Sự kiện

“Hồ sơ Panama” - Bí mật tiền bẩn (3): Cơn bão ở Iceland

Cập nhật lúc 24-05-2018 18:51:44 (GMT+1)
Ông Gunnlaugsson và vợ.

 

Việc dính dáng tới một công ty ở một “thiên đường thuế” nếu bị phát hiện thì không phải là điều dễ chịu với bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào. Nhưng với ông Gunnlaugsson, đây còn là một đòn giáng mạnh vào liêm chính chính trị của ông.


Tên của nhiều quan chức Iceland đã xuất hiện trong tài liệu nội bộ của Mossack Fonseca, trong đó có Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng Tài chính Bjarni Benediktsson và Bộ trưởng Nội vụ Ólöf Nordal. Dữ liệu cho thấy cả ba chính trị gia này đều có liên hệ với các công ty ẩn danh ở nước ngoài mà họ “quên” khai báo. Ngoài ra, “Hồ sơ Panama” còn nhắc tới Hrólfur Ölvisson - Chủ tịch đảng Tiến bộ (đảng của ông Gunnlaugsson), những người giàu có nhất Iceland, trong đó một số người từng là chủ các ngân hàng lớn và ít nhất có một người là cố vấn cấp cao của chính phủ. Số người bị đặt trong vòng nghi vấn nói trên cao một cách gây sốc với một quốc gia chỉ có 330.000 người như Iceland.

Đầu năm 2016, Iceland vẫn là một quốc gia đang trong quá trình bình phục từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vết đứt gãy mà cơn địa chấn tài chính năm đó để lại Iceland khá sâu. Khi ấy, ba ngân hàng lớn nhất Iceland là Landsbanki, Kaupthing và Glitnir đã sụp đổ gần như đồng thời dưới sức nặng của món nợ nước ngoài, kích hoạt phản ứng dây chuyền khiến thị trường chứng khoán giảm 90% giá trị, đồng krone mất một nửa giá trị, tổng sản lượng quốc gia giảm 10%. Uy tín của Iceland tụt dốc thảm hại. Hàng nghìn người biểu tình vây quanh quốc hội với nào đá, nào trứng. Thế giới hoang mang trước sự sụp đổ của một quốc gia từng là mô hình kiểu mẫu của vùng Scandinavi. Giới ngân hàng đã cho nhau vay những khoản tiền không đảm bảo trị giá hàng trăm triệu USD để thao túng giá cổ phiếu của ngân hàng mình. Để che giấu mục đích thật các giao dịch này, trên giấy tờ, các khoản vay phần lớn có điểm đến là các công ty ở nước ngoài. Theo “Hồ sơ Panama”, Mossack Fonseca đã thành lập nhiều trong số các công ty này.

Bối cảnh nói trên rất quan trọng khi xem xét các công ty nước ngoài của các chính trị gia Iceland. Người dân nước này vẫn rất giận dữ với cuộc khủng hoảng năm 2008 và hậu quả của nó. Vì lẽ này mà Thủ tướng Gunnlaugsson có rất nhiều điều phải giải thích. Theo “Hồ sơ Panama”, ông Gunnlaugsson và bà Anna Sigurlaug Pálsdóttir - người ông kết hôn năm 2010 - đã được đăng ký là cổ đông của một công ty bình phong tên là Wintris Inc. cuối tháng 11/2007. Ngay trước đó, công ty này đã được lập ở quần đảo Virgin (lãnh thổ hải ngoại của Anh). Nhưng vì lý do không rõ, quá trình đăng ký bị ghi lùi lại là ngày 7/10.

Khi đó, ông Gunnlaugsson đang làm nhà báo kiêm dẫn chương trình phát thanh và bà Pálsdóttir là một nhà nhân loại học. Họ đều xuất thân từ những gia đình rất giàu có. Theo “Hồ sơ Panama”, chi nhánh ngân hàng Landsbanki ở Luxemburg là trung gian. Một trong những nhân viên của ngân hàng này đã thay mặt cho Công ty Wintris yêu cầu văn phòng Mossack Fonseca ở Luxemburg làm thủ tục để ông Gunnlaugsson và bà Pálsdóttir sở hữu Công ty Wintris theo tỷ lệ 50 - 50.

Tháng 3/2008, Wintris mở một tài khoản tại Ngân hàng Credit Suisse ở London. Theo “Hồ sơ Panama”, các hoạt động của công ty này được đặt tại bốn “thiên đường thuế” được điều phối bởi công ty ở Virgin, Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama, một bên trung gian ở Luxemburg và một tài khoản tại một ngân hàng Thụy Sỹ.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, thông tin quan trọng lại được tiết lộ trong vụ rò rỉ Wikileaks. Tháng 3/2010, trang Wikileaks đăng một danh sách gồm gần 30.000 chủ nợ của Ngân hàng Kaupthing-Bank đã vỡ nợ. Một trong số đó là Công ty Wintris. Công ty này cũng là chủ nợ của Ngân hàng Landsbanki, theo một danh sách tung ra năm 2009. Wintris còn giữ trái phiếu của Ngân hàng Glitnir. Tổng trị giá hiện tại của số trái phiếu này lên tới 3,6 triệu euro.

Khi được nhà báo liên lạc để bình luận, ông Gunnlaugsson xác nhận rằng Công ty Wintris có sở hữu trái phiếu, rằng ông và bà Pálsdóttir có lợi ích tài chính cá nhân tại cả ba ngân hàng nói trên. Tại thời điểm năm 2007, những gì ông Gunnlaugsson nói không quan trọng nhưng không lâu sau, ông tham gia chính trường. Năm 2009, ông làm Chủ tịch đảng Tiến bộ và được bầu vào quốc hội tháng 4 cùng năm. Khi đó, một luật mới về minh bạch đối với các thành viên quốc hội Iceland có hiệu lực, theo đó yêu cầu nghị sĩ khai báo nếu có cổ phần quá 25% tại một công ty nào đó. Ông Sigmundur Gunnlaugsson không khai báo cổ phần tại Wintris cho dù ông nắm 50% cổ phần. Ông Gunnlaugsson nói với tờ Süddeutsche Zeitung rằng mình không làm gì sai trái, rằng các công ty không thực sự làm ăn kinh doanh gì thì không phải là đối tượng của luật trên. Ngày 31/12/2009, ông Gunnlaugsson đã bán một nửa Wintris cho bà Pálsdóttir. Theo hợp đồng có trong “Hồ sơ Panama”, công ty có giá hàng triệu USD đó được bán với giá 1 USD.

Việc dính dáng tới một công ty ở một “thiên đường thuế” nếu bị phát hiện thì không phải là điều dễ chịu với bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào. Nhưng với ông Gunnlaugsson, đây còn là một đòn giáng mạnh vào liêm chính chính trị của ông. Quá trình vươn tới quyền lực của ông bắt đầu bằng phong trào chính trị của người dân “Bảo vệ Iceland” (InDefence of Iceland) vốn ra đời sau khi ba ngân hàng Iceland sụp đổ. Lúc bấy giờ, ông Gunnlaugsson dường như là một đại diện mạnh mẽ cho lợi ích của người dân Iceland trước đòi hỏi mang tính “kền kền” của Chính phủ Anh về việc đảm bảo các khoản tiền gửi của cá nhân, tổ chức Anh tại ba ngân hàng bị Iceland quốc hữu hóa. Dù vậy, ông không hé nửa lời với những người tham gia chiến dịch InDefense rằng gia đình mình có lượng trái phiếu trị giá hàng triệu USD tại ba ngân hàng vừa phá sản.

Khi được bầu làm thủ tướng năm 2013, ông Gunnlaugsson một lần nữa lại “quên” khai lợi ích kinh doanh cá nhân. Mới năm 2015, chính phủ của ông Gunnlaugsson đã nhất trí một thỏa thuận gây tranh cãi. Tính đến thời điểm đó, các chủ nợ nước ngoài của ba ngân hàng bị sụp đổ khi rút tiền ra khỏi Iceland bị tính 39% “thuế ổn định”. Ông Gunnlaugsson đồng ý thay khoản này bằng “khoản đóng góp” lấy từ tài sản còn lại của ba ngân hàng bị quốc hữu hóa. Theo các chuyên gia, động thái này khiến nhà nước Iceland mất hơn 2 tỷ euro. Thay vào đó, số tiền này sẽ rơi thẳng vào túi các chủ nợ, trong đó có Công ty Wintris hiện đã hoàn toàn do vợ ông làm chủ. Như vậy, ở một mức độ nào đó, ông Gunnlaugsson đã tham gia cả hai bên tại bàn đàm phán.

Tháng 3/2016, một nhà báo Iceland tham gia dự án “Hồ sơ Panama” đã phỏng vấn ông Gunnlaugsson về công ty bình phong Wintris. Chỉ vài ngày sau, vợ ông đã đăng một tuyên bố lên Facebook nói rằng bà là chủ duy nhất của Wintris và đã nộp thuế cho công ty ngay từ đầu. Bà cũng nói rằng người ta đã nhầm rằng ông Gunnlaugsson cũng là một cổ đông của Wintris.

Khi báo chí Iceland thấy thông tin trên Facebook của bà Pálsdóttir, ông Pálsdóttir Gunnlaugsson đã gặp khó với dư luận ngay từ đó. Phe đối lập đã kêu gọi ông từ chức và bầu cử sớm. Còn khi quả bom “Hồ sơ Panama” phát nổ, cơn bão sức ép với ông Gunnlaugsson càng lớn và ông không còn lựa chọn nào khác là từ chức. Người lên thay ông là Sigurður Ingi Jóhannsson. Với vụ từ chức của Thủ tướng Iceland, người ta gán cho ông cái mác “nạn nhân đầu tiên” của “Hồ sơ Panama”.

Theo tờ Guardian, không có bằng chứng cho thấy có hành vi trốn thuế hay thu lợi phi pháp từ ông Gunnlaugsson, bà Pálsdóttir hay Công ty Wintris. Dù vậy, chỉ riêng việc ông Gunnlaugsson không khai báo tài sản ở nước ngoài cũng đủ khiến ông mất chức Thủ tướng Iceland - đất nước mà sau vụ khủng hoảng năm 2008 người dân cần nhất là sự trung thực và minh bạch trong giới cầm quyền.

Nguồn: Thùy Dương/ baotintuc.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo