Việt Nam

Những dối trá ngọt ngào được lan truyền về chiến tranh Việt nam, thay vì một sự thật buồn

Cập nhật lúc 07-11-2019 20:05:06 (GMT+1)
Ảnh: Gabriel Kuchta, Deník N

 

Wikipedia có viết: cuộc chiến tại Việt nam đã bắt đầu ngày 1.11.1955. Có điều đó là cách lý giải kiểu Mỹ. Người dân Việt nam biết rõ, rằng chuỗi ngày địa ngục dài hơn nhiều chứ không chỉ 20 chục năm trước khi Sài gòn sụp đổ (1975). Làm sao mà khác được - dù sao thì đa số những người đã thiệt mạng trong cuộc chiến này chính là người Việt. "Tại Hoa kỳ cuộc chiến tranh Việt nam được nhìn nhận như một sự việc đơn thuần là của người Mỹ. Tôi muốn được đính chính điều này", Will Nguyễn, nhà chính trị học, nhà hoạt động, con cháu của những người tỵ nạn từ miền Nam Việt nam nói trong một bài phỏng vấn dài dành cho Denik N.


Will Nguyễn (34 tuổi) là chuyên gia về chính sách công người Mỹ gốc Việt và là một người hoạt động cho
phong trào dân chủ. Anh sinh tại Houston trong một gia đình tỵ nạn từ miền Nam Việt nam. Anh tốt nghiệp
ngành nghiên cứu Đông Á tại trường Đại học Yale và ngành Chính sách công chuyên sâu về Việt nam tại Trường Đại học Quốc gia Singapore. Tháng Sáu năm ngoái, vì tham gia biểu tình phản đối chính phủ anh đã bị tù giam tại Việt nam, nhờ áp lực quốc tế, một tháng sau anh được thả và bị trục xuất khỏi Việt nam.

Bản tin của Michael Herr viết: "Chúng tôi đã trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần tập thể, áp lực và sự khốc liệt của các trận đánh tăng dần, đến khi từng người Mỹ tại Việt nam phải nếm mùi này. Việt nam đã trở thành một căn phòng tối chứa đầy các vật dụng giết người. Việt cộng bỗng dưng có
mặt khắp nơi, như căn bệnh ung thư, và thay vì bại trận từng phần trong hàng năm trời, chúng tôi đã thua chỉ trong một tuần. Sau đó giống như các nhân vật trong chuyện tranh komiks chúng tôi chết, nhưng quá xuẩn ngốc, để nằm lịm xuống. Nỗi kinh hoàng của chúng tôi trước cơn sốt màu vàng
đã thành sự thật, khi chứng kiến hàng ngàn người Việt chết dần trên khắp quốc gia, nhưng dường như quân số của họ không hề thuyên giảm..."

Cuốn sách của Herr, người phóng viên quân sự Hoa kỳ là một biểu tượng. Nó sắc như dao cứa và khó có thể tìm thấy biểu tượng nào khác mô tả sắc nét hơn những gì người Mỹ đã trải qua trong chiến tranh Việt nam.

Nhưng người Việt thì trải nghiệm ra sao? Dù sao thì đó cũng là đất nước của họ. Và đáng tiếc là cả cuộc chiến của họ, bất kể người khác coi đó là của mình. Mất mát của họ. Và vết thương chưa lành cho đến tận hôm nay.

Will Nguyễn biết quá rõ điều này. Anh sinh ra tại Hoa kỳ bởi một người phụ nữ đã bỏ chạy trước những người cộng sản, có thể nói thêm là một người phụ nữ miền Nam Việt nam. Có điều Will không ưng các chia sẻ kiểu trắng đen, ngay cả khi anh đã trực tiếp trải qua các kinh nghiệm với Đảng cộng sản: năm ngoái anh bị bắt khi xuống đường tham gia biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh. Hay là Sài gòn? Cùng là một thành phố, nhưng hai cái tên khác nhau; một tên trước thời bị cộng sản chiếm, một tên là sau này. Ngày nay rõ ràng các bản đồ chỉ tung hô thành phố Hồ Chí Minh, nhưng hãy đi mà nói với dân tỵ nạn từ miền Nam Việt nam về điều này!

Vậy phải nói sao đây: thành phố Hồ Chí Minh, hay là Sài gòn?

(Cười vui) Việc đó thì chị phải nói cho tôi chứ. Tôi lớn lên cùng với Sài gòn, để rồi sau này mới biết rằng, trên giấy tờ thì đó là thành phố Hồ Chí Minh. Ngày hôm nay thì tôi sử dụng cả hai, tùy theo mình nói chuyện cùng ai. Khi nói với người miền Nam, tôi dùng Sài gòn; những lúc khác thì Hồ Chí Minh thích hợp hơn. Với tôi thì tên nào cũng được, tôi để tùy thuộc vào người đối diện.

Ngôi sao vàng, các sọc đỏ

Sinh ra tại Houston, trong cộng đồng rải rác khắp nơi của người miền Nam Việt nam - tôi nghĩ con tàu tuổi thơ của anh không đi qua Sài gòn chứ?

Lúc nhỏ thì chẳng mấy quan tâm tới chính trị. Lần đầu tiên tôi như bị vấp dập mặt là khi làm một bài tập ở trường giới thiệu về đất nước xuất xứ của mình. Tôi chẳng hình dung lá cờ của Việt nam ra sao, thế là tôi mở encyclopedia và vẽ một lá cờ đỏ thật đẹp với ngôi sao vàng. Mẹ tôi nhìn thấy và ngay lập tức: đây không phải là lá cờ đúng! Và tôi phải vẽ lá cờ vàng có ba sọc đỏ, mà người Việt tại Hoa kỳ vẫn sử dụng. Lá cờ miền Nam Việt nam.


Tổ hợp hai lá cờ của Việt nam dân chủ cộng hòa (Bắc Việt, bên trái) và Việt nam cộng hòa (Nam Việt nam). Foto: Wikimedia Commons, phối chế Deník N

Phải sau này tôi mới dần dần ghép lại được các mẩu sự kiện. Rằng Dì tôi đã bỏ chạy khỏi Sài gòn ngày 29/4/1975, một ngày trước khi Việt cộng tấn công Sài gòn. Rằng năm 1979 Dì đã tới được Hoa kỳ, khi nổ ra cuộc chiến tranh giữa Việt nam và Trung quốc, Dì giúp cả Mẹ tôi ra đi. Thời điểm đó Việt nam đuổi những người gốc Hoa và nhờ có tiền của Dì gửi về, Mẹ đã kiếm được giấy tờ giả, rằng Mẹ là người Hoa. Mẹ tới được trại tị nạn tại Đông Nam á và từ đó qua tới Houston.

Tại Texas anh đã ghép nhặt các mẩu vụn về chiến tranh như thế nào? Người Mỹ, và thông qua người Mỹ, cả phương Tây thường cũng coi cuộc chiến này như một cơn ác mộng của mình. Nhiều khi người Việt chỉ mang vai trò như một thứ đồ trang điểm cho bộ quân phục. Một con rối trong tay những kẻ chơi lớn.

Tôi đọc tất cả những gì tôi kiếm được xung quanh. Và càng ngày, tôi càng hiểu rằng, phần lớn các cuốn sách mà tôi kiếm được, đều do người Mỹ viết và họ viết về người Mỹ; về người miền Nam và cuộc chiến của người miền Nam, về các khó khăn của họ thì bạn chẳng biết được gì nhiều. Thế là tôi bắt đầu đi tìm các cuốn sách do người miền Nam Việt nam viết. Không có nhiều sách loại này, và không dễ mà kiếm.

May mắn là tôi được học tại Yale, là nơi có một thư viện tuyệt vời và những gì không có thì thư viện có thể đặt. Tôi đọc có lẽ tới 20 cuốn của các tác giả miền Nam Việt nam - các nhân vật trong chính phủ, người tỵ nạn, hồi ký cuộc đời tại miền Nam Việt nam trước và sau cách mạng (1975). Và tương tự, tôi bắt đầu tìm hiểu các nguồn thông tin từ miền Bắc Việt nam. Các vị tướng, các điệp viên và các nhân vật trong Bộ chính trị của miền Bắc.

Bởi vì chị nói đúng, tại Hoa kỳ cuộc chiến tại Việt nam được nhìn nhận như một sự việc đơn thuần là của Mỹ. Những gì do Hoa kỳ tiến hành...

... và qua đó phải chịu đựng.

Chính xác! Người Mỹ đã mất gần 60000 mạng sống tại Việt nam, một con số kinh khủng, nhưng về phía người Việt thì con số đó là hàng triệu và sự không cân xứng này không được nói đến, điểm chính vẫn là mạng sống của người Mỹ. Tôi muốn đính chính điều này. Và tôi nghĩ rằng bước đầu tiên là phải nghiên cứu lại cuộc chiến từ mọi bên, để có cáo rũ bỏ được cái góc nhìn vấn đề thuần đen và trắng.

"Sau khi Sài gòn sụp đổ cha mẹ tôi đã chạy thoát khỏi Việt nam sang Mỹ. Tôi có được các cơ hội tốt hơn và nhất là vô cùng may mắn. Đó là một đặc ân tuyệt vời và tôi muốn được đền đáp, muốn được giúp đỡ người dân tại Việt nam trong cuộc đấu tranh để có tự do và tư duy độc lập. Và điều này không có nghĩa là phỉ báng những người cộng sản". Foto: Gabriel Kuchta, Deník N

Nhân đây, cách nhìn vấn đề thuần đen trắng không phải là phát minh chỉ của người Mỹ. Cả người Việt cũng có khuynh hướng tương tự. Hoặc miền Bắc, hoặc miền Nam - không có gì ở giữa. Nhưng cũng khó mà ngạc nhiên với sự siết chặt do ý thức hệ, khi mà cuộc nội chiến tàn khốc đến như vậy đã làm nó khô cứng. Đây vẫn là một đề tài nhạy cảm. Hơn nữa, Việt nam bị chia Bắc và Nam từ trong lịch sử. Hà nội ở miền Bắc được coi là cái nôi của văn hóa Việt và càng vào Nam, ảnh hưởng của nó càng thuyên giảm. Điều này đến bây giờ cũng vẫn vậy, đảng cộng sản Việt nam có căn cứ vững mạnh hơn và đội ngũ cán bộ tin cậy hơn tại miền Bắc

Cũng giống như Triều tiên, nhất là trong thế hệ lớn tuổi. Sự phân chia ra bên đúng và bên sai, bên tốt và bên xấu. Và đôi khi cả tại Séc: miền Bắc là cộng sản đen tối, miền Nam là dân chủ trắng trong. Trong khi đó thì Nam Triều đã từng có nền độc tài và tại Việt nam thì chủ nghĩa cộng sản cùng đồng hành với cuộc chiến chống lại sự áp bức của thực dân để dành độc lập.

Điều thú vị là cộng sản không phải là giới duy nhất. Nhất là tại miền Nam đã có một phong trào dân tộc khá mạnh mà không phải là cộng sản. Và trong những năm 40, họ đã cộng tác cùng với những người cộng sản, nhân danh một mục đích chung (trong năm 1941 dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông dương và Hồ Chí Minh, Việt mình - một Liên minh vì độc lập của Việt nam, gồm các nhà dân tộc chủ nghĩa từ nửa cuối của những năm 30, đã được thành lập tại thành phố Nam Kinh, Trung quốc).

Có điều là những người cộng sản đã có hình dung riêng của mình về một nước Việt nam độc lập. Và họ đông hơn, được tổ chức tốt hơn và cũng nhẫn tâm hơn, thế là cuối cùng họ đã nuốt gọn các nhà dân tộc chủ nghĩa. Đánh tan tác, đúng theo nghĩa đen. Việt nam vào những năm 40 và đầu những năm 50 là mảnh đất không mấy vui vẻ. Sự thống trị của Pháp rồi bị Nhật xâm chiếm, nạn đói, rồi chiến tranh Đông dương, và cuối cùng khi Việt minh thắng Pháp năm 1954 và người Pháp rút đi, thì đã từ lâu chiến tranh lạnh đã can thiệp vào số phận của Việt nam.

Chính phủ với bàn tay rắn

Tháng 4/1954 khi tại Geneva bắt đầu đàm phán về hòa bình, Việt nam trên thực tế đã bị chia cắt: miền Bắc là nước Việt nam dân chủ cộng hòa do Hồ Chí Minh tuyên bố vào tháng 9/1945, miền Nam là Quốc gia Việt nam trong liên minh với Pháp. Cả hai chính phủ, miền Bắc và miền Nam, đều tự coi mình là người chủ duy nhất chính danh tại Việt nam. Tuy nhiên, Hiệp định Geneva đã khẳng định việc chia cắt Việt nam cả trên giấy tờ, dọc theo vĩ tuyến 17.

Vâng, với chương trình là trong năm 1956 sẽ diễn ra tổng tuyển cử để quyết định số phận của đất nước và thống nhất đất nước. Nhưng miền Nam mà đứng đầu là Thủ tướng Ngô Đình Diệm, biết rằng sẽ không thể thắng cử. Và bởi vì miền Nam Việt nam không ký Hiệp định Geneva, họ đã từ chối tổng tuyển cử rằng đằng nào thì bầu cử cũng không hợp pháp, bởi vì những người cộng sản sẽ gian lận. Thay vì bầu cử, bằng một cuộc trưng cầu dân ý họ tuyên bố Việt nam cộng hòa và TT Diệm được bầu làm Tổng thống. (Với kết quả ngoạn mục 98.2%. Tại Sài gòn TT Diệm nhận được 600.000 phiếu trên tổng số 450.000 cử tri đăng ký - lời tòa soạn). Tại Geneva, cả Hoa kỳ cũng không ký Hiệp định, mà lúc đó Ngô Đình Diệm cũng đã dựa vào Hoa kỳ.

Tháng 11/1955: Tổng thống Diệm nói chuyện với các thành viên của lực lượng Bảo an tại một sự kiện khuyến khích chỉ điểm cộng sản. Ngày 1/11/1955 thông qua việc thành lập phái đoàn cố vấn quân sự MAAG, Hoa kỳ chính thức tham gia cuộc xung đột tại Việt nam. Foto: PhotoQuest / Getty Images, Flickr, CB BY 2.0

Tại miền Bắc vào thời đó người Hoa đã thuyết phục Hồ Chí Minh bỏ ý định kéo quân vào miền Nam và chờ một cuộc bầu cử mà sẽ giải quyết vấn đề. Những người cộng sản đã làm cuộc cải cách ruộng đất và giết hại hàng ngàn người, miền Nam cũng tiến hành một chiến dịch chống cộng tàn bạo. Còn CIA Mỹ thì một cuộc chiến tranh tâm lý, mà đã reo rắc một nỗi kinh hoàng giữa những người theo đạo Kitô giáo tại miền Bắc và có lẽ đã khiến cả triệu người chạy xuống miền Nam...

 Người Mỹ đã đến với người miền Nam Việt nam rất đúng lúc. Họ đã giúp đỡ người miền Nam trong đủ khía cạnh, dĩ nhiên kể cả về tài chính. Nhưng tôi cho rằng, đằng sau đó có cả một yếu tố là người miền Nam Việt nam không hề biết, là một công dân của một nền dân chủ vận hành tốt có nghĩa gì. Đối với đại đa số người Việt, ý tưởng dân chủ như nó thực sự là, vốn là những gì hoàn toàn xa lạ, và khi họ bắt đầu tiến gần đến nó...

Nói ngắn gọn thì nó như trò xiếc vậy. Tham nhũng lan tràn, chủ nghĩa khách hàng, và ngoài ra thì chiến tranh với miền Bắc. Hãy thử hình dung việc xây dựng một nền dân chủ khỏe mạnh trong điều kiện đó! Chính phủ miền Nam Việt nam đã khá cứng rắn và còn xa mới giống các nhà dân chủ, họ gần với sự độc tài nhiều hơn. Thời cộng hòa thứ hai cuối những năm 60, sau nhiều lần đảo chính, tình hình có vẻ dịu hơn, các cuộc bầu cử diễn ra phải cách và dường như một viễn cảnh tốt đẹp hơn đang khấp khởi. Nếu như không có chiến tranh, ai biết, tình hình sẽ tiến triển ra sao. Chị có nói tới Nam Triều - ở đây cuộc chuyển mình để trở thành một nền dân chủ đã kéo dài hàng chục năm. Cả Đài Loan cũng vậy.

Nhưng tại miền Nam Việt nam bàn tay cứng rắn của Ngô Đình Diệm chỉ kéo dài đến năm 1963, khi phe đối lập thực hiện vụ ám sát. Người Mỹ đối với vụ đó thế nào?

Về hình thức thì Ngô Đình Diệm là Tổng thống, trên thực tế thì là một nhà độc tài. Là biểu tượng của những gì chúng ta nói tới ở đây: chủ nghĩa độc đoán, nạn tham nhũng và gia đình trị. Ông xuất thân từ một gia đình nổi tiếng và họ hàng của ông ta giữ các vị trí quyền lực quan trọng, đó là một kiểu trùm sỏ gia đình. Không có gì ngạc nhiên khi ông ta gặp phải một phe đối lập khá mạnh.

Cuối cùng thì một nhóm các vị tướng của Việt nam cộng hòa đã quyết định thử một nước cờ nơi người Mỹ. Nếu như chúng tôi dẹp chính phủ của TT Diệm đi, các tướng thăm dò trong một cuộc họp với CIA, các ông có ủng hộ chúng tôi hay không? Chính phủ Kennedy đã bật đèn xanh. Nhưng trời ạ! Các tướng đã dẹp TT Diệm đi một cách triệt để. Người Mỹ thì không hình dung sự việc như thế. Họ tưởng rằng một cuộc sống lưu vong sẽ chờ đợi TT Diệm và một cuộc cải cách sẽ đến với chính phủ.

Phiên tuần của Việt cộng trên sông Sài gòn, tháng 10/1966. Foto: Manhai, Flickr, CB BY 2.0

Thay vào đó thì vụ ám sát TT Diệm đã mở ra cánh tủ Pandora. Trớ trêu là một bộ phận trong các cố vấn của Kennedy đã cảnh báo về tình huống này: rằng TT Diệm là nhà độc tài và tham nhũng lè lè ra đó, nhưng không tồn tại bất cứ khả năng thay thế nào có tố chất để sống. Và điều này đã xảy ra, hết đảo chính này, đến đảo chính khác. Miền Nam Việt nam yếu dần, lại còn chịu sức ép liên tục của miền Bắc và Việt cộng. Khả năng của họ mang lại cho người dân một lối thoát trước nạn cộng sản miền Bắc ngày càng thuyên giảm.

Cho đến ngày 30/4/1975 và Sài gòn bị Việt cộng chiếm. Với người miền Bắc Việt nam thì đó là cuộc "giải phóng", với người miền Nam thì đó là sự "sụp đổ". Điều đó hôm nay có còn là thực tế? Chắc chắn. Trong ký ức của những người dân miền Nam Việt nam sống rải rác khắp nơi, hồi tưởng về ngày 30/4/1975 và "Sài gòn sụp đổ" vẫn luôn là nỗi đau và không chỉ các nhân chứng từ thế hệ lớn tuổi, mà đại đa số lớp trẻ coi sự kiện này là cuộc xâm lăng.

Và tại Việt nam, nơi cộng sản lãnh đạo từ 45 năm nay?

Tuyên truyền hiện rất mạnh. Tôi cho rằng nhiều người Việt cảm nhận ngày 30/4 một cách tích cực, như cuộc chiến thắng thực dân, giải phóng và thống nhất đất nước. Nhưng một điều thú vị là khi bạn về miền Nam và nói chuyện với những người lớn tuổi, dĩ nhiên là họ không kể lể ngay lập tức với bạn trên phố, làm thế nguy hiểm, một khi họ thấy có thể tin bạn... Điều này thường xảy ra với mẹ và tôi trong các chuyến du ngoạn tại miền Nam Việt nam. Như người lái xe taxi chở chúng tôi đi khắp thành phố bỗng dưng bắt đầu hồi tưởng, các con phố trước năm 1975 trông như thế nào.

Trang sử hồng

Trong các chuyến đi dọc khắp Việt nam, anh đã thu thập tài liệu về tuyên truyền, chủ yếu là các áp phích. Tuyên truyền sử dụng nhiều yếu tố quá khứ?

Tôi cho rằng, đại đa số là như vậy. Mà cũng logic, bởi vì Đảng cộng sản Việt nam khai thác tính hợp pháp của mình từ lịch sử và cần thường xuyên nhắc nhở người dân những gì họ đã đạt được. Có nghĩa là năm 1945 và cách mạng, sau đó Pháp bại trận, Hồ Chí Minh và dĩ nhiên đỉnh cao của tất cả: cuộc giải phóng và thống nhất đất nước trong 1975. Nó như cái máy kể chuyện huyền sử.

Áp phích tuyên truyền kỷ niệm 60 năm thoát khỏi ách cai trị của của thực dân Pháp. Foto: Vuong Tri Binh, Wikimedia CC BY-SA 4.0

Và rằng đó là những trang lịch sử mang dấu ấn của đảng cộng sản, thì chẳng mấy ai quan tâm. Đó là câu chuyện hào hùng với kết thúc may mắn, hay đó là một lời dối trá hạnh phúc? Là gì đi chăng nữa thì cũng tốt hơn so với một sự thật đáng buồn. Nói một cách dễ hiểu, bằng cách này hay cách khác nhiều người đã nhận ra, rằng lớp sơn hơi bị hồng quá đến độ đáng ngờ. Nhưng để tìm kiếm sự thật, bạn cần nhiều nỗ lực. Cần phải làm gì đó, và người ta thường không mấy hào hứng.

Tại sao?

Bởi vì họ trực tiếp trải nghiệm được trong cuộc sống thường nhật, rằng cái chế độ mà họ sống trong đó, không cho họ có tiếng nói của mình. Kết quả là sự thờ ơ về chính trị. Nhất là giới trẻ, những người phía trước còn cả cuộc đời, chẳng thiết gì đến quá khứ: họ muốn một tương lai đầy tiện nghi, với mức sống cao.

Dẫu vậy không phải tất cả đều như thế và tôi biết khá nhiều các nhà hoạt động trẻ tại Việt nam, những người thấy nỗ lực tìm kiếm sự thật là điều đáng làm. Cũng nhiều phần bởi vì, ngày hôm nay điều đó thật ra không còn đòi hỏi quá nhiều cố gắng, một khi bạn biết sử dụng internet. Sau đó bạn sẽ thấy, tại sao lá cờ vàng với ba sọc đỏ lại bị cấm tại Việt nam. Và tại sao trên thế giới lại có cộng đồng hàng triệu người Việt sống rải rác khắp nơi.

Muốn được tìm hiểu sự thật. Thu thập được thông tin, để có thể tự mình quyết định - thì đó là một sự độc lập thực sự. Chứ không phải là những lời tuyên truyền mà đảng vẫn nuôi mớm người dân để giữ vững vị thế nơi quyền lực. Bảo vệ chế độ là mục tiêu số 1. Đảng cần phải làm sao để con thuyền của họ không quá tròng trành dưới chân, và ngoài việc tuyên truyền thì điều này còn cần một nền kinh tế vận hành tốt cùng với sự cân bằng giữa các tâm lý chống Trung quốc và ảnh hưởng của Trung quốc.

Quan hệ giữa Đảng cộng sản Việt nam với Đảng cộng sản Trung quốc như thế nào?

Rất gần gũi. Một cách sống còn, những người cộng sản Việt nam phụ thuộc vào các đồng chí Trung quốc nọ, nhưng đồng thời họ phải hết sức cẩn thận để ở nhà không bị coi là các con rối của Trung quốc. Điều đó đòi hỏi phải một thái độ hành xử đủ độc lập, chống Trung quốc vừa phải, nhưng đồng thời cũng phải lưu ý để không mếch lòng những người Trung Hoa đỡ đầu.

Quả thật là đỡ đầu?

Chị biết đấy, các lãnh đạo Việt nam dần dần đã hiểu mình đang trượt trên lớp băng mỏng đến thế nào. Khi bị giam giữ tại Sài gòn, tôi đã nói chuyện với các điều tra viên về tình hình trên Biển Đông và không thể không nhận thấy sự khó chịu trên khuôn mặt họ. Họ phải phản đối Trung quốc, bởi nó thuộc về huyền thoại của dân tộc Việt: rằng Trung quốc là kẻ thù truyền kiếp và luôn tìm cách thôn tính Việt nam. Không chống Trung quốc, họ sẽ gặp nguy cơ bị công luận phản đối. Thế là Hà nội cố tìm kiếm các ủng hộ quốc tế trong việc lên án cách hành xử của Trung quốc. Nhưng tất cả chỉ là một vở kịch lớn. Chẳng có bất cứ tuyên bố to tát nào thay đổi được một thực tế là Trung quốc đang chiếm thế thượng phong tại Biển Đông, rằng họ lớn và mạnh hơn gấp nhiều lần, và Hà nội biết rõ điều đó. Cũng như một thực tế là Việt nam phụ thuộc Trung quốc về mặt kinh tế. Ngoài ra, về cơ bản Đảng cộng sản Việt nam đang sao chép Đảng cộng sản Trung quốc. Củng cố quyền lực, cải cách ruộng đất, và ngày nay là luật về an ninh mạng.

Và Tổng bí thư? Sự tương đồng giữa Tập cận Bình và người đứng đầu đảng cộng sản Việt nam là Nguyễn Phú Trọng không thể bỏ qua: một người lãnh đạo mạnh mẽ đường lối cứng rắn, chiến dịch chống tham nhũng.

Khi quan sát kỹ hơn chắc chắn bạn có thể nhìn ra sự khác biệt, nhưng nếu không, sự thật là mô hình ở đây khá tương đồng - kể cả việc Nguyễn hiện vừa là Tổng bí thư, vừa là Chủ tịch nước. Cho dù trong lịch sử, chủ yếu Đảng cộng sản Việt nam được xây dựng theo đường lối lãnh đạo tập thể. Nhưng mặt khác Nguyễn điều hành một chiến dịch chống tham nhũng với mục đích tương tự như Tập: vâng, làm sạch đội ngũ, nhưng lại để có thể đưa người của mình lên nắm quyền.

Đây không phải là bản sao chính xác. Nhưng khá đủ nét tương đồng để có thể nhắc tới câu nói của Mark Twain: “lịch sử không lặp lại, nhưng có thể cùng vần điệu.”

Chấn song và truyền hình

Anh đã nhắc đến điều mà chính tôi muốn hỏi: năm ngoái anh bị giam giữ tại Việt nam. Anh bước thẳng vào tù từ một cuộc biểu tình tại Sài gòn để chống chính quyền, có phải vậy không?

Hồi tháng 5 tôi tốt nghiệp tại Singapore và sau đó tôi bay về Việt nam. Khi phát hiện có biểu tình ngoài phố, tôi đã cùng xuống đường, bởi vì tôi không đồng tình với cả hai điều luật này. Cùng với đoàn biểu tình tôi qua các con phố của Sài gòn với điện thoại trong tay, cố gắng quay càng nhiều, càng tốt và ngay lập tức truyền tiếp trên mạng, ngay cả khi điều này không đơn giản, bởi mạng internet rất chậm. Việc này thì chính phủ rất biết cách. Sau vài giờ một đội hình cảnh sát dừng chúng tôi lại và tìm cách lái chúng tôi trệch khỏi hướng về trung tâm. Nhưng tôi thấy những người cảnh sát không thoải mái với nhiệm vụ này, họ còn trẻ, đầy lo lắng và cũng sợ hãi hệt như những người biểu tình. Để vượt qua hàng rào của họ có lẽ chỉ cần một người.

Thế là tôi làm tới và quả thật họ đã để chúng tôi qua. Nhưng sau một vài ngã tư, các xe tải của cảnh sát đã lập rào cản. Tôi lại muốn giúp đỡ mọi người đi qua - tôi biết mình có thể liều lĩnh hơn, bởi vì tôi không phải là công dân Việt nam và tôi không bị nguy hiểm đe dọa như họ, ngay cả khi tôi biết người ta có thể bắt tôi. Rằng người ta có thể đánh tôi giữa đường thì tôi quả thật không ngờ.

Có bao nhiêu người xung quanh anh?

Khó nói, nhưng đường phố bấy giờ không thể qua lại được, người khắp nơi. Người ta cáo buộc tôi: không những tôi đã phá hoại trật tự công cộng, mà còn làm nặng thêm, rằng tôi gây tắc nghẽn giao thông. Họ đổ lỗi rằng có 14 người vì tôi mà bị trễ chuyến bay.

Điều gì đe dọa anh?

Hơn 7 năm tù giam.

Ít nhất anh đã thú nhận tội trên TV! Mà đây lại là một điểm tương đồng khác giữa Việt nam và Trung quốc: một buổi nhận tội được thu xếp và phát đi trên truyền hình quốc gia...

Đó cũng lại là một vở kịch. Để có thể giữ vững được quyền lực, Đảng đã đạo diễn hết màn trình diễn này đến màn trình diễn khác và lời thú tội trên truyền hình chỉ  là một phần. Tôi biết đến các màn này và không ngạc nhiên, khi họ yêu cầu tôi tham gia. Nhưng chủ yếu là tôi thấy, với "hứng thú" nào bên thứ hai bắt tay vào việc này. Tất cả đều ngán ngẩm: chúng tôi không muốn, nhưng ở trên yêu cầu, thôi thì làm cho xong.

Và anh tham gia?

Nếu không, sẽ bị rắc rối. Không chỉ cho tôi, mà chủ yếu là cho các viên cảnh sát, những người có nhiệm vụ phụ trách tôi. Họ xử sự tử tế với tôi, ngay cả khi dĩ nhiên liên quan đến việc tôi là công dân Hoa kỳ và vụ của tôi được Quốc tế biết đến khá rộng rãi. Ngoài ra tôi từ chối nói dối. Khi người ta muốn tôi xin lỗi vì gây tắc đường hoặc vì tôi làm gia đình và bạn bè lộ lắng thì tôi không có gì phải ngại. Nhưng ở đó có đoạn tôi định lật đổ một chiếc xe cảnh sát và nhiều chuyện khác. Tôi từ chối đọc. Họ chấp nhận và quay...

Tức là có nội dung viết sẵn trên bảng?

Toàn bộ điều này như là siêu thực vậy. Đầu tiên, tôi không có áo quần thích hợp, bởi tôi trong tù, thế là một viên cảnh sát cởi và đưa tôi áo sơ mi của anh ta. Sau đó, họ xịt gôm lên tóc tôi, chải đầu cho tôi và đặt tôi đứng trước camera - có lẽ chúng tôi đã làm đi làm lại đến 5 lần, cho đến khi giọng đọc của tôi đủ thuyết phục đối với họ.

Sự tầm thường của tội ác

Nghe thì như trò đùa, nhưng thực tế chẳng có gì đáng để cười, phải không? Nhất là khi người ta có quốc tịch Việt nam, chứ không phải quốc tịch Hoa kỳ.

Chính vậy. Bỗng nhiên tôi lọt vào tận bên trong cơ chế của bộ máy đàn áp mà tôi nghiên cứu mấy năm nay, và tôi nhận ra một cách đầy đủ rằng, động cơ chính của bộ máy này là sự sợ hãi. Bạn không nhất thiết phải sợ đến nghẹt cả tim, đến mức không thể thở. Sẽ là đủ khi cơ chế đó là một phần của bạn, như một chiếc áo khoác cũ, trần tục và tầm thường.

Như Hannah Arendt có viết, tính trách nhiệm như tan biến: “thì chúng tôi chỉ tuân thủ mệnh lệnh!” Bạn ngồi sau song sắt và quan sát các viên cảnh sát xem họ quan sát bạn như thế nào. Và bạn ý thức rằng họ chỉ là các bánh xe nhỏ trong hệ thống - và trong đó chính các bánh xe nhỏ này đã vận hành cả hệ thống, không có nó, cả hệ thống sẽ sập đổ. Và đồng thời họ chỉ là những người bình thường.

Ngoài giờ làm việc, khi không phải thẩm tra tôi, chúng tôi cùng viên cảnh sát "của tôi" trò chuyện hoàn toàn bình thường.

Ngoại trừ một chi tiết là anh ở sau song sắt và viên cảnh sát thì ở đằng trước.

Dĩ nhiên. Có điều, phi nhân tính hóa phe thứ hai không giúp được gì cho ai, chứ đừng nói đến việc biến họ thành ma quỷ. Tôi lớn lên trong môi trường, nơi người ta nói về những người cộng sản gần như những con quỷ ăn thịt người, các tuyên truyền bất đồng chính kiến thường vẽ Hồ Chí Minh như con quỷ có sừng. Điều này tốt cho cái gì? Bạn càng gây áp lực cho họ, họ càng kết nối với nhau trong tâm lý của người bị bao vây. Và tâm lý đó nuôi dưỡng chế độ đàn áp. Tôi tin vào điều ngược lại. Loại bỏ đen và trắng và tạo ra vết nứt trong sức mạnh được liên kết bởi ý thức hệ đó.

Như thế nào?

Rằng bạn đối xử với các bánh xe đó và nói chuyện với họ như những con người. Rằng bạn sẽ cố gắng thuyết phục họ rằng những người muốn cải tổ thể chế không phải là kẻ thù của họ. Chừng nào cộng đồng người Việt di cư trên toàn thế giới còn cao giọng, cộng sản xấu xa đến mức nào, sẽ chẳng có gì thay đổi. Sự tầm thường của cái ác là hai chiều: con người tạo ra chế độ và chế độ định hình con người. Chúng ta cần cố gắng lấp đầy cái khoảng cách giữa hai bên, hoặc ít ra là bắc cây cầu vượt qua khoảng cách đó. Tôi cố tình không nói về hòa giải, bởi từ này đã được những người cộng sản sử dụng sau năm 1975 khi họ đưa người miền Nam vào trại cải tạo.

Điều này làm tôi liên tưởng tới tình hình tại Séc sau tháng Mười một. Nhưng đáng tiếc cũng là tình trạng đảng và tham nhũng đồng hành, và nhiều người đã kịp thay áo, đôi khi thậm chí cũng chẳng thay. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như lại chính những con người đó sẽ bước qua cây cầu vượt qua vực thẳm Việt nam?

Tôi cho rằng đảng cộng sản có quyền tồn tại - vì điều này mà những người chống cộng người Việt những muốn khai trừ tôi, thậm chí còn cho rằng tôi bị triệu chứng Stockholm. Nhưng cũng có những người chống cộng ấn tượng với Trump và công khai ủng hộ ông ta và lại là điều vô lý đối với tôi. Và quan trọng nhất: Đảng cộng sản Việt nam có 4 triệu thành viên. Mặc dù con số đó có thuyên giảm, đảng trong công cuộc thanh lọc đang nhỏ lại và lão hóa. Nhưng 4 triệu người vẫn là rất nhiều. Làm gì với họ đây? Việt nam đã phải chịu hàng chục năm chiến tranh. Hàng triệu người đã mất mạng, hàng triệu người nữa đã bỏ nước ra đi, hàng trăm ngàn người bỏ xác trên biển trên đường đi tìm tự do... Chưa đủ hay sao? Tôi hiểu câu hỏi của chị và tôi không thể nói mình không lo ngại. Nhưng phải chăng chúng ta có cách nào khác, ngoài việc liều thử khả năng này?

Tôi không ngây thơ đến độ cho rằng chỉ cần đối thoại là đủ để cải cách chế độ toàn trị. Dĩ nhiên các bạn có thể chìa tay qua bàn, nhưng nếu bên kia không muốn, bạn cần có gì đó để đẩy nó đến. Người dân cần phải xuống đường, không thế không xong. Có một hy vọng là giới trẻ chẳng mấy thiết tha chuyện vào đảng.

Kinh tế đóng một vai trò lớn: Việt nam có năng suất lao động rất thấp, vì chế độ lấy mất đi tính năng chủ động của người dân. Ai đã vượt quá ngưỡng thờ ơ, sẽ ra đi tìm may mắn ở nước ngoài, để làm việc, học hành. Nhưng một số người lại quay trở lại và với cặp mắt mở to. Một số người khác lại được internet mở rộng cho cặp mắt. Và tất cả mọi người dần hiểu rằng sự thờ ơ trong chính trị không mang lại lợi lộc - khi bạn không quyết định vấn đề chính trị, sẽ có người khác quyết định thay bạn.

https://twitter.com/will_nguyen_/status/1187656789988380683

Người dịch: Thanh Mai

Ảnh trong bài: Nếu không ghi thêm, tất cả các ảnh trong bài này chỉ mang tính minh họa và có bản quyền như nguồn tin gốc đã đưa.

 

Booking.com
Tiêu điểm

Đọc nhiều

Thảo luận

Quảng cáo