Việt Nam

Nô nức ra thành phố làm cửu vạn kiếm tiền triệu

Cập nhật lúc 15-01-2010 10:01:51 (GMT+1)
Thu nhập bình quân của cửu vạn thời kỳ giáp Tết cao hơn nhiều so với công nhân tại các khu công nghiệp (Ảnh: Văn Hoàng)

 

Dịp cuối năm đang chứng kiến cảnh “đảo chiều” trong xu hướng tuyển dụng lao động phổ thông. Trong khi các khu công nghiệp, những nhà hàng, quán ăn liên tục tuyển người mà vẫn thiếu thì lao động từ quê ra phố lại chọn cho mình xu hướng làm việc tự do.


Lý do là giá cả trên thị trường lao động tự do có sức hấp dẫn hơn rất nhiều so với công việc tại nhà xưởng, xí nghiệp.

Lương cửu vạn... 6 triệu/ tháng

Khi cánh đồng miền Trung nước đã rút và giống bắt đầu gieo sạ, còn miền Bắc lúa vụ đông xuân cũng vừa xong, thì những dòng người từ quê lại đổ xô ra thành phố tìm việc. Với họ, những đồng tiền công hàng ngày là khoản không nhỏ để lo cho cái Tết sắp tới gần.

Tại Hà Nội, các chợ lao động chính vẫn tập trung ở đầu dốc Bưởi, ngã tư Giảng Võ và dọc đường Trần Phú (Hà Đông). Tại những nơi này, vào lúc cao điểm từ 8 giờ sáng tới 16 giờ hàng ngày có tới cả hàng trăm người tụ tập ngồi chờ việc.

Dọc đường Trần Phú chỉ chưa đầy 1km có tới 5 điểm lao động ngồi chờ. Điểm tụ tập lao động gần chợ Phùng Quang, mới 7 giờ sáng đã có hơn 20 chục lao động chờ việc. Chưa đầy 30 phút đã có 5 người hỏi giá nhưng rồi lao động vẫn lắc đầu quầy quậy.

Cảnh lao động “chê việc” này, theo những “cửu” lâu năm, không khó lý giải. Anh Trịnh Hữu Thanh, quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa cho rằng những người làm ở đây vài năm đã nắm rõ giá cả. Giờ đây tuy lao động đông hơn gấp 2 tới 3 lần, nhưng khối lượng công việc cũng tăng lên đáng kể nên những người có kinh nghiệm thường lựa “giá hời” hơn để làm.

Anh Thanh đưa ra dẫn chứng, với công việc chuyển nhà hay dọn đồ có khi chỉ làm trong một một giờ nhưng tiền công đã là 100 nghìn đồng trong khi công việc quét sơn, dọn vườn tiền công vẫn vậy mà có khi thời gian mất cả buổi sáng.

Với những lao động đã có thâm niên làm cửu vạn thì cách trả giá và khối lượng công việc cũng khác người với người mới đi làm. Theo anh Quang, quê Hà Nam và đã bám “chợ người” ở Hà Đông 5 năm, thì mặc cả ban đầu là quan trọng nhất, giá cao hay thấp chỉ phụ thuộc vào vài phút trao đổi này.

Anh Quang đúc kết: "Vào thời điểm này không nên tham việc. Không phải việc gì cũng nhận hết như những tháng trước của năm."

Dạo quanh một vòng 3 "chợ người" tập trung lao động nhiều nhất ở Hà Nội có thể nhìn thấy rất nhiều người trong số họ là phụ nữ. Đa số các nữ cửu vạn chỉ làm thời vụ khoảng 2 tháng trước Tết. Theo họ, thời điểm này làm cửu vạn thu nhập cao hơn bán hàng rong, giúp việc gia đình hoặc bưng bê, nấu ăn tại các nhà hàng...

Chị Xiêm, quê Hưng Yên, mới chuyển từ nghề bán đĩa rong làm cửu vạn được 1 tuần, nói rằng so sánh với công việc cũ thì làm cửu vạn thời vụ này thu nhập cao hơn gấp đôi. Và chỉ qua rằm tháng Giêng thì chị lại quay với công việc cũ.

Tại thời điểm giáp Tết cũng chứng kiến cảnh tượng giá cả được cửu vạn đội lên cao hơn gấp đôi so với giá ngày thường.

Theo khảo sát nhỏ của phóng viên, khi hỏi 10 cửu vạn tại các “chợ người” tại Hà Nội thì có tới 8 người cho rằng mỗi tháng thu nhập bình bình từ 3 đến 4 triệu, vào tháng sát Tết Âm lịch thu nhập lên tới 6 đến 7 triệu/tháng.

Khu công nghiệp khó tuyển người

Trong khi tại các chợ lao động tự do, số lượng lao động tập trung về ngày càng lớn, nhất là vào những tuần sát Tết thì tại các khu công nghiệp lại diễn ra tình trạng thiếu hụt lao động đáng kể vào dịp cuối năm.

Các thành phố lân cận Hà Nội, nơi có nhiều khu công nghiệp như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên... đang cần "hút" một lượng lớn người lao động nông thôn làm việc thời vụ. Nhiều khu công nghiệp dọc tuyến quốc lộ 5 có treo biển tuyển công nhân với số lượng lớn lên tới 1.000-1.500 lao động cho các hợp đồng cần hoàn thiện gấp cuối năm.

Ông Nguyễn Bá Khải - Trưởng phòng Việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay đang là thời kỳ "nhàn rỗi" của lao động nông nghiệp, vì vậy họ đổ lên thành phố rất nhiều để tìm kiếm các công việc thời vụ.

“Làm khoảng 1-2 tháng trước Tết rồi nghỉ, đến mùa vụ lại làm ruộng, hết mùa lại đi làm công nhân 'ngắn hạn'. Các khu công nghiệp hiện nay vẫn tuyển người kiểu này theo nhiều gói hợp đồng lớn, nhỏ.  Con số lao động làm việc như thế cũng chiếm khoảng 10-15% số công nhân," ông Khải cho biết.

Cũng theo ông Khải, làm việc tại các khu công nghiệp ở địa phương thì người lao động vừa không phải ly hương, vừa không phải chịu chi phí sinh hoạt tốn kém, lại vẫn có thể làm ruộng nên những năm gần đây số lao động tìm đến những công việc này cũng nhiều hơn.

Trong khi đó, ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Sàn giao dịch việc làm Hà Nội cho biết vào dịp cuối năm đang có xu hướng chuyển dịch lao động. Mặc dù các đơn vị tuyển dụng luôn có nhu cầu, nhưng lượng cung lại quá thấp vì nhiều lao động phổ thông. Họ không tìm đến các điểm sàn giao dịch việc làm mà lại hình thành từng nhóm nhỏ khác nhau để tìm công việc tự do.

Theo số liệu của Sàn giao dịch việc làm Hà Nội, số đơn vị tuyển dụng tham gia và số lượng đầu việc tăng 10% so với thời kỳ đầu năm, nhưng lượng lao động đăng ký tìm việc lại không tăng.

Mặt khác, thu nhập bình quân của lao động phổ thông theo các nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị trên sàn giao dịch việc làm cũng chỉ vào khoảng 1,3 triệu/tháng.

Đánh giá về số tiền lương bình quân này, ông Chính cho rằng thu nhập mỗi tháng như vậy là quá thấp, và các nhà tuyển dụng đã không đánh giá khách quan thực trạng lao động trên thị trường hiện nay.

Nếu đem con số 1,3 triệu/tháng này của các nhà tuyển dụng so sánh với giá của thị trường lao động tự do thì thấp hơn từ 2,5 đến 3 lần. Nhiều việc vặt đang giúp người lao động kiếm bộn tiền hơn lương xí nghiệp. Đó cũng chính là lý do mà người lao động không mấy mặn mà khi tìm đến với các sàn giao dịch việc làm, nhất là trong bối cảnh gần Tết./.

Theo Vietnam+

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

Tin liên quan

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo