Việt Nam

Thế giới phải thừa nhận thành công của Việt Nam

Cập nhật lúc 30-04-2021 16:13:55 (GMT+1)
© Ảnh : Dương Giang - TTXVN

 

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng Việt Nam là cơ hội để người đứng đầu Chính phủ “làm quen” và tạo dựng mối quan hệ với lãnh đạo ASEAN.


Theo GS. Carl Thayer, Việt Nam luôn giữ nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, đồng thời phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương.

Nhờ duy trì nền chính trị ổn định, chính sách ngoại giao khôn khéo, tế nhị, những kỳ tích kinh tế, kiểm soát dịch Covid-19 tốt, là thành viên LHW có trách nhiệm và một trong những quốc gia có vị thế dẫn đầu ở ASEAN, thế giới phải “ thừa nhận rộng rãi” những thành công của Việt Nam.

Chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Phạm Mình Chính khẳng định vị thế, uy tín Việt Nam

Sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN cuối tuần qua một lần nữa khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam, được xây dựng trên nền tảng ổn định chính trị, năng động kinh tế và có những sáng kiến mang tính xây dựng để thúc đẩy gắn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, chuyên gia Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, sự hiện diện của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, trước hết vì đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính kể từ khi nhập chức hồi đầu tháng 4.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp tham dự Hội nghị của các nhà lãnh đạo ASEAN thể hiện Việt Nam nhất quán trong đoàn kết, tương trợ với ASEAN và còn là cơ hội để Thủ tướng “làm quen” và xây dựng mối quan hệ công tác với các nhà lãnh đạo ASEAN.

Đặc biệt, cuộc gặp song phương của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joko Widodo là cơ hội để hai nhà lãnh đạo thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, trong đó có việc đạt được thỏa thuận thúc đẩy phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước, ông Carl Thayer đánh giá. 

Về kết quả của Hội nghị, ông Carl Thayer cho rằng, Hội nghị là sự tiếp nối của hai Tuyên bố Chủ tịch Hội đồng Bảo an thông qua hồi tháng 2 và tháng 3 nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong việc xử lý vấn đề Myanmar.

Hội nghị cũng rất quan trọng vì có sự hiện hiện diện của Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội Myanmar.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua quan điểm toàn diện về hòa bình và an ninh khu vực khi nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiến chương ASEAN, vai trò trung tâm và sự thống nhất của khối, tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, nỗ lực ứng phó của ASEAN với đại dịch COVID-19, cũng như ảnh hưởng của sự bất ổn tại Myanmar đối với khu vực Đông Nam Á.

Các nhà lãnh đạo đã đạt được đồng thuận 5 điểm về vấn đề Myanmar như yêu cầu chấm dứt bạo lực, tất cả các bên liên quan hết sức kiềm chế; tiến hành đối thoại mang tính xây dựng nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình; cử đặc phái viên của ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.

Theo chuyên gia Carl Thayer, Thống tướng Min Aung Hlaing đã thể hiện thiện chí cân nhắc các đề xuất mang tính xây dựng của các nhà lãnh đạo ASEAN. Nói cách khác, một kênh đối thoại đã được mở ra, đặt ASEAN vào vị trí trung tâm trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết tình trạng bạo lực và bất ổn tại Myanmar.

Vì sao thành công và tiếng nói của Việt Nam được thế giới thừa nhận?

Bình luận về đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị, ông Carl Thayer cho rằng, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 4/2021, Việt Nam hiểu rõ những khác biệt trong quan điểm cũng như các lĩnh vực đồng thuận giữa các thành viên của Hội đồng Bảo an.

Việt Nam luôn giữ nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác” và phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương. Dẫn lời Trưởng Phái thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ Đặng Đình Quý, ông Carl Thayer nói Việt Nam tuân thủ những quyết định của HĐBA trên nguyên tắc là những quyết định này phải “hiệu quả và không tác động tiêu cực lên đời sống của người dân và tình hình nhân đạo ở quốc gia liên quan”.

Việt Nam cũng ủng hộ cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên tại Myanmar kiềm chế, thúc đẩy đối thoại và hòa giải, không cản trở hỗ trợ nhân đạo và ủng hộ ASEAN.

Chuyên gia Carl Thayer cho rằng, có được vị thế đó là nhờ Việt Nam duy trì được ổn định chính trị, năng động kinh tế và có những sáng kiến mang tính xây dựng để thúc đẩy gắn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.

Chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa cùng với hội nhập quốc tế tích cực và chủ động đã giúp Việt Nam được thừa nhận rộng rãi như một thành viên xây dựng và có uy tín của cộng đồng quốc tế. Có thể thấy rõ điều này qua việc nhóm các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương thống nhất đề cử Việt Nam vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lần thứ hai (nhiệm kỳ 2020-2021) và Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao kỷ lục.

Nguồn: vn.sputniknews.com

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo