Việt Nam

Những việc người dân cần làm để được cấp hộ chiếu vắc xin

Cập nhật lúc 02-04-2022 17:20:29 (GMT+1)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 

Ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết: "Bản chất của hộ chiếu vắc xin điện tử là mỗi người dân sẽ có mã QR giống như mã QR trên ứng dụng PC-COVID hiện nay, chỉ khác là chúng ta sử dụng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh Châu Âu để có thể xác minh thông tin lẫn nhau khi ra nước ngoài". Tức là hộ chiếu vắc xin bản chất là chứng nhận tiêm vắc xin điện tử.


Trên chứng nhận này bao gồm 11 thông tin, đầy đủ các thông tin của người tiêm chủng gồm... Họ và tên; Ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; Số mũi tiêm đã nhận; Ngày tiêm; Liều số; Vắc xin; Sản phẩm vắc xin; Nhà cung cấp hoặc sản xuất vắc xin; Mã số của chứng nhận.

Dự kiến Hộ chiếu vắc xin sẽ được cập nhật trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, PC-COVID hoặc trang tra cứu của Bộ Y tế công bố vào tuần tới. Hộ chiếu vắc xin về mặt kỹ thuật có thời hạn 12 tháng. Hết thời hạn trên hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới.

Ngày 30/3, Bộ Y tế đã thực hiện cấp "Hộ chiếu vắc xin" cho hơn 1.000 đối tượng tiêm tại Bệnh viện Bạch Mai, trong tuần tới, sẽ thực hiện cấp "Hộ chiếu vắc xin" cho người dân.

Trả lời câu hỏi của người dân về việc đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng hiện vẫn chưa có thông tin trên hệ thống, ông Hùng cho hay: “Người dân cần gửi phản ánh lên hệ thống tiêm chủng quốc gia để được cập nhật dữ liệu hoặc liên hệ trực tiếp với cơ sở tiêm chủng để được cập nhật. Nếu không có dữ liệu trên hệ thống, sẽ không được cấp hộ chiếu vắc xin”.

Nếu mất giấy xác nhận tiêm chủng nhưng trên hệ thống đã được cập nhật thông tin thì không ảnh hưởng gì đến việc cấp hộ chiếu vắc xin. Vì vậy người dân không cần làm thủ tục gì để được cấp hộ chiếu vắc xin.

Ông Hùng thông tin thêm, Bộ Y tế hiện đang phối hợp với các đơn vị xây dựng trang thông tin cho phép người dân tra cứu hộ chiếu vắc xin và sẽ công bố trong tuần tới. Người dân có thể in ra giấy để sử dụng. Như vậy những người không sử dụng điện thoại thông minh vẫn có thể được cấp hộ chiếu vắc xin.

Bên cạnh đó các cơ sở tiêm chủng sẽ có trách nhiệm ký chứng nhận các mũi tiêm do cơ sở thực hiện tiêm. Cục Y tế dự phòng thực hiện ký số tập trung gộp các mũi tiêm và người dân sẽ nhận được mã QR mà không phải làm gì thêm. Do đó người dân không cần lo lắng về việc đã tiêm 3 mũi vắc xin phòng COVID-19, đã được cập nhật đầy đủ trên hệ thống tiêm chủng quốc gia, nhưng do 2 cơ sở tiêm chủng khác nhau thì có được cấp hộ chiếu vắc xin hay không.

Hiện nay còn khoảng gần 80 triệu mũi tiêm vắc xin phòng COVID-19 sai thông tin về căn cước công dân hoặc chưa được nhập lên hệ thống, mới đây Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh thành phố đề nghị chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với công an tỉnh để rà soát, xác minh và nhập bổ sung các thông tin.

Qua rà soát, kiểm tra hiện nay việc này các tỉnh chưa thực hiện xong, do vậy những người dân sai thông tin sẽ không cấp được hộ chiếu vắc xin. Hệ thống chỉ cấp hộ chiếu vắc xin cho những người dân được xác thực thông tin đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đối với người dân đã tiêm vắc xin nếu chưa được cập nhật dữ liệu thông tin trên hệ thống cần liên hệ với cơ sở tiêm hoặc thực hiện phản ánh thông tin trên cổng thông tin. Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở xử lý phản ánh của người dân để đảm bảo quyền lợi của người dân.

"Tuy nhiên chúng tôi cũng khuyến cáo khi đi tiêm chủng, người dân khai báo đầy đủ, chính xác các thông tin để đảm bảo quyền lợi liên quan đến việc cấp chứng nhận giấy cũng như là cấp chứng nhận điện tử", ông Hùng lưu ý.

Nguồn: Hà Minh/ Tienphong.vn

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo