất xúc tác khiến các nhà hoạt động dân sự người Séc chọn hình tượng “vải nhung”, sau khi một bản sao hiếm hoi của album đầu tiên của nhóm nhạc này được mang lén vào thủ đô Praha năm 1968. Nhóm Velvet Underground sau đó đã có ảnh hưởng tới nhóm The Plastic People of The Universe, 1 nhóm nhạc rock hoạt động ngầm (lề trái). Họ là bạn thân của Vaclav Havel và dùng âm nhạc để thể hiện tinh thần của phong trào đối lập Séc trong giai đoạn từ 1968 đến 1989 (3).

Phương hướng và mục tiêu của phong trào

Cách mạng Nhung khởi đầu gần như là tự phát vào ngày 17 tháng 11 năm 1989, với cuộc tuần hành của sinh viên để kỷ niệm 50 năm ngày mất của một người biểu tình trong cuộc biểu tình của sinh viên chống lại ách chiếm đóng của Đức Quốc Xã. Tuy nhiên, nó đã nhanh chóng biến thành một cuộc biểu tình chống chế độ, với các sinh viên cầm biểu ngữ và hô vang các khẩu hiệu chống Cộng sản(4). Cuộc biểu tình này đã diễn ra một cách ôn hòa, nhưng 167 sinh viên biểu tình đã phải nhập viện sau khi bị công an đánh đập(5). Điều đó đã truyền cảm hứng cho các tổ chức công đoàn của công nhân và các nhóm dân sự khác cùng đứng lên và tập hợp lại để đòi tự do, dân chủ(6).

Kế tiếp cuộc biểu tình đó của sinh viên, các cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra tại nhiều thành phố trên khắp đất nước. Các diễn viên và nhà biên kịch đóng vai trò nổi bật trong phong trào phản kháng, vì vậy, các nhà hát đã trở thành nơi tụ họp cho các nhà hoạt động để lên sách lược chính trị và tiến hành thảo luận công khai(7). Trong một cuộc thảo luận diễn ra tại một nhà hát ở Praha vào ngày 19 tháng 11, một nhóm với tên gọi “Diễn đàn Dân sự” đã được thành lập, với thành viên là những người phát ngôn của phong trào dân chủ(8). Nhóm này ra yêu sách “chính quyền cộng sản phải từ chức, trả tự do cho các tù nhân lương tâm và mở cuộc điều tra về các hành động của công an trong sự kiện ngày 17 tháng 11”(9).

Lãnh đạo


Vaclav Havel, tổng thống được bổ nhiệm đầu tiên sau chuyển đổi dân chủ. Nguồn: Thư viện Havel

Tổ chức “Diễn đàn Dân sự”, trái tim của phong trào dân chủ Tiệp Khắc, được lãnh đạo bởi Vaclav Havel. Ông là một tác giả, nhà viết kịch và nhà thơ, đã dùng tài năng của mình để tạo ra các thông điệp của phong trào, thách thức chính quyền theo một cách mà khiến cho quần chúng tin tưởng và phấn khích.

Havel nói “Tôi thực sự sống trong một môi trường mà ở đó, ngôn từ có khả năng làm lung lay toàn bộ cấu trúc quyền lực, và có thể chứng tỏ sức mạnh lớn hơn cả 10 sư đoàn”(10). Trong những vở kịch như Bữa tiệc trong vườn (The Garden Party), Bản ghi nhớ (The Memorandum) và Cuộc phỏng vấn (The Interview), Havel đã cho thấy tác động của một cơ chế chính quyền quan liêu, nặng tính đàn áp, lên những người dân thường, cùng cuộc sống riêng tư và các mối quan hệ của họ(11). Trước đó, ông đã hoạt động tích cực trong suốt giai đoạn “Mùa xuân Praha”- thời kỳ tự do hóa chính trị diễn ra tại Tiệp Khắc năm 1968, khi Tổng bí thư Alexander Dubček, dỡ bỏ những hạn chế về tự do ngôn luận và sự kiểm soát của nhà nước đối với nền công nghiệp. Trong một vài tháng, người dân Tiệp Khắc đã được phép công khai chỉ trích sự cai trị của Liên Xô, đi lại trong nước một cách tự do hơn, và thành lập các câu lạc bộ chính trị mới, không có liên hệ với Đảng Cộng Sản. Tuy nhiên, mùa hè năm đó, Liên Xô đã đem quân tiến vào để chặn đứng những cải cách này. Havel đã lên tiếng tố cáo cuộc can thiệp này trên đài phát thanh Tiệp Khắc Tự Do (Radio Free Czechoslovakia). Chính vì những hoạt động đấu tranh vì nhân quyền của mình, các vở kịch của ông bị cấm trình diễn tại các nhà hát kịch trên toàn quốc, và vào năm 1977, ông bị tuyên án 4 năm rưỡi lao động khổ sai(12).

Là một người có niềm tin sâu sắc vào cả nền dân chủ tự do lẫn phương thức đấu tranh phi bạo lực, Havel cũng được biết tới trên tư cách là một trong những người sáng lập phong trào Hiến Chương 77 (năm 1977). Nhóm này soạn ra một bản tuyên ngôn kêu gọi chế độ phải thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền; và vì thế, chính quyền đã ra tay bỏ tù các thành viên của phong trào, và cấm lưu hành tài liệu Hiến Chương 77. Ngày 19 tháng 11 năm 1989, Havel thành lập ra Diễn Đàn Dân Sự(13). Dưới sự lãnh đạo của ông, các thành viên chủ chốt của phong trào Hiến Chương 77 đã tập hợp lại cùng các nhóm đối lập khác để thành lập Diễn Đàn Dân Sự, mà mục đích chính là để hợp nhất phe đối lập Tiệp Khắc, nhằm xóa bỏ chế độ cộng sản. Trong 3 tuần tiếp sau đó, Havel đã phối hợp tổ chức thành công một loạt các cuộc biểu tình và đình công. Ông trở thành gương mặt của đối lập Tiệp Khắc, và đã đóng vai trò lãnh đạo nhóm của mình trong các cuộc đối thoại với chính quyền vào đầu tháng 12 năm 1989.

Sau khi thương thuyết thành công với chính quyền cộng sản, Havel được chỉ định làm chủ tịch nước Tiệp Khắc vào năm 1989, và sau đó chính thức đắc cử tổng thống vào năm 1990, và giữ chức vụ này cho tới năm 2003. Vì các hoạt động dân sự và vai trò lãnh đạo chính trị của mình, ông đã nhận được nhiều giải thưởng như: Giải thưởng vì Tự do của Liên Đoàn Quốc Tế Tự Do (LI), Huân chương Tự do của Tổng thống, Huân chương Philadelphia, Huân Chương Canada và Giải thưởng Gandhi Quốc Tế. Thêm vào đó, Havel còn trở thành nguồn cảm hứng cho các phong trào dân chủ trên khắp địa cầu.

Môi trường dân sự

Dưới chế độ cộng sản, người dân Tiệp Khắc có rất ít không gian để bày tỏ sự bất đồng chính kiến. Trước khi xảy ra Cách Mạng Nhung, Đảng Cộng Sản đã đàn áp được những người bất đồng chính kiến, nhất là sau sự kiện Mùa Xuân Praha năm 1968, khi hàng trăm ngàn quân Liên Xô tràn vào lãnh thổ Tiệp Khắc để dập tắt các cải cách chính trị và xiết lại quyền lực của Đảng. Kể cả những dấu hiệu bất phục tùng nhỏ nhất cũng đều bị coi là nghiêm trọng; có người kể lại rằng, ông của anh ấy, khi đó là một giảng viên đại học, từng bị người ta báo cáo lên chính quyền vì đã xưng hô với các sinh viên của mình là “các anh chị”, thay vì gọi là“các đồng chí”(14).

Nỗ lực của chế độ nhằm đặt các hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận, vốn từng được sử dụng để chống lại các nhóm đối lập Séc trong quá khứ, đã không thể làm dập tắt được cơn sốt Havel và Diễn Đàn Dân Sự. Trong cuộc biểu tình phi bạo lực ban đầu, ngày 17 tháng 11, các nhà hoạt động sinh viên đã tặng hoa cho lực lượng công an, nhưng vẫn bị đánh đập dã man. Tuy nhiên, sự tàn bạo đó đã không trấn áp nổi các cuộc tuần hành, biểu tình và đình công diễn ra trong tuần kế tiếp. Làn sóng đấu tranh phi bạo lực đã có ảnh hưởng sâu rộng đối với người dân Tiệp Khắc, kể cả lực lượng công an và an ninh, đến mức các cuộc biểu tình và đình công ngày càng lan rộng và ít gặp phải sự đàn áp từ chính quyền. Những người biểu tình phi bạo lực, dưới sự lãnh đạo của Havel và Diễn đàn Dân sự, đã là chất xúc tác cho một thay đổi trọng đại trong môi trường dân sự của Tiệp Khắc.

Vaclav Havel cùng đoàn người biểu tình tại Praha. Nguồn: Common.wikimedia.org

Thông điệp và thính giả

Trong cuộc biểu tình đầu tiên của phe đối lập, diễn ra ngày 17/11, những người tổ chức là sinh viên đã ra thông điệp đòi chính quyền từ chức bằng các băng-rôn, biểu ngữ và hướng tới cả 2 đối tượng người nghe là người dân Tiệp Khắc lẫn chính quyền. Khi Diễn đàn Dân sự được tuyên bố thành lập chưa đầy 48 giờ sau đó, đại bộ phận sinh viên, các diễn viên và đội ngũ nhân viên làm ở các nhà hát đã lập tức tổ chức đình công, bãi khóa, nhưng Havel biết rằng, cần phải có nhiều người hơn nữa tham gia hưởng ứng, để phong trào có thể phát triển và có kết quả. Havel và các cộng sự của mình nhất trí tiếp tục đòi chính quyền từ chức, tuy nhiên, để thúc đẩy sự ủng hộ trên toàn quốc cho phong trào, cần phải có một thông điệp mới dành cho người dân Séc. Havel xác quyết rằng các phương pháp bất hợp tác về kinh tế và xã hội dưới hình thức đình công sẽ rất có hiệu quả chống lại chính quyền, vì vậy, ông đã lên kế hoạch tổ chức tổng đình công vào ngày 27 tháng 11, và cuộc tổng đình công này sẽ lan rộng khắp toàn quốc.

Trong vài ngày kế tiếp, Havel và Diễn đàn Dân sự đã phối hợp tổ chức những cuộc biểu tình lớn trên phạm vi cả nước, nhằm công khai bày tỏ sự bất mãn với chính quyền, và vừa để lan truyền tin tức về kế hoạch tổng đình công ngày 27/11. Hàng chục ngàn người cùng xuống đường biểu tình và hô vang khẩu hiệu “Điều này cuối cùng cũng đang xảy ra rồi!”(15). Phong trào dân chủ Tiệp Khắc đã xây dựng được một cơ sở nhận thức về dân chủ rộng khắp; theo ước tính, các cuộc biểu tình tại Praha vào ngày 25 và 26 tháng 11 đã thu hút được gần 750.000 người(16). Các cuộc biểu tình diễn ra hàng ngày, đã mở đường cho những cuộc gặp giữa Diễn đàn Dân sự và thủ tướng Ladislav Adamec, trong đó ngài thủ tướng đưa ra sự đảm bảo trên tư cách cá nhân rằng chính quyền sẽ không dùng bạo lực để đàn áp công dân Séc.

Sau đó, vào ngày 27/11, có tới 75% dân số Séc tham gia vào cuộc tổng đình công kéo dài hai tiếng, cho thấy sự ủng hộ to lớn của quần chúng đối với Diễn đàn Dân sự. Cuộc đình công này có tác dụng yểm trợ cho những yêu sách do phong trào đối lập đưa ra, và kết thúc giai đoạn (pha) “vận động quần chúng” của cuộc cách mạng, khi mà Havel và Diễn đàn Dân sự đã chứng tỏ cho chế độ cộng sản thấy rằng người dân Séc sẽ không tuân phục họ nữa(17).

Các hoạt động trên cương vị mới

Trong tình thế bị mất uy tín và bất lực trước những yêu sách của người biểu tình, Đảng Cộng sản buộc phải đối thoại với Havel và Diễn đàn Dân Ss để mở ra một khung cảnh chính trị mới. Ngày 28/11, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc chính thức từ bỏ độc quyền chính trị và cho phép đa đảng – chỉ một ngày sau cuộc tổng đình công của người dân. Ngày 10/12, chủ tịch nước Gustav Husak (của Đảng Cộng sản) từ chức, và ngày 29/12, Nghị viện Séc chỉ định Vaclav Havel vào cương vị chủ tịch của nước Tiệp Khắc tự do. Trên tư cách là chủ tịch nước cuối cùng của Tiệp Khắc và tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Séc, Havel đã giúp cho quá trình chuyển tiếp sang dân chủ diễn ra êm thấm, mà dấu mốc chính là cuộc bầu cử tự do, công bằng, được tổ chức vào tháng 6 năm 1990, cũng là cuộc bầu cử tự do đầu tiên kể từ năm 1946. Chính phủ mới đã thực hiện tự do hóa luật pháp quốc gia cả về kinh tế lẫn chính trị, tạo ra một xã hội cởi mở và tự do.

TRÌNH TỰ THỜI GIAN
---------------------

CÁC CHIẾN THUẬT ĐẤU TRANH
---------------------

Tháng 02, 1948: Đảng Cộng Sản lên nắm quyền tại Tiệp Khắc thông qua một cuộc đảo chính do Liên Xô hậu thuẫn.
Tháng 01, 1968: Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Alexander Dubcek phát động chính sách tự do hóa, mở ra phong trào Mùa Xuân Praha.
Tháng 08, 1968: Quân đội của Liên Xô và khối Hiệp ước Vác-xa-va tiến vào đàn áp và dập tắt phong trào Mùa Xuân Praha
Tháng 01, 1977: Vaclav Havel lãnh đạo phong trào “Hiến Chương 77”, kêu gọi chính quyền Tiệp Khắp tôn trọng các cam kết quốc tế về nhân quyền. Havel bị kết án tù lần thứ nhất. 
Tháng 11, 1989: Ngày 16 tháng 11, một cuộc biểu tình của sinh viên tại thành phố Bratislava biến thành biểu tình chống chế độ, và bị cảnh sát đàn áp dã man. Ba ngày sau, Diễn Đàn Dân Sự được thành lập và ra yêu sách đòi chính quyền từ chức. 
Sang ngày 25 và 26, có tới 750.000 người tham gia biểu tình tại Praha. Ngày hôm sau, 75% dân số cả nước tham gia một cuộc tổng đình công và bãi khóa kéo dài 2 giờ đồng hồ. Sau đó, ngày 28, Đảng Cộng Sản Tiệp Khắc chấp nhận từ bỏ quyền lực độc tôn. 
Tháng 12, 1989: Chủ tịch nước Gustav Husak từ chức. 
Tháng 06, 1990: Havel trở thành tổng thống trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên ở nước Cộng Hòa Séc mới thành lập.

CÁC PHƯƠNG PHÁP BIỂU TÌNH PHI BẠO LỰC VÀ THUYẾT PHỤC
• Truyền thông tới quần chúng: Người biểu tình sử dụng băng-rôn, biểu ngữ với khẩu hiệu “Chấm dứt chế độ cai trị độc đảng” và “Havel vào dinh thự” (ý nói: lên nắm quyền) để truyền bá thông điệp của mình.
• Hành vi công cộng mang tính biểu tượng: Người biểu tình phất cao lá cờ Tiệp Khắc.
• Tụ họp công cộng: Các công dân tụ họp trong các cuộc biểu tình, và Diễn Đàn Dân Sự tổ chức các buổi thảo luận công cộng. 
• Phát ngôn chính thức: Diễn Đàn Dân Sự ra một bản tuyên bố về yêu sách đối với chính quyền.
• Âm nhạc và kịch nghệ: Vaclav Havel sử dụng kịch nghệ như một hình thức phản kháng; các vở kịch của ông đả kích hiện trạng dưới chế độ cộng sản. 

CÁC PHƯƠNG PHÁP BẤT HỢP TÁC PHI BẠO LỰC 
• Đình công: Thông qua các cuộc đình công tại các nhà hát kịch và bãi khóa của sinh viên, phong trào đã lấy được đà và bắt đầu lan tỏa mạnh. Thông qua cuộc tổng đồng công kéo dài 2 giờ đồng hồ, phong trào đã thể hiện được sức mạnh của mình và đưa đất nước vào thế đình trệ, nhằm buộc chính quyền phải nhượng bộ. 

Nguồn: tavaana.org/ hatechange.org

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo