Thủ tướng Úc sẽ bàn nhân quyền và Biển Đông khi tới Việt Nam?
![]() |
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (phải) tham dự cuộc họp với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nhiệm kỳ trước tại Canberra 15 |
Thương mại, kinh tế, Biển Đông và nhân quyền là những chủ đề nóng kỳ vọng được đặt lên bàn họp của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 23/8.
Thủ tướng Úc Scott Morrison dự kiến đặt chân tới Hà Nội hôm thứ Năm, bắt đầu chuyến thăm hai ngày từ 22 đến 24/8.
Ông Scott Morrison sẽ là Thủ tướng đầu tiên của Úc tới thăm Việt Nam trong vòng 25 năm qua, kể từ chuyến thăm của ông Paul Keating năm 1994.
Sẽ bàn về Biển Đông?
"Biển Đông rõ ràng sẽ là vấn đề nổi bật trong các cuộc thảo luận. Nhiều khả năng các nhà lãnh đạo sẽ tìm thấy tiếng nói chung trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế, tuân thủ Công ước Quốc tế về Luật Biển, và chỉ trích các đe dọa dùng vũ lực. Nhưng hai lãnh đạo có thể sẽ không đưa ra tuyên bố chung đề cập tới Trung Quốc," Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wale, viết trên trang bình luận.
"Úc rất muốn thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam và hai nhà lãnh đạo có thể sẽ chấp thuận thảo luận về các vấn đề thực tế hiện nay. Ngoài ra, Úc sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và hợp tác an ninh mạng," Giáo sư Carl Thayer phân tích.
Giám đốc dự án Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Lowy, ông Ben Bland, được trích lời trên The Sydney Morning Herald, thì cho rằng Trung Quốc sẽ không phải làm trọng tâm các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng "làm sâu sắc thêm mối quan hệ [Việt Úc] có nghĩa là làm cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc và lập trường ngày càng quyết đoán của nước này [trên Biển Đông]".
Bình luận này được đưa ra trong bối cảnh Úc là một quốc gia thương mại, phụ thuộc nhiều vào thương mại với các nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan). Đó, Úc có chung mối quan tâm như Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Còn theo TS Lê Thu Hương từ Viện Chính sách Chiến lược Úc, Hà Nội chào đón ông Morrion trong khi đang căng thẳng với Bắc Kinh ở Bãi Tư Chính.
Trong sự việc này, "Úc vẫn chưa lên án rõ ràng hành động của Bắc Kinh. Gần đây Úc đã ký các tuyên bố chung với Hoa Kỳ và Nhật Bản," và mới 'ám chỉ' sự kiện Trung Quốc mang tàu khảo sát vào Bãi Tư Chính "là các hoạt động gây rối liên quan đến các dự án dầu khí và thủy sản ở Biển Đông."
"Ông Morrison nhậm chức vào thời điểm quan hệ của Úc với Trung Quốc ngày càng khó kiểm soát trên nhiều mặt. Khi ông Morrison ngồi lại đàm phán với các lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội trong tuần này, ông có thể đối mặt với các câu hỏi về tính nhất quán của chính sách Biển Đông của Úc.
Lý tưởng nhất, người Việt Nam muốn có thêm sự hỗ trợ ngoại giao và hỗ trợ thực tế từ Úc, được củng cố bởi các hợp tác thương mại của công ty khai thác dầu khí của Úc với công ty dầu khí Việt Nam trong vùng biển tranh chấp. Hai nước sẽ phát triển quan hệ chiến lược như thế nào nếu họ không thể trông cậy lẫn nhau trong nghị trình quan trọng như vậy?" TS Lê Thu Hương bình luận trên The Strategist.
Kêu gọi cải thiện nhân quyền
Đảng Cộng sản VN kiểm soát đất nước và những người chỉ trích chính phủ thường bị bỏ tù. Không có tự do báo chí và tự do tôn giáo Bà Elaine Pearson |
Giới nhân quyền Úc kêu gọi ông Scott Morrison nêu ra các quan ngại về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, bao gồm việc giam giữ công dân Úc Châu Văn Khảm từ tháng Giêng, trong chuyến công du tới đất nước Đông Nam Á này, theo trang The Guardian.
Hôm thứ Tư 21/8, ông Morrison phát biểu rằng Việt Nam là một trong số các quốc gia có chủ quyền, độc lập, tự do ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, là các vấn đề mà Úc đang ưu tiên.
"Một trong những lý do mà tôi nhấn mạnh rất nhiều vào các mối quan hệ của Úc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, và một trong những lý do tôi sẽ đến Việt Nam vào ngày mai... là để thúc đẩy, tăng cường, mở rộng và xây dựng thêm các liên minh, các mối quan hệ đã tồn tại với các quốc gia có chủ quyền, độc lập trên khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương," ông Morrison được trích lời trên The Guardian.
Nhưng bà Elaine Pearson, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Úc, cho rằng hầu hết người Việt Nam không được thực sự tự do, và kêu gọi ông Morrison tận dụng chuyến thăm Việt Nam để kêu gọi cải thiện nhân quyền ở đây.
"Họ là một quốc gia có chủ quyền độc lập, nhưng họ không được tự do lắm," bà Elaine Pearson nói với The Guardian Australia.
"Việt Nam không có bầu cử tự do. Đảng Cộng sản kiểm soát đất nước và những người chỉ trích chính phủ thường bị bỏ tù. Không có tự do báo chí và tự do tôn giáo."
Ông Châu Văn Khảm, người Úc gốc Việt, đã bị bắt giữ và giam không xét xử sau tháng nay sau khi ông gặp một thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, theo The Guardian.
Sẽ bàn về thương mại, kinh tế
Trước chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Úc Scott Morrison nói với Thông tấn xã Việt Nam rằng ông sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế và an ninh với Việt Nam trong chuyến công du quan trọng này.
"Trọng tâm của chúng tôi sẽ là tăng cường hợp tác kinh tế, an ninh và mối quan hệ giữa nhân dân giữa hai nước," ông Morrison nói.
"Chúng tôi cũng sẽ thảo luận về tầm quan trọng của việc bảo vệ đại dương, bao gồm chống ô nhiễm nhựa và đánh bắt cá bất hợp pháp."
Ông Morrison sẽ tham dự các sự kiện kinh doanh tại Hà Nội vào tối 22/8 và sáng 23/8.
Thương mại hai chiều giữa hai nước đạt mức cao kỷ lục 14,5 tỷ đô la vào năm 2018, cùng năm Úc và Việt Nam nâng cấp thành đối tác chiến lược.
Đại học Úc RMIT, có cơ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngân hàng ANZ và Linfox sẽ có đại diện tham dự tiệc tối với Thủ tướng Úc vào thứ Năm 22/8.
Ngày 23/8, Hà Nội sẽ tổ chức một buổi lễ chào đón ông Morrison. Sau đó ông sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
"Nhiều khả năng hai lãnh đạo sẽ thỏa thuận gặp thường niên, bao gồm các cuộc gặp bên lề các sự kiện đa phương chính, ví dụ như APEC," Giáo sư Carl Thayer, trường Đại học New South Wales, bình luận trên trang phân tích đã công bố.
"Chuyến đi của ông Morrison là nhằm đáp lại chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm ngoái và mục đích chính là thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược được thông qua vào thời điểm đó. Thỏa thuận này bao gồm năm lĩnh vực hợp tác chính: chính trị; hợp tác và phát triển kinh tế; quốc phòng và luật pháp, tình báo và an ninh; giáo dục, khoa học và công nghệ, lao động, xã hội và văn hóa; và hợp tác khu vực và quốc tế. Để thúc đẩy các mục tiêu này, hai bên sẽ cần phải thông qua Kế hoạch hành động nhiều năm."
Úc vẫn chưa lên án rõ ràng hành động của Bắc Kinh
TS Lê Thu Hương |
Cũng theo Giáo sư Carl Thayer, Úc từ lâu đã quan tâm tới vấn đề an ninh tại khu vực Đông Nam Á và trở thành đối tác đầu tiên của ASEAN năm 1974. Cũng năm này, Úc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, và từ đó tới nay đã phát triển các quan điểm chung về chính trị và an ninh toàn cầu. Quan hệ đối tác Việt Úc được tăng cường khi Việt Nam trở thành thành viên ASEAN năm 1995. Năm 2005, Việt Nam - Úc ký thỏa thuận Đối tác Toàn diện, sau đó phát triển thành Đối tác Chiến lược năm 2018.
Nguồn: BBC